Luân Hoán – Những trang hồi ký bằng thơ

(Hình minh họa: Unsplash. Bìa sách: Đỗ Trường)
Share:

Cách nay hơn chục năm, tôi đã viết: Luân Hoán, người kể chuyện bằng thơ. Tuy nhiên, ngay sau đó tôi đã nhận ra, bài viết chưa thực sự mở ra được hồn cốt, kiến thức và khối lượng sáng tác đồ sộ của ông.

Vì vậy, hôm rồi, nhận được tập bản thảo: Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal, do Luân Hoán gửi tặng, dù đang rất bận, tôi cũng dành thời gian đọc ngay. Một cảm xúc khác, Luân Hoán đã để lại trong tôi, khi đọc xong tập thơ dày đến 300 trang này. Thật vậy, Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal như một cuốn hồi ký về tình yêu, cuộc sống chìm vào nỗi nhớ quê nhà được Luân Hoán viết bằng thơ: “càng già càng bớt nhớ nhà?/ quẩn quanh nhớ mỗi cái ta thật nhiều/ nhớ từ thời bé hạt tiêu/ phơi nắng giang gió thả diều, đi rông“ (Trí nhớ về chiều)

Ở tuổi 84, với gần bảy mươi năm cầm bút, có thể nói Luân Hoán là nhà thơ kỳ cựu, quý hiếm còn lại của Văn học Việt hiện nay. Do vậy, ở thể loại nào thơ của ông cũng mộc mạc, dễ hiểu đi sâu vào mọi tầng lớp người đọc. Tuy nhiên, không chỉ ở tập thơ này, mà xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo, ta có thể thấy, sở trường Luân Hoán vẫn là lục bát. Tính trào lộng cùng những câu lục bát ngắt nhịp, vắt dòng (bắc cầu) này, Luân Hoán cho người đọc sự mới mẻ, với tiếng cười thật nhẹ nhàng:

“gốc gác nguồn cội Quảng Nam

ruột rà da thịt Hội An, thế mà

tôi như cục đất rã ra

trên sông Thu chảy mù xa bóng chìm (…)

Quảng Nam, tôi nuôi dưỡng hoài

trong âm nặng trịch lời sai nhạc vần

nhiều người nghe, trố mắt trông

lắng tai không chịu lắng lòng cảm thông (Xa Nguồn Mất Gốc)

Tuổi thơ với những tháng năm quê nhà

Bốn mươi năm lưu lạc nơi xứ lạnh Montreal, nỗi nhớ quê dường như thường trực trong hồn Luân Hoán. Một kỷ niệm nhỏ chợt hiện về, hay đọc một trang báo, một tấm hình về Hội An, nơi sinh trưởng cũng làm Luân Hoán bồi hồi xúc động. Và có lẽ, Văn học sử Việt ít có thi nhân văn sĩ nào giàu cảm xúc viết nhiều, viết kỹ về tuổi thơ như Luân Hoán. Thật vậy, chỉ bắt gặp Hội An qua một bức ảnh cũng đủ rung động, để ông viết nên những câu lục bát ngắt nhịp (xuống dòng) làm cho người đọc bâng khuâng, đồng cảm:

“nhìn ghe quá bộ thăm nhà

nhận mặt quen

nhớ ngả qua

một thời:

phố này, nơi tôi ra đời

đến hơn bốn tuổi mới dời thân đi

rồi về thăm,

rồi lại đi

ngày ăn đêm ngủ đôi khi qua vù” (Hội An Qua Ảnh Chụp)

Hội An. (Hình minh họa: Rebecca Walsh/Unsplash)

Chẳng (phải) riêng Luân Hoán, mà dường như kẻ xa tổ quốc nào cũng vậy, mỗi khi nhớ đất Việt, thường nghĩ về đồng quê hương lúa, dù được sinh ra, lớn lên nơi phố thị. Và: Nhạt Nhòa Không Rõ Tứ Thơ, một bài thơ được Luân Hoán viết trong tâm trạng như vậy. Với lời thơ tự sự, cùng bốn khung cảnh, diễn biến tâm lý đến hành động như đoản văn có mở…và kết thúc. Có thể nói, Nhạt Nhòa Không Rõ Tứ Thơ điển hình về thi pháp, kỹ thuật sáng tạo (ngắt nhịp, vắt dòng) trong thơ lục bát của Luân Hoán. Và nó cũng là một trong số những bài hay, có hình ảnh rất đẹp, toàn bích nhất ở tập thơ này của ông:

“lọt lòng không ở nhà quê

lạ kỳ tôi khoái màu mè nông thôn

mê sắc tươi xanh mạ non

màu lúa-con-gái, màu rơm ngả vàng

màu khói bếp ấm nhẹ nhàng

trắng hồng bay bổng chuyển sang lam buồn

tàu cau ươn ướt mù sương

vàng pha trắng nở mùi hương ngọt trời

bộ lông lưng trâu bóng ngời

đen nhánh khi buộc phải rời đầm nông…”

Đọc Nhớ Chim Làng Thời Ấu Thơ, Luân Hoán làm tôi nhớ đến truyện ký Con Sáo Của Em Tôi của Duyên Anh. Cả hai cùng kéo hồn người về tuổi thơ, với những năm tháng buồn cô đơn, song thật hồn nhiên, trong sáng. Và ở đó, nhà thơ mượn những con chim nhỏ ấy, để gửi hồn mình về nơi quên nhà. Nhớ Chim Làng Thời Ấu Thơ làm cho nhiều người đọc đồng cảm và rung động, không hẳn bởi bài thơ hay, mà vì thi sĩ đánh đúng vào tâm lý những người xa quê, xa tổ quốc gần bốn chục năm như chúng tôi. Một bài thơ hay, đôi khi chẳng cần đao to búa lớn, từ ngữ trừu tượng cao siêu, mà chỉ vài ba chi tiết, hình ảnh giản dị đặt đúng tâm trạng, văn cảnh cũng đủ làm rung động, găm sâu vào hồn người đọc: “một thời tôi chưa lớn/ mà biết mê rất nhiều/ chim là bạn quí nhất/ trong lòng tôi thương yêu/ chừ đã xa tất cả/ nghe đồn chim bỏ đi/ tôi nhớ từng chiếc lá/ nhiều loại cây thầm thì/ chim ơi cành nào đậu/ hơn là đất quê tình/ trót dại hồi hương nhé/ hãy nhớ nơi miếu đình”.

Và sông nước nơi đây đã nuôi dưỡng hồn thơ Luân Hoán. Để thi sĩ tìm đến cái rung động đầu đời ấy: “dòng sông sáng nhờ cái duyên/ cây cầu nho nhỏ nghiêng nghiêng mở đầu/ tôi dắt xe-đạp lên cầu/ không phải vì mỏi, vì màu áo bay…”

Phải nói, Luân Hoán có cái tài nắm bắt, khai thác tâm lý con người. Do vậy, dù viết về xã hội, hay tình bạn, tình yêu ông cũng làm cho người đọc phải bật ra tiếng cười. Rất nhẹ nhàng, song sâu sắc, và đôi khi vỡ ra như một thắt nút đã được gỡ bỏ vậy. Bởi, nhà thơ theo “màu áo bay” qua cầu. Một hình ảnh hoán dụ về người con gái, chẳng biết đẹp (hay xấu) làm cho Luân Hoán bỏ chạy, còn bạn Đynh Hoàng Sa thì chìm trong thương đau. Và “Vĩnh Điện, Dòng Sông Mẹ Hiền” là một bài thơ như vậy. Nó điển hình về đặc điểm này trong hồn thơ Luân Hoán:

“dọc theo sông có hàng rào

cây xanh dẫn thẳng đường vào nhà em

nhưng rồi ngoài cổng ngó em

liền lui trở lại vịn lên tay cầu

mơ hồ nhìn nước chảy mau

thấy Thoan quá đẹp lắc đầu trốn luôn

Đynh Hoàng Sa đã bị thương

còn tôi có lẽ chỉ buồn sơ sơ”

Thời gian làm cho Luân Hoán thay đổi thẩm mỹ văn chương, cái đẹp của tình yêu con người chăng? Nên thi sĩ khoái: “mê em màu mắt nâu nâu/ màu da lụa nõn ngã màu ngà voi/ yêu em dưới ánh nắng soi/ vàng nghiêng tóc chảy xuống vai dòng tình”. Vì vậy, Luân Hoán dừng lại (không chạy nữa) để làm người họa sĩ, chỉ vẽ linh hồn em: “vẽ đời chỉ dụng mùi hương”. Và ngoài tính tự giễu, ta còn thấy được sự chân thực rất đậm nét trong hồn thơ Luân Hoán:

“yêu em tay lướt lung linh

nguyệt treo vàng tỏa thủy tinh lên đàn

tháng ngày mê mải sắc nhan

tôi thành họa sĩ hạng sang ngoài luồng“ (Nhạt Nhòa Không Rõ Tứ Thơ)

Nếu được phép lựa chọn, với tôi: Kỳ Vỹ Hải Vân Sơn là bài thơ hay, đẹp nhất về đề tài quê hương đất nước trong tập thơ này của Luân Hoán. Ở đó, nhà thơ hình tượng hóa (hay ví) Hải Vân như một cô gái đoan trang, mỹ miều. Bởi vậy, ta không thể làm phép so sánh nhiều ít, nông sâu giữa Hải Vân và em trong sự xúc cảm, tình yêu của Luân Hoán. Nhưng chắc chắn có sự lầm lỡ, hối tiếc của em về một thời đã qua với thi nhân:

“mỗi chiếc lá mỗi trái tim

của rừng núi thật thiêng liêng nơi này

Hải Vân có mấy cánh tay

cánh nào cho phép tôi đây dựa vào?

đóa hoa loa kèn mỹ miều

dịu dàng tinh khiết đáng yêu, bây giờ?

phải chi em dám chọn thơ

biết đâu sống mãi trên tờ hoa tiên“

Người lính với năm tháng nơi chiến trường

Tốt nghiệp Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, cầm quân ngoại mặt trận, sinh tử là vậy, song vẫn thấy Luân Hoán hồn nhiên, luôn tự giễu mình, giễu đời: “tôi tham chiến liền sau khi tốt nghiệp/ cũng đàng hoàng hết khóa học chỉ huy/ ra cầm quân tập thêm vốn gan lì/ thật chưa kịp đủ chì bao nhiêu lắm“. Sự bông phèng ấy của Luân Hoán tuy giảm bớt cái nóng bỏng nơi chiến trường, song cho người đọc đồng cảm, xót xa thêm cho thân phận người lính trận:

“dính mảnh đạn vài lần cho em ngắm

hâm chín ngày tái khám mấy lần thôi

mặt trận tôi chơi, xứ địch đông người

và hầu hết người dân đều nhảy núi

tôi thuộc loại cảm thông người bất tử

nên nhiều khi lúng túng bị phản đòn

kể như ở hiền không được lên lon

mà bị loại chưa thâm niên chi mấy“ (Rớt Giọt Máu Mà Nhớ Chi Nhớ Miết)

Với tư tưởng, giọng thơ giễu nhại như vậy, nên đọc Luân Hoán, đôi khi ta cứ ngỡ, ông đi vào chiến tranh, đi vào cái chết dường như lãng mạn, thi vị lắm: “ai bảo hành quân không là du lịch/ phiêu bồng hay không tự ở lòng ta/ vượt bao núi xanh ngủ ăn bờ bụi/ hương sắc cảnh tình đuổi địch ra xa“ (Đi). Nhưng không, chính lãng mạn, tự tại ấy đã cứu rỗi linh hồn cũng như thể xác thi nhân: “sáng ngắm Sa Huỳnh, nhìn chiều Thạch Bích/ Nghĩa Hành hôn em chùng lén sau nhà (1)/ cảnh đã cứu em lẫn ta đổ ngã/ thân áp thân không tì nát nhụy hoa“ (Đi)

Đến Tam Kỳ – Lần Thứ Năm bài thơ mới được Luân Hoán viết vào Tháng 6-2024. Tuy viết về chiến trận, song ta vẫn thấy tình bạn, cùng sự phi lý của chiến tranh, với quyết định khó hiểu, bất ngờ của các tướng tá chỉ huy, đưa đến sự chán chường của người lính. Bài thơ phảng phất tính thời sự, một sự bất bình, không hiểu sao lời thơ Luân Hoán vẫn rất nhẹ nhàng? Nhiều lần tôi lần tìm, song không ra được lời giải đáp. Âu có lẽ cái tạng thơ văn Luân Hoán là vậy:

“bò lên cao nữa, dàn chào

AK khai hỏa thật giao tranh rồi

mỗi trận đánh mỗi tuyệt vời

khác nhau từ vã mồ hôi, máu người

đang thắng thế, lệnh rút lui

hành quân nhiều lúc dở hơi, bực mình”

Nếu ta bắt gặp sự tàn khốc chiến tranh trong thơ Tô Thùy Yên, hay Linh Phương, thì ở Luân Hoán một khoảnh khắc nào đó, ta vẫn tìm thấy sự yên bình ngay nơi chiến trường. Và Sa Huỳnh nơi chiến trường, hay một mảnh đất xôi đậu được Luân Hoán lấy làm lời tựa cho một bài thơ như vậy. Có thể nói, Sa Huỳnh có hình ảnh, lời thơ rất đẹp trong diễn biến tâm lý của người lính nơi chiến trường. Với tôi, đây là bài thơ hay nhất ở thể ngũ ngôn trong tập thơ này của Luân Hoán. Chúng ta đọc lại những đoạn trích dưới đây, (mà tôi không thể lược bỏ thêm được nữa) để thấy rõ điều đó:

“…chợt thấy dạng người tới

liếc mắt năm sáu sư

đầu chân trần bình bát

một hàng dọc từ từ (…)

con đường sát dòng nước

khi các thầy ngang qua

nắng xô bóng ngã xuống

nghiêng nghiêng trôi thướt tha

một khoảnh khắc kỳ diệu

thanh bình trong lòng tôi

buổi chiều chính thức đẹp

ít phút đời tuyệt vời

khi bóng lưng cuối, khuất

tưởng như nhẹ cả người

muốn mở bản đồ đọc

nhưng vẫn yên lặng ngồi…”

Chẳng biết đường tình của Luân Hoán thế nào, song có thể nói, rất hiếm nhà thơ viết về tình yêu nhiều và mãnh liệt như ông. Mãnh liệt đến độ đang hành quân người sĩ quan Luân Hoán cũng trốn, bỏ để vào Trường Trần Quốc Toản tìm dáng thơ: “có hôm lười bỏ hành quân/ một mình lững thững vào lùng dáng thơ/ bác cai lịch sự cười chào/ hỏi khéo: thầy gặp thầy nào ở đây?” Khí thế là vậy, nhưng gặp em, dường như Luân Hoán bị quê độ, hụt hẫng: “hình như có đám qủy ma lén cười/ khi vào phơi phới niềm vui/ lúc ra nặng những bùi ngùi bâng khâng.”

Bởi, có lẽ nhà thơ chưa đủ độ dày, độ chín chăng: “ta như chưa đủ phong trần/ lính trận đọng nét cù lần thư sinh“. Vâng, đây là bài thơ Ve Gái Trường Trần Quốc Toản (Quảng Ngãi). Tuy không nằm trong số những bài thơ hay của Luân Hoán, song ta thấy được sự pha trộn ngôn ngữ vùng miền trong thơ. Một trong những đặc điểm làm nên hồn vía thi ca Luân Hoán.

Thời gian cho ông quan (trai tơ) Luân Hoán dày dạn, trán bóng hơn. Do vậy, ông không vào trường nữa, mà dù về cafe phố phục kích dáng thơ của mình. Cùng tâm trạng ấy của người lính trận, nếu thơ của Nguyễn Bắc Sơn thiên về giang hồ, chán chường, và buông xuôi: “Mai ta đụng trận ta còn sống/ Về ghé Sông Mao phá phách chơi/ Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm/ Đốt tiền mua vội một ngày vui“ thì thơ Luân Hoán nghiêng về cái lãng mạn, học đường: “những em trường nữ dữ, hiền?/ đồng phục trắng nõn đương nhiên hẳn là/ những nàng tiên xoa dịu ta/ trong giờ bỏ trại tiêu pha nỗi buồn“. Như những trang hồi ký được viết bằng thơ, cho nên tính chân thực, hay tên người, làng xóm hiển hiện rõ trong con chữ của Luân Hoán. Và, Trưa dù về phố uống cafe là một bài thơ điển hình như vậy:

“trưa dù về phố giấu lon

ông quan bé xí rất còn trai tơ

uống ly cà phê, ngồi chờ

từ quán Tám Hú, ngó giờ thường xuyên (…)

ai dè nắng giữa thinh không

sáng lên một gã quân nhân thất thường

câu thơ bụi hết nằm suôn

vào “Miền Trú Ẩn Hoang Đường” mất tiêu

tìm địch quân lì ra chiêu

tìm “hồn thơ” chẳng dám liều bỗng nên”

Kết thúc chiến tranh, cũng như những bạn đồng ngũ, người phế binh cụt chân Luân Hoán phải ra đi khi: “khổ nhục tiếp theo cũng đã qua/ kẻ thắng mở ra “Đại Học Máu”/ chính nghĩa bất ngờ rõ nét ra.” Và từ đó, Luân Hoán có cái nhìn khách quan, chân thực sâu sắc, rõ nét hơn. Vì vậy ngòi bút của ông: “lý tưởng tin yêu càng dồi dào/ suy tư đơn giản theo câu viết/ màu mực chuyển sang màu máu đào”. Và với Luân Hoán chỉ có tình yêu chân thực mới có thể vá lại những linh hồn rách nát của con người, nhất là những người lính buộc phải rời xa tổ quốc:

“làm kẻ nửa đời vô tổ quốc

bạn và tôi viết để yêu thương

chính mình, quá khứ và đơn giản

khỏa lấp từng đêm ngấm nỗi buồn” (Gửi nhà văn Hà Thúc Sinh)

Năm tháng ly hương, với ước nguyện sau cùng

Có lẽ, không có nỗi đau, nỗi buồn cô đơn nào bằng phải sống xa Tổ Quốc. Và Luân Hoán cũng vậy, ngày thân đất khách, hồn đêm quê nhà. Nỗi nhớ thương thường trực trong lòng, buộc ông cô lại thành thi tập: Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal. Và cùng một nỗi nhớ thương, song dường như mỗi người có sự biểu hiện, cảm xúc hay hành động khác nhau. Tuy nhiên, Luân Hoán nhớ nhà sinh tật đứng đường, kể cũng lạ. Dường như căn bệnh này chỉ có ở nơi ông: “mỗi khi se sắt nhớ nhà/ tay thường chà nhẹ lên da thịt mình/ cảm nhận nhịp máu về tim/ lâng lâng vang vọng tiếng chim gọi đàn”. (Nhớ nhà sinh bệnh đứng đường). Và trong sương khói mờ ảo, với căn bệnh đứng đường như vậy, Luân Hoán không chỉ nhìn thấy miền quê yên bình, nơi mình đã được sinh ra: “mơ hồ thấy vồng khói lam/ nổi theo ngọn nắng chiều tràn nhánh sông/ vi vu theo gió thinh không/ giọng ru em trải mênh mông ruộng đồng” mà ông còn thấy bi thương của Đà Nẵng, thành phố mấy chục năm gắn bó. Với biện pháp tu từ so sánh, Luân Hoán làm cho ai đọc cũng phải bật ra tiếng cười xót xa: “một thành phố không ăn xin ăn trộm/ chuyển nhanh qua ăn hối lộ như rươi/ bọn xếnh xáng không còn mua gái nữa/ mua đất xây nhà lập căn cứ “trồng người” (Sót lại trong trí nhớ)

Đọc bài “Mì Quảng từ tay em” chợt cho tôi nghĩ: Hiện nay, Luân Hoán và Trần Mạnh Hảo là hai thi sĩ làm thơ nhanh, với bất kể đề tài nào dù là nhỏ, và tầm thường nhất. Tôi đã đọc, và lên lạc với Luân Hoán mấy chục năm nay, nên hiểu khá rõ tài năng này của ông. Còn Trần Mạnh Hảo cách nay chục năm, tôi rong ruổi chở ông bằng xe hơi hàng ngàn cây số khắp Đức – Tiệp. Nơi đâu ông cũng có thơ, từ cây cầu, bức tường, tảng đá… một cảm xúc nào đó, cũng bật ra thơ. Tất nhiên, nhanh ứng khẩu như vậy, không phải câu thơ, bài thơ nào của Luân Hoán, của Trần Mạnh Hảo cũng hay.

Và Mì Quảng từ tay em, là một bài thơ ra đời (trong tích tắc nhanh gọn) như vậy của Luân Hoán. Ở đó, Luân Hoán đã mượn tình yêu của người vợ, cứ như định luật bắc cầu trong toán học vậy, để thổ lộ nỗi lòng của mình với quê hương Xứ Quảng. Có thể nói, đây là bài thơ dân dã, song mang nhiều thông điệp đến người đọc, mà tôi rất khoái:

“nhờ nhai luôn nghĩ tới

quê hương trong miệng ta

không dám nịnh vợ quá

nhưng em nấu mì ngon

ăn như đang hưởng lộc

ăn như đang được hôn

mì Quảng ơi mì Quàng

nhạt quốc túy còn hồn.”

Vẫn cọng mì, và đôi đũa tre thuở ấy, Luân Hoán không chỉ cho thấy tình yêu, thủy chung nơi quê nhà, mà còn cho ta thấy sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế với lối so sánh ẩn dụ: “im nhai từng cọng lòng thòng/ hương cao lầu thuở phải lòng ai xưa/ ngọn đũa nhựa hình như thua/ chất tre thấm nước lèo đưa đẩy tình“ (Thăm nơi ra đời).

Ở cái xứ lạnh Canada, có lẽ may mắn nhất cho Luân Hoán luôn nhận được sự ấm áp từ người vợ. Bởi bà luôn bao bọc, an ủi thúc giục Luân Hoán làm thơ, viết văn. Sự cảm thông, cùng đồng hành này của người vợ giúp cho Luân Hoán đi đến tận cùng trang thơ. Thành thật mà nói, tình yêu, đức hy sinh ấy của bà dành cho Luân Hoán, rất ít nhân văn thi sĩ nào có được. (Trách gì, nhìn ông Luân Hoán mặt lúc nào cũng phơi phới). Do vậy, đọc Hệ Lụy Cùng Ràng Buộc của Luân Hoán làm tôi xúc động. Lời tự sự ấy của người vợ không đơn thuần chỉ an ủi chồng, mà nó như một châm ngôn, triết lý sống vậy:

“anh viết tự nhiên đơn giản

như anh thở

anh hắt hơi

anh trân quí khi viết

sao như lạnh nhạt lúc xong rồi một bài thơ

và chúng thật sự đã chết

khi anh cho vào những trang giấy in thành sách.

sách là nấm mồ chăng?

chẳng có ngày nào anh không làm thơ

kể cả vào bệnh viện

em mừng“

Với thi sĩ Du Tử Lê: “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển,” còn Luân Hoán ước nguyện cuối cùng: “chỉ là mộng ước tào lao/ thằng em mua được chỗ nào vùi sơ/ hồn người trộn lẫn hồn thơ/ có mùi quê quán trộn vào hư vô“ (Hồi Hương).

Sự trộn thể xác, linh hồn của hai thi sĩ Du Tử Lê, và Luân Hoán vào đất vào hồn nơi quê nhà đều cho người đọc cảm giác chờn chờn, rợn rợn. Chỉ là tám câu thơ lục bát, Hồi Hương như những lát cắt tâm trạng của Luân Hoán. Tôi nghĩ, bài thơ này được vắt ra từ nước mắt của thi nhân. Đọc nó làm tôi cứ bâng khuâng, lửng lơ mấy cả buổi chiều, khi chiếc lá thu vàng đã rơi rơi trước hiên nhà:

“ra đi

nước mắt chảy thầm

trở về

mất dạng điếc câm đời thường

cái hũ nho nhỏ

ngấm buồn

nhúm cốt

nguội lạnh

như tuồng lao chao.”

Có thể nói, tập thơ Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal là những trang hồi ký nỗi buồn đau của Luân Hoán và của cả những thân phận lạc loài như chúng tôi. Lời tự sự cùng giọng thơ giễu nhại cho người đọc tiếng cười sảng khoái, nhẹ nhàng. Gần bảy mươi năm cầm bút, ông để lại cho đời nhiều tác phẩm giá trị về cả nội dung lẫn nghệ thuật.

Tuy chốt bài viết này bằng bài thơ Hồi Hương, nhưng tôi nghĩ, Nỗi Nhớ Quê Nhà Từ Montreal chưa phải là tập thơ cuối cùng của Luân Hoán. Bởi, bước vào tuổi 84 sức khỏe cũng như hồn thơ ông vẫn còn rộn ràng, tươi trẻ lắm.

(Leipzig – Tháng Chín, 2024)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: