Khảo luận: Giáo dục Nhật Bản dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng (1)

Bài 1: Minh Trị Thiên Hoàng lên ngôi (1868)
Share:
Minh Trị Thiên Hoàng (Emperor Meiji) (Hình: Simon Speed/Wikipedia.org)

Theo truyền thuyết, Nhật Bản là một dân tộc đã có một lịch sử sinh tồn hơn 3000 năm, lãnh thổ khởi đầu của Nhật Bản là giải đất nhỏ ở một tỉnh phía bắc của Cửu Châu đảo (Kyushu), một hòn đảo lớn ở miền Nam Nhật Bản (lớn hàng thứ 3 và bao gồm  7 tỉnh trong đó có cả tỉnh Okinawa của Nhật bản ngày nay).

Cũng theo truyền thuyết thì thuỷ tổ của dân Nhật Bản là thần nữ Amaterasu Oomikami. Bà đã ban ra một sắc lệnh trao quyền lực cho người cháu trai của bà xuống trần gian dưới danh nghĩa Thiên Hoàng của đất nước và dân tộc Nhật bản để gìn giữ ngai vàng, di truyền nòi giống. Ngôi vị Thiên Hoàng đó phải được truyền nối vĩnh viễn từ đời này sang đời khác mà cai trị con dân Nhật bản, mở mang bờ cõi tạo hạnh phúc cho muôn dân. Với ý nghĩa của lời truyền dậy này của thần nữ  Amaterasu thì ngôi vị Thiên Hoàng có vị trí tối thượng và vĩnh cửu chỉ dành riêng và duy nhất cho hậu duệ của người cháu của bà mà thôi, tuyệt đối ngôi vị này không bao giờ cho giòng giống khác.

Với sắc lệnh này của nữ thần Amaterasu Oomikami đã ghi sâu vào tâm khảm của dân tộc Nhật bản với tinh thần “TRUNG QUÂN ÁI QUỐC“ luôn luôn coi ngôi vị Thiên Hoàng là tối cao và vĩnh cửu. Chính vì sắc lệnh này mà lịch sử của Nhật bản hoàn toàn khác với các quốc gia khác trên thế giới, chẳng hạn như như Việt Nam, Trung Hoa, Đại hàn….Tại các quốc gia đó, ngôi vua được thay đổi qua các triều đại, mỗi triều đại được lãnh đạo bởi một dòng họ khác nhau. Nhưng Nhật bản, từ khi lập quốc đến nay, ngôi vị Thiên Hoàng được tiếp nối liên tục chỉ bởi duy nhất một dòng máu, đó là dòng máu của nữ thần Amaterasu Oomikami. Chính vì vậy quốc gia Nhật bản đã trải qua rất nhiều thời đại, dù có lúc ngôi vị Thiên Hoàng suy yếu để cho các tướng quân, lãnh chúa chèn ép, dành lấy quyền hành Thiên Hoàng để điều khiển đất nước, quản trị, lãnh đạo các sứ quân. Nhưng không có một thời đại nào, dòng họ nào dám huỷ bỏ vai trò của Thiên Hoàng bởi vì lời di truyền của vị Thần Nữ tổ tiên của họ.

Ngành giáo dục của Nhật bản dù bị những tác động của thời cuộc nhưng nhìn chung vẫn dựa vào  tinh thần căn bản từ sắc lệnh của vị Nữ Thần Amaterasu, thuỷ tổ đó để phát triển. Dĩ nhiên qua những thời đại khác nhau, ngành giáo dục cũng có những biến hình theo trình độ tiến hoá của dân tộc và của thế giới. Nhưng nếu nhìn kỹ,  nó vẫn giữ được một sự bất biến đó là tôn vinh giống nòi Nhật bản qua hình ảnh của Thiên Hoàng, vị trí bất khả xâm phạm trong sự kính yêu của dân tộc Nhật bản.

Trên căn bản tôn vinh và bảo trí ngôi vị thiên hoàng đó, người ta có thể đơn giản hoá chia giáo dục Nhật bản ra những thời kỳ khác nhau tùy thuộc vào sự phát triển của xã hội cũng như ảnh hưởng từ các tôn giáo trong xã hội Nhật bản như Đạo Phật, Đạo Khổng, Thần Đạo. Rồi dưới sự phát triển kỹ nghệ và văn minh của Tây phương, dĩ nhiên nền giáo dục của Nhật cũng bị ảnh hưởng nhưng nhờ  sự khôn ngoan, thức tỉnh của chính quyền Nhật bản đã đưa đất nước dân tộc họ lên đài vinh quang.

Trong khuôn khổ bài viết này, chi nêu lên khái quát về sự biến đổi của nền giáo dục của thời đại Tokugawa (Tokugawa Jidai ) kéo dài từ năm 1603  đến năm 1868 trước thời đại Minh Trị Thiên Hoàng. Với khoảng thời gian hơn 265 năm này, nếu không kể đến thời gian sau đó, thời đại huy hoàng của Minh Trị Thiên Hoàng thì thời đại này được coi là thịnh vượng nhất trong lịch sử của Nhật bản về mọi lãnh vực kề cả lãnh vực giáo dục. Ngành giáo dục đã được các vị tướng quân của Mạc Phủ Tokugawa khuyến khích, giúp đỡ để phát triển một cách rất mạnh mẽ. Họ mời gọi những vị thông thái trong nước và hải ngoại đến dậy về Nho Học, Phật học, Thần Đạo. Họ nhập cảng những sách báo về khoa học, công nghệ sản xuất, văn hoá từ Tây Phương.

Trong thời đại Tokugawa thịnh trị này chính phủ mở ra những trường công lập dành cho con cháu dòng họ tướng quân Tokugawa và hàng võ sĩ Samurai, tuy nhiên vẫn có một số ít dành cho thường dân nhưng có địa vị, giàu có trong xã hội. Các môn học có thể là văn chương, giáo lý Khổng Mạnh, nghệ thuật… như thời đại trước, bên cạnh đó cũng có những ngành học thiên về kỹ thuật, âm nhạc, nông nghiệp, toán học, y dược khoa, ngoại ngữ như tiếng Hoà Lan, Anh, Pháp, Đức, Nga… và cả trong nghệ thuật quân sự về lục quân, hải quân cũng như các kỹ thuật chế tạo khí cụ như đại bác, xe tăng, tầu thuỷ, kỹ thuật biến chế thực phẩm… Những ngành giáo dục đó không phải chỉ có trong các cơ sở giáo dục công lập mà còn ở  những trường tư thục nữa. Rất nhiều thương gia, quan chức, học giả Tây phương đến Nhật bản vào thời kỳ này đã rất ngạc nhiên khi thấy tỷ lệ người biết chữ tại Nhật đạt đến mức trung bình khoảng 80% dân số , tại các thành phố lớn như Edo, Kyoto, Osaka… còn cao hơn nữa (trong khi đó tại các quốc gia khác như Trung Quốc, Vietnam, Đại Hàn…. gần như hầu hết dân chúng vẫn còn chìm đắm với nạn mù chữ!)

Tóm lại thời tướng quân Tokugawa Jidai là một thời đại thịnh trị về mọi lãnh vực trong đó có lãnh vực giáo dục. Theo các nhà phân tích sử học của Nhật bản thì chính nhờ những thành công trong giáo dục  này đã là những viên gạch, những hạt mầm rất tốt, rất mạnh và hữu dụng đem đến những thành công của  những cải cách sau này của thời đại Minh Trị Thiên Hoàng vậy.

Có lẽ một khuyết điểm đáng chê trách nhất của thời đại Tokugawa Jidai là chính sách Bế Quan Toả Cảng, chính vì chính sách này mà nước Nhật đã phải ký những hiệp ước bất bình đẳng và nhục nhã với Âu Mỹ! Nhưng cũng chính nhờ nền giáo dục quá minh mẫn đó đã giúp những nhà trí thức,  sĩ phu yêu nước, những vị võ sĩ Samurai….  nhìn thấy  khiếm khuyết, sai lầm của chính sách bế quan tỏa cảng của Mạc Phủ Tokugawa là sai lầm. Cuối cùng họ đã đứng lên giành lại quyền điều hành quốc gia cho Minh Trị Thiên Hoàng, một vị thiên hoàng siêu tuyệt đã dẫn dắt đất nước và dân tộc Nhật đến điểm đỉnh của một cường quốc trên thế giới vậy.

Sau một loạt những hiệp ước bất bình đẳng, đầy nhục nhã mà Nhật bản đã phải ký với các đế quốc Tây phương dưới thời Tướng quân Tokugawa Keiki của thời đại Mạc Phủ Tokugawa (với Hoa kỳ 1854; với Anh, Pháp, Hoà Lan, Hoa kỳ 1864). Đã dấy lên phong trào yêu nước , đặc biệt được hỗ trợ từ các lãnh chúa (Daimyo) và các Samurai trên khắp mọi nơi với mục đích lật đổ chế độ Mạc phủ  (tương tự như chúa Trịnh của Việt Nam thời nhà Lê), phục quyền hành cai quản đất nước cho Thiên hoàng mà đã bị các chế độ Mạc phủ tiếm quyền gần 700 năm (1192- 1868).Trong đó khoảng 265 năm dưới thời đại Mạc Phủ Tokugawa (1603 – 1868).

Ngày 30 Tháng Giêng năm 1868 Thiên hoàng Komei, vị thiên hoàng thứ 121 của Nhật Bản bị bệnh chết. Ngày 3 Tháng 2, năm 1868 triều đình tôn hoàng tử Mutsuhito lên ngôi thiên hoàng thứ 122 của Nhật Bản với niên hiệu là Minh Trị (Meiji). Lúc lên ngôi ông chỉ là chú bé 14 tuổi rưỡi, hoàn toàn còn ngờ nghệch với chính trị cũng như kiến thức trị nước. Nhưng ông đã may mắn hưởng thụ được sự ủng hộ của đại đa số dân chúng, các lãnh chúa, các samuarai cũng như các sĩ phu tài năng, ái quốc … Họ đã tận lòng giúp đỡ, huấn luyện để ông trở thành một vị Minh quân  hạng nhất trong lịch sử Nhật bản và cũng là vị thiên hoàng được ái mộ nhất của Nhật bản. Ông đã thay đổi một nước Nhật nghèo đói loạn ly thành một quốc gia cường thịnh làm cho thế giới kính phục với những cải cách thần kỳ trong 44 năm cầm quyền của ông.

Khi chú bé 14 tuổi lên ngôi (1868) tình hình Nhật Bản lúc đó rất lộn xộn. Trong Triều phần lớn quan đại thần có tinh thần yêu nước, tôn vinh Thiên hoàng nhưng không thể tránh được những khác biệt về đường lối cai trị quốc gia nên tình trạng phe nhóm tranh chấp xảy ra. Ngoài biên ải xa thì một số lãnh chúa, Samuarai làm loạn. Đặc biệt với bang Satsuma, Choshu và Tosa ở miền cực Nam Nhật Bản. Thế lực của Mạc phủ Tokugawa kéo lên phía Bắc (Hokkaido) lập lên một quốc gia riêng biệt gọi là nước cộng hòa Ezo (1868) .Trong tình trạng biến loạn đó Minh Trị đã may mắn được sự giúp đỡ của các đại thần và ủng hộ của toàn dân nên cuối cùng tất cả đã được dẹp yên và an ninh quốc gia được thu về một mối.

Khoảng 11 năm đầu tiên lên ngôi, vì còn quá trẻ nên Minh Trị chưa có khả năng điều hành đất nước, công việc này hoàn toàn nhờ vào một cơ quan gọi là “ Thái Chính Quan “gồm các sĩ phu, các quan lại, samurai và cả các phiên vương lập ra nhằm mục đích giúp Thiên Hoàng cai trị đất nước. Cơ quan này gồm 5 phân bộ: Nghị Chính quan, Hành Chính quan, Quân Vụ quan, Hình Pháp quan và Hội Kế quan. Tất cả những cải cách ban đầu của Nhật bản từ Triều đình (Thái chính quan) đã làm nền tảng rất quan trọng cho những cải cách thần kỳ sau này của Minh Trị khi ông trưởng thành và thực sự chấp chính (1878). Dĩ nhiên sự phát triển vượt trội của Nhật đã làm cho Âu Mỹ ngẩn ngơ, kính nể phải có sự canh tân đồng bộ trên mọi lãnh vực. Nhưng từ những tài liệu lưu trữ, cho thấy trong suốt 44 năm cầm quyền của ông (1868-1912 ). Sự canh tân giáo dục cùng với 2 lãnh vực khác là Quân sự và phát triển kinh tế kỹ thuật là 3 lãnh vực được coi là quan trọng nhất trong chương trình canh tân.

Trong bài này chỉ đề cập đến sự canh tân, cải cách của ngành giáo dục mà thôi. Dựa vào mức sống người dân trong xã hội và những đổi thay trong cải cách giáo dục, có thể chia công cuộc canh tân giáo dục của thời đại Minh Trị, ra làm 2 thời kỳ:

-Thời kỳ canh tân giáo dục cơ bản ( 1968 -1885 )

-Thời kỳ canh tân giáo dục đổi mới ( 1885- 1912 )

(còn tiếp)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Phú Quốc
Là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, Phú Quốc mang đến sự kết hợp giữa vẻ đẹp thiên nhiên, bãi biển và các điểm tham quan tuyệt vời. SCMP…
Quảng Cáo
Ăn tỏi tốt… da
Được biết đến với hương vị nồng nàn và mùi thơm độc đáo, từ lâu, tỏi được ca ngợi vì không chỉ là một nguyên liệu hữu ích cho nhiều…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: