Bạn xưa Mai Thảo

Nhà văn Mai Thảo qua nét vẽ của họa sĩ Đinh Trường Chinh
Share:

PHAN LẠC PHÚC hồi niệm (KHỞI HÀNH hải ngoại – số 16 Tháng Hai 1998)

Gần Tết năm Canh Thân (1992) khi vừa tới Úc được nửa năm, vợ chồng già chúng tôi đi Mỹ thăm thân nhân, bè bạn. Chúng tôi có con gái đầu lòng ở San Diego – Cali. Dạo mới sang định cư ở Úc con gái đầu của tôi cũng ở Sydney. Nhưng sau chú nó tức là em ruột tôi P.L.T., gọi nó sang Mỹ chơi, rồi chú thím nó thay mặt chúng tôi gả chồng cho cháu. Thế là con tôi lập gia đình ở gần bên chú vùng San Diego. Khi chúng tôi sang được đến nơi anh em bè bạn trên đất Hoa Kỳ biết là chúng tôi rách nên anh em ở nhiều nơi gửi cho cái vé máy bay để tôi có dịp tới thăm bè bạn. Tôi đã được dịp đi Minnesota thăm Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Cao Đàm, Vũ Quang, Cung Tiến, – đi Seattle thăm Vũ Đức Vĩnh, Phạm Hậu, Hà Huyền Chi, – lên San Jose thăm Hà Thượng Nhân, Vũ Duy Hiền. San Diego không xa miền Santa Ana… nên tôi có nhiều dịp lên thăm anh em bè bạn vùng Little Saigon – và vợ chồng tôi cũng đã lên Los Angeles thăm anh chị Võ Phiến.

Nhưng trong dịp viếng thăm Hoa Kỳ năm ấy có một người bạn lại đi xe hỏa về San Diego chơi với gia đình chúng tôi. Đó là Mai Thảo. Mai Thảo ở Santa Ana, đi xe hỏa vài ba tiếng đồng hồ là tới San Diego, đã được thông báo trước, gia đình chúng tôi ra ga chờ đón. Chúng tôi đứng ở ngoài sân. Con gái tôi vào nhà ga đón bác Mai Thảo. Một lát sau, đã thấy hai bác cháu đi ra. Con gái tôi một tay xách cái valise nhỏ, một tay nắm tay ông bạn già của tôi mà tung tăng bước tới giống như bố con một gia đình nào đó vừa đi du lịch ở xa về. Trước 1975 Mai Thảo là người bạn rất gần gũi với gia đình chúng tôi. Tôi đã từng đưa con gái tôi lúc đó nó vừa mới lớn lên, cùng với bác Mai Thảo đi mua sách ở Xuân Thu hoặc là ăn sáng ở La Pagode. Con tôi rất thân với bố nên nó rất quí bạn của bố. Chính con tôi trong điện thoại trước đó mấy hôm đã thưa với bác Mai Thảo “mời bác về chơi San Diego nhà cháu vài ngày. Bố mẹ cháu chắc là vui lắm  – mà cháu cũng rất sung sướng”.

Hôm nay con tôi bày tỏ sự vui sướng ra mặt khi nó đích thân đi đón bác Mai Thảo ở nhà ga. Trên đường về nhà, nó còn dừng lại một tiệm Liquor nổi tiếng, đưa bác Mai Thảo vào và thưa “Bác thích rượu nào để cháu mua vài chai bác uống…” Bạn tôi xưa nay tính lừng khừng ít nói, sống một mình, không gia đình không vợ, không con mà bữa ấy bỗng bật cười và nói “Con nhỏ này, năm nay nó ba mươi mấy tuổi rồi mà vẫn lăng săng như trước nhỉ…”.

Không những tôi mà vợ con tôi đều biết là đón bác Mai Thảo thì việc đầu tiên là phải có rượu. Tôi cũng ít khi kể chuyện bạn bè cho gia đình vợ con nghe nhưng có một chuyện khiến tôi bắt buộc phải nói đôi điều về bạn tôi Mai Thảo. Năm ấy không nhớ rõ là năm nào, đầu vào khoảng cuối thập niên 60. Một ngày ba mươi Tết cập rập, sôi động và đông đảo người của Saigon. Tôi đi làm. Mẹ cháu thì bận cửa hàng cho nên chỉ còn chiều ngày 30 mà bao nhiêu việc phải làm cho xong. Trên chiếc xe nhà, chở chật cứng mẹ cháu và một lũ con, chúng tôi phải ráng đi vào cuối đường Phan Đình Phùng (bây giờ gọi là đường Nguyễn Đình Chiểu) vào nhà hàng giò chả Nguyên Hương nổi tiếng lấy vài cân giò về ăn Tết.

Đường chật ních người, ai cũng lăng săng vội vã đi sắm cho xong cái Tết. Xe chuyển dịch khó khăn, vất vả. Đến ngã tư Phan Đình Phùng – Nguyễn Thiện Thuật tôi chợt trông thấy bạn tôi Mai Thảo đang ở góc đường. Bạn tôi đứng đó, khoanh tay, nhàn tản… một biểu tượng khác hẳn với đám đông đang chộn rộn xung quanh. Tôi vội gọi lớn Mai Thảo, Mai Thảo nhưng trong cái ồn ào, náo nhiệt của chiều cuối năm đi sắm Tết, tiếng gọi của tôi chìm vào đám đông. Tôi thì tôi hiểu tại sao bạn tôi đứng đó. Bao nhiêu năm quen sống không nhà, lúc nào bạn tôi cũng cần một nơi để đến. Nhà một người bạn, một quán rượu, một tiệm ăn, hoặc một cái “vòm” nào đó. Nhưng chiều 30 Tết nơi nào cũng bận rộn làm lễ tất niên, đón gia tiên về ăn Tết và cũng là bữa cơm đoàn tụ gia đình trong lúc năm cùng tháng tận. Giao Thừa là giờ phút thiêng liêng và trọng đại đối với mọi mọi gia đình. Nhưng bạn tôi bao nhiêu năm nay sống một mình, không có gia đình nên chiều 30 Tết mà không biết đi đâu, về đâu. Tôi xung quanh đang có vợ, có con… nên càng thông cảm cái bơ vơ của người bạn độc thân chiều 30 Tết.

Thấy Mai Thảo đứng đó lơ ngơ nhà tôi vội bảo: “Sao không dừng xe lại xem anh ấy muốn đi đâu thì chở anh ấy đi”. Tôi không tiện trả lời nhưng tôi biết bạn tôi không phải thiếu phương tiện, mà bạn tôi kẹt là không biết nơi nào để đến. Nhà tôi lại hỏi tiếp: “Sao không về nhà?” – “Anh ấy có nhà đâu mà về. Chỗ ở của anh ấy thì cuối năm nó vắng như chùa Bà Đanh, chắc anh ấy chưa muốn về”. “Sao không về đón Tết với các cụ?”. Chúng tôi đều biết là Mai Thảo còn ông bà cụ thân sinh sống ở Saigon. Nhưng tôi biết bạn tôi không muốn gặp các cụ thân sinh ngày Tết. Tôi nhớ một bữa ngày đầu năm năm trước vận quần áo đi chúc Tết tôi có tạt vào nơi Mai Thảo ở. Tết đến mà căn phòng độc thân của bạn vẫn bừa bộn, hoang vắng.

Tôi định ra về bỗng Mai Thảo gọi tôi lại mà nói “P.L.P. moi nhờ toi một việc”. Chúng tôi vừa là bạn viết, vừa là bạn chơi nên xưng hô với nhau tùy tiện. Lúc thì ông ông, tôi tôi, lúc thì moi, toi – không câu nệ. “Cứ nói đi”. “Sẵn quần áo toi đi với moi về thăm ông bà già. Có toi ông bà già đỡ giảng moral”. Chúng tôi tới nhà ông anh Mai Thảo là nhà luật sư Nguyễn Đăng Thiện (Mai Thảo là Nguyễn Đăng Quí) ở giữa đường Phan Đình Phùng. Sau khi chúc Tết các cụ và ông bà Thiện, uống ly rượu Cointreau xong là tôi xin phép ra về. Mai Thảo cũng rút theo luôn. Khi ra xe, Mai Thảo nói: “Không có toi các cụ, nhất là bà thân moi thế nào cũng lại dục đi xem mặt đám này, đám kia. Sốt ruột lắm mà không biết thưa với các cụ thế nào?”

Sau khi biết qua tình trạng của bạn tôi Mai Thảo, về đến nhà mẹ cháu liền ghé vào tai tôi mà bảo: “Tết đến như vậy thì anh Mai Thảo anh ấy buồn lắm nhỉ”. Nói xong rồi nhà tôi liền đi lấy chai rượu Hennessy và một cân giò mà bảo tôi: “Thôi, chịu khó đi bố. Đem đến cho anh Mai Thảo anh ấy uống ly rượu cuối năm”. Từ đó có Tết đến là mẹ con nó, như một cái lệ, lại có chai rượu Tết bác Mai Thảo.

Sau bao nhiêu năm xa vắng Tết năm Canh Thân 1992 – chúng tôi gặp lại bạn xưa Mai Thảo ở Hoa Kỳ; con gái tôi có thưa với bác Mai Thảo “bác thích thử rượu nào để cháu mua về bác uống” thì nó cũng là tiếp nối các truyền thống bạn bè từ mấy chục năm xưa… Vào khoảng giữa năm 1956 khi tôi từ bỏ nghề chiến binh lội ruộng về làm báo chí ở Tổng Tham Mưu (Saigon) thì tôi ở với Thanh Nam; lúc bấy giờ Thanh Nam có một căn nhà trong ngõ Nancy. Mấy tên trai trẻ độc thân ở với nhau. Cùng ở nhà Thanh Nam lúc ấy có Vũ Quang Ninh – Quản đốc đài phát thanh Quân Đội, nhà thơ Thái Thủy và kịch sĩ kiêm “ngâm sĩ” Hoàng Thư. Ở trước cửa nhà Thanh Nam là nhà họa sĩ (kiêm thi, văn sĩ) Tạ Ty. Ở ngoài mấy bước là nhà “sáo sĩ” Tô Kiều Ngân. Cùng ở trong con ngõ này còn có gia đình của bạn hợp ca Hạc Thành với anh em các ca nhạc sĩ Nhật Bằng – Nhật Phượng – Thể Tần – Hồng Hảo.

Có thể nói đây là một cái ngõ “Văn nghệ”. Vì ngoài những khuôn mặt kể trên, các nhà văn, nhà thơ, nhà kịch đến ngõ này đông đảo. Nhà Thanh Nam luôn luôn rộng mở đón tiếp anh em. Hay đến đây nhất là Đinh Hùng – Vì cùng với tác giả Mê Hồn Ca, có Thanh Nam, Tô Kiều Ngân, Thái Thủy, Hoàng Thư là có gần đủ mặt thành viên ban Tao Đàn: “Tiếng nói của thơ văn miền Tự Do”. Thêm vài giọng ngâm nữ như Giáng Hương – Hồ Điệp hoặc Hoàng Oanh là đầy đủ một ban Tao Đàn chính hiệu. Vui chân đến đây họp mặt ăn nhậu còn có Vũ Khắc Khoan, Phạm Đình Chương, Mặc Thu, Mặc Đỗ, Thiếu Lang, Anh Ngọc,… Huy Quang (Vũ Đức Vĩnh) sau từ Nha Trang về Saigon cũng hiện diện trong ban Tao Đàn. Một buổi tôi gặp một người bạn mới trong cuộc họp bàn về việc dựng lại kịch thơ ở Saigon. Anh em định dựng hoặc Lên Đường của Hoàng Cầm hoặc Bến Nước Ngũ Bồ của Hoàng Công Khanh. Người bạn mới “lưng cao dài trán rộng” dáng điệu rất văn nhân tài tử ấy là Mai Thảo một danh tiếng đang bắt đầu lừng lẫy sau “Đêm giã từ Hà Nội”.

Người bạn mới ít nói thường nhếch mép cười nửa miệng. Nhưng khi được hỏi ý kiến lại nói rất hăng, vài sợi tóc xõa xuống vầng trán rộng tay chém vào không khí. “Tôi nghĩ là không nên diễn lại những vở kịch đó, dù nó có giá trị, nhưng giá trị đó là của một thời đã qua. Tại sao chúng ta không diễn kịch của chúng ta. Kịch hôm nay và bây giờ. Chúng ta phải có kịch của thời đại chúng ta chứ?”.

Đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy cụm từ “văn nghệ hôm nay” “văn nghệ bây giờ”. Vài năm sau nó thường xuyên xuất hiện trên Sáng Tạo. Mai Thảo và những người bạn của anh trong nhóm đã quyết tâm thổi một luồng sinh khí mới vào văn học Việt Nam. Sự hiện diện của nhóm Sáng Tạo là sự kiện đáng kể nhất trong 20 năm Văn học miền Nam. Có nhiều ý kiến về nhóm Sáng Tạo nhưng chắc không ai phản đối từ khi có nhóm Sáng Tạo, thơ văn miền Nam lạ hơn, mới hơn. Một nhóm nghiên cứu Văn học ở Pháp mới đây (trong Propos recueillis) khi nhìn về 20 năm Văn học miền Nam đã cho rằng nhóm Sáng Tạo đã có đóng góp lớn là đem lại cho văn chương miền Nam một thẩm mỹ mới, một nhạc tính mới.

Riêng về sân khấu, vì chủ trương không diễn kịch cũ mà phải có kịch của “thời đại chúng ta” nên những năm sau đó miền Nam đã có những kịch bản mới như Bão Thời Đại của Trần Lê Nguyên, Sân khấu của Dương Kiên, Bão Loạn của Tinh Vệ, Ba Chị Em của Thanh Tâm Tuyền, Thành Cát Tư Hãn của Vũ Khắc Khoan vv… (chỉ kể một số tác giả quen biết…). Tôi nghĩ chủ trương “Văn nghệ hôm nay”, “Văn nghệ thời đại” mà Mai Thảo chủ xướng trong nhóm Sáng Tạo đã không những tác động đến các thành viên trong nhóm mà nó còn là một chất xúc tác khiến cho những đoàn, nhóm, văn nghệ khác cũng đua nhau sáng tác, tạo nên một diện mạo đặc biệt của thi văn, nhạc, họa miền Nam.

Theo nhà văn đồng thời là nhà nghiên cứu văn học Võ Phiến, tác giả “Văn học miền Nam tổng quan” thì Văn học chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa hiện thời không công nhận Văn học miền Nam, coi như không có. Nhưng trong cuốn Từ Điển Văn học Thế giới (Dictionnaire universel des littératures) do nhà xuất bản Press Universitaire in tại Pháp đầu năm 1994 gồm trên 4000 trang, từ điển này có phần dành riêng cho Văn học miền Nam 1954-1975. Điều này sở dĩ có được là nhờ những người suốt đời sống cho Văn học như Võ Phiến như Mai Thảo…

Có một bữa, ban Tao Đàn của Đinh Hùng cần đến một bài thơ Huy Cận tiền chiến. Trong hành lý tôi vẫn mang theo bên mình tập Lửa Thiêng ấn bản lần đầu 1940 (?). Lửa Thiêng là một ấn phẩm tuyệt đẹp, bìa Tô Ngọc Vân, tựa Xuân Diệu,… tuy in trên giấy gió nhưng càng xưa càng đẹp, càng cũ càng quí. Đây là một kỷ niệm hành quân của tôi, ghi dấu một thời đi trận miền Zone Sud ngoài Bắc. Cuối năm 1953, trong cuộc hành quân theo chiến đoàn 2 (GM2) từ Xuân Trường sang Hải Hậu (Nam Định) ra gần đến biển, đơn vị tôi đụng trận ở Quần Liêu Văn Lý. Đánh suốt buổi trưa đến chiều mới qua cầu, vào được một khu dinh cơ tòa ngang giãy dọc. Đây là khuôn viên của một gia đình rất giàu có ở thôn quê. Đặc biệt khu nhà gác trông ra sông là một gian phòng đọc sách có một thư viện nhỏ. Trái phá làm đổ một góc căn nhà gác, một số sách rơi xuống ngổn ngang.

Tôi nhận ra những cuốn sách rất quí, những danh tác của các tác gia cổ điển Pháp và những sách nổi tiếng của các tác gia Việt Nam đương thời. Có cả một bộ tự điển Littré, bìa da chữ vàng. Tôi nghĩ đây phải là dinh cơ của một gia đình văn học lắm. Tôi cứ âm thầm than tiếc mãi cái thư viện bắt đầu đổ nát đó; phải bao nhiêu công trình mới thâu thập được những danh tác như vậy, bây giờ chiến tranh tràn đến nó có thể cháy, có thể tiêu tan bất cứ lúc nào. Tôi nhìn thấy cuốn Lửa Thiêng của Huy Cận trên bệ sách. Xưa nay tôi vẫn khao khát tập thơ tiền chiến này. Tôi cầm cuốn Lửa Thiêng ngoài bìa có triện son, mở ra xem. Cầm lòng không được tôi bỏ cuốn Lửa Thiêng vào trong túi quần treillis. Đây là vật tôi “thổ phỉ” đầu tiên trong cuộc đời lính tráng. Sau đó thấy sách quý rơi vãi đầy nhà, tiếc của Trời, tôi ôm mấy cuốn tự điển, mấy cuốn sách học cho vào một cái “sac marin” gửi về cho em tôi P.L.T. đang đi học ở Hà Nội…

Một bữa Mai Thảo đến nhà Thanh Nam chơi, nhìn thấy cuốn Lửa Thiêng để trên bàn. Giật mình Mai Thảo cầm cuốn sách lên coi, nhìn kỹ dấu triện son. Mai Thảo liền hỏi Thanh Nam “vì đâu có cuốn Lửa Thiêng này”. Thanh Nam chỉ tôi.

Tôi liền kể cho Mai Thảo nghe sự tích cuốn sách. “Có phải căn nhà gác có thư viện nhìn ra cầu phải không?”. Đúng – “Có những cây bàng dọc theo bờ sông phải không? Đúng – “Thế là nhà tôi đấy ông ạ. Triện son “Nguyễn Đăng…” còn ghi ngoài bìa sách đây mà”. Tôi ngượng ngùng nhìn Mai Thảo mà không biết nói sao, Mai Thảo tiếp “Ông giữ cuốn thơ này như vậy là may, vì sau đó cả khu dinh cơ ấy bị triệt hạ đâu có còn gì. Đây là di vật còn lại không ngờ của căn nhà cũ…” Tôi có ý định hoàn trả lại Mai Thảo cuốn Lửa Thiêng nhưng Mai Thảo nhất định “Ông phải giữ cuốn thơ này làm kỷ niệm”. Sau đó trong Sáng Tạo (bộ cũ) Mai Thảo viết một thiên tùy bút đặc sắc “Căn Nhà Vùng Nước Mặn”, Mai Thảo nói rằng vì tôi gợi nhớ nên Mai Thảo mới viết thiên tùy bút này. Chúng tôi cũng gần gũi nhau từ đấy..

Những cuốn sách học, tự điển mang triện son “Nguyễn Đăng” của gia đình Mai Thảo do tôi gửi về trong chiếc “sac marin” từ miền biển Quần Liêu – Văn Lý (Nam Định) đã là hành trang rất quí đối với em tôi P.L.T., tên học trò nghèo ở Hà Nội. Sau này di cư vào Saigon, em tôi mang “hành trang” ấy đi luôn. Nó thân thiết với em tôi suốt những ngày đi học – từ trung học và sau lên Đại học. Em tôi có ước mơ trở thành một thầy giáo dạy Văn – nhưng không ngờ, sau này chiến sự cũng hút nó luôn vào Quân Đội.

Mới đầu, P.L.T. không biết “Nguyễn Đăng…” là ai. Em tôi chỉ quí những cuốn sách như một phương tiện giúp nó học hành thi cử. Nhưng khi biết Nguyễn Đăng Quý là Mai Thảo nhất là khi đọc tùy bút “Căn nhà vùng nước mặn”, những cuốn sách kia đã trở thành kỷ niệm thiết thân của P.L.T.. Nó ghi dấu một quê hương đã xa, đã mất, một thời kỳ học trò nghèo vất vả ở Hà Nội. Cho nên trong cuộc di tản đau thương trước ngày 30-4-1975 trong muôn ngàn thứ không biết bỏ cái gì, mang đi cái gì, em tôi đã đem theo cuốn tự điển có triện son Nguyễn Đăng sang Mỹ. Đầu thập niên 80 khi Mai Thảo vượt thoát được tới định cư ở Santa Ana, Cali, em tôi P.L.T, đã mời Mai Thảo về chơi nhà nó ở San Diego. Một lần nữa, Mai Thảo lại nhìn thấy triện son “Nguyễn Đăng…” trên cuốn tự điển. Em tôi PL.T. có nói lại rằng Mai Thảo đã ngỡ ngàng lắm, đã bần thần lắm khi nhìn lại cuốn sách xa… Không biết Mai Thảo đã suy nghĩ, đã liên tưởng những gì mà Mai Thảo bỗng hỏi em tôi “Bao giờ gặp lại P.L.P.?”. Hỏi để mà hỏi thôi vì sau đó Mai Thảo thở dài. Có thể hiểu tiếng thở dài này vì khi vừa đến đảo ở Pulau Besar năm 1978, Mai Thảo viết thư sang Mỹ đã ghi “Những bạn bè chưa đi được của chúng ta… hãy biết vắn tắt là không hi vọng được thấy họ nữa…” (Thư cho VL)

Nhưng mà chúng tôi đã gặp lại nhau đầu Xuân 1992. Những chuyện tưởng rằng không thể xảy ra đã xảy ra. Không ai ngờ bức tường Bá Linh sụp đổ. Không ai ngờ đế quốc Sô Viết tan tành. Cũng không ai ngờ những tên “tử tù” tưởng sẽ mục xương trong xó rừng u tối, bây giờ đây đang được HO đi Mỹ hay là ODP đi Úc… Trong bữa tiệc tẩy trần ở San Diego, P.L.T đã nâng ly mà thưa với Mai Thảo: “Khi anh đến đây lần trước, cũng đã hơn 10 năm rồi anh có hỏi: Bao giờ gặp lại P.L.P. Em không dám trả lời anh; Bây giờ không ngờ lời thăm hỏi mà cũng là lời cầu chúc của anh đã thành sự thực. Em xin cảm ơn anh và xin mời anh ly rượu hạnh ngộ này”. P.L.T, đối với Mai Thảo, không những có sự trân trọng trước một nhà văn học hàng đầu – nhà còn có sự chân tình thân quí như đối với một người anh lớn.

Trong những ngày Mai Thảo ở chơi với tụi tôi ở San Diego, câu chuyện xoay quanh những người bạn cũ. Càng già càng cần có bạn, mà bạn già thì mỗi ngày thêm thưa thớt. Tôi đi tù cải tạo về được ít lâu ở Việt Nam đã nghe tin Thanh Nam Trần Đại Việt từ trần ở Mỹ.

Vài năm sau đến lượt Vũ Khắc Khoan. Một bữa từ Hóc Môn tôi lên nhà Thanh Tâm Tuyền ở Bình Thạnh. Tác giả “Bếp Lửa” ngậm ngùi nhà nói “Ở Minnesota Tuyết Ngưu Vũ Khắc Khoan đi rồi”. Giữa năm 1991, vừa tới Sydney được mấy tuần đang đêm nhận được tin Hoài Bắc Phạm Đình Chương vừa mất. Bao nhiêu năm không viết lách gì, bài đầu tiên tôi viết ở hải ngoại là bài tưởng niệm Phạm Đình Chương. Ngày xưa Đinh Hùng có nói “mỗi một người bạn là một phần đời sống của mình”. Lúc trẻ mình tưởng nhà thơ “bốc” mà nói vậy thôi. Nhưng càng già càng thấy đúng. Vì những chuyện ấy, vào thời kỳ ấy… nếu không còn người bạn ấy thì không biết nói với ai. Như thời kỳ ở ngõ Nancy nhà Thanh Nam – bạn bè nườm nượp – người vẽ, người viết, người làm thơ, người làm kịch… mộng còn xanh như tóc mà bây giờ còn lại những ai. Thanh Nam chết rồi – sau một thời kỳ cuống họng ung thư, nói không được, trò chuyện với vợ con, bạn bè đều bằng bút… Mai Thảo nói về lần cuối cùng lên Seattle gặp Thanh Nam – Túy Hồng:

Trong văn chương Việt Nam, bạn bè đưa tiễn, viếng thăm nhau cũng không phải là ít. “Bác Dương thôi đã thôi rồi – Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta” (Nguyễn Khuyến). “Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ – Có giống như mình lưu luyến, chăng” (Huyền Kiêu) nhưng không có lời nhắn gửi nào tỉnh táo một cách thảm thê như lời nhắn gửi của Thanh Nam với bạn: “Không bận gì tháng tới/ Về đây đưa đám tao”. Tháng sau quả nhiên Thanh Nam tắt thở. Trong số những bạn bè gần gũi của chúng tôi… Thanh Nam là người bỏ đi sớm nhất.

Chúng tôi thường gọi Vũ Khắc Khoan là ông “Thần Tháp Rùa”, tên một truyện ngắn rất đặc sắc của anh. Nhưng họ Vũ lại ra vẻ không vừa ý. “Đối với moi, trước hết và sau cùng là kịch”. Họ Vũ nói vậy. Anh nổi tiếng ở Hà Nội trước 1954 vì vở kịch Giao Thừa… Một vở kịch được công diễn nhiều lần ở nhà hát lớn Hà Nội. Vở kịch có một sự táo bạo đáng nhớ: “Sân khấu chia làm hai. Một bên là nhà của một họa sĩ nghèo một bên là nhà ông thợ mộc”. Sự “đụng chạm” giữa hai con người ấy, hai căn nhà ấy làm nên kịch tính… Thần Tháp Rùa theo họ Vũ cũng chỉ là một thứ kịch được “tiểu thuyết hóa” mà thôi. Vào Nam, vẫn theo con đường ấy Vũ Khắc Khoan viết kịch Thành Cát Tư Hãn, là chủ nhiệm bộ môn kịch tại trường Quốc Gia Âm Nhạc đồng thời giảng văn tại trường Đại học Văn khoa. Sau này, gọi Vũ Khắc Khoan là “đại hãn”, (một danh xưng đặc biệt của người Mông Cổ) mới thấy họ Vũ mỉm cười.

Mai Thảo từ tờ Lửa Việt của sinh viên di cư (1954), đã hình thành một nhóm người viết mới trong Sáng Tạo gồm Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sĩ, Trần Thanh Hiệp, Mai Thảo; các nhà thơ Tô Thùy Yên, Quách Thoại; các họa sĩ (và cũng là người viết) Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng, nhạc sĩ đồng thời nhà nghiên cứu văn học Cung Tiến. Vũ Khắc Khoan tuy không đứng hẳn trong nhóm Sáng Tạo nhưng anh là người bạn thân, người đồng hành của nhóm. Anh và Mặc Đỗ, Tạ Văn Nho, Nguyễn Mạnh Côn đứng trong nhóm Quan Điểm, một tập hợp Văn Nghệ – Chính Trị – nhưng nhóm Quan Điểm không tồn tại được lâu. Mai Thảo sau Sáng Tạo bộ cũ (giữa thập niên 50), Sáng Tạo bộ mới (cuối thập niên 50 và đầu 60), Nghệ Thuật (giữa thập niên 60) lại cùng với Vũ Khắc Khoan (cuối thập niên 60) chủ trương tạp chí Vấn Đề. Cái tên này đã được bắt nguồn từ một câu cửa miệng của Vũ Khắc Khoan “phải đi tìm cái vấn đề của vấn đề”.

Bạn tôi Thanh Tâm Tuyền làm “bếp” (thư ký toà soạn) cho Vấn Đề nên bạn dục tôi viết bài. Tôi nhớ trong số một của Vấn Đề tôi có viết một bài nhận định về Mai Thảo. Ngày đó ai cũng gọi Mai Thảo là nhà văn. Sau những tuyển tập đặc sắc Đêm Giã Từ Hà Nội – Tháng Giêng cỏ non… nhất là sau sự xuất hiện chấn động của nhóm Sáng Tạo với chủ trương “Văn nghệ hôm nay” Mai Thảo được coi là một nhà văn tiên tiến hàng đầu. Nhưng tôi nhớ là trong bài viết ấy (tiếc thay sau tháng 4 đen 75 và sau chính sách “phần thư” của người Bôn sê vích, sách báo tài liệu đều bị thiêu hủy, phân tán hết), tôi không nghĩ Mai Thảo là “nhà văn” mà tôi gọi Mai Thảo là nhà thơ – một nhà thơ bất toàn (un poete manqué).

Một người, ví dụ như Vũ Khắc Khoan, trước sau tự nhận mình là một người viết kịch. Những loại hình “văn nghệ” khác như văn, như thơ… đối với họ Vũ chỉ là thứ “làm chơi”. Cái chất của anh, cái tạng của anh là như thế – và họ Vũ đã nhận thức đúng về con người văn nghệ của mình. Mai Thảo cho đến lúc ấy ai cũng gọi tác giả Tháng Giêng cỏ non là nhà văn – ngoài đời Mai Thảo cũng đương nhiên hành xử cái nghiệp “nhà văn”. của mình. Về hiện tượng thì là như vậy. Nhưng bản chất thì lại khác. Đọc “văn” Mai Thảo thật sự là đọc một thứ thơ suôi. Chữ nghĩa điểm trang trau chuốt. Nhạc điệu câu vài thánh thót, bổng trầm – nhiều khi như một thứ biền ngẫu mới. “Xe lăn từng vòng – tôi nhớ lại những đêm Saigon cũ… Cuộc Sống tuần tự thênh thang chảy từ cái khúc sông thanh bình của buổi chiều nắng nhạt, chảy sang cái giòng suối hát ca của buổi tối lên đèn, chảy tiếp vào cửa biển mênh mông của đêm không cấm đoán, chảy sang cái ánh hồng của buổi sớm hôm sau… Những đêm Saigon tôi đã đi vào – Những đêm Saigon tôi đã sống với… Tới đêm mới là không khí thênh thang ca hát của những vỉa hè…” (Sau không giờ).

Đọc văn Mai Thảo, ví dụ như đoạn văn trên ta thấy sự kiện ít, tình cảnh nhiều. Giống như xem một bức tranh ấn tượng – màu sắc nhòa nhạt, đan xen, trộn lẫn. Nó cho ta một cảm giác về màu sắc hơn là chi tiết của sự vật. Nó khơi gợi nhiều hơn là chỉ vẽ. Nó là ngôn ngữ của thơ hơn là của văn.

Đọc Mai Thảo, người ta có cảm tưởng là nhà văn cân lời, lựa chữ lắm. Viết lách kỳ khu, bóng bẩy như vậy chắc mất thì giờ. Nhưng gần gũi với Mai Thảo khá lâu, nhiều lúc ngồi chung toà soạn (Tiếng Vang – Nghệ Thuật – Tiên Tuyến), tôi thấy Mai Thảo viết khá nhanh. Có lúc hàng ngày phải viết tới bốn feuilleton (chuyện dài đăng hàng ngày trên báo), Mai Thảo vẫn cứ thế, phăng phăng. Mai Thảo thường thích viết trên thứ giấy báo đã in một mặt, thứ giấy sốp và mềm, bút bi chạy hết trang này sang trang khác. Có khi “nhà chữ” đã đứng sẵn đợi bài – vừa xong mấy dòng lại xé đem đi xếp chữ; hoặc có khi tùy phái báo bạn đã đến hỏi bài mà tác giả vẫn còn đang viết chưa xong, “nhà văn” phải phóng tay cho kịp. Viết xong là đưa bài đi ngay. Không kịp xem lại mà chữ nghĩa Mai Thảo trước sau vẫn vậy. Trời sinh ra Mai Thảo là như thế, ở đâu, lúc nào cũng sống với một văn phong diễm lệ (un style pittoresque).

Ngay lúc bấy giờ, Mai Thảo cũng có làm thơ – Thông thường trước khi có nghiệp dĩ với văn chương, ai cũng bắt đầu bằng những vần thơ của thời mới lớn. Cũng có khi “un coup d’essai est lun coup de maitre” (thử thách đầu tiên đã là tác phẩm bậc thầy) như trường hợp Đinh Hùng, Tô Thùy Yên, nhưng chuyện này ít khi xảy ra. Có hai bài thơ của Mai Thảo đăng trên Sáng Tạo (bộ cũ) nhưng ký một bút hiệu khác: Nhị (Hình như Mai Thảo yêu riêng bút hiệu này nên trong một số tác phẩm khác, có những nhân vật mang tên Nhi). Đó là bài lục bát Nghe đất và bài thơ tự do Cái Đầu.

Bài thơ chững chạc, già dặn nhưng phảng phất hơi thơ lục bát Huy Cận. Bài thơ tự do “Cúi đầu”. Mai Thảo thích lắm, thường ngâm ngợi hoài những khi trà dư tửu hậu:

Bài này cũng chưa ra khỏi ảnh hưởng của bài thơ thời trước Gió thổi mùa thu về Hà Nội. Thơ Mai Thảo hay nhưng anh chưa tạo được cho mình một thế giới riêng một phong cách riêng dấu ấn đặc biệt của nhà thơ đúng nghĩa. Mai Thảo còn đang trên đường đi tìm một bản sắc. Tôi gọi Mai Thảo là nhà thơ bất toàn, thoạt tiên là vì như vây.

Nhưng sự “bất toàn” của Mai Thảo, theo tôi, được tìm thấy nhiều nhất ở nội dung những gì Mai Thảo viết ra. Cả văn, lẫn thơ Mai Thảo đều nhận chịu một sự phân ly khắc khoải. Ý chí của Mai Thảo, tuyên ngôn của Mai Thảo là phải băng mình lên phía trước, làm một cuộc đổi mới toàn diện cho văn chương thực hiện, “văn nghệ hôm nay” nhưng những gì Mai Thảo viết ra hay nhất, tinh tuyền nhất lại thuộc về quá khứ. Mai Thảo là nhà văn, nhà thơ của hoài niệm (un passéist). Những tác phẩm đáng kể nhất của Mai Thảo: Đêm giã từ Hà Nội, Tháng Giêng cỏ Non… là ảnh tượng từ trên cao nhìn về một thành phố thân yêu đã mất – hoặc ở xa nhớ về một mùa Xuân chỉ có trong hồi tưởng. Chính Mai Thảo, trong vô thức đã nhận ra sự bất lực, nằm trong sự mâu thuẫn không phương giải quyết của tâm hồn mình khi Mai Thảo viết trong bài tứ tuyệt Thừa:

Cái đau buồn rất cổ xưa mà Mai Thảo đeo đẳng như một số mệnh đã ngăn cản cái tâm tiền tiến. Cả một đời văn chương Mai Thảo vùng vẫy trong cải khoảng phân ly ấy. Già rồi, Mai Thảo mới chính thức làm thi sĩ, và nhận thấy mình bất lực. Bất lực là một dạng thức của sự bất toàn.

Bây giờ khi tôi viết những giòng này, bạn tôi Mai Thảo đang hấp hối. Nhưng mà yên tâm đi bạn ta. Bậc thiên tài của thi văn nước ta, Nguyễn Du, thế kỷ 18, trước khi từ giã cõi đời – cũng nghĩ rằng Người không đủ sức nói lên cái tâm sự bi thiết của mình cho hậu thế. Cho nên Người mới viết:

Bất tri tâm bách dư niên hậu.

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

Không biết 300 năm sau, có ai khóc cho Tố Như không?

Về văn thơ, về cái đẹp hay nói chung về thẩm mỹ thì mỗi thời gian, không gian, mỗi con người lại có một tiêu chuẩn riêng không ai giống ai mà cũng không ai bắt buộc được ai,”nhân tâm tùy thích”. Trong hàng hàng lớp lớp tác phẩm của Mai Thảo, có cuốn được chuyển thành phim ảnh, có cuốn được in đi in lại 5, 7 lần… nhưng riêng tôi trước sau chỉ thích “Tháng Giêng cỏ non”. Từ giữa thập niên 50, ngay từ tác phẩm đầu tiên “Đêm giã từ Hà Nội”, Mai Thảo đã nổi tiếng ngay. Đây là tiếng than dài sau một cuộc phân ly bắt buộc, là vết thương còn rỉ máu trong tâm hồn mọi người sau hiệp định chia đôi đất nước 1954. Nó phần nào thuộc về “thời sự”.

Mấy năm sau khi vết thương xa đã kín miệng, cuộc sống di cư đã đi vào nền nếp, miền Bắc, miền Nam trên thực tế đã thành hai chính thể khác biệt nhau, người di cư mới nhận ra rằng miền quê tưởng là “tạm thời” dời bỏ, bây giờ đã trở thành miền đất nhớ thương, không biết ngày nào trở về. Thời sự đã trở thành hoài niệm. Như đã nói, Mai Thảo là người viết về hoài niệm rất hay. Thời gian đã làm cho hoài niệm càng ngày càng sâu lắng. Trong “Tháng Giêng cỏ non” có những ngày đầu nô nức đi kháng chiến, bạn bè của một thủa “đầu đời lãng mạn”, quê hương rã rời tan nát trong “vành đai trắng”, “người thiếu nữ áo cổ vuông” không biết là người yêu hay là người bạn… tất cả thấp thoáng, nhạt nhòa ẩn hiện như những vết lân tinh chợt sáng, chợt tắt trong tiềm thức bóng đên. Vùng kỷ niệm đầy ấn tượng ấy là một cõi riêng đặc sắc của Mai Thảo.

“Tháng Giêng cỏ non” là một tập truyện; tôi vẫn nghĩ rằng “truyện ngắn” hay tùy bút của Mai Thảo hay hơn Mai Thảo truyện dài. Đọc Mai Thảo là đọc “văn” Mai Thảo hơn là đọc “truyện” Mai Thảo. Bạn tôi là một người làm thơ bằng văn suôi; dù Mai Thảo viết bao nhiều truyện dài chăng nữa, Mai Thảo vẫn không phải là người viết tiểu thuyết đúng nghĩa. Tôi không nhớ rõ năm nào, hình như vào đầu thập niên 60 thì phải, Mai Thảo có đưa tôi đọc một thiên tùy bút “Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời”. Theo như cung cách bạn tôi gửi gấm, Mai Thảo đã đặt nhiều tâm lực vào thiên tùy bút này. Vài bữa sau gặp lại, Mai Thảo hỏi “Sao?”, vẻ nao nức hiện ra trong ánh mắt. Tôi không trả lời ngay được, bởi vì tôi không cảm nhận được những “tín hiệu” ấy. Tôi không có chút kinh nghiệm nào về những chuyến đi xa như thế, nhung miền đất ấy hoàn toàn xa lạ với tôi, một “ngọn đỉnh trời” hay là một “miền tuyết phủ”. Tôi không phải là một nhà phê bình, nên cái “băng tần” của tôi chỉ đón nhận được những tín hiệu trong cùng tần số. Cho nên tôi đã trả lời bạn: Công phu thì có nhưng không “thú” bằng “Chuyến tàu trên sông Hồng”. Theo tôi “Chuyến tàu trên sông Hồng” mới là tùy bút đáng ghi nhớ nhất của Mai Thảo.

“Hình dung thấy con tàu đó trên con sông đó. Con sông Hồng Hà. Như dòng máu đỏ tươi chảy băng băng khắp vùng trí nhớ bâng khuâng…”. Tiếng còi tàu vang vọng hai bên bờ ký ức, gọi dậy những kỷ niệm. “… nhắm mắt lại mà theo dõi cái âm thanh không bao giờ mất ấy trong dòng hồi tưởng… Thấy vẽ ra trước mắt con tàu cũ, cái bến xưa, và tất cả những ảnh hình tuổi nhỏ chới với như một cánh bướm ma ẩn ẩn hiện hiện trong sương mù quá khứ“… Tôi cảm nhận được “Chuyến tàu trên sông Hồng” bởi vì tôi cũng đã có một thời, xách cái valise ọp ẹp, từ tỉnh lẻ Sơn Tây ra Hà Nội, đi theo tiếng gọi của tiếng còi xe hơi trên đường cái quan – cũng như tiếng còi tàu thủy của Mai Thảo, hay tiếng còi xe hỏa của Tế Hanh – đến những bến bờ xa lạ của cuộc đời.

Đầu Xuân 1992, tôi gặp lại bạn xưa Mai Thảo khi bạn từ Santa Ana đi xe lửa về San Diego chơi với tụi tôi. Kỳ này Mai Thảo có mang theo cho tôi cuốn thơ “độc nhất” trong cuộc đời sáng tác của bạn “Ta thấy hình ta những miếu đền”. Nhận cuốn thơ, tôi cười mà thưa với bạn: “Ít ra, tôi cũng nói đúng một điều. 25 năm trước (1967) trong Vấn Đề số ra mắt, nhận định về Mai Thảo, tôi đã nói bạn là nhà thơ trước khi là nhà văn”…

Vừa là bạn viết vừa là bạn chơi sau 17 năm xa cách, nên chúng tôi có nhiều chuyện để nói với nhau; chuyện cũ, chuyện mới, bạn xa, bạn gần, bạn chết, bạn sống. Chưa kịp đọc kỹ cuốn thơ “độc nhất” của bạn – mới feiuilleter qua loa. Tôi nghiệm ra một điều “đọc thơ, tùy theo tâm cảnh mà lúc thì thích bài thơ này, lúc lại thích bài thơ khác”.

Bữa ấy, thấy tôi đang đọc “Ta thấy hình ta những miếu đền” Mai Thảo giống như xưa lại hỏi “Sao?”. Kỳ này tôi dễ dàng hơn trước bởi vì khi đọc tập thơ độc nhất của Mai Thảo tôi nhận ra ngay những tín hiệu thân quen.

Trước đây, ngày còn ở Saigon khi “phùng trường tác hí” với nhau, có một Mai Thảo trước khi uống rượu và sau khi uống rượu khác hẳn nhau. Khi chưa uống Mai Thảo là một gã lừng khừng, dửng dưng, nguội lạnh. Nhưng khi nhìn vào rồi thì lại là một Mai Thảo bông lơn, đùa đùa, diễu diễu; những chuyện “không ra cái đếch gì” theo giọng điệu Mai Thảo lại trở nên có duyên kỳ lạ. Như chuyện “chỗ đặt” sau đây:

Không phải ai cũng đặt được như vậy và không phải ai cũng nói được cái chuyện “khó nói” ấy ra. Đây cũng là điều dễ hiểu khi Mai Thảo nổi tiếng phong lưu, tài tử, đã có trong tay những sắc đẹp rực rỡ nhất của Saigon, Mai Thảo đùa với người đẹp với cuộc đời, đùa cợt ngay với thảm kịch của chính bản thân mình nữa. Nghe nói lại, giữa thập niên 80, thấy mỗi ngày một gầy đi, xuống cân thấy rõ, Mai Thảo được một người bạn thân làm thầy thuốc kéo đi khám bệnh. Khám xong thấy Mai Thảo có ung bướu trong người:

Mấy chục năm rượu chè, văn nghệ, văn gừng đã để lại cho Mai Thảo một lục phủ, ngũ tạng như thế. Người bạn thầy thuốc đề nghị nghỉ uống rượu, và định ngày lên bàn mổ. Nhưng Mai Thảo cảm ơn người bạn thầy thuốc mà nói rằng “Mai Thảo mà thôi uống rượu thì cuộc đời này còn ra cái mẹ gì nữa.” Và vẫn tiếp tục uống; Mai Thảo uống nhiều hơn ăn. Đối với căn bệnh trầm kha trong người, Mai Thảo đề nghị một cuộc hưu chiến, Mai Thảo dỗ dành:

Cái trầm luân của kiếp người là do sinh, lão, bệnh, tử mà ra. Bây giờ bạn tôi “coi như pha” hết. Mai Thảo làm thân với bệnh, với nỗi chết gần kề. “Gối tay lên bệnh nằm thanh thản, thành một đôi ta rất đá vàng“. Đối với Mai Thảo, như thế là mọi sự đều vô nghĩa. Ngày xưa Mai Thảo nhất định sống một mình, không gia đình, không vợ, không con “để moi thử sống một đời với nghệ thuật xem sao?”. Bạn muốn xem nó ra sao – bây giờ nó hóa ra như thế.

Mai Thảo rượu vào là “nỏ” chuyện. Trước khi uống thì lừ đừ… cạy miệng không ra lời, chén chú chén anh vào rồi là vung vít. Những lúc ấy là “rượu nói” không hẳn đã là Mai Thảo nói. Người ta kêu bằng “bốc đồng”. Bài thơ “Ta thấy hình ta những miếu đền” là một cơn bốc đồng. Tôi có nói với bạn tôi như vậy. Mai Thảo cầm ly rượu xoay xoay, cười cười… Năm ấy 1992 tôi vừa ở Việt Nam đi ODP sang Úc rồi sang chơi bên Mỹ, tâm hồn tôi còn u ám về dĩ vãng, về những tháng năm rùng rợn vừa qua nên đọc thơ bạn… tôi cảm nhận bằng cái tâm cảnh ấy. “Ta thấy hình ta những miếu đền” đối với tôi chỉ là một cơn say. Ở với Cách mạng “tù trong cũng như tù ngoài” cơm đâu có mà ăn, lấy gì mà say – mà say sao nổi. Cho nên tôi đã rất thích bài Quê Nhà:

Đây là tâm sự thật, rất thật của tác giả. Ít ra Mai Thảo cũng đã có ba năm ở lại với Cách mạng đã trốn chui trốn nhủi ở “thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng”; rực rỡ như vậy nhưng dân thì ăn bo bo, ăn sắn, ăn khoai… còn không đủ, lấy đâu cơm trắng mà ăn. Cơm trắng là một cái gì xa xỉ, là một giấc mơ không với tới của mọi người. Thế mà bây giờ ở đây “cơm thừa mỗi sáng quăng thùng rác” – Không ở với Cách mạng thì không biết hạt cơm nó quý như thế đâu. Hai cụ thân sinh ra Mai Thảo vốn ở lại Việt Nam. Mai Thảo một phút nhớ quê nhà, nhớ cha, nhớ mẹ nên mới có những câu thơ ấy “Mẹ dặn hạt cơm là hạt ngọc – Mẹ già không có miếng cơm ăn“. Đối với người khác, sự khó khăn, khốn khổ khi ở với Cách mạng là phần số… Nhưng đối với các cụ thân sinh ra Mai Thảo “mẹ già không có miếng cơm ăn” nó thảm thiết hơn nhiều.

Tôi vì một sự tình cờ đã qua vùng Hải Hậu (Quần Liêu – Văn Lý) đã nhìn thấy dinh cơ của các cụ, tòa ngang dãy dọc; trong nhà có hẳn một thư viện “Nguyễn Đăng” nên câu thơ nó đi thẳng vào tâm hồn tôi. Trong những khi trò chuyện Mai Thảo có cho hay ngày xưa bạn bè ở Hà Nội, nghỉ hè hay là Tết kéo nhau về “căn nhà vùng nước mặn” lũ lượt, nghỉ ngơi, chơi đùa, học hành, ăn ngủ ở đấy. Không phải chỉ có bạn của Mai Thảo mà thôi – còn có bè bạn của các anh Nguyễn Đăng Thiện, Nguyễn Đăng Viên, Nguyễn Đăng Khánh nữa. Gia đình Nguyễn Đăng là một “đại gia” ở miền này.

Trong gia đình Nguyễn Đăng ai cũng làm ăn chân chỉ, người làm luật sư, người là tỉnh trưởng, người làm giáo sư… chỉ có Mai Thảo Nguyễn Đăng Quí là “lãng tử”… Mai Thảo đã đi ra ngoài cái nền nếp gia đình để làm “nhà văn”. Cũng theo lời Mai Thảo kể lại thì vùng Quần Liêu – Văn Lý, nơi có dinh cơ của các cụ chỉ là quê mới của gia đình Nguyễn Đăng, nơi các cụ đến làm ăn, sinh cơ lập nghiệp. Quê chính của dòng họ Nguyễn Đăng là ở làng Thố Khối – Bắc Ninh “quê hương quan họ”. Hai cụ thân sinh ra Mai Thảo đến ngụ cư ở Hải Hậu từ hai bàn tay trắng mà dựng nên cơ nghiệp như thế, chắc các cụ đã phải làm ăn cần kiệm, khó nhọc thu vén suốt cả một đời. Khi khá giả, giàu có rồi, các cụ vẫn dạy con “hạt cơm là hạt ngọc”. Bây giờ già, con cái tản mát bốn phương, gần đất xa trời “mẹ già không có miếng cơm ăn”.

Hoài niệm của Mai Thảo văn cũng như thơ đều âm u trữ tình, khắc khoải phần nào giống như những đoạn văn viết trong cơn mộng “Đi tìm thời gian đã mất” (A la recherche du temps perdu) của M. Proust. Ngày ấy tâm hồn tôi như vậy nên tôi cảm nhận văn thơ bạn như vậy. Tôi không có với Mai Thảo những kỷ niệm khi bạn ở Mỹ nên một số thơ trong “Ta thấy hình ta những miếu đền”, tôi không chia sẻ được. Nhưng qua mấy lần thăm viếng bạn ở trên căn gác nhỏ vùng Westminster (Little Saigon 1992) đọc những trang viết về bạn, nhất là bản thân cảm nghiệm cuộc sống người già nơi “đất khách” tôi mới dần dần thấm thía những vần “độc thoại” của bạn. Tôi gọi là độc thoại bởi vì những vần thơ ấy toát ra một sự cô đơn kỳ lạ, dù sống ở một nơi đô hội, ngựa xe như nước nhưng Mai Thảo vẫn  hình như sống trong một cõi riêng, nhật nguyệt đều xa vắng, chỉ có “mình” nói chuyện với “mình”.

Cõi nhân gian như vậy chỉ có mình ta. May ra chỉ còn ánh trăng soi rọi – ánh trăng âm thầm chiếu một cái bóng chênh – vênh, nửa say nửa tỉnh từ một phố thị nào đi về căn gác nhỏ đêm khuya.

Mai Thảo vẫn như người ta, vẫn sống, vẫn nhìn ngắm cuộc đời nhưng có thấy gì đâu. Một cái nhìn hướng ra bên ngoài nhưng thật ra đó là một cái nhìn quay ngược vào bên trong. Cái nhìn “trắng” “khô” và trống rỗng. Đành trở về với số phận mình:

Dạo còn ở Saigon, cuối thập niên 60 đầu 70 thời kỳ Đêm Màu Hồng, thấy Mai Thảo và Hoài Bắc Phạm Đình Chương đêm nào cũng gặp nhau uống rượu mà mặt mũi đăm đăm…, tôi đã rất thích câu văn của Mai Thảo “chúng tôi thân với nhau trong một tình thân thiết rất buồn rầu”. Không gặp nhau thì buồn, thì nhớ… nhưng gặp nhau rồi lại “chán quá không có chuyện gì mà nói với nhau”. Thế là lại lì lì uống rượu hết ly này sang ly khác. Buồn như thế, chán như thế nhưng mà vẫn cần có người bạn ấy ở bên. Bây giờ những năm sau 1991, ở Mỹ, Hoài Bắc Phạm Đình Chương mất rồi – Mai Thảo thường uống rượu một mình – Người sành rượu thường nói rằng: “Không gì buồn bằng “độc ẩm”. Không phải là uống rượu nhà uống nỗi buồn trơ trọi của mình:

Cái “bình đêm” ấy là một nỗi cô đơn, uống mãi mà không vơi, không cạn. Đó là tình trạng Mai Thảo những năm gần đây ở Mỹ. “Để moi thử sống một cuộc đời với văn nghệ xem sao”. Câu nói ấy theo sát cuộc đời Mai Thảo. Không gia đình, không vợ, không con… sống suốt một đời với văn chương, nghệ thuật để rồi… “thất thập cổ lai hi…” nơi quê người, đất khách hiện ra số phận của một “Người Viết Mướn”.

Hôm từ biệt Mỹ để về lại Úc (tháng 4-1992) chúng tôi đi từ San Diego lên sân bay Los Angeles. Phải qua vùng Santa Ana. Khi còn ở San Diego, Mai Thảo hứa xuống chơi với chúng tôi một lần nữa nhưng phút cuối Mai Thảo kêu đau chân không đi được. Qua Little Saigon, “mẹ cháu” vội nói “Rẽ vào chào anh Mai Thảo một tí chứ”. Xe quẹo vô khu nhà chung cư ấy – Nhìn lên cái cửa sổ trên lầu thấy cái rideau vẫn mở. Dấu hiệu Mai Thảo có nhà. Vợ chồng chúng tôi, vợ chồng con gái tôi kéo lên. Cái lầu của Mai Thảo có “chút xíu à” chật ếm, nào tranh, nào sách, nào giường, nào toilet, nào frigidaire, nào ấm đun nước, bình pha cà phê lỉnh kỉnh. Lúc ấy Mai Thảo lại đang có khách. Có ông bạn “Người Việt Đỗ Ngọc Yến” và nhà văn trẻ Thế Giang (nếu tôi nhớ không nhầm). “Tụi tôi về Úc hôm nay đây, rẽ qua “say good bye” với bạn”. Thấy nhà chật không tiện – ngồi lâu, chúng tôi đi xuống. Mai Thảo xuống theo, vội vàng cứ đi chân không mà cùng chúng tôi ra car park. Tôi đã lên xe rồi Mai Thảo còn cầm tay tôi mà nói “Tụi mình cũng không còn được bao lâu nữa đâu – Có dịp nào thì phải cố mà gặp nhau đấy nhé…”.

“Không còn được bao lâu nữa đâu” nhưng tôi nghĩ cũng không nên vội vã. Dăm mười năm thì chắc vẫn còn có thể. Nhưng nhà không ngờ từ dạo ấy đến nay đã quá năm năm rồi nhà tôi chưa có dịp nào trở lại thăm đất Mỹ. Cứ lần lần lữa lữa… Trong lúc đó nghe tin ở Mỹ nơi này nơi kia tổ chức chương trình Mai Thảo… đêm Mai Thảo. Có nơi anh em giục tôi viết về Mai Thảo nhưng tôi nghĩ “cứ từ từ”… Nhưng mà từ từ… không được nữa rồi.

Bạn tôi Mai Thảo tháng trước đây “bất tỉnh” phải đưa ngay vào nhà thương cấp cứu. Cái con bệnh trong người nó “gây thành chuyện” mất rồi. Tôi vội viết những giòng này mà nghĩ không biết có kịp hay không? Mai Thảo chỉ còn thoi thóp. Bây giờ tôi mong ước một điều “Tình lại đi Mai Thảo, tỉnh lại đi Mai Thảo”.

Nhưng một sớm cuối năm Đinh Sửu, bạn tôi Mai Thảo đã ra đi, không bao giờ tỉnh lại…

Nguyễn Trường Trung Huy chép lại từ bộ sưu tập riêng

Sài Gòn, Tháng Tám 2021

***

Đọc thêm:

Đọc lại hồi niệm của ký giả Phan Lạc Phúc về Mai Thảo

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: