Năm 1970, một tấm ảnh sinh viên chống đối bị bắn chết trong khuôn viên Đại học công lập Kent (Kent State University – gọi tắt Kent State) thuộc bang Ohio đã lập tức biến thành một “Biểu tượng không thể nào quên” của cuộc chiến Việt Nam. Nhưng điều gì xảy ra sau hơn 50 năm đối với cô gái 14 tuổi quì gối bên cái xác và la khóc trong bức ảnh gây chấn động? Nhà văn Patricia McCormick hai lần vào chung kết giải sách National Book Award đã lần lại lịch sử bằng một bài đăng trên tờ The Washington Post.
Bức ảnh lịch sử
Tháng Năm, 2020, sau khi Mary Ann Vecchio xem video người da đen George Floyd đang chết dần khi bị một cảnh sát da trắng chẹn cổ, bà cảm thấy giống như chính mình sống trong đoạn phim đó, nhưng thời gian và không gian là của quá khứ cách nay hơn năm thập niên.
Chiều ngày 4 Tháng Năm 1970, một sinh viên bị cướp đi mạng sống trong khuôn viên Kent State. Bức hình trắng đen ghi lại cảnh này với Mary Ann là nhân vật trung tâm thống thiết kêu gào sự giúp đỡ. Xác chết trong ảnh là sinh vên Jeffrey Miller và bức ảnh được xếp vào danh sách “những bức ảnh quan trọng nhất của thế kỷ 20” do nhiếp ảnh gia sinh viên John Filo chụp. Hành động của Mary Ann và biểu cảm tuyệt vọng của cô đã giáng một đòn mạnh vào niềm tin “những người lính Vệ binh quốc gia chỉ bắn vào kẻ thù”. Có người đặt tên cho bức ảnh là “The Kent State Pietà” để liên tưởng đến khổ nạn của Chúa Jesus sau khi bị đóng đinh trên thập giá.
Bức ảnh cũng làm thay đổi cơ bản cách người Mỹ nhìn vào cuộc chiến Việt Nam và thế giới chung quanh họ. Nó có ảnh hưởng lớn giống như bức ảnh một người cô đơn ăn mặc tươm tất đứng trước đoàn xe tăng dẹp biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn; hoặc bức ảnh bé gái Việt Nam Kim Phúc trần truồng chạy khỏi ngôi nhà gia đình vừa bị bom napalm thiêu rụi; hoặc bức ảnh xác bé Aylan Kurdi ba tuổi úp mặt xuống cát sau khi bé và mẹ chết đuối trên đường đào thoát khỏi Syria… Những bức ảnh có sức nặng hơn hàng ngàn bài diễn văn và khẩu hiệu tuyên truyền đã làm lay động trái tim nhân loại.
Nhưng ít ai muốn hoặc dám đào sâu vào thân phận bi thảm của những nhân vật trong ảnh, cả trước và sau khi bức ảnh được chụp. “Cuộc sống của tôi đã bị bức ảnh cướp mất hoàn toàn! – Mary Ann, hiện 65 nói – Đến nay tôi vẫn chưa thể bình thường trở lại. Nỗi ám ảnh sẽ kéo dài mãi”. Mary Ann đã cho báo chí phỏng vấn vài lần trong 25 năm sau khi ảnh được chụp. Là một thiếu nữ vào thập niên 1960, bà bị FBI quấy rối một thời gian nên luôn sống trong nỗi ám ảnh có ai đó đang theo dõi mình. Bà thường từ chối làm việc với những phóng viên có đảng phái hay có quan hệ với cảnh sát. Lần gặp nhà văn tự do viết cho tờ Washington Post mới đây, bà cũng chất vấn kỹ về điều này. Bà cho biết trước khi xảy ra vụ Kent State, bà là người có tư tưởng phóng khoáng kiểu “cô gái hippy yêu đời nhìn đâu cũng thấy cầu vồng rực rỡ!”. “Tôi tưởng tượng ra nhiều thứ phiêu lưu thú vị, kể cả một mình chèo xuống trên dòng sông. Tôi tin chúng ta có thể làm bất cứ gì nếu muốn” – bà tâm sự.
Có mặt không đúng nơi để… nổi tiếng!
Mary Ann sống tại thành phố Opa-locka thuộc tiểu bang Florida, cách không xa phi cảng quốc tế Miami International Airport, nơi người cha làm nghề thợ mộc. Mỗi lúc cha mẹ xung khắc, cô và các anh chị em rất hoảng sợ. Mary Ann thường một mình đi “lánh nạn” tại Miami Beach, cách nhà gần 30 km. Phải lang bạt nhiều lần như thế khiến cô sa vào ma túy và bỏ học. Tháng Hai 1970, khi cảnh sát bảo Mary Ann, lúc đó 14 tuổi, rằng họ sẽ bỏ tù cô nếu lại bị bắt quả tang chơi ma túy, Mary Ann phản ứng bằng cách đi hoang bằng đôi chân trần và tham gia phong trào hippy.
“Tôi không phải kẻ nổi loạn chống lại cha mẹ hay tham gia phong trào chống chiến tranh mà tôi chỉ muốn sống như một con người tự do đích thực, không bị điều khiển bởi người khác” – cô nói. Sau đó, Mary Ann lang bạt kỳ hồ khắp nước Mỹ, ngủ ngoài đồng hay bất cứ nơi nào có mái che. Cùng những đứa trẻ chung cảnh ngộ, cô làm đủ việc để có tiền mua thức ăn. Đi đây đó, được gặp những bạn mới, nghe nhạc chung và đàn đúm với giới trẻ bằng tuổi mình chính là giấc mơ cô ao ước. Cho đến khi Mary Ann đến Kent State ở phía Bắc Ohio, nơi vào ngày 4 Tháng Năm, các sinh viên tổ chức phản đối quyết định xâm lược Campuchia của Tổng thống Richard Nixon.
Mặc đồ jean, mang khăn quàng trắng, đi sandal hippy ai đó tặng, cô đi thẳng đến nơi sinh viên biểu tình. Trên đường, Mary Ann đứng lại nói chuyện với một sinh viên mặc trang phục thùng thình. Hai người nhìn một sinh viên khác vẫy cờ đen và thách thức Vệ binh quốc gia được gửi đến sau khi sinh viên đốt toà nhà ROTC hai đêm trước đó. Những người lính có vẻ muốn rút lui đến ngọn đồi gần đó thì họ bất ngờ bắn 60 viên đạn trong 13 giây. Mary Ann nằm xuống lề đường và chờ đến khi khói súng tan.
Cô thấy Jeffrey Miller, sinh viên mà cô vừa nói chuyện, nằm úp mặt xuống đường với vết thương xuyên qua miệng. Cô quị xuống kêu gào giúp đỡ với khuôn mặt thống khổ. Các sinh viên đứng gần kinh hoảng nhưng bối rối không biết phải làm gì. “Có ai thấy điều gì vừa xảy ra ở đây không? – Mary Ann nhớ mình hét lên – Tại sao không có ai giúp anh ta?”. Khi những người lính tiến đến trong tư thế súng cầm tay, cô hỏi họ câu hỏi giống như những người khác đã làm vô số lần trên khắp nước Mỹ từ nhiều năm qua: “Tại sao các người làm thế?”. Gần đó có ba cái xác nữa. Sinh viên Allison Krause bị bắn vào ngực; William Schroeder bị bắn vào lưng. Sandy Scheuer đang trên đường đến lớp thì bị bắn vào tĩnh mạch chủ. Tổng cộng bốn người chết.
Lúc đó John Filo đang theo học năm cuối tại Kent State. Anh gần như mất cơ hội chụp được bức ảnh lịch sử vì phải vào rừng chụp ảnh lá cây trà cho luận án tốt nghiệp. May mắn hôm đó anh được văn phòng báo địa phương nơi anh công tác nằm trong khuôn viên đại học nhờ tráng gấp một số ảnh. Đến giờ nghỉ trưa, “nhớ nghề”, anh cầm máy ảnh, bước ra bên ngoài và đến thẳng nơi có một sinh viên đơn độc đứng giữa nhóm Vệ binh và các sinh viên chống đối đang vẫy một lá cờ đen. John ghi lại tình huống này và anh nghĩ mình đã có một tác phẩm tuyệt vời. Vài phút sau, những người lính dàn hàng rào tác chiến với súng ống sẵn sàng.
“Tôi đưa máy ảnh lên mắt và nhắm vào một vệ binh. Anh ta hướng nòng súng về phía tôi nhưng nghĩ sao lại chuyển sang nơi khác. Việc tiếp theo tôi thấy là một viên đạn đụng vào chiếc cây gần tôi làm văng vỏ cây về phía tôi – John nhớ lại – Tôi nằm xuống đất và yên vị 13 giây cho đến khi im tiếng súng. Khói súng tan, tôi đứng lên, kiểm tra chân tay mình xem có bị thương và tự hỏi tại sao mình không trúng đạn! Cách đó ba mét, tôi thấy một cái xác nằm trên mặt đường nhựa và một cô gái quì gần bên. Tôi không rõ cô ta có biết nạn nhân đã chết rồi không mà chỉ thấy cô ta hét lên một cách đau khổ. Lập tức, tôi đưa chiếc máy gần hết phim lên và bấm nút. Tôi chụp thêm một tấm nữa trước khi hết phim. Khi tôi nạp xong cuộn phim mới, cô gái đã bỏ đi”.
John nhớ Vệ binh ra lệnh cho sinh viên giải tán khỏi hiện trường. Vài phút sau, họ dùng loa công bố đại học tạm đóng cửa và ra lệnh mọi người đi về nhà. Mary Ann chỉ nhớ là mình cũng bỏ chạy như những người khác và cô không hề quen ai tại đại học. Cô chỉ biết Miller trước đó 25 phút. Cô thấy Vệ binh lùa sinh viên lên những chiếc xe buýt nên đi heo họ. Khoảng hai giờ sau đó, xe buýt đến thành phố Columbus và Vệ binh bảo ai về nhà nấy. Nhiều sinh viên chạy đến chỗ cha mẹ đang chờ mình. Mary Ann đi quanh những con đường của Columbus, một thành phố cô chưa từng nghe nói đến.
Trở lại khuôn viên trường, các sinh viên la mắng John, gọi anh là con lợn, con kền kền. John hét lại. “Không ai tin điều này đã xảy ra, nhưng đây là bằng chứng” – anh nói và chỉ tay vào máy ảnh. Khi thấy lực lượng Cảnh vệ cắt đường điện thoại, John chạy đến xe của mình. Giấu cuốn phim trong chiếc mũ sắt, anh lái xe hai giờ đến văn phòng của tờ báo quê nhà Valley Daily News of Tarentum nằm ở phía Tây tiểu bang Pennsylvania để tráng phim. Khi xem bức ảnh cuối cùng, anh biết mình đang có thứ gì đó mà thế giới cần phải xem.
John lập tức gọi cho hãng tin AP và được bảo là do có rất nhiều ảnh Kent State đang được gửi về từ văn phòng hãng ở Akron, Ohio nên toàn bộ công suất truyền tải của hãng phải được huy động. May mắn, khi ảnh truyền từ Akron bất ngờ ngưng lại, John nhảy ngay vào và truyền đi bức ảnh của mình. Ngày hôm sau, hình ảnh cô gái đau buồn xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo trên khắp thế giới với chú thích đơn giản là “Cô gái”. Mary Ann nhìn thấy bức ảnh trong tờ báo quê nhà. Nhưng cô không thể nhớ đó là lúc nào.
Khốn khổ
Vài ngày sau thảm kịch, Mary Ann rời Columbus đi về phía Tây và ngủ ở bất cứ nơi nào có thể. Cô cũng nghe tin FBI truy nã mình vì vậy không tiết lộ danh tính cho bất cứ ai. Tại Indianapolis, cô nghĩ về California như nơi bắt đầu cuộc sống mới. Nhưng một đứa trẻ nơi cô tạm trú phát hiện ra cô và báo cho phóng viên tờ Indianapolis Star. Bước ngoặt cuộc đời đến với cô. Mary Ann mang tóc giả và đeo kính râm ngụy trang đồng ý nói chuyện với phóng viên trên với hy vọng ông ta sẽ cho tiền cô đi xe buýt đến California.
Khi xong việc, phóng viên này gọi điện cho chính quyền và Mary Ann được đưa vào nhà tạm giữ thiếu niên bụi đời. Nhiều người không tin cô gái cao 1,8 mét có mái tóc dài và khuôn mặt già dặn mới 14 tuổi! Gia đình cô nhận được điện và thư, nói rằng cô là con nghiện ma tuý, bụi đời và là cộng sản. Thống đốc Florida cho biết Mary Ann “nằm trong một tổ chức âm mưu hủy hoại nước Mỹ, chịu trách nhiệm cho cái chết của các sinh viên”. Nhưng cũng có nhiều người thấy cô như một “biểu tượng của lương tâm quốc gia”.
Một số sinh viên Kent State phẫn uất vì cô không phải một người chống chính phủ. Trở lại Kent, các doanh nghiệp địa phương cho đăng quảng cáo cảm ơn Vệ binh quốc gia. Văn phòng thị trưởng nhận được nhiều lá thư đổ lỗi cho “những tay hippy bẩn thỉu, tóc dài” và “bọn kích động đến từ bên ngoài”. Một số cư dân dân Kent còn đưa dấu hiệu bốn ngón tay chào nhau ngoài đường, như ngầm nói “ít ra chúng ta cũng tiêu diệt được bốn tên trong bọn chúng!”.
Tổng thống Nixon nói rằng chính những hành động quá khích của sinh viên đã tạo ra thảm kịch. Ông ta gọi họ là “những kẻ đốt phá”. Một cuộc thăm dò dư luận của Gallup cho thấy có đến 58% người Mỹ đỗ lỗi cho chính sinh viên đã gây ra cái chết cho chính họ. Chỉ có 11% đổ lỗi cho Vệ binh. FBI lấy lời khai của John và đòi giao cuộn phim. Khi anh từ chối, họ đeo bám anh trong một tuần và quấy rối bằng những cú điện thoại nặc danh, khẳng định bức ảnh là dàn dựng. Anh nhận được bức thư hăm doạ: “Tao có một người bạn chết tại Việt Nam và mày là người kế tiếp!”.
John đang vất vả với những cuộc gọi của Vệ binh thì Indianapolis Star đăng bài viết khẳng định cô gái trong bức ảnh không phải là sinh viên đại học mà là một kẻ bụi đời 14 tuổi. “Lúc ấy tôi như người phải mang một trọng lượng vượt quá sức mình” – John bộc bạch. Trong khi đó, Mary Ann đi đâu cũng bị phóng viên và những kẻ tò mò đeo bám. Những lời dọa giết liên tiếp gửi về hộp thư của gia đình Vecchio ở Florida. Mới 14 tuổi, Ann đã trở thành “tin nóng” trên truyền thông, trên bìa tạp chí và nhiều thứ khác. Tạp chí vui cười National Lampoon cho đăng một quảng cáo giả về bộ đồ chơi mới gồm các vệ binh, sinh viên chống đối và một nữ sinh viên đang quì! Tờ Onion đăng câu chuyện, gọi thất bại của đội bóng rổ Kent State là “Thảm sát”, với bức ảnh minh họa khuôn mặt Mary Ann được photoshop phía trước áo của nhóm hoạt náo cổ động cho đội khi họ đang quì trước một cầu thù bị ngã!
Cha của Mary Ann cũng bán áo pull in hình con gái ông, lấy từ bức ảnh, và thỉnh thoảng lại tặng chữ ký! “Nhiều người nghĩ cha tôi giàu lên nhờ khai thác bức ảnh con gái mình, nhưng thực tế chúng tôi chưa bao giờ có nhiều tiền – Mary Ann nói – Cha tôi chỉ quan tâm đến tôi theo cách của ông”. Điều cô rất cần vào lúc này là lời khuyên của các chuyên viên tâm lý nhưng lại không bao giờ nhận được từ họ. “Jeffrey Miller là sinh viên đại học, còn tôi chỉ là một đứa trẻ lang thang. Họ đối xử với tôi như một kẻ hư hỏng” – cô bộc bạch.
Mary Ann bỏ nhà đi hoang lần nữa và lại bị đưa vào trại giáo dưỡng trẻ em. “Họ cho tôi uống Thorazine và tôi lại trốn đi, lại bị bắt, cứ như thế nhiều lần”. Khi được cho về nhà, cảnh sát lại đến bắt cô vì hút ma túy. Cuối cùng, năm 1977, Mary Ann lên chương trình truyền hình “60 Minutes” của Morley Safer như một cô gái đang làm lại cuộc đời. Cô đọc lại những lá thư thù hận mà gia đình nhận được, trong khi Morley không xem cô là “biểu tượng cho bi kịch của chiến tranh Việt Nam” hay cho cái gì cả mà đơn thuần chỉ là “một đứa trẻ bỏ nhà đi hoang”. Mary Ann hài lòng với cách đánh giá như thế.
Day dứt và hòa giải
Bức ảnh của John Filo đoạt giải Pulitzer nhưng anh luôn cảm thấy mình có tội với cả cô gái và Jeffrey Miller. “Tôi còn sống và tương đối nổi tiếng, còn họ đã chết hoặc đang sống cuộc đời vô định. Tôi thấy mình phải có trách nhiệm khi Mary bị cảnh sát quấy rối” – anh nói. Ở tuổi 22, Mary Ann rời Florida, đến Las Vegas, lập gia đình và làm việc tại một cửa hàng cà phê sòng bài. Cô hiếm khi được nêu tên khi truyền thông nhắc lại sự kiện ngày 4 Tháng Năm 1970. Tháng Năm 1990, cô than phiền với tờ Orlando Sentinel “bức ảnh thật sự hủy hoại cuộc sống tôi trong khi tôi không liên quan gì đến Kent State cả!”.
John tiếp tục thành công trong nghề nhiếp ảnh báo chí và phụ trách bộ phận hình ảnh của hãng CBS. “Không ngày nào tôi không nghĩ về các sinh viên Kent State và Mary Ann, thậm chí đôi khi gặp ác mộng về cô ấy. Khi có con gái, tôi thấy đôi mắt Ann trong mắt con mình!”. Anh nói: “Nếu con gái tôi có trong bức ảnh ai đó chụp thì sao? Rất nhiều lần tôi muốn tiếp xúc với Ann nhưng tin rằng cô ấy vẫn hận tôi”.
Gregory Payne, giáo sư Đại học Emerson College và tác giả cuốn Mayday, Kent State chợt nảy ra ý tưởng có thể giúp cả hai người. Năm 1995, ông tổ chức hoạt động “nhìn lại 25 năm vụ Kent và vụ Jackson State” của tiểu bang Mississippi, nơi một số sinh viên bị cảnh sát bắn chết cùng thời điểm. Ông mời cả Mary Ann và John đến dự. “Mary Ann ủng hộ ngay nhưng John thoạt đầu do dự vì anh ta không chịu thể nổi việc Ann nói bức ảnh đã huỷ hoại cuộc đời cô – giáo sư kể lại – Ngày trước khi hai người gặp nhau, tôi hỏi Mary Ann định nói gì với John nhưng cô trả lời ‘không biết nữa’ mà chỉ nửa đùa nửa thật: Tôi bất mãn về John trong một thời gian dài. Anh ta có cuộc sống tốt và ngôi nhà đẹp. Anh ta có mọi thứ. Còn tôi thì không”.
John chỉ nhận lời mời vào phút cuối. Khi Payne cho họ gặp riêng trước khi xuất hiện chung trước báo chí, không ai biết điều gì sẽ xảy ra. Nhưng Mary Ann đã gây ngạc nhiên cho giáo sư khi cô thú nhận “đã nhìn thấy nỗi day dứt trong mắt John và tôi thấy mình cũng có lỗi”, rồi mỉm cười, bắt tay John và hai người ôm nhau khóc. “Chưa bao giờ gặp mặt nhau nhưng tôi thấy ngay chúng tôi là hai chiến binh trong một cuộc chiến. Không ai bị thương nhưng nỗi ám ảnh Kent State đeo bám cả hai ở hai cực đối nghịch” – Mary Ann nói.
Sau đó, cô nói với khán giả về chấn thương sau vụ nổ súng, còn John nói về “sức mạnh của bức ảnh với nhân vật trung tâm kêu gào sự giúp đỡ lúc mới 14 tuổi, trong khi các sinh viên 18, 19, 20 tuổi không dám đến gần cái xác! Ann hành động như một đứa trẻ ngây thơ phản ứng tự nhiên khi nhìn thấy một thảm kịch. Nếu cô ấy lớn tuổi hơn, bức ảnh sẽ không có sức mạnh như thế”. Gặp nhau xong, John tặng cô gái bức ảnh có chữ ký và dòng chữ ghi ơn “For the courageous Mary Ann Vecchio, I cannot fathom how this photograph affected your life. I’m proud to call you a friend”.
Phục sinh
Mary Ann sống tại Las Vegas gần 20 năm và làm nhiều công việc khác nhau trong kỹ nghệ cờ bạc. Cô vẫn giữ vững quan điểm “Nếu muốn an toàn thì bạn đừng quá thành công và đừng gây sự chú ý cho người khác”. Đến năm 2001, cô bất ngờ quyết định làm lại cuộc đời bằng cách học hết trung học ở tuổi 39 và đến năm 45 tuổi cô làm việc trong lĩnh vực y tế. Kết thúc cuộc hôn nhân không hạnh phúc, cô quay về Florida mua một camper dài 7.2 mét và làm việc toàn thời gian tại Trump Spa ở Doral, ghi danh Đại học cộng đồng Miami Dade khoa liệu pháp hô hấp.
Tốt nghiệp, Mary Ann làm việc tại Bệnh viện Miami VA, nơi chuyên điều trị thương bệnh binh trở về từ chiến trường. Tuy nhiên, cô không bao giờ nói với họ về bức ảnh gây sốc thế giới. Hiện Mary Ann, không lập gia đình lại, không có con, vẫn tiếp tục cuộc sống im lặng, trồng cam và bơ tại một lô đất nhỏ ngoài rìa khu Florida Everglades. Giáo sư Payne giữ tiếp xúc với cô và thỉnh thoảng ông mời cô nói chuyện tại Đại học Emerson như “một nhân chứng có nghị lực sống còn phi thường”. Tháng 5 năm ngoái, khi xem video George Floyd đang bị bóp cổ, cô nhảy dựng lên và hét “Tại sao không có ai đến giúp ông ta? Họ không thấy điều gì đang xảy ra sao?”.