Mấy tuần nay, theo chương trình, tôi phải tập luyện cho chuyến đi leo đỉnh núi cao nhất Phi châu – đỉnh Kilimanjaro ở Tanzania… Xem video họ cho thấy là lên núi có tuyết, nhất là chuyến leo núi lại vào 11-12 giờ đêm, trong 6-7 tiếng, để ngắm Mặt trời mọc trên đỉnh.
Hôm nay đọc tường trình của một người vừa lên đỉnh, cho hay không có tuyết. Thế cũng mừng nhưng lạnh thì chắc chắn. Hy vọng đừng mưa, cả khổ. Đọc tin khí tượng địa phương thì có thể mưa và tuyết. Leo núi thì thời tiết như phụ nữ, rất bất thường. Khi nắng khi mưa, khó mà lần.
Hôm qua bay từ LA đến Istanbul, chỉ có 60 phút để đổi máy bay, vác balô và xách duffel bag chạy như điên để đổi chuyến bay đến Kilimanjaro. Lý do không gửi hành lý là vì đọc trên mạng, thiên hạ rên là đến phi trường Kilimanjaro thì hành lý thường thất lạc mà nếu đem theo đồ leo núi mà không có là ngọng. Đến nơi lúc 1:30 sáng, đi bộ từ phi cơ vào Hải quan, trước nhất họ hỏi thẻ chích ngừa rồi qua Hải quan. May tôi xin chiếu khán trên mạng nên không phải đợi lâu.
Chuyến leo sẽ mất sáu ngày, và chuyến xuống mất hai ngày. Thêm ngày đi ngày về nên họ tính 10 ngày. Trong bảy con đường mòn dẫn lên đỉnh thì tôi chọn đường dài nhất và lâu nhất. Con đường này nghe nói có đến 90% thành công. Lý do là đi chậm nên giúp cơ thể quen dần cao độ. Trẻ họ có thể đi nhanh nhưng tôi trên “sáu bó” nên thà đi chậm còn hơn bị lộn xộn. Trước khi đi, tôi có đi khám bác sĩ để chích ngừa mấy bệnh có thể gặp bên Phi châu. Bác sĩ cho thuốc uống chống sốt rét, và thuốc trị bệnh bị Tào Tháo rượt.
_______
Sáng nay, xe công ty du lịch đến đón cả nhóm gồm sáu người – hai người từ Thuỵ Sĩ, bốn từ Hoa Kỳ. Có hai cha con từ San Diego, gốc Mỹ đen, muốn đi lên núi để đưa linh hồn ông bố mới qua đời về quê cha đất tổ; một anh Việt Nam, gốc Đà Lạt. Anh ta thích đi leo núi, kêu là 20 năm qua đi một mình, nay biết tôi nên vui và tham gia. Còn cặp đến từ Thuỵ Sĩ thì trẻ hơn.
Xe chạy độ 45 phút thì đến cổng công viên quốc gia, nơi con đường mòn dẫn lên đỉnh gọi là Lemosho. Tôi chọn con đường này dài hơn vì nghe nói dễ thành công tới đỉnh, đi đến tám ngày, giúp cơ thể có thể hoà nhịp với độ cao. Ngày đầu tiên chỉ đi có ba tiếng đồng hồ như khai vị, ở cao độ 2,700 m. Các nhóm khác vẫn tiếp tục đi tiếp vì họ đi sáu ngày. Đến nơi cắm trại đã thấy mấy người khuân vác đi trước, dựng lều sẵn và chuẩn bị cơm trưa. Nhóm có sáu người đi mà có đến 24 người khuân vác, nấu ăn, lo việc vệ sinh; thêm ba hướng dẫn viên.
Tôi đi chỉ có cái ba lô nhỏ đựng nước và vài thứ cần dùng, còn cái duffel bag đựng đồ đạc cho tám ngày thì có người khuân vác mang giúp lên núi, đem vào lều, cùng với túi ngủ và tấm mousse trải dưới đất. Mấy người khuân vác đi không có gậy, họ đội lên đầu lều, thức ăn, và đồ đạc…, đi lên núi như chạy để kịp dựng trại và chuẩn bị mọi thứ. Tôi đến nơi là có người đem nước ra để lau mặt, có lều xong xuôi để vào nghỉ ngơi trong khi đợi cơm. Ông có nhiệm vụ khuân vác đồ đạc cho tôi vui lắm. Lúc nào cũng đi ra cách nơi cắm trại cả cây số để đón tôi, hỏi có muốn ông ta đeo ba lô về trại hay không. Tôi đều từ chối. Chỉ đến hôm leo lên đỉnh và xuống núi mệt quá sau 15 tiếng leo xuống thì mới nhờ ông. Tôi về tới nơi, ông ta lấy bàn chải phủi bụi từ quần và giày.
Hôm sau lên trại Shira 1 ở cao độ 3,550m. Hôm kế tiếp lên Moir Hut ở cao độ 4,200m, ăn trưa tại đây để cho cơ thể quen rồi sau đó đi xuống nơi cắm trại ở cao độ 3,840m. Làm như vậy thì cơ thể không mệt và quen dần với cao độ. Ngày hôm sau leo lên Lava Tower ở cao độ 4,600m rồi lại đi xuống ngủ đêm ở cao độ 3,950m. Leo lên 1,000m rồi đi xuống 700m. Hôm sau lên xuống ở đêm tại cao độ 4,000m… Ngày cuối trước khi chuẩn bị lên đỉnh, họ cho ăn trưa xong rồi kêu đi ngủ. Tối 12 giờ đêm sẽ lên đỉnh. Kinh!
11 giờ họ đánh thức dậy, cho ăn chút cháo. Rút kinh nghiệm leo núi Whitney, tôi chơi hai bao tay ấm nhất. Ở Whitney, tôi tưởng mấy ngón tay bị prosbite. Từ dưới núi lên trên đỉnh phải đi qua nhiều khí hậu. Trên đỉnh là khí hậu băng cực. Tôi vái trời là đừng mưa. Tôi chọn chuyến đi này vì đúng ngày Rằm. Đẹp không tả được. Tôi kêu đầu bếp cho tôi ba bình nước trà gừng, tổng cộng bốn lít. Tôi rút kinh nghiệm leo núi là nên uống trà gừng. Ở Peru, họ cho uống trà lá coca, hay nhai lá coca để tránh bị lộn xộn khi lên cao. Tôi đựng nước gừng nóng trong ba cái thermos. Lúc lên núi, lấy ra uống bình thường.
__________
Mọi người bắt đầu leo núi. Ba hướng dẫn viên dẫn sáu người đi. Trên núi thấy thiên hạ đeo đèn pin nơi đầu. Tôi nhìn lên trời, trăng rằm. Quá đẹp nhưng chả để ý nhìn gì cả, như gặp gái đẹp mà đi bên cạnh vợ. Cặp Thụy Sĩ trẻ khỏe nên đã đi trước. Còn lại tôi và anh hướng dẫn viên chính. Vận tốc di chuyển rất chậm, giúp tôi thở được nên không thấy mệt. Lâu lâu kêu anh ta đưa cho tôi bình nước gừng uống cho ấm người. Trời lạnh dễ sợ. Từ từ ánh bình minh ló dạng, đẹp không thể tả. Độ sáu giờ sáng hơn thì tôi lên đến đỉnh Stella. Ngừng uống chút nước, ăn cái bánh. Thường leo núi tôi đem theo chà là để ăn vì có nhiều potassium. Kỳ này đi, lo mấy vụ nhà cửa nên quên gói theo. Người Ả Rập đi trong sa mạc chỉ ăn vài trái chà là. Tôi hỏi anh hướng dẫn viên là còn bao lâu nữa, anh ta kêu độ 90 phút.
Nhìn xung quanh bao la từ trên núi, đẹp dã man. Có mấy glacier đứng sừng sững. Đi một đỗi thì thấy cặp Thụy Sĩ đi xuống. Tôi và họ ôm nhau chúc mừng rồi tôi lại tiếp tục đi. Cuối cùng rồi cũng đến nơi. Thiên hạ chen nhau, đợi chụp hình la hét đủ trò. Tôi lấy lá cờ Việt Nam Cộng Hoà ra để chụp làm kỷ niệm. Sau đó thì lấy hai biểu ngữ của ông Mỹ đen muốn đem lên đây để tưởng nhớ ông bố qua đời. Lên không được nên ông ta đưa cho tôi để chụp làm kỷ niệm cho ổng. Chụp hình xong thì bò xuống…
________
Tôi gặp hai người Mỹ – một bà gốc Á ở San Francisco, 75 tuổi; và một ông ở Florida, 68 tuổi, đã leo lên được trên đỉnh. Phân nửa nhóm tôi không lên được vì cơ thể không quen với khí hậu. Họ còn uống diamox, gây phản ứng phụ khiến không ăn uống và ngủ ngáy gì được. Ông Mỹ đen trong nhóm thì to béo, cái bụng ít nhất là 40 cân nên khó mà leo lên cao. Ông ta cũng uống diamox, bị bón mấy ngày. Cô con gái thì dạng tiểu thư, sinh viên chụp hình, nên mấy ngày đầu đi chậm chụp ảnh vớ vẩn rồi lên cao độ, than nhức đầu. Ăn uống không bao nhiêu nên không có sức. Trên đường lên đỉnh độ 15 phút, khi ông bố đầu hàng, thì cô ta cũng kêu thở không được nên phải cho thở bình oxy rồi được một hướng dẫn viên đưa xuống.
Trên đường leo lên, tôi thấy vài người được khiêng xuống, nôn ói, máu chảy đủ trò. Khá đông phụ nữ và người to béo. Tôi may mắn leo núi Saltankay Inca trong bảy ngày vào Tháng Tư vừa qua nên rút được kinh nghiệm. Phải ăn cho nhiều, nhất là tinh bột. Cần đem theo snack để ăn dọc đường. Lên cao độ thì cơ thể khó chịu, may tôi uống nước gừng nên đỡ dù có đi cầu nhiều lần. Trên đường lên đỉnh Kilimanjaro, tôi thấy giấy đi cầu bay khắp nơi. Thiên hạ chạy vào chỗ khuất, sau tảng đá rồi tha hồ đại tiện. Lần sau có đi cắm trại, nên đem theo cái bình đi tiểu ban đêm mà nhà thương hay cho. Tôi nghĩ cái bình đi tiểu tốt hơn.
Thật ra mỗi đoàn đều có một cái lều nhỏ với cái bồn cầu di động, đi tiểu hay đại tiện ở đó, có người chuyên lo dọn dẹp. Sang thì mướn riêng cho mình một cái, phải trả thêm $200 và $30/ngày để có người đem lên và chăm sóc cho mình. Tại đây, có rất nhiều công ty đưa người lên đỉnh với giá khác biệt. Từ $1,500 đến $6,000 nên khó mà biết đâu là bến bờ. Tôi đoán là $6,000 thì có thêm phòng tắm mỗi ngày. Tám ngày cắm trại leo núi, không có tắm, chỉ có thau nước nóng để rửa mặt vào sáng sớm và chiều khi về đến trại. Nói cho ngay, lạnh quá nên chả muốn tắm rửa gì cả.
Ngoài đóng tiền $2,950 cho nguyên chuyến đi và khách sạn, họ mong đợi tôi cho thêm tiền boa. Họ đề nghị từ $275-$300 cho 27 người. Mọi người đều cho $300, xem như họ được thêm $1,800. Riêng tôi, ngoài $300, tôi cho thêm 27 người một ít, nhất là ông đánh giày, vác ba lô, làm lều, đem thau nước nóng cho tôi rửa mặt khi chiều về và buổi sáng. Tôi cũng cho thêm ông hướng dẫn viên dẫn tôi lên đỉnh. Không có ông ta quan sát điều kiện sức khỏe của tôi để đi nhanh đi chậm thì tôi khó leo lên đỉnh. Ngoài ra, tôi tặng lại cho họ balô, găng tay, quần áo. Nói chung thì cuối tháng này là xem như họ hết việc vì mùa mưa đến, du khách không leo núi. Nói thật tôi rất may mắn, chớ sinh ra ở nước này thì chỉ biết làm nghề này thôi. Đội thùng đồ đạc trên đầu, leo núi, không gậy, không có gì cả.
Ai muốn leo lên đỉnh Kilimanjaro thì nên chọn tháng nào không mưa mà đi, đỡ vất vả. Chuẩn bị, tập luyện kỹ nhưng phải tùy sự may mắn nữa. Điểm rất quan trọng là đem theo quần áo ấm. Từ dưới núi lên đỉnh phải trải qua nhiều khí hậu, từ nhiệt đới lên đến băng cực. Đêm cuối cùng lên đỉnh thì phải đem theo quần áo ấm loại thermo như đi trượt tuyết. Tôi bận ba cái quần, áo năm lớp loại ấm mà có lúc vẫn lạnh, chỉ khi mặt trời hồng lên thì mới ấm lại. Đeo hai găng tay loại ấm. Lúc nóng thì lấy ra. Thà ấm còn hơn lạnh.
Đi từ 12 giờ đêm mà xuống đến chỗ cắm trại lúc 7 giờ tối, nghỉ trưa độ hai tiếng, xem như lên xuống 15 tiếng đồng hồ. Lúc đi xuống mới nguy hiểm vì quá mệt mà lại dốc cao. Tôi bị ngã hai lần, nay mông vẫn còn ê. Chắc hết muốn leo núi cao nữa, chỉ đi vừa vừa với nàng vợ cho vui nhà vui cửa. Mỗi lần đi xa như vậy, nàng vợ theo không nổi nên mất vui.