Thám hiểm và săn hình ở Joshua Tree National Park

Heart Rock (ảnh: Liz Trần)
Share:

Cuối tháng Giêng, trong khi các tiểu bang miền Đông Hoa Kỳ đang giá buốt với bão tuyết vây bủa khắp nơi thì Nam California bắt đầu có vài tuần lễ nắng ấm len lén tìm về. Chúng tôi lại sửa soạn máy ảnh và sẵn sàng lên đường săn hình ở một công viên quốc gia có cây cối và đất đá khô cằn như sa mạc.

Baker Dam khi Mặt trời chưa lên (ảnh: Trịnh Thanh Thủy)
Baker Dam khi Mặt trời lên (ảnh: Trịnh Thanh Thủy)

Chỉ cách thành phố Los Angeles khoảng 130 dặm vào khoảng hai tiếng rưỡi lái xe thế mà Joshua Tree National Park đã là một thế giới vô cùng khác. Đó là nơi rộng gần 800 ngàn mẫu vuông với một địa hình núi non hiểm trở vốn trải qua bao trận mưa xối xả, gió giật dữ dội và nhiệt độ rất khắc nghiệt, hàng triệu năm rồi. Tuy nơi này, có thể cho là cằn cỗi, lại là nơi cư trú của một số hệ sinh thái đặc biệt.

Bất chấp mọi điều kiện, Joshua Tree có rất nhiều đời sống động, thực vật đã được thích nghi và phát triển mạnh trong khí hậu khắc nghiệt của khu vực. Vườn quốc gia Joshua Tree là nơi sinh sống của những đàn cừu sa mạc sừng lớn, thỏ đuôi đen, sói đồng cỏ và chuột túi kangaroo cũng như một số loài động vật có vú nhỏ hơn. Vì nó nằm dọc theo đường bay của chim di cư Thái Bình Dương, người ta có thể thấy nhiều nhóm chim di cư lớn trong những tháng mùa Đông.

Skull Rock (ảnh: Lê Tâm)
Face Rock (ảnh: Trịnh Thanh Thủy)
Arch Rock (ảnh: Trịnh Thanh Thủy)

Cây Joshua có một vẻ ngoài rất đặc biệt. Đây là loại cây quý hiếm, độc đáo trong giới thực vật sa mạc, nằm ở vùng Mojave. Cây cao từ 4-12 m, mất khoảng 50-60 năm để phát triển trưởng thành, và cây sống lâu nhất được ghi nhận là 150 năm. Từ gốc tới thân cây Joshua đều khẳng khiu, da thân cây sần sùi, chi chít vết lằn, trên đầu mỗi cành mọc ra nhiều chùm hoa lá kim độc đáo, hoa có dạng trữ nước, kha khá giống xương rồng. Cây này được các bộ lạc da đỏ ở Mỹ tôn kính vì lá của nó có thể dùng như một vật liệu thật bền trong việc làm giỏ và giày dép. Trong khi chồi và hạt là nguồn cung cấp thực phẩm lành mạnh cho họ.

Joshua Tree (ảnh: Lê Tâm)

Rừng cây Joshua ở đây cung cấp môi trường sống cho 813 loài thực vật bậc cao, 46 loài bò sát, 57 loài động vật có vú và hơn 250 loài chim. Tài liệu lưu trữ quốc gia liên bang liệt kê có một loài bò sát trong công viên như các con rùa sa mạc đang bị đe dọa diệt chủng. Một loài thực vật công viên khác là đậu tằm sữa ba gân và loại cúc công viên cũng đang bị biến mất dần dần. Ngoài ra, có 49 loài thực vật đặc biệt được chính phủ lưu ý và quan tâm được bảo vệ trong công viên.

Joshua Tree National Park có một khu vực cổ sinh vật kể cả tám khu vực khác. Công viên đã bảo tồn hơn 700 địa điểm khảo cổ, 88 công trình kiến trúc lịch sử, 19 cảnh quan văn hóa và lưu giữ hơn 200 ngàn vật phẩm trong bộ sưu tập bảo tàng. Vì gần thành phố, nơi đây nổi tiếng là nơi cắm trại cho dân leo núi, các hướng đạo sinh, các thanh thiếu niên trung học, đại học. Họ đến để sinh hoạt, học hỏi, khảo sát đời sống thiên nhiên. Nó cũng là nơi lý tưởng cho các nhiếp ảnh gia, và gia đình có con em muốn đến thăm công viên, thám hiểm và chụp hình.

Chúng tôi khởi hành từ hai giờ sáng để tới công viên cho kịp chụp cảnh bình minh lên ở Baker Dam. Nơi này là nơi có vùng nước đọng vào những khi có mưa Đông rải xuống sa mạc nguồn nước thần thánh tưới tẩm cỏ cây và nuôi sống sinh vật trong vùng. Đường vào đập Baker dễ đi nên người lớn và trẻ em đều có thể hiking được. Tới công viên trước một tiếng để kịp đi bộ và sửa soạn máy móc, chúng tôi đón được những tia sáng đầu tiên chiếu xuống trần gian của thần Thái dương. Những mỏm núi đá nhuộm màu đỏ vàng cam lung linh soi bóng xuống mặt nước là những hình ảnh tuyệt đẹp.

Heart Rock (ảnh: Liz Trần)

Chụp bình minh xong, chúng tôi bắt đầu đi thám hiểm công viên trong một hành trình theo bản đồ Google để khám phá hai địa điểm kế tiếp là Joshua Tree Arch Rock và Heart Rock. Những hòn đá chồng lên nhau hay nằm riêng rẽ có đủ mọi hình thể trông rất ngộ nghĩnh và ngoạn mục. Các em học sinh leo qua các khe núi hẹp hay tảng đá cao để tự mình khám phá các ngõ ngách hiểm trở của núi non như những thử thách cần có của con người đối với thiên nhiên.

Arch Rock hiện ra với những tia mặt trời chói chang trên vùng sa mạc toàn cây joshua và xương rồng. Chúng tôi thấy một tảng đá vĩ đại có cái vòng cung và hòn đá ở giữa trông giống hình một con rắn đang nằm cuộn tròn giữa trời đất thiên nhiên. Đó là một hình ảnh đầy ấn tượng. Chúng tôi cố gắng trèo lên những tảng đá nhọn để tới cho được hòn đá có hình chiếc đầu rắn để chụp hình. Ai cũng thật vui khi có tấm hình mình đứng hiên ngang trên tảng đá cao kỳ thú.

Quang cảnh chung quanh (ảnh: Lê Tâm)

Điểm kế tiếp và sau cùng của một tảng đá có hình trái tim là nơi chúng tôi phải đến. Đi tìm một địa điểm chưa từng đến trong một vùng đất khô cằn như sa mạc mênh mông trong mùa hè là một việc rất nguy hiểm vì cái nóng thường lên tới trên 100 độ F. Nhờ đi vào mùa Đông, thời tiết lạnh nên việc thám hiểm sa mạc thuận lợi hơn. Tuy nhiên gió lạnh khiến mũi người nào cũng đỏ và sổ ra, chùi đến đau rát. Sau mấy chục phút đi loanh quanh, chúng tôi cũng tới được trái tim đá của sa mạc. Một hòn đá có hình dáng trái tim nằm sừng sững thi gan cùng tuế nguyệt như một viên ngọc quý của Thượng đế ban cho con người thưởng lãm. Ai cũng reo hò khi tìm ra nó. Chúng tôi chạy tới chạy lui, thay chỗ, đổi người, để có được những tấm hình đứng cạnh trái tim đầy hạnh phúc. Các bà, các cô thi nhau “thả tim” thật vui nhộn.

Mặt trời giữa trưa từ từ lên cao tiễn chân đoàn thám hiểm chúng tôi ra về. Mọi người ai cũng có cảm giác hân hoan và thư thái dù phải ngồi thêm 3,4 tiếng trên xe. Chúng tôi về đến nhà khi chiều bắt đầu xuống, kết thúc một buổi săn hình chạm mặt cùng thiên nhiên.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: