Người gốc Á đang thay đổi kỹ nghệ làm đẹp ở Mỹ như thế nào?

Minh họa: Sunny Ng/Unsplash
Share:

Loạt phim truyền hình mới Hyphenated của nhà báo gốc Việt Hannah Ba đã khám phá ra: “Chính bản sắc dân tộc và văn hóa của các cộng đồng thiểu số, đặc biệt châu Á, đã tác động mạnh mẽ lên kỹ nghệ làm đẹp và tư duy về cái đẹp tại Mỹ, thậm chí tạo ra “cuộc cách mạng thầm lặng”.

Minh họa: Jamie Street/Unsplash

Deepica Mutyala: phải tự tin với màu da của mình

Là một cô bé lớn lên bị ám ảnh bởi cái đẹp tại thành phố Sugar Land, thuộc tiểu bang Texas, Deepica Mutyala thường lang thang trên lối đi của các quầy bán thuốc để đọc những cuốn tạp chí chuyên về làm đẹp và ngắm những người mẫu trang điểm. Nhưng không phải để bắt chước họ mà làm sao nghĩ ra cách làm đẹp phù hợp với màu da của mình. “Để giống người Mỹ trắng, tôi nhuộm vàng mái tóc, mang kính áp tròng màu xanh và tập thể dục thường xuyên để có được một cơ thể như họ – Mutyala, có cha mẹ là di dân Ấn Độ nói – Phải mất nhiều thời gian tôi mới cảm thấy tự tin vào màu da của mình; và cuối cùng tìm ra cách trang điểm phù hợp với nền văn hóa dân tộc mình.

Năm 2019 Mutyala khai trương thương hiệu làm đẹp riêng “Live Tinted”. Cô tự cho mình mang “sứ mệnh quan trọng” là giới thiệu với khách hàng gốc Ấn những sản phẩm làm đẹp mà cô không bao giờ có được lúc còn là một đứa trẻ. Đó là bộ sản phẩm dành riêng cho những người có nước da đậm. “Khởi thủy, tôi đặt tên công ty là Deep Beauty, lấy cảm hứng từ cái đẹp sâu lắng của màu da”.

Mutyala thuộc làn sóng mới các doanh nhân Mỹ gốc châu Á thành công trong lĩnh vực làm đẹp, biết sử dụng di sản văn hóa của dân tộc mình để đa dạng hóa việc làm đẹp. Đối tượng của họ là những người thuộc các cộng đồng thiểu số bị kỹ nghệ làm đẹp Mỹ (vốn lấy cái đẹp của người da trắng làm chuẩn) bỏ quên.

Cái đẹp và nghệ thuật trang điểm không thể có mẫu số chung cho mọi dân tộc. Sự khác biệt đã có từ ngàn xưa. Rập khuôn một chuẩn mực chung là khiên cưỡng và hủy diệt cái đẹp – Mutyala nhấn mạnh. Tư duy đột phá này đã diễn ra trong nhiều năm gần đây.

Nhờ những người tiền phong như ca sĩ da màu Rihanna (chủ thương hiệu “Fenty Beauty” nổi tiếng), xu hướng làm đẹp này – chống lại công thức chung hệt nhau theo kiểu “mặc đồng phục” – đang lên ngôi. Những thương hiệu làm đẹp gắn liền với chủng tộc, từ da đen da vàng đến da nâu đã xác lập được quyền năng trong thế giới làm đẹp và tạo ra lợi nhuận cao.

Trên thị trường hiện có rất nhiều mỹ phẩm và cách trang điểm dành cho những chủng tộc và màu da khác nhau. Khi “Fenty Beauty” ra đời năm 2017, nó bán ra 40 loại phấn nền cho má và mắt, kỷ lục chưa từng có, và nay đã lên đến 50.

Doanh thu trong 15 tháng đầu vượt quá $570 triệu. Kinh doanh mở rộng sang các sản phẩm dưỡng da “dành cho phụ nữ da đen”. Mutyala tin rằng chính sự thành công của “Fenty Beauty” đã mở rộng cửa cho các sản phẩm đa dạng “đề cao văn hóa dân tộc” khác như “Live Tinted”.

Patrick Ta: khẳng định mình là một nghệ sĩ trang điểm trung thành với bản sắc châu Á

Trong khi những người nổi tiếng và các tài khoản mạng xã hội được nhiều người theo đã giúp định hình lại kỹ nghệ thời trang và làm thay đổi sâu sắc nó thì lực lượng tiêu dùng cũng lớn mạnh lên ở các cộng đồng “ngoài da trắng”. Yếu tố “trắng” không còn chiếm vị trí “thượng phong” như trước. Ví dụ, người Mỹ gốc châu Á đang chi tiêu nhiều hơn số dân Mỹ còn lại cho các sản phẩm làm đẹp. Riêng chăm sóc da nhiều hơn 34% (số liệu thống kê năm 2020 của NielsenIQ).

Nhu cầu cao và ảnh hưởng của người Mỹ gốc châu Á đối với kỹ nghệ trang điểm dễ dàng nhận thấy tại các quầy thuốc, nơi những sản phẩm làm đẹp đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm áp đảo. Ví dụ “mặt nạ” chăm sóc da chế biến từ chất nhầy của con sên. Khi những nhân vật nổi tiếng như nghị sĩ Alexandra Ocasio-Cortez của bang New York công khai khen lợi ích của K-beauty thì đây chính là “cú huých bán hàng”. Năm 2019, trên Instagram, Alexandra Ocasio-Cortez đã tiết lộ chế độ chăm sóc da sử dụng double-cleansing và serum đến từ châu Á.

Instagram được xem là “bệ phóng vào nghề” cho nhiều chuyên viên trang điểm châu Á, trong đó có Patrick Ta, một người Mỹ gốc Việt biết dùng mạng xã hội để lôi kéo follower và xây dựng thương hiệu. Cuộc trao đổi trực tiếp giữa ông và diễn viên Shay Mitchell đã mở đầu cho hàng loạt khách hàng nổi tiếng đến với mình, từ siêu mẫu Gigi Hadid đến nữ diễn viên gốc Hoa Constance Wu (Ngô Điềm Mẫn).

Năm 2019, Ta khai trương thương hiệu riêng “Patrick Ta Beauty” và thành công. “Khi bắt đầu công việc trang điểm tại MAC, ấn tượng đầu tiên của tôi là được làm việc với nhiều màu da và tuổi tác khác nhau – Ta trả lời một cuộc phỏng vấn qua điện thoại – May mắn này đã giúp rất nhiều cho sự phát triển nghề nghiệp để có được như ngày hôm nay. Lúc đó, thay vì thuyết phục khách hàng nên theo các qui chuẩn mặc định về làm đẹp, tôi lại nương theo màu da của họ, tôn trọng sự khác biệt và đề cao giá trị của bản sắc dân tộc. Màu da chính là thứ độc đáo và riêng biệt cần tôn lên thay vì che lấp đi”.

Một trong những khách hàng nổi tiếng của Ta là diễn viên Olivia Munn, lai châu Âu và Trung Quốc. Cô đã không tiếc lời ngợi khen tư duy của Ta đối với cái đẹp. “Ông ấy đã giúp tôi nhận thức tốt hơn nét đẹp kín đáo không phô trương của người châu Á. Là người gốc châu Á, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm các nghệ sĩ trang điểm biết trân trọng đặc tính châu Á của tôi để nâng nó lên thay vì ‘trắng hóa’ nó.

Patrick Ta cho biết khách hàng không chỉ nhận xét về ông qua tay nghề và sự linh hoạt mà còn vì ông luôn khẳng định mình là người Mỹ gốc Việt nên phải cổ vũ cho nét đẹp của phụ nữ Việt Nam. “Đây là mệnh lệnh của con tim chứ không đơn thuần là tạo ra sự thay đổi – ông nói – Tôi lớn lên tại San Diego, nơi có nhiều người da trắng nên mơ ước của tôi cũng giống như họ!

Ngay khi bước chân vào nghề, tôi mặc định ngay trong đầu là phải trang điểm ‘kiểu phương Tây’ cho bất cứ khách hàng nào, kể cả da đen và da vàng! Nhưng không lâu sau, tôi nhận thấy kiểu tư duy này hoàn toàn sai lầm.  Vì bản chất của cái đẹp và trang điểm là phải giữ cho được nét độc đáo và ưu thế của mỗi cá nhân.

Jen Chae: đẹp từ đầu đến chân

Trước khi có các sản phẩm làm đẹp của “Patrick Ta Beauty”, “Live Tinted”…, nhiều người Mỹ gốc châu Á cảm thấy bị kỹ nghệ làm đẹp bỏ quên và thị trường mỹ phẩm bị khống chế bởi các sản phẩm dành cho người da trắng. Số khác thấy không thoải mái khi trao khuôn mặt cho các nhà trang điểm xem thường vẻ đẹp châu Á.

Năm 2018, nữ diễn viên Chloe Bennett nói với tờ US Weekly: “Các chuyên viên trang điểm đều muốn làm đôi mắt tôi to lên bằng tất cả những gì họ có trong tay thay vì làm tôn nét đẹp riêng của nó”. Blogger người Mỹ gốc Hàn Jen Chae lớn lên ở tiểu bang Kansas than phiền là hầu như không có nghệ sĩ trang điểm nào hiểu đúng về cái đặc sắc của đôi mắt châu Á.

Thậm chí có người xem mắt một mí là “kẻ thù của cái đẹp”! “Hầu như tất cả tạp chí làm đẹp đều trắng hóa trang điểm và tất cả sản phẩm làm đẹp đều đề cao nước da trắng hơn các màu da khác. Nét đẹp châu Á bị tổn thương bởi loại tư duy như thế” – Jen Chae nói. Chae sử dụng phương pháp thử và loại trừ trên chính mình và thân thuộc, bạn bè để phát hiện sản phẩm nào phù hợp nhất với những đặc tính châu Á.

Sau đó, năm 2008, cô bắt đầu chia sẻ những phát hiện trên kênh YouTube cá nhân có tên “From Head to Toe”. “Ví dụ tôi phát hiện ra cách trị ‘lông mi chống uốn cong’ mà người châu Á hay gặp bằng cách dùng mascara kháng nước. Rồi cách vẽ mí mắt tốt nhất cho những mắt một mí là dùng thuốc kẻ mắt lỏng kháng nước. Vì người châu Á có nếp gấp trên mí mắt quá gần với đường viền mi, nên khi kẻ chì, lớp dầu thiên nhiên sẽ làm nhòe lớp trang điểm mắt. Tôi luôn tự hỏi tại sao nó lại bị nhòe?” – cô nói.

Đến đầu năm 2009, với lượng người đăng ký “From Head to Toe” tăng gấp 10 lần, lên 100,000 người, Chae cho biết cô cảm thấy “khao khát đưa ra các lời khuyên về sản phẩm và hướng dẫn trang điểm”. Hiện nay, kênh của Chae đã có hơn 1.2 triệu người đăng ký. “Có rất nhiều người giống như tôi lúc vừa dậy thì. Họ muốn nhận được gợi ý của chị mình: Nên dùng loại này thay cho loại bút kẻ mắt đó. Buồn thay là không có loại đó trên thị trường!

Tình hình nay đã khác” – cô kể lại và liệt kê một số sản phẩm yêu thích như bút kẻ mắt Perfect Strokes Matte Liquid Liner từ thương hiệu “Rare Beauty” của Selena Gomez. “Đây là loại bút kẻ mắt có đầu cọ, không phải đầu kiểu cũ để bạn có thể kẻ một đường thực sự sắc nét – Chae giải thích – Hay bút kẻ mắt dạng lỏng 24-hour Point Made của thương hiệu “One/Size” do chuyên gia trang điểm người Mỹ gốc Philippines Patrick Starr làm chủ.

Người châu Á nay rất thích vẻ đẹp tự nhiên, làn da tự nhiên và cái đẹp toát ra từ bên trong chứ không phải giả tạo bên ngoài. Các cộng đồng sắc tộc khác ở Mỹ cũng thế. Bản sắc và nét đẹp dân tộc đã lấy lại giá trị của nó. Với sự phong phú của các sản phẩm làm đẹp trên thị trường, sở thích của họ dễ được đáp ứng hơn và cái đẹp cũng đa dạng hơn, không còn ‘đồng phục trắng’ như trước.

Nguồn tham khảo: The New York Times

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Động lực
Về cơ bản, có hai điểm định nghĩa động lực là một quá trình quan trọng và phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu, kích thích mong muốn trong…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: