Về chuyện phong thủy

Share:

Sau mười mấy năm làm nghề “thợ vẽ” (kiến trúc sư), tôi đã chứng kiến bao nhiêu hỉ nộ ái ố về vấn đề phong thủy. Các thầy cãi nhau chan chát, thầy vào sau chửi thầy làm trước và hậu quả thì chủ nhà và kiến trúc sư (KTS) gánh chịu, trong con mắt của chủ đầu tư thì thầy phong thủy mặc định là bố của KTS.

Ảnh: pexels-leonardo-marçal

Sở dĩ “nền phong thủy” nước nhà loạn cào cào bởi vì bản thân phong thủy dựa trên nền tảng Kinh Dịch của Tàu. Mà cái kinh này có nhiều kiểu dịch lắm, thậm chí dịch một cách kinh khủng! Phong thủy có hai trường phái lớn là Bát Trạch Minh Cảnh (BT) và Huyền Không Phi Tinh (HK). Ở Việt Nam thì trường phái BT có vẻ phổ biến hơn, nhưng nguyên lý của hai trường phái trên cơ bản là… chửi nhau, thế mới đau cho KTS vì chủ nhà mà đổi thầy thì coi như bản vẽ của KTS bị bỏ.

Nghề phong thủy ở Việt Nam không được đào tạo chính thức, vì theo quan điểm chính thống thì phong thủy là mê tín rồi. Vì thế nên thầy phong thủy chả ông nào có bằng cấp gì hết, chả biết trình độ ra sao, mà hiệu quả của phong thủy cũng khó mà kiểm chứng. Các chủ nhà thường chỉ mách nhau là ông này giỏi, ông kia giỏi, bởi vì ông ấy xem cho đại gia này, bộ trưởng kia… Bộ trưởng và đại gia được thăng tiến chắc là do thầy cả!

Trường phái Bát Trạch có dấu hiệu nhận biết như sau: Người ta xác định trọng tâm ngôi nhà rồi vẽ một hình tròn với tâm là điểm đó, chia hình tròn đó là tám cung, dựa trên tám hướng địa lý; và chia làm hai nhóm gọi là Đông tứ mệnh (Đông, Đông Nam, Bắc, Nam) và Tây tứ mệnh (Tây, Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc). Tám hướng này được đặt tên theo tám quẻ Bát quái của Kinh Dịch (Càn, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn).

Mỗi người chỉ có thể rơi vào Đông hay Tây tứ mệnh. Nếu là Tây thì có bốn hướng là tốt, còn lại là xấu; tương tự vậy với Đông tứ mệnh. Đại khái là người thuộc Đông tứ mệnh thì phải ở nhà hợp hướng Đông tứ trạch; Tây tứ mệnh thì ở nhà hợp hướng Tây tứ trạch.

Có ba hướng mà chủ nhà cần phải được hướng tốt theo mệnh của mình là hướng cửa chính, hướng bếp, hướng bàn thờ; ngoài ra thì phòng ngủ chính, phòng khách, phòng thờ, bể nước phải được nằm trong cung tốt (WC, cầu thang, hầm cầu và các phòng phụ khác có thể ở cung xấu). Đấy là những yêu cầu cơ bản, ngoài ra còn cả tỷ thứ yêu cầu chi tiết khác, chẳng hạn như cửa chính không được hướng vào cửa WC, cầu thang không quay ra cửa chính, ba cửa thẳng hàng và thông ra sau…

Quá nhiều nguy cơ để dẫn đến tranh cãi giữa chủ nhà, KTS và thầy phong thủy. Các thầy thì đa số phán xét không dựa trên lý luận, vì Phong Thủy xịn đi nữa cũng không hoàn toàn dựa trên nền tảng khoa học phương Tây mà dựa vào triết học Trung Quốc. Phương Đông dựa chủ yếu vào cảm tính, phương Tây dựa trên lý tính. Nếu cứ dùng khoa học mà vặn vẹo thì các thầy “mất linh” hết. Bài của thầy để đối phó khi “mất linh” rất đơn giản, chỉ việc nói “Tôi chỉ nói thế thôi, tin thì tin, không tin thì thôi, sau này có bị làm sao thì đừng trách tôi không bảo trước”. Thế là chủ nhà và KTS “mất linh” theo, nghe răm rắp hoặc… thay thầy!

Trong Bát trạch thì việc xác định trọng tâm ngôi nhà không đơn giản tý nào, nhất là với các ngôi nhà không vuông vức. Đa số các thầy không có nền tảng khoa học thì đều xác định sai trọng tâm này, vì chỉ tính được áng áng. Mà xác định tâm này sai thì dễ đến vị trí các cung cũng bị sai theo. Nguyên lý xác định trọng tâm thì chúng ta đã học trong vật lý và toán trung học. Hình chữ nhật và tam giác thì còn dễ xác định trọng tâm, chứ hình đa giác thì khó, chả mấy thầy xác định được. Tôi ngày xưa cũng không dốt toán lắm nhưng bây giờ cũng chả ngu gì xác định kiểu đó, chỉ việc dùng phần mềm AutoCAD xác định hộ, mất độ năm giây.

Việc xác định hướng cửa chính cũng hay bị nhầm. Hướng nhà là hướng của đường thẳng nối tâm nhà và tâm cửa chính, không phải là hướng trục đối xứng của cửa trên mặt bằng ngôi nhà (hướng này thì dễ nhận biết hơn). Hướng cửa là một trong ba yếu tố chính mà xác định nhầm thì coi như vứt đi. Vì có tám cung, mỗi cung 45 độ, nên khi xem hướng không cần chính xác tuyệt đối, chẳng hạn không cần chính Đông mới là hướng Đông mà lệch đi khoảng 45/2 ~ 22 độ thì vẫn coi như rơi vào hướng Đông rồi, không nên để rơi vào vị trí lệch 22 độ rưỡi vì sẽ bị tranh chấp giữa hai cung. Nhiều thầy máy móc cứ đòi chính xác tuyệt đối (cho nó tốt!) mà làm khổ KTS và chủ nhà. Có lần tôi đã bị chủ nhà bắt vẽ cái tủ bếp có hướng bếp lệch khoảng 30 độ so với hướng tủ bếp, không dám vẽ vì không hiểu nó ra cái hình gì!

Một số vấn đề tồn tại của Bát trạch. Vì hướng nhà là bất biến trong cả đời chủ nhà nên khi chủ nhà chết đi, tức là thay chủ khác, thì biết xác định hướng nhà kiểu gì? Nếu ông bố hướng Tây tứ mệnh, con Đông tứ mệnh mà ông bố chết thì con không được ở nhà đó nữa, hoặc phải chuyển cửa, hướng bàn thờ, hướng bếp à? Hướng tốt là bất biến, hướng nhà lúc nào cũng tốt thì suy ra cuộc đời lúc nào cũng tốt, điều đó sẽ mâu thuẫn với tử vi và thực tế cuộc sống, ai cũng có lúc lên voi xuống chó. Mấy tỷ người mà có mỗi hai loại hướng thì kể cũng vô lý. Các vấn đề tồn tại này được “fix” bởi một trường phái phong thủy khác là Huyền không phi tinh (HK).

__________

Trường phái Huyền không phi tinh (HK) có dấu hiệu nhận biết như sau: Người ta thay vì vẽ hình tròn thì vẽ hình vuông, chia làm chín ô vuông nhỏ. Trường phái này quan niệm là hướng tốt xấu thay đổi theo chu kỳ 20 năm gì đó, chọn hướng thì phải dựa trên các sao và ngày tháng năm sinh của mỗi thành viên trong gia đình. Ông thầy xem phong thủy thì phải/có thể xem cho tất cả thành viên, thay vì chỉ cần xem cho mỗi ông chủ nhà như trường phái BT.

Trường phái HK tỏ ra là khoa học hơn BT. Tôi mới chỉ gặp một ông thầy theo trường phái này, người Hong Kong, nói chuyện với ông ấy độ hơn chục lần, mà trường phái này không phổ biến ở Việt Nam nên tôi chỉ biết sơ sơ về nguyên lý. Tuy nhiên, việc xem sao này rất khó nên thầy có xem sai thì chủ nhà ráng chịu! Trường phái này về nguyên lý xem hướng là trái ngược với BT nên hai thầy của hai trường phái này mà gặp nhau thì có mà cãi nhau như mổ bò. Tuy nhiên hai trường phái này vẫn có một số điều kiêng kỵ giống nhau, chẳng hạn tránh thang quay ra cửa, cửa chính đối diện với cửa sau…

Trong phong thủy cũng có một nhánh khác của Việt Nam gọi là phong thủy Lạc Việt, hình như do mấy ông thầy Việt Nam chế ra. Phong thủy Lạc Việt chỉ hơi khác với BT ở chỗ là đổi hai cung Tốn – Khôn, như vậy là hướng tốt xấu cũng bị đổi mất rồi. Đại diện tiêu biểu cho trường phái này là ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh, nick name là Thiên Sứ, từng “hô phong hoán vũ” hồi kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long!

Còn mấy vấn đề, tôi cho là râu ria, mà dân tình gọi chung là phong thủy, là cách tính sinh, lão, bệnh, tử, kiêng số bốn, rồi kích thước Lỗ Ban, màu sắc theo mệnh gia chủ… Tôi cho đó là phong thủy dân gian, và dân ta rất hay ứng dụng, cả cho việc chọn màu quần áo, xe máy, xe hơi…

Ông bà nào mệnh Thủy mà mặc quần áo màu đỏ là cuộc đời chả ra thể thống gì (tội này chị em hay mắc, vì cứ thích màu đỏ với màu hồng!). Tương tự vậy với việc chọn màu theo mệnh khi thiết kế nội thất, chẳng may mỗi thành viên trong gia đình có mệnh khác nhau thì nội thất coi như xanh đỏ tím vàng tán loạn cả. Nhiều chủ nhà bây giờ kiêng số bốn, bậc thang nhất quyết phải có số bậc là chia cho bốn, dư một, để vào số sinh. Thế nhưng tôi hỏi lại là sao cửa nhà thì chỉ có bốn cánh mà không phải là năm thì chủ nhà im tịt! Nhiều nhà kiêng xây bốn tầng là đủ sinh hoạt rồi nhưng lại cố làm năm tầng (tầng trên cùng làm kho – tôi đã gặp rồi!).

__________

Thước Lỗ Ban có chừng 4-5 loại, nhưng có hai loại phổ thông, được in lên thước dây bán đầy ngoài chợ, do Tàu sản xuất. Do đó, nếu ông thầy nào dùng thước “loại hai” thì “kích thước tốt” (được đo bằng thước “loại một”) bị “nhảy” hết. Tôi từng bị một chủ nhà chửi vì cái tội đưa ra kích thước cửa sai với thước Lỗ Ban, khiến họ phải đục phá toàn bộ cửa. Ứng dụng Lỗ Ban cũng vô cùng đa dạng. Có chủ nhà yêu cầu tôi thiết kế chiều cao mỗi tầng theo đúng “cung đẹp” trong Lỗ Ban, số lẻ, nhưng kệ! Lại có nhà yêu cầu kích thước cửa mỗi phòng phải theo yêu cầu riêng của mỗi chủ nhân căn phòng, khiến cửa các phòng thì cái cao cái thấp, to nhỏ khác nhau – chẳng hạn chủ nhà thì vào cung tài lộc, con cái thì đăng khoa… Cửa WC thì không rõ cần thế nào nhưng mà cũng phải là cung đỏ (nằm trong “khung đẹp” trên thước Lỗ Ban)! Tôi thích cửa trượt nhất, vì chả lo gì Lỗ Ban, nếu chẳng may thiết kế sai thì tôi bảo chủ nhà… mở hé thôi, đến “cung tốt” thì dừng lại!

Bạn tôi vừa mới gọi điện hỏi về việc cần lát sàn gỗ đè lên sàn gạch cũ, phải cắt cửa. Nhưng mà cụ thân sinh bạn ấy lại phản đối, bảo là người ta kiêng. Tôi trả lời, chả biết đúng không, là cửa thích cắt thì cắt. Nếu vẫn vào cung tốt của Lỗ Ban thì được, nếu không thích cắt thì phải lột gạch lên, láng xi măng lại, rồi lát gỗ, tốn gấp ba… Có chủ nhà thì bảo tôi, khi thiết kế bếp thì tuyệt đối không được để cho nó nằm ở vị trí có phòng nào đè lên trên, thầy bảo thế. Nếu thế các căn hộ chung cư chồng tất lên nhau thì sao! Nhiều cái cũng buồn cười nhưng mà tôi tôn trọng “tự do tín ngưỡng” nên phải chiều hết khả năng có thể.

Đời tôi đi làm gặp được ít nhất dăm chục thầy nhưng mà theo đánh giá cảm quan thì 95% các thầy là các cụ hưu trí, rỗi việc nên đọc được độ ba quyển sách phong thủy, tử vi… Hầu hết chưa đủ trình độ để hiểu Kinh Dịch. Tuy nhiên, so với “người thường” thì các cụ giỏi giang rồi. Thế nên các thầy hành nghề khắp nơi, với cách lý giải vô cùng bí hiểm, coi KTS như cỏ rác, chỉ đâu là KTS phải vẽ theo đấy.

__________

Tôi mới gặp được hai ông thầy mà tôi coi là chuyên nghiệp, một ông là người Hong Kong, hay xem xét cho mấy cụ quan chức cấp chính phủ mà tôi không tiện nêu tên. Ông này xem kiểu Huyền không phi tinh. Một ông khác ở Sài Gòn, xem Bát trạch. Hai ông này có đặc điểm chung là đều có nền tảng đại học về khoa học. Ông Hong Kong có bằng kỹ sư điện tử; ông Sài Gòn thì kỹ sư hóa. Các ông ấy lý giải phong thủy theo cách rất khoa học và hiện đại, biết tôn trọng và biết cách “thỏa hiệp” với KTS để hóa giải những cái xấu không thể tránh khỏi của ngôi nhà.

Phong thủy có một số quan điểm rất phù hợp với khoa học và tâm lý, tôi nghĩ là nên theo. Chẳng hạn như kiêng ngồi quay lưng ra cửa, kiêng đầu giường kê vào cửa sổ, sẽ bị bất an. Nằm trên giường nên phải nhìn được cửa ra vào, tránh gương soi vào giường. Cửa trước và cửa sau thông nhau thì dễ bị gió lùa, sẽ dễ bị cảm. Kiêng có con đường đâm vào chính cửa nhà, cũng sẽ bất an… Còn nhiều vấn đề kiêng kỵ khác thì tôi không thấy có tính khoa học tý nào, chẳng hạn như kích thước Lỗ Ban hay hướng nhà theo tuổi.

Tôi nói thật là nếu cứ theo phong thủy chi tiết như sách thì chính cái chùa cũng chả đúng phong thủy được hết. Chủ nhà phải có kiến thức cơ bản để biết vấn đề nào là chính, phụ, phải theo, hay không nhất thiết phải theo phong thủy. Khi biết thì mới không bị ám ảnh bởi phong thủy, không bị thầy “dọa ma”. Nhà nào mà theo phong thủy một cách cứng nhắc thì hình dáng ngôi nhà có khi chả ra gì. Lúc đó gia chủ sống trong nhà thấy bất tiện thì tổn thọ rồi.

Ông thầy Sài Gòn nói câu này mà tôi nhớ mãi: “Cứ thiết kế đúng chức năng sử dụng của nó. Chủ nhà cứ ăn ở, giữ gìn ngôi nhà cho sạch sẽ thì đã đúng phần lớn phong thủy rồi, phong thủy gì thì chủ nhà cũng phải thấy sống thoải mái đã”. Con người hoàn chỉnh thì phải có đầy đủ chân tay, mắt mũi, tim gan phổi phèo thì mới tốt. Nhưng chẳng may cụt chân, cụt tay, hỏng ruột thừa… thì cắt bỏ hay chế cái khác mà lắp vào để sống chứ. Cái nhà cũng vậy thôi, cần phải biết vấn đề nào là chính, là khoa học của phong thủy để mà theo, không lẽ cứ đổi nhà, xây sửa nhà liên tục cho nó đúng phong thủy?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: