‘Thánh Ớt’ Việt trên đất Mỹ

Share:

Có biệt danh “Thánh Ớt” vì anh chàng thanh niên gốc Việt 32 tuổi này là chủ nhân của một vườn ớt rất đặc biệt ở Oklahoma.

Duyên giữa đại dịch

Hà Thanh Nhân cùng gia đình sang Mỹ định cư từ năm 1990, lúc mới lên 10 tuổi. Lớn lên, Nhân đi theo ngành y, làm chuyên viên chụp MIR và CT tại nhà thương gần nơi anh sinh sống. Gia đình Nhân sống chung với nhau trong ngôi nhà khá rộng ở Oklahoma City, tiểu bang Oklahoma, cho đến một ngày nọ, Nhân quyết định ra riêng.

Cậu bé Nhân lúc còn nhỏ đã thích cây cỏ.

Ngôi nhà Nhân mua vào năm 2020 có bốn phòng ngủ chiếm 1/4 diện tích trên lô đất rộng 8,000 sqft, được bán với giá rẻ $260,000. “Sống với ba mẹ và các em đang yên lành, vui vẻ, mình đâu có ý định ở riêng, nhưng một hôm hứng lên đi coi nhà, hôm trước hôm sau là gom tiền mua luôn,” Nhân kể, “Chắc là có duyên.”

Trước đại dịch, bói không ra lô đất rộng có giá như thế, nên Nhân cho rằng vận may tới là phải tóm liền. Khi mới mua, xung quanh ngôi nhà chỉ có đất và đất, trơ trụi. Nhân bất đầu từ đây.

Một góc trong khu vườn rộng gần 6,000 sqft của Hà Thanh Nhân.

Thành quả

Gần ba năm. Một khoảng thời gian không dài, nhưng Nhân thay màu của mảnh đất, từ vàng úa khô khốc chuyển sang xanh tươi, thậm chí người chủ cũ nhận không ra. Ở mảng xanh ấy có trên 300 gốc hồng, hơn 30 cây thược dược, mấy chục loại cây ăn trái như lê, hồng dòn, đào, táo Mỹ, táo tầu, ổi, chanh, cóc, quýt, bí, bầu, và cả chùm ruột, hay sơ-ri, loại quả quen thuộc ở Việt Nam, hiếm có ở Mỹ.

Trong một lần thu hoạch bầu.
Vườn trái cây nhà Nhân, có cả cóc – loại trái cây của tuổi thơ rất nhiều người Việt.

Nhưng đặc biệt nhất là ớt.

Lúc đầu Nhân chỉ trồng khoảng 50 cây ớt. Sau hai năm, vườn ớt của anh chiếm 70% diện tích đất trồng mà vào mùa thu hoạch luôn có 500 loại khác nhau từ hương vị, độ cay, hình dáng đến màu sắc. Nhân nói có được như vậy là do anh mua hạt về gieo, bạn bè cho giống, hoặc tự tay lai giống, nhân giống.

Vườn nhà Nhân có tới 300 gốc Hồng.

Tôi hỏi Nhân về chuyện lai tạo để có được gần 3,000 giống ớt khác nhau trong bộ sưu tập của mình, chỉ sau ba năm. Anh giải thích: “Mình trồng ớt không phải để ăn, hay để bán, trồng là để giữ giống, nhân giống. Hạt giống hầu hết mình mua trên online, nhưng nhiều loại đâu có trên thị trường, nhất là những giống ớt quý, có khi chỉ có một hạt, không biết cách ươm là tiệt giống luôn. Nên mình phải ghép, tạo giống mới.” Rồi khiêm tốn, Nhân nói: “Thật ra mình có hàng ngàn giống như thế thì xá gì, vì trên thế giới có cả hàng chục ngàn giống ớt khác nhau cơ mà!”

Một số ít trong bộ sưu tập hơn 3,000 giống ớt của Nhân.

Vườn ớt nhà Nhân có nhiều loại đặc biệt, như Chocolate Bhutlah mà theo anh mô tả là ăn vào, cay gấp trăm lần khi ăn một vốc ớt hiểm. Đó là loại ớt cay nhất thế giới. Hay ớt Aji charapita cay tàn bạo được làm thành miếng chip mà các YouTuber hay đem ra thử độ chịu đựng của mình. Nhiều người nói loại ớt này đắt nhất thế giới, nhưng theo Nhân, cũng chính vì được lai tạo và trồng nhiều nơi nên bây giờ Aji charapita không còn giá trị cao như trước.

Nhân còn trồng loại ớt dài bằng cánh tay người lớn, gọi là Thunder Mountain Longhorn, hay Pumpkin habanero có hình giống trái bí. Đó là ớt cay, còn có ớt ngọt, như Sugar Rush Peach, Peachadew, hay Apple crisp mọng nước và ngọt như trái táo, được xào lên hay ăn sống như rau.

Tuy trồng ớt nhưng Nhân không phải là người ăn cay. Mỗi bữa anh chỉ cần một trái ớt, có cũng được, không có cũng không sao.

Với chiếc nón lá, không chạy đi đâu được, là một anh nông dân thứ thiệt.

Công sức

Để có được những giống cây ăn trái hay loại ớt quý hiếm, Nhân cất công tìm hiểu hoặc không quản đường xá xa xôi để mua về trồng, như cây sơ-ri, anh phải lái xe ba, bốn tiếng qua Dallas, Texas mới rinh về một cây vì bên Oklahoma không ai bán. Khi có dịp qua Houston cách chỗ anh ở tám tiếng lái xe, Nhân lại có dịp mua một cây chùm ruột về trồng.

Riêng ớt, anh thường trao đổi kinh nghiệm trồng và nhân giống với một nhóm bạn trên online. Hầu như anh toàn phải săn lùng mua giống mới trên mạng, nhưng cũng có người trên group trao đổi giống lẫn nhau.

Để có được vườn ớt và vườn cây ăn trái như bây giờ, Nhân cho biết đã tốn rất nhiều công sức, không thể cân, đong, đo, đếm hay quy đổi thành hiện kim được.

Suốt hai năm qua, ngày nào y ngày nấy, Nhân thức dậy từ 7 giờ sáng để chuẩn bị đi làm. 4 giờ chiều về đến nhà, thì 5 giờ là lúc Nhân ở suốt ngoài vườn cho đến không còn thấy bóng dáng mặt trời. Hôm nào công chuyện chưa xong mà trời tối sụp, anh phải bật đèn lên làm tiếp, xong việc mới vào nhà.

Nhân nói làm vườn là đam mê của mình, không phải mới đây mà từ lúc còn nhỏ. Gia đình Nhân sống ở một quận ngoại thành Sài Gòn trước khi đi định cư. Ngôi nhà cũng có một mảnh sân nhỏ phía trước, cậu bé tiểu học tập trồng trồng rau, bí, bầu này nọ. Hơn 20 năm sống xa quê, Nhân vẫn không quên cái mùi thân quen của những luống rau, bụi hoa.

Nhưng có điều rất khác, là mảnh vườn của Nhân bây giờ quá lớn, quá sức mà chỉ có một mình anh chăm sóc. “Ừa thì có cực thiệt,” với giọng miền Nam rặc, Nhân tâm sự. “Chỉ riêng một việc tưới cây, mình mất hai, ba tiếng mỗi ngày, vì mình tưới tay, chứ không tưới máy. Rồi còn bón phân, tỉa cành,… Còn khi tới mùa thu hoạch, hái ớt không thôi là hết cả ngày trời. Một đợt vậy, mình hái được mấy chục pound ớt luôn.”

Sau giờ làm ở bệnh viện, Nhân lại ra vườn chăm sóc cây.

Ớt hái xuống, Nhân tuyển chọn mỗi cây một trái chất lượng tốt nhất, cho bao túi, đánh số hẳn hoi, để giữ làm giống. Sau đó, anh gói đem cho họ hàng, bạn bè, giữ một ít để làm tương ớt, sấy khô làm ớt bột. Còn lại chất hết vào tủ ớt đông lạnh. Anh mua riêng một tủ đông, chỉ để chứa ớt mà thôi.

Nhân tuyển chọn mỗi cây một trái chất lượng tốt nhất, cho bao túi, đánh số hẳn hoi, để giữ làm giống.

Nhân kể, Oklahoma có khí hậu khắc nghiệt. Mùa Hè nóng cả trăm độ F, kiếm không ra giọt mưa, mùa Đông tuyết phủ trắng xóa, có cả mưa đá. Hạt ớt anh gieo ở trong nhà từ Tháng Ba, qua Tháng Năm anh đem ra vườn trồng, tới mùa Đông lại phải đem cây vô nhà (còn dư tới ba phòng) để tránh tuyết.

***

Nhân nói mình là người tò mò, thích khám phá, ham học hỏi nên từ lúc ban đầu, trồng cây nào chết cây nấy, bây giờ anh trở thành ‘bác sĩ’, chẩn đoán được hết các bệnh của cây. “Mỗi lần thăm vườn, nhìn thoáng qua mình biết cây nào mất bao nhiêu chiếc lá, cây nào mạnh, cây nào bệnh, bệnh gì, chữa cách nào,” Nhân nói. “Chẳng phải hay gì, mình chỉ học trên mạng, trên YouTube, bạn bè mà thôi.”

Hiện nay “Thánh Ớt” đang sống chung cùng một gia đình cún, gồm Thobi, 8 tuổi; vợ chồng Lucky, 8 tuổi – Lili, 6 tuổi, và con trai Benne của Lucky-Lili. Khu vườn chiếm gần như trọn thời gian sau giờ làm việc, cả cuối tuần, Nhân cũng ít ra ngoài. Bữa cơm hàng ngày cũng giản tiện: Mua to-go, hoặc qua nhà mẹ lấy thức ăn mẹ nấu.

Chưa có người yêu, Nhân vẫn vui vì đã có cún và hoa.

Ở tuổi 32, Nhân tự gầy dựng cho mình được cơ ngơi tuyệt vời, là niềm mơ ước của rất nhiều người. Nhờ duyên, anh có được mảnh vườn như thế, còn mảnh tình vắt vai vẫn chưa thấy đâu. Nhưng Nhân rất bình thản, ờ thì lại chờ nhân duyên!

(ảnh: Hà Thanh Nhân cung cấp)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: