Có lần vào một tiệm sách, thấy trên tường có treo một thư pháp thật đẹp viết “Dẫu biết vô thường sao lòng vẫn xót xa”, tôi nhớ đến một mẩu truyện trong kinh, có lần Phật hỏi các thầy:
– Này các Thầy, sự vật là thường hay là vô thường?
– Bạch đức Thế tôn, sự vật là vô thường.
– Sự vật vô thường, vậy là khổ hay là không khổ?
– Bạch đức Thế tôn, sự vật vô thường cho nên chúng là khổ.
Qua mẩu truyện ấy, chúng ta có thể đơn giản hiểu Phật dạy chúng ta rằng mọi sự vật trên đời đều là vô thường, và vì vậy chúng sẽ mang đến cho ta khổ đau.
Thế nào là vô thường?
Nhưng theo bạn nghĩ thì thế nào là vô thường? Nơi tôi ở có bốn mùa rõ rệt. Có những tháng tuyết rơi thật cao ngập trắng và xóa hết đường phố, rồi mùa Xuân có hoa nở đủ sắc màu với những cành lá non tươi màu xanh mạ, và mùa hè về cây cỏ xanh rì soi bóng bên dòng suối trong mát. Và vào tháng này trời nơi đây đã bắt đầu vào Thu. Tôi biết vài tuần nữa thôi, ngàn lá bên khu rừng nhỏ sau nhà sẽ đổi muôn màu, chúng rụng bay khắp trời, để lại một rừng cây trơ trọi khi trời trở lạnh và ngày ngắn đi hơn.
Bạn biết không, tôi thấy rõ được sự đổi thay của bốn mùa, nhưng tôi không cảm nhận nó là vô thường. Bốn mùa thay đổi tự nhiên. Một buổi sáng mùa Thu nhìn những chiếc lá sắc màu dưới bước chân đi, tôi chỉ cảm thấy cái đẹp nhiệm mầu của thiên nhiên, của sự sống. Tôi nghĩ vô thường là những việc gì xảy đến bất ngờ với ta. Một hôm trở về khu phố cũ, căn nhà ngày xưa giờ đã nhiều biến đổi, nhìn cánh cửa sổ, tấm sáo quen thuộc ngày nào… tôi chợt cảm thấy cuộc đời vô thường. Tôi nghĩ, vô thường là những thay đổi nào mà mình không muốn, không chấp nhận. Và đó mới là nguyên nhân của khổ đau.
Trong kinh A Hàm, có lần ông thôn trưởng Na-ca-dà hỏi Phật:
– Bạch Thế tôn, nguyên nhân nào khích động các khổ?
Phật hỏi ông:
– Nếu trong thôn ông có người chết hoặc có người bị tai nạn, ông có buồn khổ không?
– Bạch Thế tôn, có khi buồn khổ, có khi không.
– Tại sao?
– Nếu những người chết hoặc bị tai nạn ấy là bà con thân quyến của con thì con buồn khổ. Trái lại thì con không buồn khổ.
Phật đáp:
– Gốc của sự buồn khổ là do lòng dính mắc vậy.
Như vậy thì vô thường, sự đổi thay, chưa chắc sẽ mang lại cho ta những khổ đau, nhưng chính những dính mắc, ước muốn của mình mới là nguyên nhân chánh.
Nghệ thuật buông xả
Và vì vậy, muốn có hạnh phúc và được an tĩnh chúng ta phải biết tập buông bỏ những vướng mắc trong tâm mình, vì đó mới là nguyên nhân của khổ đau. Nhưng chúng ta có thể buông bỏ được những vướng mắc trong tâm mình chăng? Bạn biết không, trong một thế giới tương đối này thì không có gì là thật sự trống không hết. Một ly đầy nước, nhưng khi ta đổ hết nước đi, thì ly ấy sẽ lại đầy không khí. Không cái này thì sẽ có một cái kia. Vì vậy đức Phật có dạy cho chúng ta một phương cách buông bỏ rất hay.
Tôi nhớ trong bài kinh An Trú Tầm, Vtakkasanthàna sutta, Phật có dạy chúng ta một cách buông bỏ bằng cách thay vào đó một cái gì tốt lành hơn. Ta buông bỏ một phiền não bằng cách thay vào đó bằng một niệm an vui. Lấy một hơi thở thay cho một bất an. Lấy một câu niệm Phật thay vào một tâm sợ hãi. Lấy một việc làm thiện lành thay cho một hành động xấu ác. Trong kinh, Phật có cho ví dụ như một người thợ mộc thay những con chốt (a peg) hư xấu của một chiếc bàn, bằng cách dùng một con chốt mới khác để đánh bật con chốt hư xấu ra ngoài, và thay vào đó bằng một con chốt tốt đẹp hơn.
Mà bạn biết không, tình thương là một con chốt tốt lành có thể đánh bật ra hết những muộn phiền, hờn giận, sợ hãi trong ta, và nó sẽ thay vào đó bằng một sự chấp nhận, an tĩnh, và hạnh phúc. Một tình thương lớn giúp cho ta có được một khả năng buông xả. Trong tứ vô lượng tâm: từ bi hỷ và xả, thì một tình thương sâu xa sẽ dẫn dắt ta đến sự xả bỏ, tha thứ được hết tất cả, ngay cả những khổ đau của chính mình. Tình thương nhỏ khiến ta bị dính mắc, nhưng với một tình thương lớn thì tâm ta sẽ không còn bị vướng vào một nơi nào hết.
Bạn có thấy gì không?
Tôi nhớ trong kinh kể lại sau khi thành đạo dưới cội Bồ-đề, đức Phật đã do dự không muốn đi truyền dạy, vì nghĩ rằng có lẽ sẽ không ai hiểu được con đường giải thoát mà Ngài vừa tìm ra. Ngày xưa tôi nghĩ có lẽ đức Phật do dự là vì giáo lý của Ngài quá siêu việt, với những lý Bát-nhã, Trung quán, Tánh không, hay Bất nhị… cao xa quá, nên khó ai có thể hiểu thấu được.
Nhưng bây giờ tôi nghĩ khác, đức Phật do dự có lẽ vì biết rằng giáo lý của Ngài tuy rất đơn giản, nhưng có mấy ai thật sự hiểu và chịu thực hành. Mấy ai chịu nhìn lại để thấy được nguyên nhân của khổ đau là do những ham muốn, thù hận và cố chấp của chính mình mà thôi. Mấy ai có thể thấy được những lỗi lầm của mình để buông bỏ. Khó là ở chỗ quay nhìn lại mình. Nhưng vì một tình thương lớn, Phật đã rời cội Bồ-đề bước chân vào cuộc đời để chuyển hóa khổ đau.
Có lần tôi đọc một câu chuyện vui về ông Nasrudin, một nhà hiền triết Trung Đông. Một hôm ông và người bạn rủ nhau đi cắm trại ngoài sa mạc. Tối đến cả hai chun vào lều ngủ. Đến nữa khuya người bạn đánh thức ông dậy và nói:
“Này anh, nhìn lên trên kìa, anh có thấy gì không?”
Nasrudin nói: “À, bầu trời ngoài sa mạc đầy sao sáng, đẹp quá!”
Anh bạn hỏi, “Anh thấy như vậy là có nghĩa gì không?”
“Nhìn vô số những vì tinh tú trên bầu trời đêm, tôi thấy chúng ta quá nhỏ nhoi, kiếp người thật vô nghĩa.”
Người bạn hỏi tiếp, “Nhưng anh không thấy gì nữa sao?”
“Nếu mà theo quan điểm của chiêm tinh học, thì nhìn vị trí của các vì sao tôi có thể đoán là bây giờ khoảng hơn nửa khuya. Còn theo anh thì nó có nghĩa là gì?”
Người bạn đáp, “Tôi thấy là ai đã đánh cắp chiếc lều của chúng ta mất rồi!”
Mà trên con đường tu học cũng vậy, nhiều khi chúng ta lo tìm kiếm cao xa quá mà quên thấy được những gì đang có mặt, những nguyên nhân của khổ đau, ngay trước mắt mình.
Đức Phật bằng đồng
Có lần đến thăm một tự viện nọ, vào thư quán tôi thấy khuất trong một góc bụi bậm trên một kệ sách có chưng một tượng Phật nhỏ ngồi thiền bằng đồng, rất đơn sơ không sơn phết. Hình dạng của tượng Phật thiếu cân xứng, lại có một dáng ngồi không thẳng và trang nghiêm như những tượng Phật khác. Người bán sách nói rằng có một Phật tử đi Thái Lan về và tặng cho nhà sách để bán, thế nhưng không ai thỉnh vì tượng không được đẹp, đa số ai cũng muốn thỉnh những tượng Phật có tướng tốt lành, và nhất là được làm bằng gỗ hay đá quý. Người bán hàng nói, nếu muốn chị sẽ biếu tặng tôi chiếc tượng ấy.
Và tôi thỉnh tượng Phật bằng đồng nhỏ ấy về đặt trên bàn viết của mình. Mỗi lần nhìn chiếc tượng nhỏ ấy, tôi cảm thấy đức Phật rất bình thường và gần gũi với mình, nó nhắc nhở tôi xả bỏ hết những tự ti và tha thứ cho sự bất toàn của ta. Tôi cảm nhận được một tình thương và sự buông bỏ, nhớ bài haiku của Thiền sư Nhật.
Giun,
Kinh kệ mệt hơi
Tám mốt tuổi rồi
Gần đất xa trời
Nhảy vào suối mát ta chơi
Đời sống luôn thay đổi và cũng nhiều vướng mắc. Sáng nay, dưới bước chân ta đi một chiếc lá thu rụng, hãy buông thả hết và cứ đi rong chơi bạn nhé…