Vô Kỵ là một thằng bé 11 tuổi, ở Tích Lan (Sri Lanca), người không có gì mạnh mẽ, nhanh nhẹn. Nó hiền lành nhưng tự nhiên lại nổi hứng muốn học đánh võ. Nó tìm được một ông thầy dạy võ già, nổi tiếng là võ nghệ cao cường, kiến thức uyên bác, đạo hạnh nghiêm túc. Bố mẹ nó cũng không vui lắm vì muốn nó trở thành một người thường, làm ăn lương thiện, thành công và cưới vợ, đẻ con như tất cả mọi người. Bố nó giận nó, nói dỗi:
– Mầy có muốn học võ thì mầy đi ở luôn với ông thầy dạy võ đó đi. Đừng có về nhà nữa.
Thế là nó làm thật. Nó ở luôn với ông thầy võ đó. Thế mới đổ nợ cho bố nó, bị vợ ổng (mẹ nó) mắng cho một trận:
– Tại ông đó, nó mới bỏ nhà đi như vậy. Phải ông để tôi dùng lời nhỏ nhẹ, tôi đã có thể giữ nó lại nhà làm người tốt như ông tính.
Bài học: Muốn cái gì thì cứ thong thả, từ từ; thẳng thừng là nó làm thật đấy.
Dạy ăn
Nó đòi học võ, ông thầy chẳng chịu dạy gì cả:
– Vô Kỵ, trước khi học võ, phải học ăn trước. Thân thể gầy ốm thế này thì đấm với đá cái gì. Phải nuôi cho nó lớn, mạnh lên. Con thích ăn cái gì?
– Thưa sư phụ, con thích ăn balanced diet. Mấy người thầy thuốc dặn ăn balanced diet, tinh bột, thịt mỡ, con biết hết. Nhưng con nhất định ăn chay tại con thương thú vật. Con không muốn bất cứ một con gì phải bị chết để con được sống và học võ.
– Này Vô Kỵ, nếu con nhất định như vậy thì sư phụ sẽ không còn ai để dạy nữa.
– Sao vậy sư phụ? Có biết bao protein thực vật mà mình đâu có cần giết con gì đâu?
– Vô ích, Vô Kỵ ạ. Con có biết một bát cơm con ăn là do biết bao triệu sâu bọ đã bị giết để con còn có lúa trên đồng không? Nếu không có mấy cái xịt thuốc rầy, thì tụi nó đã ăn hết lúa, hết hoa quả của con. Con sống được là nhờ tụi nó chết. Con hãy mang ơn tụi nó khi con nhai cơm, ăn táo trong miệng con. Đó là đời sống đó con. Xác thân con sống được như vậy là do công ơn của muôn vạn sanh linh, từ người đến thú. Đó là chưa kể đến những vật vô tri giác như nước, không khí và ánh sáng. Kết luận? Thầy sẽ cho con ăn cái gì thầy có. Lòng từ bi, thầy cũng có như con. Thầy dạy con ăn, không phải cái gì con nên ăn, mà thầy dạy con ăn trong tâm thức nào: tâm thức mang ơn.
– Con xin nhận lãnh những lời giáo hóa này. Vô Kỵ cúi đầu. Hắn hiểu.
Dạy đi
Dạy ăn rồi mà vẫn chưa xong với ông thầy dạy võ này. Vô Kỵ nóng nảy muốn học võ mà cả năm qua, chẳng thấy thầy dạy động tác nào trước, bước đá nào sau. Nội cái đi tới đi lui trong sân mà thầy hắn cứ phải nhắc đi chậm lại. Trời đất, đi học đánh võ mà cái gì cũng phải chậm. Hắn cứ muốn học sao cho nhảy cao, đá mạnh. Vô ích, ông thầy dạy:
– Vô Kỵ, nghe cho kỹ, cái võ thuật thầy dạy không nằm trong cái vận tốc và lượng (mass) mà là nội công của cái tĩnh lặng tuyệt đối. Nhớ ba điều này:
Dạy thở
Ba năm đã qua mà Vô Kỵ vẫn chưa được dạy một miếng võ nào. Hắn ăn cái gì thầy hắn cho. Thật ra mấy người trong làng hắn cho thầy hắn rồi thầy trò ăn với nhau. Khi ăn thì không nói. Chỉ biết ăn là ăn cái gì, nghe mùi vị trong mũi, trên lưỡi của nó và đầy lòng biết ơn.
– Thở mà cần gì phải dạy, thưa thầy. Con biết thở từ lúc mới sanh.
– Con nuốt thức ăn xuống dạ dày không có nghĩa là con biết ăn. Ăn trong im lặng, ăn trong lòng mang ơn mới gọi là biết ăn. Đi cũng vậy, đặt chân xuống đất và bước đi trong cả đường dài không có nghĩa là con biết đi. Con đi từng bước chậm rãi, chú ý, quan tâm tới cái mầu nhiệm của mỗi cái ngã mà con tránh được của mỗi bước. Đó mới là con biết đi đấy.
Còn thở cũng vậy. Mũi con thở mà tâm con nóng lòng học võ để con có võ nghệ cao cường là con chưa biết thở. Con hãy buông bỏ hết tất cả ý tưởng bay nhảy, suy luận và chỉ đắm mình trong một cái thở ra, một cái thở vô nhịp nhàng, không cố gắng, không ham muốn. Một cái thở bao dung, hòa đồng, không ranh giới, trao đổi dưỡng khí với trọn thế giới quanh con. Không còn hơi thở nào là của con hay là của bạn con xung quanh. Hơi thở dịu dàng, nhịp nhàng, không ranh giới, vô tận. Đó mới thật là biết thở. Dĩ nhiên Vô Kỵ con, con không thể nào biết thở kiểu này 24/7. Mỗi ngày 15 đến 45 phút là đủ rồi. Khi nào con cảm thấy mấy cái hơi thở vô, thở ra của con là “đẹp đẽ” thì con khá lắm đó. Nhớ: The beautiful breath.
– Thầy có thấy hơi thở đẹp không? Vô Kỵ hỏi.
Ông thầy chỉ cười, không trả lời. Vô Kỵ cũng không có hỏi gạn.
Dạy võ
Tám năm qua. Vô Kỵ bây giờ 19 tuổi. Thân thể tráng kiện, mắt sáng, tai thính, bước đi nhẹ nhàng, mỗi một bước chân xuống vững chãi như một cái máy cầy John Deere , nhấc lên nhẹ nhàng như một tai hoa sen. Miệng hắn hiền hòa, điềm đạm, hay cười. Hắn vui lắm.
– Này Vô Kỵ, bao nhiêu kiến thức về võ thuật, tấn thối, ngửa đầu, cúi đầu con đều đã nằm lòng. Bây giờ thầy chỉ nhắc lại con có hai động tác là con phải quán suốt tận tường. Một là xuống tấn; hai là Tango.
Xuống tấn
– Như kiểu phòng thủ. Chân trái gập nửa gối, phía trước. Tay trái thẳng, hạ thấp một chút. Tay phải xòe, hướng ra trước phía đối thủ, mấy ngón tay khít lại, cả ngón cái. Khuỷu tay co lại một chút. Đấy đấy, được đấy. Sư phụ của hắn vừa dạy vừa ra bộ luôn.
– Năm ngón tay là năm giới (Sila). 10 ngón tay cũng được. Tư thế có khác một chút: hai bàn tay xòe về phía đối thủ như để chặn đứng một cánh cửa đang ập xuống. Đó là 10 Commandments. Cả hai động tác có một ý nghĩa tương tự: Đừng làm mấy cái đó. Vô Kỵ, con hãy chuẩn bị chân con cho vững vì mấy cái lực tấn công con nó rất mạnh. Con đỡ nó mà không vững chân thì nó đánh con ngã đó: Lực mà năm giới (precepts) và 10 điều răn (commandments) con phải đối phó: Đừng có làm.
Tất cả các đường quyền, đường cước đều phải dựa lên cái xuống tấn phòng thủ này để khỏi bị địch thủ đánh ngã.
Tango
– Vô Kỵ, bên Âu Châu tụi nó có điệu múa, hình như của Tây Ban Nha thì phải, gọi là Tango. Trong khi múa, vũ kiểu này, có lúc người đàn bà như bị ngã ngửa ra đằng sau, gần như lưng đụng sàn. Thì tự nhiên một cánh tay của vũ công nam, uyển chuyển, mềm mại nhưng mạnh khỏe vô cùng đã đợi sẵn ở đó và người phụ nữ không bao giờ bị ngã đau. Đó là Tango.
Con đánh võ cũng vậy. Đánh võ là có ngã. Thầy dạy con đường quyền, đường cước để chân tay khéo léo, mạnh mẽ, không phải để làm cho người ta đau hay ngã xuống.
– Thưa thầy, nhưng nếu đối thủ không ngã, không đau thì làm sao con thắng được?
– Thắng? Thắng là cái gì? Con sao tối dạ thế? Vô Kỵ. Con nói con muốn học võ, thầy dạy võ. Thầy có dạy cho con thắng ai đâu? Con đủ sức thắng được, đỡ được cánh cửa nặng của năm giới, của 10 điều răn, con còn sức đâu để thắng ai nữa. Con chẳng còn mong muốn gì hết, huống là muốn thắng.
Quyền Tango là con đỡ cho địch thủ khỏi đau đó.
Cuộc đấu thực sự
Bây giờ, Vô Kỵ đã 25, thân thể vạm vỡ, bước đi uyển chuyển, dịu dàng, nhịp nhàng, quyền cước thuộc lòng, tâm tính bao dung, trong sáng nhưng vẫn còn một cái muốn: muốn thắng.
Đối thủ có vẻ già giặn, lịch thiệp, có vẻ hơi kiêu ngạo một chút vì hắn học trường rất nổi tiếng trong vùng. Nhiều tiền lắm mới vô học được trường này, toàn là người thành công trong đời tranh nhau đưa con đến học, đôi khi phải hối lộ mấy người xét đơn nhập học. Trường võ của Vô Kỵ thì nghèo. Từ bi, rộng lượng nhưng nghèo và không danh tiếng bằng.
Hiệp nhất
Vô Kỵ thua te tua, ngã mấy cái đau điếng. Địch thủ mạnh lắm, Vô Kỵ xin time out vô động đá vấn kế sư phụ. Sư phụ ngồi yên, theo dõi từng quyền, từng cước. Sư phụ dạy: Con đánh rất đúng quy luật thể thức nhưng còn nhớ bài nhiều quá, theo quy luật, giáo điều quá. Quên bớt đi.
Hiệp hai
Vô Kỵ ngồi nghỉ mệt một chút, xem xét mình còn nhớ bài được bao nhiêu. Quên được 75% bài học của thầy. Thầy cho ra đánh tiếp hiệp hai. “Quái lạ, thằng này đánh khá hẳn lên” – đối thủ ngạc nhiên, vất vả hơn nhiều nhưng rốt cuộc cũng đánh ngã được Vô Kỵ. Lần này ngã nhưng không có đau bằng lần đầu. Xin time out, vô vấn kế sư phụ lại.
Hiệp ba
– Con còn nhớ bài nhiều quá. Nhớ 25% là quá nhiều. Con phải biết là địch thủ này nó rất giỏi về đoán trước động tác của con. Nó thấy được con ở đâu, con là ai, nó tấn công con ở đó. Con phải quên hết bài bản, quên con là ai, con không còn là Vô Kỵ nữa thì con sẽ thấy. Quên hết đi. Buông bỏ hết đi. Con không còn tự nhận định (self-identify) với một đơn vị nào nữa. Không còn là Vô Kỵ nữa. Nghe chưa?
Vô Kỵ làm thinh, tư tưởng trống rỗng, tâm thức trong sáng, lắng đọng, hay biết tất cả.
– Con xin lãnh giáo.
Hắn chậm rãi trở ra, nhìn thẳng vào địch thủ, nở một nụ cười hiền từ, bao dung, không sợ thua mà cũng không muốn thắng nữa. Hắn múa may không theo bài bản gì cả. Chân hắn như đi trên mây, tay hắn múa may như Tango. Hắn khi thì ở trước địch thủ, khi thì ở sau, ở trên, ở dưới. Địch thủ không thấy một Vô Kỵ mà vô số Vô Kỵ, ở khắp nơi, như gió thổi, như mây bay. Động mà không động, không động mà động. Rốt cuộc địch thủ chịu thua không phải vì Vô Kỵ thắng mà vì địch thủ của Vô Kỵ không còn ai để mà thắng nữa.
Sư phụ cười. Hai địch thủ chậm rãi đến trước vị võ sư già cùng cúi đầu đảnh lễ. Chấm dứt một cuộc đấu võ ngoạn mục và cả hai trở thành võ sĩ tài ba, lỗi lạc mà không có ai thua ai thắng hết.
Footnote: Vô Kỵ bây giờ 62 tuổi ở Woodstock, IL., dạy thiền định thay vì dạy võ. Tôi là một học trò. Học ăn, học đi và học thở rồi. Còn học múa võ thì còn học dài dài. Không, không có Tango. Các bạn nào giỏi Tango, dancing dạy mình múa đi, múa sao cho người vũ viên của mình ít bị ngã, mà có ngã thì cũng khỏi đau.
Nguồn: dohongngoc.com