11 Tháng Chín 2001 và quân cờ chết người Taliban

Chiến binh Taliban, Kabul, ngày 10 Tháng Mười 1996 (ảnh: Roger Lemoyne/Liaison)
Share:

Năm 1994, khi đoàn xe 30 chiếc từ Pakistan tiến vào biên giới Nam Afghanistan bị chặn bởi băng thổ phỉ, một toán vũ trang nhỏ đã đến cứu. Họ tự xưng là Taliban, tức “môn sinh Hồi giáo”, và giải thoát đoàn xe. Tên chủ soái thổ phỉ bị rượt vào sa mạc sau đó trở thành cái xác không hồn vắt trên nòng pháo xe tăng như một cảnh báo cho bọn cướp cạn còn lại. Sự kiện đã giúp thắt chặt mối quan hệ với Pakistan và kết quả Taliban được giúp đỡ thêm tài chính cũng như vũ khí. Toán vũ trang nhỏ sau đó đã trở thành một đạo quân hung hăng chiếm gần như hoàn toàn lãnh thổ Afghanistan và trở thành trung tâm chú ý thế giới. Sự ra đời của Taliban là kết quả các vụ đầu tư chính trị sai lầm, cực kỳ nghiêm trọng…

KABUL THÁNG 10-1996

Chỉ hai tuần trước tháng 10-1996, cánh quân Hồi giáo Taliban đã tràn vào thành phố chiến lược phía Đông Jalalabad. Không chần chừ ngốn luôn các tỉnh lân cận, họ tập trung nện pháo vào Sarobi, cách Kabul vỏn vẹn 75km. Một trung tâm thị tứ hoang tàn nằm lọt giữa các rặng núi, Sarobi khó chống đỡ nổi. Các chiến binh Taliban người Pushtun cũng có dấu hiện ép sát sườn Kabul (thủ đô Afghanistan). Quân của tướng Ahmed Shah Massoud tỏ ra manh mún. Ngày 24-9-1996, Taliban tràn vào Sarobi từ ba hướng, giết sạch toán quân tinh nhuệ của Massoud.

Bốn ngày sau, nhiều thi thể bị chặt đầu và chân tay còn nằm ngổn ngang bên đường lộ. Để tỏ rõ sự thù ghét, lính Taliban đã nhét tiền vào mồm các xác chết không hồn kia. 20 giờ sau khi đánh chiếm Sarobi, Taliban rượt quân của Massoud ngược về Kabul, trên cùng con đường mà hồi năm 1842, lính Anh đã quăng súng chạy thoát mạng. Taliban bắt đầu chiến dịch đánh nhồi các vị trí đồn thủ quanh Kabul của Massoud. Đạn cối dã liên tiếp vào khu công nghiệp Kabul vào trưa 26-9. Chính phủ Afghanistan chỉ còn trông mong cầm cự tại Pul-i-Charkhi, rìa Kabul ở phía Đông. Đó chính là nơi mà 10 tháng trước, tướng Massoud của Tổng thống Afghanistan Burhanuddin Rabbani đã đẩy lui đà tấn công của Taliban. Nhưng lần này, Taliban vây hãm Pul-i-Charkhi từ nhiều phía…

Chiến binh lừng lẫy Ahmad Shah Massoud (Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan; được mệnh danh “anh hùng dân tộc”; “Sư tử Panjshir” ( شیر پنجشیر‎), tại một mặt trận phía Bắc Kabul. Ông bị ám sát chết ngày 9-9-2001 (ảnh: Patrick ROBERT/Sygma via Getty Images)

Thứ năm, 26-9-1996, các chuyến bay của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Hội chữ thập đỏ quốc tế đáp xuống Bagram, cách Kabul 50 km về phía Bắc. Nhiều lính của Massoud đã hoảng loạn rút vào thung lũng Panjshir. Đêm 26-9, người ta thấy bóng dáng Taliban tiến vào từ phía Đông. Lúc 6 giờ 45 chiều, một cú điện hoảng hốt từ khu phức hợp Mikrorayan (do Liên Xô xây) gọi đến các viên chức LHQ. Trong số cư dân hoang mang ở Kabul, có một cư dân đặc biệt: cựu Tổng thống Muhammad Najibullah.

Tháng 4-1992, LHQ từng cố đưa Najibullah đến Ấn Độ nhưng bị chặn tại phi trường bởi chính các sĩ quan thuộc Cảnh vệ quốc gia cũ của Najibullah. Từ lúc đó, Najibullah cùng người em Shahpur Ahmadzai (cựu chánh an ninh) của mình trú thân trong một căn nhà của LHQ tại trung tâm Kabul. Najibullah được trang bị điện thoại vệ tinh để nói chuyện với vợ con ở Delhi, được cung cấp truyền hình vệ tinh và cả dụng cụ tập thể dục.

Hôm đó (26-9-1996), Najibullah lo lắng tột độ. Vài sĩ quan an ninh của chính phủ (thuộc Tổng thống Burhanuddin Rabbani) đã giục Najibullah cùng họ trốn lên phía Bắc. Tuy nhiên, tin rằng LHQ có thể bảo vệ mình, Najibullah từ chối. Đến 9 giờ tối (26-9), hàng toán quân Massoud lần lượt vứt súng bỏ chạy. 2 giờ 50 sáng 27-9, một tiếng nổ kinh hồn rung chuyển khu nhà LHQ. Từ cửa sổ, dân chúng thấy một xe tăng. Khu nhà LHQ đang bị tấn công! Các lô cốt bảo vệ khu nhà bốc cháy dữ dội. Sau đó, năm tên Taliban vũ trang xông vào bên trong lôi Najibullah ra ngoài và chở đi. Ít lâu sau, chúng trở lại bắt Shahpur Ahmadzai. Khi mặt trời ló dạng ở thành phố, người ta thấy cái xác lủng lẳng của Najibullah treo từ cây cột điện. Vài nhân chứng kể rằng họ thấy Najibullah bị cột vào xe tải và kéo lê cho đến chết trước khi bị treo. Cạnh Najibullah là cái xác của em mình (Ahmadzai)…

Ngày 26-9-1996, khi cựu Tổng thống Muhammad Najibullah (từ chối rời bỏ đất nước) trú trong một doanh trại thuộc LHQ, Taliban sộc vào bắt và tra tấn ông đến chết. Ông bị thiến và xác của ông bị cột vào sau xe tải kéo lê khắp đường phố Kabul rồi cuối cùng bị treo trước cột điện bên ngoài Dinh Tổng thống để biểu thị một “kỷ nguyên” mới đã bắt đầu (ảnh: Muhammad Najibullah nói chuyện trước Quốc hội Afghanistan, Tháng Năm 1989 – Robert Nickelsberg/Liaison)

6 giờ 30 sáng 27-9-1996, đường phố Kabul tràn ngập dân chúng, tò mò đổ ra xem chuyện gì. Trừ khu phía Đông, Kabul gần như không mang bị dấu ấn chiến sự. Những kẻ chiến thắng tươi cười vẻ thân thiện. Trong 24 giờ sau, sắc lệnh đầu tiên từ Hội đồng tối cao Kabul nằm dưới sự lãnh đạo của giáo sĩ Mohamed Rabbani 32 tuổi (không liên quan Tổng thống Rabbani) được tung ra, mang nội dung ngắn gọn: phụ nữ từ nay không được đi làm và tất cả phải che kín mặt. Vài ngày sau, cảnh tượng lính Taliban dùng roi ngựa quất vào phụ nữ nào không tuân lệnh mới đã bắt đầu xuất hiện.

Vài luật bổ sung được ban hành: nữ giới không được phép đi học và đàn ông phải để râu dài. Đến lúc đó, người ta vẫn chưa hiểu tại sao quân của “sư tử Panjshir” (tướng Massoud) lại dễ dàng thất thủ như vậy. Hầu hết các nhà phân tích cho rằng lính của Massoud đã mệt mỏi sau nhiều năm nội chiến và bất mãn trước đồng lương thấp không nuôi nổi gia đình. Trong khoảng 20.000 quân của Massoud bảo vệ Kabul, chỉ 3.000 lính thật sự trung thành. Đó là những người gốc gác Panjshir – quê hương của Massoud. Tổng thống Burhanuddin Rabbani và Thủ tướng Gulbuddin Hekmatyar trốn lên Hindu Kush, trong khi Massoud rút vào cứ địa cũ Panjshir. Tại Mazar-e-Sharif, tướng Abdul Rashid Dostum vẫn cát cứ nhưng không biết chừng nào bị Taliban hất văng…

TALIBAN VÀ SỰ ĐẦU TƯ CHẾT NGƯỜI CỦA MỸ

Ngày 15-2-1989, khi các toán quân cuối cùng của 115.000 lính Xô Viết băng biên giới Afghanistan trở về Tajikistan, có tiếng thở phào nhẹ nhõm ở Washington, Riyadh (Saudi Arabia) và Islamabad (Pakistan). Sự triệt thoái quân đội Liên Xô đồng nghĩa việc Afghanistan sẵn sàng trở thành đồng minh Mỹ. Sự tan rã khối Liên Xô vào tháng 12-1991 đã khiến ngọn gió mujahideen (du kích Afghanistan) càng mạnh. Tháng 4-1992, mujahideen tiến vào Kabul, theo sau sự sụp đổ chính thể cánh tả của Tổng thống Muhammad Najibullah. Tháng 8-1994, Taliban được khai sinh, bởi giáo sĩ Hồi giáo Mohammed Omar, tại thị trấn Kandahar phía Nam Afghanistan. Chỉ hai năm sau, họ trở thành lực lượng chính trị-quân sự cực mạnh và làm chủ hoàn toàn Kabul…

Bộ sậu Nhà trắng thời Tổng thống Jimmy Carter (1977-1981) theo đuổi chính sách ủng hộ mujahideen đã không nghĩ rằng họ đang gieo hạt giống tai hại Taliban. Theo Dilip Hiro của tuần báo Mỹ The Nation, kiến trúc sư chính cho chính sách này là Zbigniew Brzezinski – cố vấn an ninh quốc gia Nội các Carter. Dân gốc Ba Lan và chống cộng đến cùng, Brzezinski cho rằng ván cờ Afghanistan là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp ông, có thể làm lu mờ kỳ tích của cái bóng khổng lồ tiền nhiệm Henry Kissinger. Brzezinski không chỉ xua đuổi xe tăng Liên Xô mà còn tạo ra cơn cuồng phong quét sạch chủ nghĩa Cộng sản vùng Trung Á.

Ván cờ của Brzezinski được tướng Pakistan Mohammad Zia ul-Haq ủng hộ. Lật đổ Thủ tướng Pakistan Zulfikar Ali Bhutto năm 1977, Zia ul-Haq thiết lập một chính thể Hồi giáo mà ông cho rằng nó sẽ là công cụ chống cộng hiệu quả… Molly Moore của Washington Post nói thêm, một trong những lý do nữa khiến Pakistan giúp mujahideen là chuyện kinh tế. Thủ tướng tân cử Benazir Bhutto (lúc đó) bị sức ép từ giới thương nhân đòi liên kết mujahideen nhằm mở tuyến mậu dịch vào Trung Á đã thành lập Chi bộ phát triển mậu dịch Afghanistan, vừa kích thích các thương vụ làm ăn vừa hỗ trợ tài chính cho mujahideen. Đổi lại, mujahideen giúp thương nhân Pakistan chuyển hàng suôn sẻ vào Trung Á… Cuối cùng, Saudi Arabia cũng đầu tư đáng kể vào ván cờ Afghanistan – phần, do họ ngả theo chính sách ngoại giao của Mỹ; và phần, do họ là quốc gia Hồi giáo nên sẵn sàng giúp một nước Hồi giáo khác thoát khỏi sự cai trị Cộng sản.

Kết quả, bộ ba Washington-Riyadh-Islamabad đã tuyển mộ và đào tạo nhiều trong khoảng ba triệu dân tỵ nạn Afghanistan trú ở Pakistan, với trợ giúp của CIA và Cục tình báo Pakistan (ISI). Trong số thành phần mujahideen, có vài kẻ không thuộc dân Afghanistan nhưng tình nguyện dấn thân vào cuộc. Một trong những kẻ đó là Osama Bin Laden. Rủ theo 40.000 tình nguyện quân Saudi Arabia, Bin Laden trở thành chỉ huy một lực lượng Afghanistan-Arab, cùng hoạt động với các thủ lĩnh mujahideen khác, trong đó có giáo sĩ Mohammed Omar thuộc nhóm Hizb-e-Islami.

Ngoài hoạt động quân sự, triệu phú Bin Laden còn xây đường sá-nhà cửa tại vùng thuộc kiểm soát của mujahideen. Hợp tác với CIA, hắn lập quỹ cho cuộc thánh chiến chống Liên Xô đóng góp từ các công dân Saudi Arabia giàu có. Trong cùng thời gian, Mỹ lập mặt trận tuyên truyền cho mujahideen, dựng các đài phát thanh như Radio Liberty hay Radio Free Europe để tiếng nói du kích quân Afghanistan và hiệu triệu của Osama Bin Laden vang khắp thế giới…

Sau khi Liên Xô rút khỏi Afghanistan năm 1989, các nhóm mujahideen bắt đầu tức giận, khi té ngửa nhận ra rằng Mỹ chơi trò “qua cầu rút ván”. Mỹ không giúp cứu đói cũng chẳng ngó ngàng người Afghanistan tỵ nạn từ Pakistan trở về. Phần mình, các tay súng Arab từng có mặt ở Afghanistan cũng bắt đầu tức giận, khi hơn 540.000 lính Mỹ và đồng minh ào ạt xuất hiện trên đất Saudi Arabia (hồi chiến tranh vùng Vịnh) – nơi có thánh địa Mecca (Nhà tiên tri Muhammad ra đời) và Medina (Nhà tiên tri Muhammad từ trần). Với các ulema (học giả Hồi giáo), sự có mặt thành phần ngoại lai tại Mecca và Medina là thái độ xúc phạm không bao giờ chấp nhận được. Sự nổi giận càng tăng khi Mỹ không rút khỏi Saudi Arabia dù cuộc chiến vùng Vịnh kết thúc tháng 3-1991 (Washington muốn cắm quân ở vùng Vịnh để giám sát Iraq).

Ngày 23-2-1998, dưới cái ô Mặt trận Hồi giáo quốc tế, Bin Laden, Aiman al-Zawhiri (thuộc lực lượng Al Islami – Ai Cập), Abu Yasser Ahmad Taha (Gamaat al Islamiya – Ai Cập), Mir Hamzah (Jamiat al Ulema – Pakistan) và Fazl ul-Rahman (Harkat al Jihad – Bangladesh) đã chính thức tuyên chiến bằng một fatwa (sắc chỉ Hồi giáo): “Luật định rằng phải giết người Mỹ và đồng minh chúng là bổn phận cá nhân của mỗi tín đồ Hồi giáo, thực hiện ở bất cứ quốc gia nào có thể, nhằm giải phóng Đền Al-Aqsa (Jerusalem) và Đền Thiêng (Mecca) và khiến quân đội chúng phải biến khỏi tất cả vùng đất Hồi giáo…”. Tháng 4-1991, Bin Laden trốn khỏi Saudi Arabia, đến Afghanistan và sau đó là Khartoum (thủ đô Sudan). Năm 1996, bị Sudan trục xuất, hắn quay lại Afghanistan…

Thủ lĩnh tinh thần tối cao của Taliban là Mohammed Omar. Đến hạ tuần tháng 11-2001, chưa phóng viên phương Tây nào diện kiến Omar và mọi liên lạc với thế giới bên ngoài trước đó của ông đều thông qua ngoại trưởng Wakil Ahmad Mutawakkil. Không ai biết tuổi chính xác (khoảng trên dưới 40) và mặt mũi ông ra sao, trừ chi tiết mắt phải bị hỏng trong một cuộc giao chiến với Liên Xô.

Theo The New Yorker, Omar có thể từng là lính của vua Zahir Shah (bị lật đổ năm 1973 và sống lưu vong tại Ý). Omar hiếm khi rời thành phố Kandahar và ra khỏi căn nhà lớn mà Bin Laden xây tặng. Có điều, ai cũng biết rằng Mohammed Omar chính là kẻ tái lập các chuẩn mực đạo đức khắc nghiệt khi tham vọng xây dựng một quốc gia Hồi giáo thuần khiết nhất lịch sử văn minh nhân loại, bằng việc đập nát hàng loạt giá trị đạo đức khác, trong đó có hành động bắn phá các tượng Phật tồn tại hàng thế kỷ…

NHỮNG CUỘC NGÃ GIÁ BẤT THÀNH GIỮA WASHINGTON VÀ KABUL

Cuộc chiến Afghanistan không chỉ là cuộc chiến bom đạn cùng các cuộc gặp gỡ bí mật trong các chuyến ngoại giao con thoi mà còn là cuộc chiến của tình báo cùng những thương lượng trong đó tờ đôla được đặt lên bàn như điều kiện cụ thể để đạt đến mục đích. Hạ tuần tháng 10-2001, Abdul Haq – lá bài chủ lực của Mỹ trong chiến dịch xây dựng kế hoạch hậu Taliban – mang một giỏ đôla lẻn vào Afghanistan với sứ mạng dùng tiền mua chuộc các thủ lĩnh tôn giáo thuộc sắc tộc Pashtun nhưng bất thành. Abdul Haq không là người duy nhất trong các hoạt động ngã giá bằng tiền như thế này và các cuộc thương lượng bí mật cũng không phải lần đầu tiên được tiến hành từ Abdul Haq…

Osama Bin Laden cùng phó tướng Ayman al-Zawahiri (ảnh: Visual News/Getty Images)

Mua chuộc một thủ lĩnh Afghanistan là công việc phức tạp. Người ta không thể đề nghị thẳng thừng nêu giá cả cụ thể mà thương vụ chính trị thường được bắt đầu bằng các cuộc gặp “thân mật” quanh bàn trà và những hứa hẹn đem lại quyền lực bảo đảm tương lai lâu dài, chẳng hạn một ghế tỉnh trưởng. Tất nhiên phải cần đến những tay trung gian mà hồi tháng 10-2001 những kẻ như thế ngày càng xuất hiện nhiều ở Peshawar và Quetta – hai thành phố Pakistan giáp biên giới Afghanistan.

Theo báo Newsweek, một trong những tay lái buôn chính trị đề nghị làm việc với Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) là Kabir Mohabbat. Nhân vật này nói với hãng thông tấn CBS rằng mình từng có những cuộc gặp bí mật giữa các viên chức Mỹ và Taliban tại một khách sạn ở Quetta (Bộ ngoại giao Mỹ bác bỏ tin này). Với việc bật đèn xanh của Chính phủ Mỹ cùng ngân sách chuẩn thuận 1 tỉ USD để có thể làm bất cứ gì miễn bắt được Osama Bin Laden, CIA là nơi thực hiện các cuộc đàm phán tìm người mua chuộc. CIA dựa vào thông tin cung cấp dè chừng từ Cơ quan tình báo Pakistan (ISI) để dò ra và chiêu hàng vài tên Taliban nào đó muốn rời bỏ hàng ngũ. Do ràng buộc quá khứ với Taliban thời cuộc chiến chống Liên Xô, ISI không nhiệt tình giúp CIA mà thậm chí có thể chơi trò hai mặt. Một số viên chức tình báo Mỹ cho rằng chính kẻ nào đó trong ISI đã cung cấp tin cho Taliban về chuyến đi bí mật của Abdul Haq.

Tháng 10-2001, cựu tướng lĩnh Afghanistan Haji Zaman Ghamshirik từ nơi lưu vong Dijon (Pháp) bất ngờ xuất hiện tại Peshawar và “lúc 9 giờ 50 một buổi tối đã gọi điện nói rằng mình sẽ nộp Bin Laden và giúp hạ gục Taliban” – theo một viên chức ngoại giao kể với Newsweek. Haji Zaman Ghamshirik muốn lĩnh 5 triệu USD, một điện thoại vệ tinh và ghế tỉnh trưởng Nangarhar. Jalaludin Haqqani – cách đây không lâu được thủ lĩnh Taliban Omar phong chức tư lệnh chiến thuật phía Nam – cũng là nhân vật được nghi rằng có thể chơi trò lập lờ (người ta từng thấy Jalaludin Haqqani bí mật xuất hiện ở biên giới Pakistan không rõ làm gì).

Điều này cho thấy chiến thuật dùng tiền mua chuộc bọn tướng lĩnh Taliban là trò chơi nguy hiểm và rủi ro cao. Đến cuối tháng 10-2001, CIA chưa mua chuộc được tên Taliban nào. Trong khi đó, những kẻ đánh hơi đôla ngày càng nhiều. Hạ tuần tháng 10-2001, một nhân vật tên Pir Sayyid Ahmad Gailani đã đứng ra tổ chức hội nghị “hòa bình và thống nhất” ở Peshawar, bàn về “tương lai Afghanistan”, với sự tham dự của nhiều gương mặt được đánh giá thật ra chỉ là thành phần cò mồi chính trị…

Lính Taliban trên đường vào Kabul, ngày 15 Tháng Mười 1996 (ảnh: Roger Lemoyne/Liaison)

Thật ra, việc mua chuộc Taliban không phải tiến hành khi cuộc chiến Afghanistan xảy ra. Tờ Washington Post cho biết giới chức Nhà trắng từng gặp gỡ Taliban trong suốt từ 1998 đến 2001 tại nhiều nước khác nhau, với nội dung chính là thương lượng việc giao nộp Bin Laden. Các cuộc đàm phán bí mật kéo dài đến tận sau ngày 11-9-2001 (khi vụ khủng bố nước Mỹ xảy ra). Một trong những nguyên nhân chính khiến thương lượng bất thành là sai lầm của Chính phủ Mỹ, khi không cho Taliban cơ hội để aabroh – từ Pashto có nghĩa “giữ thể diện”.

Giới chức Washington không tìm được cách để có tiếng nói chung, trong khi các giáo sĩ Taliban không quen lối ngoại giao kiểu bốp chát. Nhà trắng còn bỏ sót nhiều cơ hội khi bộ sậu lãnh đạo Taliban từng rơi vào tình trạng lủng củng. Trong thực tế, Taliban chỉ đồng lòng sát cánh từ sau vụ 11-9-2001. Cụ thể hơn, Washington luôn tỏ ra áp đặt và kẻ cả trên bàn đàm phán với Taliban. “Chúng ta không bao giờ nghe họ (Taliban) đang cố nói gì” – lời kể của Milton Bearden, cựu chỉ huy trưởng CIA phụ trách các hoạt động bí mật của Mỹ ở Afghanistan trong thập niên 1980 – “Chúng ta khăng khăng “Nộp Bin Laden ngay” trong khi họ đang cố nói “Các vị hãy làm gì để giúp chúng tôi nộp hắn”.

Các cuộc thương lượng tuyệt mật giữa Mỹ và Taliban tổ chức ở Tashkent (Uzbekistan), Kandahar (Afghanistan), Islamabad (Pakistan), Bonn (Đức), New York và Washington. Ngoài ra, còn có những cú gọi bất ngờ từ điện thoại vệ tinh mà một lần như vậy là cuộc nói chuyện 40 phút giữa một viên chức Bộ ngoại giao Mỹ và thủ lĩnh Taliban Mohammad Omar. Một công sứ Taliban còn có lần bất ngờ đến Washington, mang theo tấm thảm làm quà tặng Tổng thống George W. Bush…

Chiến dịch mua chuộc Taliban bắt đầu ít nhất từ năm 1996, thời Tổng thống Bill Clinton, khi Nhà trắng lập kế hoạch nhờ Chính phủ Sudan thộp cổ Bin Laden tại Khartoum (Sudan) và dẫn độ đến Saudi Arabia rồi cuối cùng mang sang Mỹ. Tuy nhiên, Saudi Arabia lúc đó không đồng ý kế hoạch nộp Bin Laden và Sudan thay vì còng tay Bin Laden lại trục xuất tên trùm khủng bố để hắn sang Afghanistan vào tháng 5-1996 (vài tháng trước khi Taliban nắm quyền ở Kabul).

Chính phủ Clinton lúc đó không thật sự thúc mạnh Taliban nộp Bin Laden cho đến khi xảy ra vụ khủng bố hai tòa đại sứ Mỹ ở Kenya và Tanzania vào tháng 8-1998 (làm chết 224 người, trong đó có 12 người Mỹ; và bị thương 4.600 nạn nhân). Vụ khủng bố khiến Washington thay đổi chính sách với Taliban. Một mặt, Nhà trắng thúc Liên Hiệp Quốc áp đặt lệnh cấm vận Afghanistan; mặt khác, họ bắt đầu dùng ngôn ngữ cứng rắn và điều sai lầm này càng khiến Taliban bực tức vì “mất mặt”.

Vài ngày sau vụ khủng bố hai tòa đại sứ Mỹ ở châu Phi, viên chức Bộ ngoại giao Mỹ Michael Malinowski đã điện Taliban. Trong một cú điện từ nhà riêng ở Washington, Michael Malinowski nói với thủ lĩnh Taliban Omar: “Này, nộp Bin Laden ngay tức thì”. “Không, các vị hãy đưa ra bằng chứng” – Omar trả lời… (dẫn từ bài viết của David B. Ottaway và Joe Stephens trên Washington Post). Ngày 3-2-1999, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Karl E. Inderfurth cùng chánh văn phòng phụ trách chống khủng bố thuộc Bộ ngoại giao Mỹ Michael Sheehan bắt đầu chuyến công du đến Islamabad, gặp thứ trưởng ngoại giao Taliban Abdul Jalil, đe dọa rằng Mỹ sẽ qui kết Taliban vào bất cứ vụ khủng bố nào do Bin Laden tiến hành.

Phía Mỹ đề nghị Taliban sang New York để Washington cung cấp bằng chứng các vụ khủng bố của Bin Laden nhưng Taliban từ chối. Ngay sau đó, lực lượng an ninh Taliban đưa Bin Laden từ nơi ở của hắn tại Kandahar đến chỗ trú bí mật khác. Taliban cũng tịch thu các thiết bị viễn thông, cấm Bin Laden liên lạc giới truyền thông và thông báo với Mỹ rằng Bin Laden “không còn nằm dưới sự bảo vệ của chúng tôi và hắn đã trốn mất”. Sức ép của Mỹ ngày càng tăng.

Tháng 10-1999, một nghị quyết Hội đồng bảo an LHQ quyết định Taliban phải nộp Bin Laden cho “các nhà chức trách thích hợp” với khả năng tên trùm khủng bố có thể được xử nơi nào đó ngoài Mỹ. Taliban cho biết họ chỉ có thể xử Bin Laden ở Afghanistan hoặc nước Hồi giáo nào đó. Hội đồng xét xử gồm ba chánh án Hồi giáo mà mỗi người được chọn bởi ba nước (Mỹ, Saudi Arabia và Afghanistan). Mỹ bác bỏ và Taliban xuống nước khi đồng ý chỉ cần có mặt một chánh án Hồi giáo trong hội đồng xét xử. Suốt từ 1999 đến năm 2000, giới chức ngoại giao Mỹ liên tiếp tổ chức các cuộc gặp với Taliban.

Tháng 3-2001, công sứ Taliban Rahmatullah Hashimi 24 tuổi bất ngờ đến Washington, gặp gỡ báo chí và sau đó là các viên chức Bộ ngoại giao Mỹ. Mang theo tấm thảm tặng Tổng thống Bush và một lá thư của thủ lĩnh Omar, Hashimi nói rằng Taliban sẵn sàng tái thương lượng nhưng Nhà trắng cho rằng hắn thật ra chỉ muốn dò xét phản ứng của chính phủ mới ở Mỹ. Tuy nhiên, hai bên vẫn bí mật gặp gỡ, chủ yếu ở Islamabad. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Christina Rocca gặp đại sứ Taliban tại Pakistan Abdul Salam Zaeef vào đầu tháng 8-2001 và sau đó các viên chức thuộc Tòa đại sứ Mỹ ở Islamabad cũng gặp chánh an ninh Taliban Hameed Rasoli.

Tháng 3-2001, công sứ Taliban – Rahmatullah Hashimi – đến Washington, gặp gỡ báo chí và sau đó là các viên chức Bộ ngoại giao Mỹ (ảnh: Carolyn Cole/Los Angeles Times/Getty Images)

Taliban mời Mỹ sang đàm phán tại Kandahar nhưng Washington từ chối, trừ khi “một giải pháp quanh việc giao nộp Bin Laden phải được thỏa thuận xong”. Thậm chí sau vụ khủng bố nước Mỹ 11-9-2001, lúc các hàng không mẫu hạm Mỹ bắt đầu rẽ sóng hướng về biển Arab áp sát vùng Vịnh, vài cuộc ngã giá vẫn tiếp tục. Milton Bearden (cựu chỉ huy trưởng CIA phụ trách các hoạt động bí mật của Mỹ ở Afghanistan trong thập niên 1980) đã nhấc điện thoại từ Reston vào đầu tháng 10-2001 và gọi một số máy điện thoại vệ tinh ở Kandahar. Đầu dây bên kia, Rahmatullah Hashimi là người trả lời. “Có 50/50 cơ hội điều gì đó sẽ xảy ra (quanh chuyện thương lượng nộp Bin Laden) nếu Saudi Arabia tham gia trung gian” – Hashimi nói. Tuy nhiên, không có “điều gì đó” xảy ra. Washington đợi 5 ngày và cuối cùng nhấn nút phóng tên lửa và dội bom xuống Kandahar vào ngày 7-10…

*****

Một phần của câu chuyện cho thấy rằng việc dùng đôla là át chủ bài thu phục lòng người đôi khi phức tạp và khó khăn đến mức có thể dẫn tới phản tác dụng. Hơn nữa, tiết lộ trên của Washington Post (tờ báo có nhiều thông tin điều tra hậu trường hay nhất trong vụ khủng hoảng chính trị Afghanistan) còn cho thấy một phần trách nhiệm của Chính phủ tiền nhiệm Bill Clinton trong việc không tìm được phương cách tối ưu để tóm cổ Bin Laden từ khi hắn mới manh nha ôm mộng làm trùm khủng bố.

Trong tài liệu lưu trữ riêng của chúng tôi (Mạnh Kim), còn nhớ, có ít nhất một bài viết qui kết Nội các Bill Clinton như là một trong những tác nhân sâu xa đưa đến thảm kịch 11-9-2001 dẫn đến cuộc chiến rối ren mà Chính phủ kế nhiệm George W. Bush lãnh đủ. Một trong những bài viết như vậy là bài Clinton legacy (Di sản Clinton) của tác giả Andrew Sullivan đăng trên báo Anh Sunday Times số đề ngày 30-9-2001. “Nếu” và hàng loạt cái “nếu như” nối kết nhau cuối cùng đã tạo thành một sự kiện mà hậu quả của nó – như đã thấy – kinh khủng như thế nào, cho nước Mỹ lẫn nước Afghanistan, khi cả hai quốc gia, trong phạm vi giới hạn nào đó, đều trở thành nạn nhân của cùng một thủ phạm: Osama Bin Laden!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: