Sau ngày 11 Tháng Chín và “Bush at war”

Ngày 7 Tháng Mười 2001, quân đội Mỹ bắt đầu chiến dịch quân sự tấn công Afghanistan sau khi Taliban từ chối giao nộp Bin Laden cho Mỹ (ảnh: Barry Iverson/Getty Images)
Share:

Đánh Afghanistan là chọn lựa duy nhất của Mỹ để phản hồi trước sự kiện kinh hoàng 911. Những gì được thuật dưới đây là tổng hợp một cách ngắn nhất có thể từ quyển Bush at war của nhà báo lừng lẫy Bob Woodward, cùng một số nguồn khác, đặc biệt tờ The Guardian, New York Times và Washington Post…

NƯỚC MỸ BẮT ĐẦU CUỘC CHIẾN AFGHANISTAN NHƯ THẾ NÀO?

Đó là một ngày đẹp trời. Mặt trời hửng nắng sau một chút mưa. Với tháng 10 ở Washington, thời tiết như thế được xem là tốt. Tuy nhiên, Tổng thống George W. Bush không có thời giờ để thư giãn vào tuần đầu tiên của tháng 10 này.

Dậy lúc 6 giờ sáng, Tổng thống Mỹ tập chạy bộ quanh khuôn viên Nhà trắng, phía sau là toán cận vệ. Sau khi đưa Phó Tổng thống Dick Cheney đến một nơi an toàn, Bush đến tượng đài Lính cứu hỏa tử nạn (Fallen Firefighters) tại Maryland, và cầu nguyện. “Họ không còn sống để biết rằng ai là kẻ gây ra thảm họa này hay tại sao” – Bush nói với nhóm viên chức tập trung trong buổi lễ tưởng niệm 350 lính cứu hỏa chết khi bốn máy bay cảm tử đâm vào các mục tiêu tại New York và Washington – “Họ chỉ biết thực hiện nhiệm vụ của mình”.

Sau cuộc nói chuyện ngắn, Bush trở lại Phòng Oval và nhấc điện thoại. Ông gọi Thủ tướng Anh Tony Blair, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Gerhard Shroeder và Thủ tướng Pháp Lionel Jospin. Phía bên kia bờ đại dương, tại biển Arab, thuyền trưởng hàng không mẫu hạm USS Enterprise đang thông báo với thủy thủ đoàn qua loa phóng thanh. Một ngày chủ nhật năm 1941 – viên thuyền trưởng nhắc lại – một hàng không mẫu hạm cùng tên đã chở những chiến đấu cơ thực hiện cuộc oanh kích đầu tiên vào Nhật sau vụ Trân châu cảng. Khi thuyền trưởng nói dứt, toàn bộ nhân viên tàu hối hả lao vào công việc. Bom được cài vào máy bay. Các phi đội chuẩn bị thao tác cho chiến đấu. Cuối cùng, mọi việc hoàn tất. Chủ nhật, 7-10-2001, nước Mỹ bước vào chiến tranh…

Tổng thống Bush và Thủ tướng Tony Blair; Tòa Bạch Ốc, ngày 7 Tháng Mười Một 2001 (ảnh: Mark Wilson/Getty Images)

8 GIỜ 45 TỐI 7-10-2001…

Trời đã tối khoảng ba tiếng, khi chiếc xe dừng lại bên đường. Lúc này chỉ chừng sau 9 giờ tối đêm chủ nhật. Mohamed Raza – anh nông dân 35 tuổi – bước ra khỏi chiếc xe cũ nát màu vàng hiệu Volga và đi đến ngôi làng nhỏ Khush Gombad. Anh thấy ánh đèn từ hướng thành phố Jalalabad mờ dần. Một đêm ấm áp. Gia đình Raza đang ngủ yên trên những cái giường bện thừng. Tiếng dây xích cột bầy dê khua động dường như là âm thanh duy nhất nghe thấy lúc này.

Raza không nghĩ chút gì đến chiến tranh. Anh cũng không biết mình sẽ là một trong những nạn nhân đầu tiên của một cuộc chiến. Khi Raza về gần đến nhà, nhiều người Afghanistan khác đã bị đánh thức trong hoảng loạn bởi tiếng la hét thất thanh và lửa cháy. 15 phút trước đó, 8 giờ 45 giờ địa phương, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đã bắt đầu. Một loạt tên lửa từ bốn tàu khu trục và một tàu ngầm Mỹ cùng một tàu ngầm Anh đã phóng vào Afghanistan. Từ tàu Missouri, oanh tạc cơ Black Stealth cất cánh lên không trung. Từ boong tàu Enterprise, từng chiếc Tomcat cũng gầm rú phóng vào màn đêm. Các oanh tạc cơ B-52 khổng lồ – những con ngựa chiến già nua trong không quân Mỹ từ thời 1954 – cất cánh từ căn cứ quân sự Anh tại Diego Garcia thuộc Ấn Độ Dương. Vết sáng lửa từ các khẩu phòng không Taliban xé từng mảng đêm khi tên lửa và bom Mỹ dội xuống Kabul và Kandahar. Jalalabad cũng nằm trong danh sách các mục tiêu.

Nếu chiếc xe mượn của người bạn có radio (phát tin báo động), Raza hẳn đã thoát chết. Khi tiếng bom nổ ầm ầm quanh phi trường Jalalabad, các mảnh bom xé toạc không khí và rít lên khi chúng bay tứ tán. Một mảnh đã cắm phập vào cổ Raza. Lảo đảo đến nhà, Raza được gia đình băng vết thương bằng mớ giẻ rách. Sáu người khác trong vùng cũng bị thương. Một xe tăng và một radar bị phá hủy. Tại Kabul, phi trường bị tấn công đầu tiên. Tháp radar đổ sụm. Các ụ súng phòng không quanh Kabul bị nã trúng. Ở Kandahar, không quân Mỹ thực hiện ít nhất bốn đợt oanh kích. Lầu năm góc nói rằng bom Mỹ đã san bằng các khu trại huấn luyện khủng bố và Washington còn cho biết ngôi nhà của thủ lĩnh tối cao Taliban Mohamed Omar cũng bị phá sập, cùng vài thân nhân của đương sự.

KỊCH BẢN CHIẾN TRANH

Thời điểm Nhà trắng chọn ngày tấn công Afghanistan là thứ sáu 5-10-2001. Trong Phòng Oval, cầm ly cà phê nóng, Bush quay sang tướng Richard Myers, hỏi: “Dick, Tommy Franks sẵn sàng chưa?”. Bush đang nói đến tay tướng già chịu trách nhiệm chỉ huy quân Mỹ tại Trung Đông và châu Á. “Tommy đang chờ lệnh” – Myers trả lời. Ngoại trưởng Colin Powell dường như không thoải mái. Powell vẫn lo rằng cuộc chiến có thể làm lung lay liên minh mà ông đã cẩn thận thiết dựng khắp châu Á và thế giới Arab.

Bộ trưởng Quốc phòng Donald H. Rumsfeld (phải) và tướng Richard B. Myers trong cuộc họp báo tại Ngũ Giác Đài, ngày 7 Tháng Mười 2001 (ảnh: Greg Mathieson/Mai/Getty Images)

Tuy nhiên, Tổng thống Bush đang mất kiên nhẫn. Nước Mỹ không thể chờ lâu hơn. Donald Rumsfeld căng thẳng và nóng nảy. Kế hoạch tấn công đã được Rumsfeld phác họa đâu đó sẵn sàng. Cuối cùng, đêm chủ nhật, từ Phòng Hiệp ước (Treaty Room) trong Nhà trắng, Tổng thống Bush xuất hiện trên truyền hình. “Theo mệnh lệnh tôi, quân đội Mỹ đã bắt đầu cuộc tấn công” – ông nói. Việc chọn Phòng Hiệp ước là một cân nhắc tính toán kỹ.

Không dùng Phòng Oval để tuyên chiến, Nhà trắng muốn tạo ấn tượng khác biệt với các tổng thống tiền nhiệm – khi Franklin D. Roosevelt tuyên chiến đánh Nhật cùng Đức quốc xã và Lyndon Johnson tuyên chiến với Việt Nam đều từ Phòng Oval. Khi Bush trở lại Cánh Tây (West Wing) trong Nhà trắng, một hình ảnh gây sốc đang chớp lên trước mắt hàng triệu người Mỹ và ban bộ Nhà trắng: Osama Bin Laden xuất hiện trên Đài Al-Jazeera, đọc bài diễn văn 20 phút, gọi Tổng thống Mỹ là kẻ vô thần và đe dọa người Mỹ rằng họ sẽ không bao giờ an toàn. “Sợ hãi đang bao trùm nước Mỹ” – Bin Laden nói – “Từ Đông đến Tây, từ Bắc đến Nam. Bây giờ người Mỹ đã nếm mùi nhục nhã và đau đớn mà thế giới Hồi giáo từng chịu đựng”.

Khi bom tiếp tục dội xuống Afghanistan đêm 9-10, Liên Hiệp Quốc mới chính thức được thông báo. Đại sứ Mỹ tại LHQ John Negroponte gửi lá thư lên Hội đồng bảo an LHQ, nói rằng Mỹ không có ý định hạn chế “cuộc chiến chống khủng bố” của mình tại riêng Afghanistan. Bức thư được đọc ngay trước mặt công sứ Iraq Mohamed Douri, nói rằng nếu Tổng thống Iraq Saddam Hussein giúp bất cứ lực lượng nào chống lại Mỹ trong cuộc chiến Afghanistan hay nơi nào khác thì “sẽ có một cuộc tấn công quân sự nhằm vào các vị. Các vị sẽ thất bại”. Đó là lần đối mặt trực tiếp đầu tiên giữa các viên chức ngoại giao Mỹ và Iraq sau nhiều năm…

Lực lượng Liên minh phương Bắc chiếm được Kandahar ngày 12 Tháng Mười 2001 (ảnh: Patrick AVENTURIER/Gamma-Rapho/Getty Images)

Sau vài giờ ngủ, Jamshed Shah lại lao ra đường phố Peshawar gần biên giới Pakistan-Afghanistan. Hồi sáng, Shah đã có mặt trong trường đại học ở phía Tây thành phố (Peshawar), cùng bạn học mình. Cảnh sát giải tán đám sinh viên đứng tụ tập dưới các tàn hoa giấy và rặng liễu tại phân khoa y của trường. Hơi cay được sử dụng. Mắt còn cay xé, Shah dẫn đầu đám sinh viên gia nhập đoàn biểu tình tại Namak Mandi – khu chợ muối – nằm trung tâm thành phố. Được kích thích bởi diễn văn phát trên loa phóng thanh của các giáo sĩ, đám thanh niên bắt đầu ném đá vào cảnh sát.

“Nhắm vào bọn chính phủ phi Hồi giáo, nhắm vào bọn nhà báo phương Tây!” – lời phát động kêu to trên loa phóng thanh. Tại nhiều góc phố, lốp xe được chất ụ và đốt cháy. Ở Quetta, cách Peshawar 480km, bốn người biểu tình đã bị cảnh sát bắn chết. Trong nhiều giờ, nhà chức trách hoàn toàn bất lực. Cơn giận đã lên đến tột đỉnh. Hai rạp chiếu bóng bị đốt. Một văn phòng LHQ bị tấn công. Dọc biên giới Afghanistan-Pakistan, tình trạng hỗn loạn tương tự xuất hiện. Tại các thị trấn nhỏ đầy bụi Takhtebhai, Hangu, Kohat, Timerghara hay Bajaur nằm sâu trong núi, làn sóng chống đối thậm chí còn kinh khủng hơn.

Hàng trăm khẩu AK-47 chĩa lên trời bắn liên thanh, thay cho tiếng thét cuồng nộ. Không chỉ tại Pakistan, làn sóng biểu tình còn nổ ra ở Ai Cập, Indonesia, Saudi Arabia, Nam Phi, Nigeria… Tại Indonesia, Mặt trận những người bảo vệ Hồi giáo (Islamic Defenders Front-FPI) cảnh báo Tổng thống Megawati Sukarnoputri rằng họ sẽ săn lùng và tấn công bất cứ người nước ngoài nào. Ở Saudi Arabia, một cặp vợ chồng Đức bị đánh. Tại Kuwait, một người Canada bị bắn chết…

CHUYỂN ĐỘNG NGOẠI GIAO

Thứ bảy 22-9-2001, Tổng thống Mỹ George W. Bush thực hiện cuộc điện đàm dài với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong cùng thời gian, Tiểu vương quốc Arab thống nhất lên tiếng chính thức cắt đứt quan hệ với Taliban. Khu vực Trung Á đang nóng lên trước không khí chiến tranh và loạt chuyển động âm thầm cũng diễn ra trong nội các các nước. Cùng lúc, phía bên kia, Tổng thống Bush cùng cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice, chánh văn phòng Nhà trắng Andy Card và giám đốc CIA George Tenet thực hiện cuộc hội thảo video trực tiếp tại Trại David với nhóm cố vấn đặc biệt ở Washington.

Tướng chỉ huy trưởng Bộ tư lệnh trung tâm Charles Wald điều oanh tạc cơ B-52 từ căn cứ ở bang Louisiana đến khu vực Trung Á. USS Kitty Hawk – hàng không mẫu hạm Mỹ duy nhất cắm ở Tây Thái Bình Dương – cũng rời cảng Nhật Bản đến một vị trí bí mật. Hàng trăm chiến đấu cơ cất cánh khỏi các căn cứ quân sự Mỹ, cùng đoàn tàu chiến, tàu ngầm và tàu khu trục trực chỉ về phía Đông…

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bulent Ecevit phản hồi bằng lá thư gửi Tổng thống Bush, đồng ý cho phép không quân Mỹ dùng không phận cũng như sân bay nước mình. Iran tuyên bố đóng cửa biên giới với Afghanistan. Washington cũng thông báo lệnh cấm vận Pakistan được tháo bỏ. Đây là dịp để chuyển hướng đối ngoại nhằm hàn gắn quan hệ ngoại giao bị tổn thương từ thời Thủ tướng Nawaz Sharif.

Dù làn sóng phản đối trong nước ngày càng tăng, Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf vẫn bày tỏ hợp tác toàn diện cùng Mỹ và quyết định quay lưng lại với Taliban sau 12 năm ủng hộ các lực lượng jihad (thánh chiến). Vài ngày sau khi vụ khủng bố New York và Washington DC xảy ra, Pakistan đã phái thuyết khách sang Afghanistan, yêu cầu thủ lĩnh Taliban Mohammed Omar nộp Osama Bin Laden cho Mỹ nhưng bất thành…

TONY BLAIR và DONALD RUMSFELD

Sáng 10-11, trong không khí oi bức 44oC, Thủ tướng Anh Tony Blair có mặt ở Oman. Lên chiếc bục gỗ dựng tạm, Blair nói chuyện trước 300 lính Anh. Ông bắt đầu bài diễn văn bằng việc nhấn mạnh quân Anh thuộc vào hàng quân đội tốt nhất thế giới, rằng việc “hy sinh là điều khó tránh khỏi”. 20 phút trước, trong cái nóng hầm hập ở căn cứ quân sự Al-Sha-Afa tại Oman, một chỉ huy trưởng thuộc đơn vị huấn luyện-tập trận Saif Sareena II bắt đầu phác thảo kế hoạch và trình bày với Blair.

Một tuần trước, Blair tung ra một trong những quyết định quan trọng nhất sự nghiệp chính trị mình: đồng ý trước thỉnh cầu chính thức của Lầu năm góc trong việc cho sử dụng “nguồn tài sản quân đội Anh” trong cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan. Blair còn thực hiện một sứ mạng khó khăn: cùng Mỹ thuyết phục Saudi Arabia. Nước này đã chứng kiến làn sóng chống Mỹ kể từ ngày 11-9 và chính phủ họ lúc đó vẫn chưa đồng ý cho Mỹ sử dụng căn cứ không quân mình làm bàn đạp đánh Afghanistan. Thuyết phục Saudi Arabia không dễ. Hơn nữa, Saudi Arabia không ưa Blair. Người ta còn nhớ trong chuyến công du lần trước, vài viên chức ngoại giao Saudi Arabia bóng gió yêu cầu Downing Street (Phủ thủ tướng Anh) để phu nhân Blair lưu lại trên máy bay nhằm hạn chế sự khó chịu từ các vị hoàng tử Saudi vốn không thích thấy phụ nữ trong chính trường. Downing Street đã từ chối…

Không chỉ Saudi Arabia, Thủ tướng Tony Blair còn sang Ai Cập. Khi chiếc British Airways Boeing 777 hạ cánh xuống Phi trường quốc tế Cairo, Blair được đón bằng gương mặt quen thuộc: John Sawers, nguyên cố vấn đối ngoại của Blair và được cử sang Ai Cập làm đại sứ mới vài tuần trước. Trên đường về Ettehadia Palace, Sawers tường trình ngắn gọn không khí ở Ai Cập. Biểu tình chống Mỹ đang gay gắt. Tuy nhiên, cũng có một tin khả quan: dù không đồng ý hỗ trợ quân sự, Tổng thống Ai Cập Hosnis Mubarak đã nhấn mạnh sự ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố.

Trong cuộc gặp sau đó, Blair nói với Mubarak rằng mình vừa trao đổi với Yasser Arafat (lãnh đạo Palestine), rằng liên minh chống khủng bố “đến thời điểm này cũng tạm ổn”… Ba giờ sau, chiếc máy bay của Blair lại cất cánh. Nó thực hiện cú “leo dốc” (steep climb, phóng cao đột ngột) để tránh nguy cơ hứng tên lửa từ mặt đất. Biện pháp an ninh như thế lúc ấy phổ biến trong một thế giới bất an sau vụ 11-9. Các tùy viên nghe Blair hắt ra tiếng thở dài. Ông cũng vừa thực hiện cú leo dốc khó khăn ở Trung Đông…

Donald Rumsfeld vẫn tỏ ra nóng nảy. Ông nói oanh tạc chỉ là màn mở đầu của cuộc chiến. Phải mang bộ binh vào, phải tung ra lực lượng đặc nhiệm, phải tăng cường giúp đỡ từ bên tình báo… mới có thể thộp cổ Osama Bin Laden. Trong cùng thời gian, tại căn cứ Fort Bragg ở North Carolina, nơi có tổng hành dinh của lực lượng đặc nhiệm Delta Force, không khí chuẩn bị xuất quân bắt đầu.

Đêm 18-10, Tổng thống Bush lại xuất hiện trên truyền hình, nói rằng cuộc chiến Afghanistan “có thể kéo dài nhiều tháng, nếu không nói nhiều năm”. Cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice ngày càng khó chịu trước cảnh Bin Laden xuất hiện trên truyền hình Al-Jazeera mà các đài truyền hình Mỹ phát lại. Một báo cáo tình báo còn nói Bin Laden có thể đang sử dụng cách truyền lệnh gián tiếp cho thành viên khủng bố Al-Qaeda qua cử chỉ của mình trên màn hình.

Nỗi lo sợ của Nhà trắng càng tăng khi Sulaiman Abu Ghaith – phát ngôn viên Bin Laden – lên tiếng đe dọa rằng Mỹ sắp bị tấn công. Từ Nhà trắng, Condoleezza Rice gọi liên tục hết chủ tịch này đến chủ tịch kia của năm hãng truyền hình lớn nhất Mỹ, yêu cầu ngưng phát lại “chương trình thời sự Bin Laden” của Al-Jazeera. Tuy nhiên, hoang mang trong lòng nước Mỹ không chỉ là những đe dọa của Bin Laden. Các ca bệnh than đầu tiên đã xuất hiện tại Florida và New York.

BỘ NGOẠI GIAO vs BỘ QUỐC PHÒNG

Khi tình hình chiến sự Afghanistan diễn ra, một cuộc chiến khác cũng hình thành trong Nhà trắng. Cuộc so găng xảy ra giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng khi hai bên đệ trình Tổng thống Bush các kịch bản khác nhau của cuộc chiến và đối sách chiến lược lâu dài.

Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld đưa ra kế hoạch chiến tranh không hạn chế (có thể tấn công bất cứ nước nào Mỹ cho là dính dáng khủng bố), được phác thảo bởi thứ trưởng quốc phòng Paul Wolfowitz – một trong những kiến trúc sư của cuộc chiến vùng Vịnh 1991. Kế hoạch này tạo ra khoảng cách lớn trong Nội các Bush, bởi trái ngược với kịch bản được đặt ra từ Ngoại trưởng Colin Powell và được ủng hộ của cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice. Trong hai tuần sau vụ 11-9, cuộc chiến giữa Powell và Wolfowitz đã xuất hiện công khai trên mặt báo.

Thứ trưởng Ngoại giao Richard Armitage (phải) và Thứ trưởng Quốc phòng Paul Wolfowitz chuẩn bị buổi điều trần trước các Ủy ban tình báo Thượng và Hạ viện về sự kiện 911; ngày 19 Tháng Chín 2002 (ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Wolfowitz chủ trương đánh tới tấp và tấn công cả Iraq, trong khi Powell chủ trương đánh dằn mặt tiến hành song song việc thiết lập liên minh bằng con đường ngoại giao, đồng thời tung quân bài cấm vận cho những nước mà Mỹ cho rằng dính dáng khủng bố. Nói khác đi, Wolfowitz muốn chiến tranh lan rộng trong khi Powell cố thu hẹp trong giới hạn tối đa có thể. Đa số bài bình luận trên những tờ báo lớn của Mỹ (New York Times, Washington Post, Wall Street Journal…) đều ủng hộ chiến lược của Powell.

Không rõ có mối liên quan nào hay không, giữa việc con trai của Colin Powell – Michael Powell (ngồi ghế chủ tịch Ủy ban truyền thông liên bang) – với các bài báo ủng hộ Powell, nhưng có điều rõ ràng rằng Wolfowitz bị báo chí Mỹ tấn công mạnh bằng các bài phê bình dao búa trên mục bình luận hàng ngày. Viết về Powell, các nhà bình luận dùng những từ như “bình tĩnh”, “kiên nhẫn”, “thận trọng” (Wall Street Journal); “thực tế”, “cẩn thận” (New York Times); “tạo cảm giác yên lòng”, “nhìn xa trông rộng” (Washington Post)…, trong khi đó, Wolfowitz bị chỉ trích nặng lời.

Cũng cần nhắc lại rằng Wolfowitz (thạc sĩ chính trị học Đại học Chicago) từng là môn đệ của Albert Wohlstetter – một trong những “tư tưởng gia” của các đối sách chiến lược thời Chiến tranh lạnh. Thập niên 1970, khi còn dạy tại Đại học Yale, Wolfowitz từng chỉ trích quyết liệt chủ trương tái lập quan hệ Liên Xô của Ngoại trưởng Henry A. Kissinger. Sau đó, Wolfowitz bước vào chính trường, ban đầu làm việc trong Cơ quan giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí rồi làm trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương. Làm đại sứ tại Indonesia thời Reagan, Wolfowitz được bổ nhiệm trợ lý thứ trưởng quốc phòng thời George H. Bush. Thời chiến tranh vùng Vịnh, Wolfowitz từng đối mặt tham mưu trưởng Colin Powell trong chiến lược đánh Iraq. Lần đó, Wolfowitz đã đề nghị “giải phóng Baghdad”, với ủng hộ của Bộ trưởng quốc phòng Dick Cheney và cố vấn an ninh quốc gia Brent Scowcroft…

Trong thực tế, Ngoại trưởng Colin Powell là nhân vật lạc lõng trong nội các từ ngày Bush nhậm chức tổng thống. Chính sách ngoại giao của Powell không ăn khớp với đa số gương mặt diều hâu trong Nhà trắng. Đó là những Richard Perle – chủ tịch Ban chính sách quốc phòng, mệnh danh “hoàng tử trong bóng tối” thời Nội các Reagan. Perle chứ không ai khác từng giục Tổng thống Bush triển khai hệ thống tên lửa hạt nhân tầm trung tại châu Âu. Đó là những John Bolton thuộc Bộ quốc phòng hay Lewis Libby – chánh văn phòng phó Tổng thống Dick Cheney.

Trong cuộc chiến Afghanistan, đấu pháp dành cho Afghanistan nghiêng về phe Powell. Đơn giản vì Tổng thống Bush tiến hành nỗ lực thiết lập đồng minh mà ván bài này chỉ có thể thực hiện thông qua con đường ngoại giao chứ không phải quân sự. Để chiến thắng trong cuộc chiến Afghanistan, không cách nào tốt hơn bằng việc tạo càng nhiều đồng minh càng tốt, tiến hành song song biện pháp dội bom hàng ngày. Chính xác hơn, chủ trương của Powell được áp dụng nhờ ủng hộ của cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice – nhân vật chính trong cuộc chiến Afghanistan. Từ khi cuộc chiến mở màn vào ngày 7-10, vai trò quyết định của Condi Rice ngày càng rõ – như tiết lộ của nhiều thông tín viên đặc trách Nhà trắng của các báo lớn tại Mỹ. Câu hỏi tại sao Bush nghe lời Condi Rice nằm ở quá trình quan hệ cá nhân lâu dài…

Cho rằng Condi Rice (46 tuổi) là “bộ não của cuộc chiến” dường như hơi quá nhưng sự lấn át trong các quyết định của Rice so với tất cả nhân vật còn lại trong ban tham mưu chiến tranh là một sự thật có thể thấy dễ dàng, ít nhất ở điểm rằng Rice gần như lúc nào cũng kè kè cạnh Bush. Cần nhắc lại, Rice chính là người tháp tùng Tổng thống Bush đến Lầu năm góc vào hôm sau vụ khủng bố (12-9-2001), chịu trách nhiệm tổng hợp nhiều bản nháp để soạn thành bài diễn văn hoàn chỉnh cho Bush đọc tại Quốc hội hôm 22-9, có mặt riêng với Bush tại Trại David để bàn về phương cách đánh Afghanistan khi cuộc chiến sắp bắt đầu, thai nghén chiến lược vừa bỏ bom và thả lương thực (lần đầu tiên trong lịch sử quân sự Mỹ), lập ra chiến dịch kêu gọi trẻ em Mỹ đóng góp 1 USD cho trẻ em Afghanistan.

Cố vấn an ninh quốc gia Condi Rice (giữa), một trong những nhân vật có sức ảnh hưởng rất mạnh trong Nội các Bush (The White House/Getty Images)

Vào đại học năm 15 tuổi và trở thành hiệu trưởng đại học năm 38 tuổi, Rice là gương mặt trẻ nhất và là phụ nữ duy nhất trong ban tham mưu chiến tranh Nhà trắng thời chiến. Trưởng thành tại Birmingham (bang Alabama), con gái của một giáo viên và mục sư, Rice làm nghiên cứu sinh tại Trung tâm kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế thuộc Đại học Stanford, sau khi lấy bằng thạc sĩ rồi tiến sĩ  năm 26 tuổi. Rice nghiên cứu chính trị từ hồi còn trẻ và thay đổi lập trường từ Dân chủ sang Cộng hòa bởi cho rằng Tổng thống Jimmy Carter không cứng rắn trong đối sách ngoại giao với Moscow sau khi lính Liên Xô rút khỏi Afghanistan năm 1979.

Tốt nghiệp khoa chính trị Đại học Denver năm 19 tuổi, (từng học trong lớp của giáo sư gốc Czech Josef Korbel – cha của cựu ngoại trưởng Madeleine K. Albright), Rice cho rằng mình rành các vấn đề về Liên Xô “hơn bất kỳ gương mặt nào trong Nội các Carter”. Những gì từng nghiên cứu hồi thập niên 1970 khi Liên Xô còn ở Afghanistan lần này đã được Rice áp dụng, để “tránh thất bại như Moscow từng nếm trên đất Afghanistan”. Rice đã tạo niềm tin cho Bush từ mối quan hệ tình cảm gia đình.

Sau khi Bush-bố thất bại trong cuộc tái tranh cử năm 1992, Rice vẫn gắn bó với gia đình Bush, thường xuyên đến ngôi nhà nghỉ mát của Bush-bố tại Kennebunkport (bang Maine). Từ đó, Rice thiết lập mối quan hệ tốt với Bush-con. Xin nói thêm, Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) là bộ máy tập hợp các viên chức cấp cao của tình báo, ngoại giao và quân sự. Cố vấn an ninh quốc gia (chức danh có từ năm 1947) có nhiệm vụ làm cầu nối giữa NSC và tổng thống. Đó là mối quan hệ đòi hỏi không chỉ khéo léo mà còn phải có chút “kỹ xảo” – như lời của Samuel Berger, cố vấn an ninh quốc gia thời Bill Clinton…

TỪ FLORIDA ĐẾN MAZAR-E-SHARIF

Khi bình minh ló dạng, buổi tiệc bắt đầu. Từ các đống đổ nát bởi bom trong thành phố Kabul, nhiều gương mặt ló ra và nhìn quanh vẻ lo lắng. Suốt đêm, người ta nghe tiếng xe tải chạy, xen lẫn tiếng súng. Taliban đang bỏ trốn… Khi càng lúc càng có nhiều người tụ tập, tiếng hát cất lên. Các cuộn băng cassette giấu nhiều năm nay được bật lại. Khắp góc phố, đâu cũng vang tiếng nhạc. Đó là những ca khúc của Elton John, Sting và Pink Floyd…

Lực lượng Liên minh phương Bắc tiến vào Kabul với sự vui mừng của người dân; ngày 13 Tháng Mười Một 2001 (ảnh: Scott Peterson/Getty Images)

Vài phụ nữ cởi bỏ khăn trùm burqa. Bọn thanh niên phóng ra sân vận động, nơi trước kia dành làm pháp trường. Đàn ông rủ nhau đi cạo râu. Nhiều người tụ tập trước một cửa hàng: lần đầu tiên sau nhiều năm, họ được xem truyền hình. Vài thanh niên lôi từ trong rương cái quần jeans cũ nát để mặc ra phố. Người ta nhảy. Người ta hát. Vài người khóc. “Chúng ta đã tự do” – cư dân Noor Mohammed 57 tuổi hét to, khi vặn volume hết cỡ chiếc cassette đặt trong tiệm trà mình…

Tại bãi biển Florida, không khí không nhộn nhịp như mùa này tháng 10 hàng năm. Vụ 11-9 làm người ta rơi vào tâm trạng tuyệt vọng, sợ hãi và hoang mang. Truyền hình chiếu đi chiếu lại cảnh hai chiếc máy bay đâm vào Trung tâm thương mại thế giới. Cách bến tàu khoảng 2km, tách biệt với những người đang tập chạy, vài người tắm nắng và bọn trẻ con nô đùa nghịch cát, một nhóm người đang họp.

Không khí căng thẳng đang bao trùm khu phức hợp thuộc chỉ huy sở của Bộ chỉ huy trung tâm quân đội Mỹ tại căn cứ không quân McDill nằm bên bờ Tây Florida. Tướng Tommy Franks đang ngồi ghế chủ tọa. Tay tướng 56 tuổi này được bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng Bộ tư lệnh trung tâm vài ngày trước khi Al-Qaeda tấn công tàu USS Cole tại Yemen, làm chết 17 thủy thủ. Franks đã đích thân đến xem con tàu thủng bụng này hồi tháng 12-2000.

Tướng Tommy Franks (trái) trong buổi gặp thủy thủ đoàn hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, ngày 15 Tháng Mười Hai 2001 (ảnh: Stacey Hines/US Navy/Getty Images)

Không đầy 12 tháng sau, ông được Tổng thống Bush chỉ định làm chỉ huy trưởng chiến dịch quân sự tấn công Afghanistan. Franks có hai người khách đến từ Anh: tướng Peter Wall và phó đô đốc Jock Stirrup. Hai viên tướng Anh mang theo bộ hồ sơ chiến dịch, phác thảo từ ban tham mưu Anh trong đó có Desmond Bowen. Bốn tuần trước, 24 giờ sau khi Mỹ bị tấn công, Bowen chỉ bước sang ngày thứ hai của nhiệm vụ ghế tổng giám đốc chính sách chiến dịch trong Bộ quốc phòng Anh.

Trông giống một giáo sư hơn một nhà quân sự, Bowen đang đối phó với một chiến dịch quân sự lớn nhất của Anh kể từ thời vùng Vịnh. Ngoài Bowen, còn ba gương mặt nữa được xem là bộ não của chiến dịch quân sự hỗ trợ Mỹ lần này: tướng Simon Webb (giám đốc phụ trách chính sách của Bộ quốc phòng); tướng không quân Joe French (giám đốc tình báo quân đội); và tướng (Sir) Anthony Pigott (trợ lý chánh văn phòng các chiến dịch quốc phòng).

Mỗi sáng, trước cuộc họp với Bộ trưởng quốc phòng Geoff Hoon cùng chánh văn phòng quốc phòng Michael Boyce, bốn nhân vật trên đều thực hiện cuộc “giao ban” ngắn qua hệ thống video. Ở thời điểm đó, toàn bộ các viên chức quân đội Anh đều trong tình trạng báo động, chờ tín hiệu từ Mỹ…

Kế hoạch tấn công dồn dập bằng không lực, dọn đường cho Liên minh phương Bắc, được xem là tối ưu. Đó là những gì mà những người có mặt trong phòng của Tommy Franks bàn thảo. Nó là cuộc tấn công qui ước, theo hệt công thức trong sách giáo khoa quân sự. Đầu tiên là tấn công khu trại huấn luyện khủng bố Al-Qaeda của Bin Laden, các chỉ huy sở quốc phòng của Taliban, kế đến là trung tâm thông tin liên lạc và cuối cùng là mục tiêu nhỏ như xe tăng và xe cơ giới…

B1-B và B52-H sẽ thả bom chùm xuống các vị trí phòng thủ quanh những thành phố chiến lược Kabul, Kandahar và Mazar-e-Sharif, rồi dùng AC-130 Spectre với bom khổng lồ GBU-28 6,8 tấn (còn gọi là “Daisy Cutter”) nhằm vào các điểm tập trung đông lính Taliban. Tài liệu về khả năng phòng thủ của Taliban được cung cấp từ nhiều nguồn, trong đó có Ali Jalali – chánh văn phòng phụ trách tiếng Farsi của Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), một cựu đại tá quân đội Afghanistan và một cố vấn quân sự trong lực lượng kháng chiến Afghanistan thời cuộc chiến Liên Xô-Afghansitan. Toàn bộ kế hoạch được phác thảo xong. Tommy Franks nhìn các đồng sự Anh, gật đầu. Ngày 7-10-2001, liên quân Anh-Mỹ sẽ vào cuộc…

*****

Afghanistan là nơi các sử gia gọi là một trong những bãi tha ma chiến trường lớn nhất lịch sử, nơi từng vang tiếng vó ngựa Thành Cát Tư Hãn, từng lâm vào nhiều cuộc chinh phục, và cảnh quan hiền lành với những toán trẻ chăn dê mộc mạc tại đây cũng từng vùi thây hàng ngàn lính Anh hồi thế kỷ 19…

Năm 328 TCN, Alexander Đại đế chinh phục thành công vùng đất này. Người Scythian, Hung Nô, Thổ, Ba Tư và Arab cũng đem quân đến vào các thế kỷ sau và cuối cùng Arab mang Hồi giáo vào, khi họ nắm quyền năm 642. Thành Cát Tư Hãn đã san vùng đất này thành bình địa và đốt sạch mùa màng trong cuộc chinh phục năm 1219.

Năm 1714, bộ tộc Pashtun (hiện chiếm đa số tại Afghanistan) bắt đầu cai trị. Thế kỷ 19, đế quốc Anh lẫn Nga tranh giành nắm quyền, trong cuộc chinh phục và mở rộng lãnh thổ ở châu Á. Quân đội Anh đã mất sạch một đạo quân trong cuộc chiến đầu tiên giữa họ với Afghanistan (1839-1842). Trong trận tắm máu ngày 6-1-1842, khoảng 4.500 lính Anh và Ấn đã bị giết khi lui binh từ Kabul. Công sứ Anh William Macnaghten bị bắn chết bởi con trai của một thủ lĩnh mà trước đó Macnaghten lật đổ. Quân Anh rút qua đèo Khyber, đến nơi hiện nay là Pakistan, và 4.500 lính Anh cùng 12.000 nạn nhân khác trong đó có vợ con binh sĩ đã bị thảm sát trên đường trốn chạy. Từ 1878-1880, cuộc chiến Anh-Afghanistan lần thứ hai bùng nổ và sau đó Anh và Nga bắt đầu vẽ ranh giới để tạo nên vùng đất mà bây giờ là nước Afghanistan…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: