Tính chuyên chế của đám đông và xu hướng bài Hoa

“Thương nhau thương cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng” – Tục ngữ Việt Nam
Share:
Hội quán Quảng Triệu trong bức ảnh chụp vào khoảng năm 1890. Hội quán này còn được gọi là miếu Thiên Hậu hay chùa Bà bến Chương Dương. Ban đầu đây là nơi sinh hoạt của cộng đồng người Hoa gốc hai phủ Quảng Châu và Triệu Khánh, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc (file photo)

Những tranh cãi gay gắt bắt đầu từ tấm pano quảng cáo có hình ảnh Trấn Thành trong vai bác Ba Phi với cái mũi sửa kiểu Hàn Quốc, cái khăn rằn cho đến các “nội dung lịch sử” của một bộ phim “Đất rừng phương Nam” dường như không có điểm dừng suốt 10 ngày qua. Không còn là chuyện yêu ghét, đánh giá về một bộ phim mà giờ đây có khuynh hướng biến thành một cuộc bài xích và phân biệt người Hoa trên mạng xã hội. 

Có lẽ tâm lý bài Hoa ăn sâu quá nặng nề vào tiềm thức cho nên dường như chỉ cần một chi tiết nào liên quan, đều bị các Facebooker bài bác và chỉ trích cay nghiệt. Ở phía ngược lại, những nhân vật có sức ảnh hưởng ở “lề phải” ủng hộ bộ phim cũng tham gia vào cuộc tranh cãi với lời lẽ miệt thị. Ông nhà báo Huy Đức gọi những “trí thức” đó mang thứ “Tâm Thức Nô Lệ”. Nói chung là to chuyện!

Về phía cơ quan hữu trách thì họ đối phó theo kiểu “tát nước theo… dư luận” và lèo lái theo kiểu trí khôn Trạng Quỳnh, bằng cách thay những cái tên “nhạy cảm” “Thiên Địa Hội”, “Hòa Nghĩa Đoàn” bằng những cái tên lạ hoắc như Chính Nghĩa Hội, Nam Hòa Đoàn… Kiểu như gọi khỉ là mèo.

Kể như mà công luận dành sự quan tâm về các vấn đề như Cambodia sắp đào con kênh Phù Nam lấy phần lớn nước từ dòng Mekong, hay Trung Quốc sắp xây đường sắt khổ 1,43m đoạn từ Lào Cai xuống cảng Hải Phòng tiêu tốn hết $5 tỷ mà số tiền đó Việt Nam phải vay lãi cao của anh “bạn vàng bốn tốt”… thì tốt biết mấy.

Một số Facebooker thậm chí còn “nâng quan điểm” rằng “Mất văn hóa thì mất nước”. Cứ thể như cái “văn hóa” nước nhà trứng mỏng có thể vỡ nát bởi một bộ phim vô thưởng vô phạt vậy. Xã hội cứ bị cuốn vào mấy cuộc tranh cãi vô bổ, ai cũng nói lấy được và rủa xả những người không cùng quan điểm. Thật đáng buồn lắm thay!

“Lịch sử” nào từ một tác phẩm hư cấu?

Đối với nội dung liên quan các yếu tố lịch sử trong phim về những hội kín của người Hoa được nhắc đến như Thiên Địa Hội, Hòa Nghĩa Đoàn…, thiết nghĩ, nên có một cái nhìn khách quan và khoáng đạt hơn. Thực chất “Đất rừng Phương Nam” của Đoàn Giỏi là một câu chuyện hư cấu, kết hợp vốn sống và sự trải nghiệm của người viết. Nhân vật chính của câu chuyện là cậu bé An, đặt trong khung cảnh của miền Nam hùng vĩ thuở ban sơ với những con người tứ chiếng giang hồ.

Mặc dù là một tác phẩm được viết theo “đơn đặt hàng” của Hội Văn nghệ Việt Nam (miền Bắc), với mục đích gắn kết tình cảm Nam Bắc, ca ngợi vai trò Việt Minh, nhưng tác phẩm “Đất rừng Phương Nam” của ông Đoàn Giỏi không mang nặng tính tuyên truyền chính trị xơ cứng mà hơi hướng giống như “Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” (Mark Twain) trong bối cảnh xã hội miền Nam Việt Nam thời bấy giờ. “Đất rừng Phương Nam” đương nhiên không mang nhiều giá trị lịch sử bởi vì nó là một tác phẩm văn học hư cấu. Tuy nhiên, cuộc tranh cãi sai đúng về các yếu tố lịch sử trong bộ phim “Đất rừng Phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lại đi quá xa.

Lịch sử Việt Nam vốn dĩ đã bị khuất lấp, bóp méo quá nhiều bởi “ý thức hệ” và những định hướng của chế độ (cộng sản) cai trị. Ở nước ta có một quốc nạn tai hại – đó là sự độc quyền về “lịch sử”. Khốn thay, cái “lịch sử” đó là lịch sử do “bên thắng cuộc” viết ra để tuyên truyền nhồi sọ. Rồi những thế hệ sau đó lại dùng thứ “fake sử” đó làm ánh sáng để soi đường tới tương lai!

Quay trở lại tranh cãi về bộ phim “Đất rừng Phương Nam”. Ở đây, có một khuynh hướng bài Hoa rất vô cớ và đầy định kiến. Tục ngữ Việt Nam có câu “Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng”. Trường hợp này quả đúng vậy. Trước hết, chúng ta cần một cái nhìn khoan dung và khách quan. Người Việt gốc Hoa hay gọi chung là người Hoa đã hiện diện rất lâu đời trên mảnh đất hình chữ S này. Họ đã ở đây, sinh cơ lập nghiệp nhiều đời, thăng trầm theo dòng lịch sử và cùng đóng góp dựng xây nên hình hài xứ sở hôm nay.

Chúng ta nên có sự minh định giữa người Việt gốc Hoa với người Trung Quốc, cũng như người dân Trung Quốc với nhà cầm quyền Trung Quốc (chế độ Trung Cộng).

Lịch sử hình thành các cộng đồng người Hoa ở Việt Nam là một tiến trình rất dài, nhiều khuất lấp và phức tạp. Cộng đồng người Hoa ở Việt Nam được ghi chép trong chính sử kể từ thời Lý, Trần. Nhưng trước đó, chắc chắn những người Hoa đã tới vùng đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng sông Mã từ rất sớm. Các di chỉ khảo cổ minh chứng sự có mặt của người Hán ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh từ đầu kỷ nguyên Thiên Chúa.

Xa hơn về phía Nam, những vùng đất thuộc Chiêm Thành, Phù Nam, Chân Lạp cũng đều có dấu chân người Hoa. Họ đến những vùng đất này bằng đường biển, theo những đoàn thương nhân từ đời nhà Đường. Dưới thời nhà Đường, việc giao thương bằng đường biển rất mở mang. Người buôn bán Trung Hoa theo gió mùa Đông Bắc dong buồm xuôi xuống các vùng biển phía Nam và trở về theo gió mùa Tây Nam.

Những quốc gia và vùng lãnh thổ nằm trên tuyến hải trình này đều là nơi “Đường nhân” lui tới để tìm kiếm nguồn hàng. Sự hiện diện của người Trung Hoa ở những vùng đất như Chân Lạp (Cambodia) và Thủy Chân Lạp (Nam bộ Việt Nam) được Tcheou Ta- Koan (周達觀 – Châu Đạt Quan), người thuộc sứ bộ của hoàng đế Cheng Tong (Minh Thành Tông) ghi chép lại. Cuốn ký về phong tục tập quán người Chân Lạp (真臘風土記 – Chân Lạp Phong Độ ký) viết năm 1327 của ông đã đề cập đến cuộc sống của những “người Trung Hoa lưu vong” ở xứ xở xa xôi này.

Thời Lý, Trần rất coi trọng những trí thức Trung Hoa giúp sức trong công cuộc xây dựng nền chính trị và văn hóa. Đặc biệt dưới thời Lý, có thể thấy ảnh hưởng văn hóa và Phật giáo từ các sư sãi Trung Hoa tìm đến đất Việt. Những tên tuổi nổi bật như Mâu Tử, Khang Tăng Hội được coi là những người khởi đầu thiền học Đại Thừa Việt Nam. Đại sư Vô Ngôn Thông trụ trì chùa Kiến Sơ, Tiên Du, Bắc Ninh lập ra Thiền Tông Việt Nam, góp phần hình thành trung tâm Phật giáo Liên Lâu nổi tiếng.

Làn sóng di cư lớn đầu tiên của người Hoa vào nước ta được sách sử ghi chép vào đời Trần, khi Nam Tống bị quân Nguyên chiếm đánh. Hoàng Bính, quan trấn nhậm phủ Tư Minh đem 1.200 người quyến thuộc và gia binh sang qui phục nhà Trần năm 1263. Năm 1275, Tống triều hoàn toàn diệt vong, các quan lại cũ của Tống triều như Trương Thế Kiệt, Lưu Nghĩa, Trần Trọng Vi, Triệu Mạnh Tín, Diệp Lan Tường, Tăng Tham Chính, Tô Bửu Chương, Triệu Trung… đều xin nương tựa nhà Trần. Trong đó, Triệu Trung là một danh tướng, đã gia nhập đội quân của Trần Nhật Duật, lập chiến công ở trận Hàm Tử quan.

Trong giai đoạn Minh thuộc, người Hoa di cư vào nước ta rất đông, ước chừng 350.000 người. Khi Lê Lợi giành được độc lập, số người Hoa hồi hương chỉ khoảng 80.000 người, số đông còn ở lại nước ta. “Việt sử xứ Đàng Trong” của Phan Khoang có ghi sự kiện năm 1427, Lê Lợi sai người Minh đầu hàng là bọn Châu Sài lãnh 340 con ngựa đem đến chăn nuôi ở Hóa Châu (Thừa Thiên-Huế), chia tù binh người Minh bị bắt đến ở Tân Bình (Quảng Trị).

Như vậy, ở giai đoạn này có những cộng đồng người Minh đông đảo đã định cư ở vùng Trung Bộ Việt Nam. Sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi cũng ghi lại nhiều cộng đồng người Hoa định cư ở Bắc Việt như Vạn Ninh (Móng Cái), Thống Lĩnh (Lạng Sơn), Tam Kỳ (Tuyên Quang), Trúc Sơn (Sơn Tây), các cửa sông như Cửa Tha, Viên ở Châu Diễn, Cần Hải (Nghệ An), Hội Thống, Hội Triều (Hà Tĩnh)…

Cùng với quá trình Nam tiến của người Việt, đặc biệt dưới thời các chúa Nguyễn, người Hoa di cư vào Trung Nam Bộ và Nam Bộ với số lượng lớn. Một phần do chính sách mở cửa của các chúa Nguyễn nên các cửa khẩu hải cảng như Tư Dung, Đà Nẵng, Hội An, Thuận Hóa, Sa Huỳnh, Sài Gòn, Mỹ Tho, Biên Hòa, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hà Tiên đều trở thành các trung tâm giao thương thu hút người Hoa đến làm ăn sinh sống. Một phần lý do nữa là Trung Quốc thời kỳ này xảy ra biến loạn liên miên.

***

Năm Giáp Thân 1644, quân Thanh tiến vào Trung Nguyên, chính thức làm chủ Trung Hoa. Nhiều phong trào “phản Thanh phục Minh” nổi lên và thất bại. Một số phiên thần Minh triều cũ đã đến tị nạn chính trị tại Nam Việt Nam. Trong số này nhiều người trở thành những nhân vật nổi danh như Tcheng-Tchouan (Trần Thượng Xuyên), tổng binh ba châu Cao – Lôi – Liêm; Dương Ngạn Địch, tổng binh Long Môn, Khâm Châu, Quảng Tây và Mac Kiou (Mạc Kính Cửu), Trịnh Hội (ông nội của Trịnh Hoài Đức)…

Nhóm Mạc Cửu đến Hà Tiên năm 1671, khi đó vẫn thuộc Chân Lạp (Cambodia). Tuy nhiên, giai đoạn này cũng là thời kỳ hết sức rối ren trong nội bộ Chân Lạp. Các cuộc đảo chính, binh biến thường xuyên khiến Chân Lạp suy yếu phải lệ thuộc vào cuộc bảo hộ của các Chúa Nguyễn trước sự dòm ngó tấn công của Xiêm La. Với tài kinh doanh, Mạc Cửu nhanh chóng biến Hà Tiên thành nơi giao thương, buôn bán sầm uất.

Ông cho mở sòng bài, tửu điếm, lầu xanh phục vụ cho khách buôn và thu lợi rất lớn. Tuy nhiên, công nghiệp của Mạc Cửu bị phá hoại nhiều lần bởi sự cướp phá của quân Xiêm. Trước áp lực từ Xiêm la, Mạc Cửu đã chủ động tiếp cận với Chúa Nguyễn Phúc Chu và dâng đất Hà Tiên, xin được bảo hộ năm 1714 (“Gia định Thành thông chí”). Ông được Chúa Nguyễn phong làm tổng binh trấn Hà Tiên, hưởng qui chế tự trị.

Mạc Cửu mất, con trai là Mạc Sỹ Lân (tự là Thiên Tứ) nối nghiệp. Là một viên tướng giỏi và nhà quản trị tài ba, Mạc Sỹ Lân mở rộng cương vực và thành công trong việc tạo dựng cho mình một vương quốc thực sự, rộng ước chừng 60.000 km2 (bao gồm Kiên Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu) mà lịch sử ghi lại với tên gọi Kang-kesouloun (Cảng khẩu quốc), có nghĩa “Vương quốc của hải cảng”. Ông được phong làm Khâm sai đô đốc Tung Đức hầu.

Dưới thời Mạc Sỹ Lân, Hà Tiên là vùng đất nổi danh trù phú, thịnh vượng, là nơi tụ hội anh tài, nhân sĩ. Với chính sách chiêu hiền đãi sĩ, Sỹ Lân bao bọc cả cháu vua Cao Miên là Nặc Ông Dun trong lúc tao loạn. Để cảm tạ ơn này, Nặc Ông Dun đem đất năm phủ Chân Sum, Sài Mạt, Linh Quỳnh, Cần Bột, Vũng Thơm dâng cho Sỹ Lân. Sỹ Lân dâng đất cho triều đình nhà Nguyễn. Từ đó, lãnh thổ Việt Nam mở mang thêm. Dù sau này trải bao hưng phế, dân xứ Hà Tiên, bất kể Việt hay Hoa, đều tôn thờ những người khai phá đất Hà Tiên và ghi danh công đức của dòng họ Mạc.

***

Năm 1679, hai phiên thần Minh triều là Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch cùng đến Nam Việt Nam xin nương nhờ Chúa Nguyễn. Hai đội binh thuyền của hai tướng này tổng cộng gồm 3.000 binh lính và 50 chiến thuyền cập bến Tư Dung (Quảng Nam) và Đà Nẵng. Chúa Nguyễn cho họ đến khai hoang lập ấp tại trấn Biên (Biên Hòa) và Đông Phố (Gia Định) vốn là đất của Thủy Chân Lạp cũ, còn hoang sơ. Nhóm của Trần Thượng Xuyên đến Biên Hòa, Đồng Nai. Nhóm của Dương Ngạn Địch chia làm hai – Dương Ngạn Địch đến Đông Phố (Gia Định) còn ông ta cho phó tướng là Hoàng Tiến đến Mỹ Tho.

Với kỹ năng nổi bật về tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, thương mại… những nhóm dân binh người Hoa đã nhanh chóng tạo dựng cơ sở cho các đô thị, thôn ấp trù phú, thu hút đông đảo lưu dân và khách buôn, trở thành những trung tâm kinh tế sầm uất. Năm 1698, một cộng đồng dân cư quan trọng là người Hoa sinh sống rải rác trên một diện tích khai phá hơn 1.000 dặm.

Triều đình Huế cử quan khâm sai là Nguyễn Cư Trinh vào vạch định rõ ranh giới quận huyện mới, qui tụ dân lại. Ông cho lập phủ Gia Định gồm hai huyện Phước Long và Tân Bình với hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn. Người Hoa ở Phiên Trấn đặt thành Minh Hương xã, còn ở Trấn Biên lập Thanh Hà phố. Các làng mạc người Hoa phát triển rất nhanh. Lực lượng này không những đem lại lợi ích to lớn về kinh tế, mở mang bờ cõi mà còn giúp sức cho Gia Long Nguyễn Ánh chấn hưng cơ nghiệp sau này.

Tuy nhiên, do bối cảnh lịch sử phức tạp, việc cộng đồng người Hoa ủng hộ các chúa Nguyễn cũng khiến họ trở thành mục tiêu đàn áp của các thế lực như Tây Sơn, Cao Miên, Xiêm La. Năm 1771, khi Tây Sơn tiến đánh Gia Định, Lý Tài – một tướng của Nguyễn Vương – lãnh đạo đội quân Hòa Nghĩa (gồm phần lớn là người gốc Hoa), gây tổn thất lớn cho quân Tây Sơn. Hộ giá Phạm Ngạn – tướng thân cận của Nguyễn Nhạc – bị chém chết trên cầu Tham Lương.

Quân Tây Sơn trả thù tàn khốc, tiến hành một cuộc thảm sát người Hoa. Sử triều Nguyễn ghi lại rằng có một vạn người Hoa bị giết, xác bị vứt xuống sông nghẽn cả dòng. Cộng đồng người Hoa bị tổn thất nặng nề. Sau sự kiện này, Nguyễn Ánh cho tập hợp lưu dân Hoa kiều của các làng Thanh Hà, Phan Trần qui tụ về bên bờ Kinh Tàu Hủ, Sài Côn (tên cũ của Sài Gòn). Do có sự bảo vệ của quân đội Nguyễn Ánh, vùng đất này nhanh chóng trở nên đông đúc, hình thành thị tứ Sài Gòn – Chợ Lớn. Cái tên Sài Gòn – Chợ Lớn có từ khi Tả quân Lê Văn Duyệt trấn nhậm, giữ chức Tổng trấn Gia Định thành năm 1801.

__________

Một cách tổng quát, dưới thời các chúa và vua Nguyễn, cương vực nước Việt Nam liên tục mở rộng, sáp nhập rất nhiều vùng lãnh thổ trước đây của Chiêm Thành và Chân Lạp. Trong công nghiệp to lớn đó, góp phần không nhỏ công sức của những di dân người Hoa như Mạc Cửu, Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch. Nhiều trí thức người Hoa nổi bật cũng tham gia chính sự và trở thành công thần Nguyễn triều như Ngô Nhân Tịnh, Trịnh Hoài Đức… Tất nhiên, đó cũng là thành tựu của những chính sách khôn ngoan, nhìn xa trông rộng và trọng dụng nhân tài của các chúa và vua triều Nguyễn.

Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn có chống Pháp không?

Một trong những điều gây tranh cãi nhất trong bộ phim “Đất rừng Phương Nam” là việc đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã phóng tác quá nhiều so với tác phẩm nguyên gốc của Đoàn Giỏi, đề cao vai trò của Thiên Địa Hội và Hòa Nghĩa Đoàn. Nhiều người cho rằng những hội kín này thực chất là du đảng lưu manh, chuyên trộm cướp, bảo kê, kinh doanh sòng bài, gái điếm, làm ăn bất đạo…, làm gì có chuyện chống Pháp.

Thiên Địa Hội và Hòa Nghĩa đoàn là những hội kín của người Hoa thành lập trong giai đoạn nhiều phong trào Phản Thanh phục Minh ở Hoa lục và đảo Đài Loan nổi lên. Mục đích của họ là chống lại sự cai trị của nhà Thanh, khôi phục Minh triều cũ. Tuy nhiên, các phong trào này lần lượt thất bại. Một số bộ tướng của Trịnh Thành Công ở Đài Loan và các di thần cũ của Minh triều phiêu bạt xuống Nam Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản để tránh sự truy lùng bức hại của Thanh triều. Có thể trong những đoàn quân của Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu có những người của các hội kín này, hoặc họ di cư vào Việt Nam theo các đoàn thương thuyền.

Điều chắc chắn là giai đoạn cuối thế kỷ 19 qua đầu thế kỷ 20, Thiên Địa Hội phát triển khá mạnh ở thành thị và thôn quê Nam kỳ lục tỉnh, nơi đón nhận khá đông Hoa kiều từ Quảng Đông, Phúc Kiến sang buôn bán. Thời vua Tự Đức, thuyết “Minh chúa ra đời”, các danh từ ám hiệu như “kèo xanh, kèo vàng” đã khá phổ biến. Có thể nói, hội kín và tổ chức bang hội là phương thức để người Hoa bảo vệ lợi ích thương mại, huy động kinh tài cho bang hội. Những hội kín của người Hoa rất phức tạp và gây không ít tai tiếng cũng như tội ác.

Đào Trinh Nhất – một nhà báo và nhà văn ngoại hạng đầu thế kỷ 20 – đã viết về họ trong tác phẩm “Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ” (1924): Người Hoa có một cái tài, không tội ác nào mà không dám làm. Mà đứng đầu là thích lập bang hội kín, mà hội kín phàm là đem tư lợi cho một nhóm người mà tổn hại đến Công lý của xã hội”.  

Tuy nhiên, việc người của Thiên Địa Hội có chống Pháp hay không thì cần phân định rõ. Có những hội kín xưng danh Thiên Địa Hội, lấy khẩu hiệu chống Pháp, kỳ thực chỉ là chiêu bài chiêu mộ đảng viên để tư lợi và bành trướng thế lực. Tuy nhiên, có những nhóm Thiên Địa Hội với tôn chỉ chống lại người Tây Dương (da trắng) thực sự. Đó là nhóm Thiên Địa Hội ở xã Long Sơn, quận Tân Châu (Châu Đốc).

Những người Tàu ở xã này như Chệt Phong, Chệt Thượng, Cư Sùng, Kèn Sư, Ổng Sài… là những người tiên phong. Họ mượn đình chùa vắng vẻ làm trụ sở, luyện tập võ nghệ, mua sắm binh khí để chuẩn bị công cuộc chống Pháp. Phong trào vỡ lở, họ bị quân Pháp thẳng tay đàn áp nên cuộc cách mạng sớm cáo chung. Trong tác phẩm “Tân Châu” của Nguyễn Văn Kiểm có nhắc đến di tích Miễu hội và phong trào Thiên Địa Hội ở Tân Châu.

Ngoài ra, một nhánh khác cũng mang danh Thiên Địa Hội xuất phát ở Gò Công, thủ lãnh là Lò Cheng, tụ tập đồ đảng, sử dụng bạo lực, ép buộc dân chúng phải nghe theo. Đám này thực sự là toàn những tay du côn, lấy chém giết làm danh dự. Tuy nhiên, mặt ngoài vẫn luôn vẫy ngọn cờ chống Pháp. Một mặt, chúng vừa khủng bố dân lành, mua chuộc và cả đe dọa giới chức địa phương. Nhóm của Lò Cheng phát triển mạnh, đến khi dân chúng không chịu nổi và khiếu kiện, ca thán, thì chính quyền mới bắt giam Lò Cheng và trục xuất về Tàu. Đám dư đảng bị đày đi Côn Đảo, chấm dứt cái gọi là phong trào Thiên Địa Hội ở Gò Công.

Ngoài ra, cuộc khởi loạn ở Vườn Trầu (Hóc Môn) cũng do một nhánh khác của Thiên Địa Hội tổ chức. Theo nhà nghiên cứu Lê Tiền Giang thì sau khi phong trào kháng Pháp của Thủ Khoa Huân và Thiên Hộ Dương thất bại, những nghĩa sĩ còn lại của phong trào đã hoạt động trong hàng ngũ của Thiên Địa Hội ỏ vùng Cai Lậy, Mỹ Tho dưới trướng của một người tên Điền, tự xưng Nguyên soái Điền. Phong trào bại lộ, ông Điền tự sát trong ngục.

Đối với vai trò của Nghĩa Hòa Đoàn mà cộng đồng mạng lên tiếng bài xích thì cần nhắc lại sự kiện đội quân Hòa Nghĩa của tướng Lý Tài đã chống lại quân Tây Sơn và chém tướng Phạm Ngạn trên cầu Tham Lương. Đội quân này gồm toàn những người Thanh, du nhập vào nước ta khi phong trào Nghĩa Hòa Đoàn bên Hoa Lục bị đàn áp nặng nề.

Khẩu hiệu của nhóm này khi còn ở Trung Quốc là “Phù Thanh diệt Dương” – tức là ủng hộ Thanh triều, diệt giặc Tây Dương. Khi đó, Trung Quốc bị xâu xé bởi các nước phương Tây và Thanh triều đi tới hồi diệt vong. Nghĩa Hòa Đoàn nổi lên chống lại người Tây Dương và thực hiện những cuộc khủng bố giết hại các cha đạo và người Tây Phương rất tàn khốc ở Hoa Lục. Việc Nghĩa Hòa Đoàn có mặt ở nước ta và có thể tham gia vào công cuộc chống Pháp trong giai đoạn trước 1945 cùng với Thiên Địa Hội là có khả năng.

Như vậy, nếu xét về “nội dung lịch sử” thì chuyện “Thiên Địa Hội, Nghĩa Hòa Đoàn chống Pháp” trong “Đất rừng Phương Nam” không phải là không có cơ sở. Ngoài ra, việc bối cảnh phim sử dụng trang phục người Hoa, có quán ăn người Hoa hay có những lưu dân Sơn Đông mãi võ… là điều hoàn toàn có trong thực tế, trong giai đoạn người Hoa sinh sống rất đông ở Nam kỳ lục tỉnh và các đô thị Sài Gòn, Mỹ Tho, Tân Châu, Cần Thơ…

***

Từ những tranh cãi quanh bộ phim “Đất rừng Phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, có thể nhìn ra định kiến phân biệt sâu sắc về sắc tộc trong lòng xã hội Việt Nam. Điều nguy hiểm này bắt nguồn từ hệ thống giáo dục và tuyên truyền sai lệch về lịch sử vô cùng tai hại suốt nhiều thập niên của chế độ cộng sản cai trị.

Tùy theo “nóng lạnh” trong mối quan hệ giữa hai nhà cầm quyền Việt Nam và Trung Quốc, cộng đồng Hoa kiều dễ bị tổn thương và trở thành nạn nhân. Những ký ức kinh hoàng về “nạn Hoa kiều” năm 1979 và những cuộc đánh tư sản mại bản nhắm vào cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn-Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung sau 1975 vẫn còn là nỗi ám ảnh rùng rợn.

Nhìn sang Singapore, Malaysia, Thái Lan…, có thể thấy cộng đồng người Hoa đã góp phần quyết định nên sự thịnh vượng của những con hổ châu Á. Vấn đề là thể chế chính trị nào dung nạp được họ, sử dụng năng lực và nguồn lực của họ vào lợi ích chung, đồng thời vẫn có thể kiểm soát được sự thao túng nếu có của họ. Trong lịch sử Việt Nam, các chúa và vua Nguyễn triều từng thực hiện chính sách khôn ngoan như vậy, trong giai đoạn tạo dựng cơ nghiệp nước nhà. Chẳng phải đó là những bài học lịch sử vô cùng đáng học từ các bậc tiền nhân đó sao?

Tâm lý bài Hoa chỉ nên giới hạn ở thái độ dứt khoát với chính quyền cộng sản Trung Quốc, hơn là với người Trung Quốc và đặc biệt với người Hoa hiện diện trong lịch sử Việt Nam, lẫn cộng đồng người Hoa đang chung sống với người Việt hiện tại.

___________

Tài liệu tham khảo:

-Người Hoa ở miền Nam Việt Nam của Tsai Maw Kuey, 1968 do Bộ Quốc gia Giáo dục, Ủy ban nghiên cứu sử học và khoa học của VNCH xuất bản.

-Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885 của Yoshiharu Tsuboi.

-Tây Ninh xưa và nay của Huỳnh Minh.

-Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức.

-Tân Châu của Nguyễn Văn Kiểm 1870 -1964.

-Phong trào Duy Tân ở Bắc Trung Nam – miền Nam đầu thế kỷ XX – Thiên Địa Hội và cuộc Minh Tân của Sơn Nam.

-Thế lực khách trú của Đào Trinh Nhất.

-Chính sách của các vương triều Việt Nam đối với người Hoa của Huỳnh Ngọc Đáng.

-Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn.

-Việt sử xứ Đàng Trong 1558 -1777 của Phan Khoang.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: