50 năm cộng đồng Việt, từ Long Beach tới Little Saigon

CSV Quốc Gia Hành Chánh tham quan Điện Capitol US năm 2019. (Hình: tác giả cung cấp)
Share:

Tôi đến Mỹ định cư ở thành phố Long Beach nay đã ngoài 30 năm, trong khoảng thời gian dài mấy mươi năm đó tôi vẫn ở trong một khu duy nhất không chuyển đổi, ban đầu thuê mướn, sau một thời gian chừng vài năm, tôi đi tìm mua được một căn nhà vừa ý, cũng ở trong khu vực nầy và ở luôn từ đó cho đến nay.

Sở dĩ như vậy là vì nói chung khu phố tôi ở đa phần là người di dân gốc Á sinh hoạt rất thân thiện và yên ổn, không có các tệ nạn xã hội xảy ra nên ít gây bất ổn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chung của cả khu vực.

Ba dắt con đi Mỹ (1993). (Hình: tác giả cung cấp)

Sống ở đây rất tiện lợi mọi bề, gần chợ do người Việt làm chủ, bán đủ các loại thực phẩm quen thuộc như ở Việt Nam, đi lại dễ dàng, đường phố rộng rãi, an toàn, chỉ cách bãi biển chỉ hơn 20 phút lái xe. Nhưng quan trọng hơn hết là gần nhà thờ Saint Lucy, Long Beach, ở đây có đủ các thánh lễ cho nhiều sắc dân Mỹ, Mễ (Spanish), Philippines trong ngày Chúa Nhật.

Riêng cộng đoàn người Việt chỉ có một thánh lễ buổi chiều Thứ Bảy do linh mục chủ tế người Việt cử hành, cùng với các sinh hoạt của đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, hầu hết đều là trẻ em người Việt trong vùng.

Gia Đình (Long Beach 2002). (Hình: tác giả cung cấp)

Sau khi đã ổn định nơi ăn chốn ở, tôi ghi tên đi học lớp đêm, ban đầu là trường Long Beach City College, sau đó chuyển lên đại học California State University Long Beach, cũng gần nhà độ chừng 30 phút lái xe, ban ngày tôi đi làm toàn thời gian ở thành phố Anaheim cách nhà 20 phút. Thật ra cũng không có lựa chọn hay tính toán gì cả mà tất cả đều do gặp may từ người bảo trợ ở Long Beach cho đến người bạn hàng xóm mới quen nên mới có cơ duyên được sinh hoạt trong vòng tròn bán kính, đông tây nam bắc, chỉ có 12 dặm.

Bận rộn cả tuần vừa đi làm vừa đi học chỉ có đi lễ ngày Thứ Bảy hàng tuần, sinh hoạt trong cộng đồng người Việt là vui thích nhất vì ở đây có cả một Trung Tâm Giáo Lý và Việt ngữ do các soeur và giáo viên người Việt đảm trách với các hoạt động vô cùng sống động. Các con tôi đều tham gia vào đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể và theo học đầy đủ các lớp Việt ngữ ở đây cho đến khi tốt nghiệp trung học. Ngoài ra, đứa con gái lớn còn tham gia “giúp lễ” trong các Thánh lễ người Việt gần sáu năm trời cho đến khi bắt đầu vào trường trung học mới thôi.

Thiếu Nhi Thánh Thể cắm trại (2003). (Hình: tác giả cung cấp)

Sau các giờ học trong lớp, hầu hết các em đều tham gia vào các hoạt động hay trò chơi hữu ích ngoài trời do đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể hướng dẫn trong khuôn viên rộng lớn của nhà thờ cho đến 5 giờ chiều, cũng là lúc giáo dân người Việt lũ lượt đến nhà thờ để chuẩn bị tham dự thánh lễ cử hành đúng 6 giờ chiều.

Hình ảnh từng đoàn các em trong đồng phục quần xanh, áo trắng tay ngắn mang phù hiệu trên cánh tay, thắt khăn quàng cổ sọc màu xanh đỏ, xếp từng hàng tiến vào nhà thờ cùng với giáo dân làm thành một không khí thật rộn rịp tràn đầy hưng phấn đã để lại trong lòng mọi người những cảm xúc mừng vui khó tả.

Điều may mắn nhất là nhờ theo học các lớp Giáo Lý và Việt ngữ đều đặn ở đây mà các con tôi đều có thể nói tiếng Việt bình thường dễ nghe, không bị “lơ lớ” như người ngoại quốc nói tiếng Việt. Đặc biệt hơn nữa là trong hồ sơ ứng tuyển vào các đại học ở Hoa Kỳ, các con đều ghi rõ là có tham gia vào các hoạt động thiện nguyện do đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể ở nhà thờ St. Lucy, Long Beach đề ra, như hằng năm vào các dịp lễ lớn, các em đều đi thăm viếng và phân phát thức ăn cũng như vật dụng cá nhân cho người vô gia cư trong vùng hoặc thăm các trung tâm nuôi dạy trẻ em khuyết tật cùng nhiều hoạt động khác nữa.

Đoàn tụ gia đình từ Pháp (2002). (Hình: tác giả cung cấp)

Cũng có thể nhờ có ghi rõ tham gia vào các hoạt động đặc biệt nầy trong một thời gian dài nhiều năm, cùng với các bài luận văn nộp dự tuyển vào các trường đại học mà đa số các em thuộc đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể ở Nhà thờ Saint Lucy, Long Beach đều được nhận vào học ở các trường đại học nổi tiếng trong vùng (như UCLA, UCI, UCSF và USC.)

Đến khi các gia đình anh chị em tôi lần lượt, kẻ trước người sau, sang Mỹ theo diện HO, ODP đều ở chung một nhà với nhau trong bước đầu, rồi sau đó mới ra riêng, mua nhà cũng ở quanh quẩn trong thành phố Long Beach, chỉ cách nhau chừng 10, 20 phút lái xe mà thôi. Đấy cũng là nhờ ơn tôi khuyên như vậy, vì muốn gia đình con cháu đều đi lễ nhà thờ chung với nhau vào mỗi chiều thứ Bảy.

Tôi thường hay khuyến khích các con nên gia nhập vào các đoàn thể nhà thờ, ngoài cô con gái lớn là “thừa tác viên” chuyên đọc sách Thánh trong Thánh lễ, các cô còn lại đều thuộc hội “Các Bà Mẹ Công Giáo.” Phần tôi cũng ở trong Ban Phụng Vụ, tình nguyện giữ một chân “thu tiền thau” trong các thánh lễ. Do đó, đối với gia đình, tham dự thánh lễ cùng các sinh hoạt của Nhà thờ thật sự là một ngày vui của mọi người.

Ngày tốt nghiệp. (Hình: tác giả cung cấp)

Tuy sau nầy sinh hoạt riêng theo từng gia đình, nhưng vì ở gần nhau nên hết lớp nầy sang lớp khác, lớp trên lớp dưới các con cháu trong đại gia đình tôi đều theo học hết các lớp Việt Ngữ ở trung tâm cũng như tham gia tích cực vào đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể mà tạo thành một truyền thống hiếu học, em theo anh, con dì, con bác thi đua nhau học tập. Tất cả các cháu đều tốt nghiệp từ các trường đại học nổi tiếng trong vùng Los Angeles.

Nói chung, cả gia đình mọi người đều hăng hái tham gia vào các sinh họat thường xuyên của nhà thờ, cũng như các công tác thiện nguyện, nhất là các công việc tông đồ bác ái. Cách nay hơn mười lăm năm, Cha chủ nhiệm cộng đoàn có phát động một chương trình giúp đỡ người nghèo ở các vùng hẻo lánh ở cao nguyên miền Trung Việt Nam, trong đó có  làng phong cùi (Dak Tía, Kon Tum). Mỗi gia đình trong giáo xứ, ai muốn đều có thể nhận một hộp giấy các-tông nhỏ dán kín có kẻ hở dùng để dành tiền lẻ (tiền xu, năm, mười hay 25 xu) cho đến khi hộp đầy đem đến nhà thờ để Cha mang về Việt Nam mua thuốc men, gạo, mắm muối, mì gói phát cho dân nghèo. Sau nầy khi ra riêng, các con tôi vẫn giữ các hộp giấy nầy làm kỷ niệm của cha mẹ để nhắc nhở hãy siêng năng làm việc thiện nguyện giúp người nghèo khó.

Theo thời gian, các con lớn lên học hành đàng hoàng ra trường có công ăn việc việc làm tốt, tuy cũng ở quanh vùng Los Angeles, nhưng đi lại không thuận tiện, nên chỉ còn tham dự Thánh lễ chung với gia đình vào các dịp lễ lớn như Giáng Sinh hay Phục Sinh hoặc đem con về nhà thờ nhận các bí tích rửa tội hay thêm sức mà thôi.

Hai chị em tiến sĩ dược khoa (Yến Khang, Yến Vy – USC, 2023). (Hình: tác giả cung cấp)

Kỷ niệm 45 năm ngày thành lập cộng đoàn Việt Nam tại nhà thờ Saint Lucy, Long Beach, hội đồng mục vụ giáo xứ có thông báo là kể từ nay, xen kẽ hằng tuần trong thánh lễ, mọi người sẽ làm quen đọc kinh bằng tiếng Anh được chiếu lên màn hình ở trên cao hai bên nhà thờ. Lý do là sẽ giúp cho các em có thể hiểu biết dễ dàng hơn trong thánh lễ vì hiện tại các em rành tiếng Anh hơn tiếng Việt. Thực tế điều nầy gây bất tiện cho giáo dân lớn tuổi, thuộc lòng kinh tiếng Việt, nhưng kinh bằng tiếng Anh thì còn lơ mơ khó đọc mà cũng rất khó lãnh hội, giống y như khi tham dự thánh lễ cử hành bằng tiếng Anh tại các nhà thờ Mỹ. Nhưng mọi người đều vui vẻ chấp nhận vì tương lai của các con em, thế hệ mới người Mỹ gốc Việt.

Ngoài sinh hoạt thường nhật ở Long Beach chúng tôi còn thường hay đi xuống khu Little Saigon (thành phố Westminster, CA), chỉ độ chừng 30 phút lái xe để đi chợ Việt vì ở đây thực phẩm, hàng hóa phong phú và đầy đủ hơn. Đặc biệt còn tham gia vào các sinh hoạt của cộng đồng người Việt tại đây như hội Quốc Gia Hành Chánh, hội đồng hương Mỹ Tho, Kontum … là những tổ chức mà mình thuộc về trước đây. Ngoài ra đôi khi cũng tham dự các cuộc hội thảo chính trị hay đi biểu tình cùng với mọi người do các đoàn thể, đảng phái người Việt ở Mỹ tổ chức.

Hơn nữa, vì là nơi người Việt định cư đông nhất (thủ đô tị nạn) nên những ngày lễ truyền thống như Tết hay kỷ niệm ngày 30 Tháng Tư đều có đông đảo người Việt quanh vùng tề tựu về đây để xem diễn hành hay cùng nhau đi Hội chợ Tết, ăn uống, vui chơi nên tôi cũng tụ tập về đây, có lúc còn tham gia vào các hoạt động thiện nguyện như gom góp tiền, phẩm vật cứu trợ  gởi về Việt Nam.

Điều đáng nói ở đây là dù ít hay nhiều, người Việt luôn sống họp quần như làng mạc ở quê nhà, cũng chợ búa, hàng hóa, bánh trái y hệt như ở Việt Nam, tiếng Việt được duy trì trong quan hệ giao tiếp với nhau, nhất là trong gia đình, mọi người đều nói tiếng Việt và ở đâu có đông người Việt là có trung tâm Việt Ngữ để dạy và học tiếng Việt. Truyền thông, báo chí Việt ngữ xuất bản ở địa phương với số lượng tương đối đầy đủ để phổ biến khắp nơi nào có đông người Việt cư ngụ.

Trung Tâm Giáo Lý & Việt Ngữ Saint Lucy Long Beach khai giảng năm học. (Hình: tác giả cung cấp)

Có thể nói cộng đồng người Việt là một cộng đồng tuy sanh sau đẻ muộn trên đất Mỹ nhưng lại là một cộng đồng phát triển nhanh nhất và bền vững nhất ngoài giống dân da trắng. Đó là nhờ vào sự gắn bó chủng tộc, đây là truyền thống từ lâu đời, mà tộc Việt còn tồn tại tới ngày nay trên mảnh đất hình cong chữ S do cha ông, tổ tiên để lại, mặc dù bị bao quanh bởi các đế chế hùng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại ở phương Đông.

Người Việt dù ở bất cứ nơi đâu, khi trưởng thành đa số đều muốn lập gia đình với người Việt tại địa phương hoặc trở về Việt Nam để bảo lãnh người hôn phối qua Mỹ. Từ quan niệm truyền thống “ta về ta tắm ao ta” mà cộng đồng người Việt ngày càng đông và hợp quần trên đất Mỹ hơn hai triệu người. Sự phát triển về số lượng qua các chương trình đoàn tụ gia đình ngày càng tăng cũng như mức độ sinh đẻ thuần chủng Việt cũng tương đối, chỉ sau người Châu Mỹ La Tinh (Spanish).

Từ sự lớn mạnh về dân số, người Việt còn có nhiều đức tính như cần cù, chăm chỉ siêng năng làm việc với chỉ số thông minh cao nên người Việt hiện nay đang có mặt trong hầu hết các sinh hoạt xã hội từ chính trị, kinh doanh cho đến học thuật. Có thể nói về lâu về dài, ngôn ngữ sử dụng phổ biến sẽ là tiếng Anh, nhưng người Việt vẫn là giống người Việt da vàng chính cống, không có hay có rất ít, lai các da màu khác.

Ngoài sự đồng chủng nói trên, người Việt còn giữ y nguyên truyền thống “tình làng nghĩa nước“ qua khẩu hiệu như là “đồng hương giúp đỡ đồng hương” hay “đồng hương ủng hộ đồng hương” khiến cho sinh hoạt xã hội thuần Việt ngày càng phát triển rộng khắp trong các khu vực có đông người Việt cư ngụ. Họ đoàn kết gắn bó nhau đến độ mà có lúc chính quyền sở tại đã đưa ra ý kiến là muốn biến các nơi nầy thành những “thành phố tự trị” (như Westminster, Garden Grove, CA … chẳng hạn) với thị trưởng cùng các quan chức chính quyền đều là người Việt Nam thuần túy. Biểu hiện rõ rệt nhất là các con đường quanh khu thị tứ đều ghi kèm theo tên của các bậc danh nhân Việt Nam như Đại Lộ Trần Hưng Đạo (Bolsa); Hai Bà Trưng (Moran);…

Ngày đặt bảng tên đường Hai Bà Trưng giữa Little Saigon. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

***

Trở lại những ngày đầu đến Mỹ tị nạn sau biến cố ngày 30 Tháng Tư năm 1975, đa phần cư dân đều mang theo một hoài bảo sẽ trở về Việt Nam khi chế độ cộng sản không còn ngự trị trên quê hương, cho nên lúc bấy giờ có nhiều tổ chức hay đoàn thể chính trị hoạt động rất mạnh trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Phong trào “Phục quốc” hay “Kháng chiến” là những danh xưng rất quen thuộc và nổi bật trong sinh hoạt của người Việt hải ngoại.

Cho đến đầu thập niên 90 khi có một số lượng rất đông, hàng trăm ngàn người ồ ạt được phép sang Mỹ định cư theo các chương trình nhân đạo (HO, ODP ..) thì các phong trào chính trị cũng rầm rộ hô hào “chống cộng” rất hăng say, tích cực. Cộng thêm vào đó cùng với phương tiện truyền thông và điện thoại di động cầm tay tối tân, hiện đại đã khiến cho làn sóng đấu tranh dâng tràn lên khắp nơi nơi.

Nhưng kể từ năm 1995 khi Hoa Kỳ mở lại mối bang giao, bình thường hóa quan hệ với Việt Nam thì cán cân thương mại giữa hai nước bắt đầu tăng trưởng, từ đó ngoài sự giao thương kinh tế còn đưa đến sự chuyển đổi về quan điểm chính trị một cách thực tiễn hơn. Việt kiều bắt đầu về Việt Nam thăm quê hương ngày càng đông, một số mở cơ sở kinh doanh làm ăn, mua bán tại quê nhà đạt doanh thu rất khả quan, đồng thời người trong nước cũng đến Hoa Kỳ dưới nhiều dạng và hình thức khác nhau ngày càng dễ dàng hơn, các cơ sở sản xuất công nghệ cao cũng như dịch vụ thương mãi được thành lập ở Việt Nam với quy mô lớn, hình thành các khu công nghiệp sinh hoạt như một thành phố khắp từ Nam ra Bắc (Bình Dương, Long An, Bắc Giang …) cũng đã làm biến đổi nhận thức của nhiều người.

Trải qua một khoảng thời gian dài 50 năm sau, lớp người đi trước nay đã trở thành lão niên và đồng thời tình hình thế giới cũng đã biến đổi một cách rất đa dạng cho nên các tổ chức chính trị cũng dần dần co cụm lại về số lượng người tham gia cũng như chất lượng ngày càng giảm sút. Thế hệ trẻ hay “hậu duệ” của những người Việt thuộc chế độ cũ ngày càng hội nhập tan chảy vào xã hội Mỹ nên đa số không còn hay không có quan tâm nhiều đến các vấn đề chính trị do cha ông chủ trương trước đây. Kháng chiến hay Phục quốc giờ chỉ còn là những từ ngữ mơ hồ đối với họ hay giới trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ.

Cho nên bây giờ ở đây, các tổ chức hoạt động chính trị đã thay đổi mục tiêu từ tranh đấu cực đoan chuyển đổi thành các tổ chức ủng hộ các đoàn thể và cá nhân trong nước đang tranh đấu cho quyền tự do dân chủ của người dân. Rõ nét nhất là đòi trả tự do cho các cá nhân, hiện đang là “tù nhân lương tâm” trong chế độ cộng sản. Các cuộc biểu tình tuần hành chống cộng vẫn còn nhưng số người tham dự ngày càng ít đi, các buổi hội thảo chính trị cũng dần dần thưa thớt. Chỉ có các đảng phái chính trị là còn hoạt động bền bỉ, nhưng tầm ảnh hưởng cũng không rầm rộ như xưa, cách đây chừng hơn 10 năm.

Nói gì thì nói, cộng đồng người Việt ở Mỹ vẫn lo làm ăn buôn bán xây dựng cuộc sống ngày càng tốt hơn là chính, đồng thời luôn lấy câu châm ngôn “hy sinh đời bố củng cố đời con” làm kim chỉ nam, nhờ vậy mà đa số thế hệ trẻ người Việt Nam ở đây phát triển thật vững vàng, xác định được vị trí nhất định trong xã hội Hoa Kỳ.

Tác giả tại hội chợ Tết Sinh Viên 2025. (Hình: tác giả cung cấp)

Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày di tản khỏi Việt Nam, mọi sinh hoạt của cộng đồng người Việt tại Mỹ vẫn rộn ràng, phong phú luôn có phần phụ diễn văn nghệ chủ yếu ca ngợi tình yêu quê hương là chính. Và thôi, không còn hò hét vang trời những khẩu hiệu cũ ngày nào mà thay vào đó là cùng nhau kết hợp với các phong trào và cá nhân trong nước đang tranh đấu cho nhân quyền, đòi hỏi tự do dân chủ cho đất nước.

Hay hơn nữa, họ không còn phải đòi hỏi hòa hợp, hòa giải gì nữa vì theo thời gian mọi sự xấu xa, lạc hậu, độc tài của chế độ đã được phơi bày, người dân cả nước đều trông thấy. Còn chăng chỉ là chế độ cộng sản hiện nay phải tự đào thải hay thay đổi để cho người dân bớt khổ và đưa đất nước theo kịp đà tiến triển của nhân loại.

Còn sự tồn tại của người Việt trên đất Mỹ sẽ được duy trì như một sắc dân bản địa trong Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, họ không có ý chí trở về quê hương “đất hứa” như người Do Thái trong hơn hai ngàn năm trước. Ngày nay với sự tiến bộ vượt bậc về truyền thông cũng như phương tiện đi lại dễ dàng nhanh chóng, cộng đồng người Việt hải ngoại, đặc biệt là trên đất Mỹ đang dần hình thành một “thế lực mềm” đủ mạnh để ủng hộ cho sự thay đổi chính trị tại Việt Nam. Little Saigon, thủ đô tị nạn là ngọn cờ đầu trong công cuộc vận động mang tính lịch sử nầy. Mong lắm thay!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo