Có kinh nghiệm về lĩnh vực truyền thông xã hội, tiếp thị, nhà hàng, nhưng Duyên Hà lại chọn gầy dựng thương hiệu rượu đóng chai độc quyền của Mỹ – BONDLE.
Biết Duyên thích nấu ăn và mê món Việt, tôi hẹn gặp cô ở quán Brodard Vietnamese Cuisine trên đường Brookhrust. Không quản đường xá xa xôi từ Los Angeles, Duyên đồng ý ngay, và đến rất đúng giờ.
Cô gái mang cái tên dễ thương Duyên Hà có gương mặt lai rất xinh đẹp, nói tiếng Việt khá sõi, nhưng thích nói tiếng Anh, vì bảo như thế khiến cô tự tin hơn. Duyên kể, mình được sinh ra trong trại tị nạn ở Philippines. Gia đình cô ở trong trại sáu tháng, trước khi một tổ chức tôn giáo bảo lãnh sang định cư ở Hoa Kỳ, mặc dù gia đình cô theo đạo Phật. “Ba mẹ mình cũng đi lễ nhà thờ vài năm, và vẫn đi chùa, nhưng sau đó thì quay lại đạo gốc,” Duyên nói.
Duyên thích đi làm từ nhỏ. 13 tuổi, cô đã ra phụ giúp ở tiệm nail của mẹ. Năm 20 tuổi, Duyên tham gia chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống Barack Obama. Hai năm sau, cô được nhận vào Google làm việc. Nhưng khi đang có việc làm rất tốt ở một trong những công ty công nghệ hàng đầu, Duyên quyết định nghỉ để chuyển sang lãnh vực mà cô rất mê, là làm nhà hàng. Từ công việc liên quan đến kỹ thuật, Duyên chấp nhận hàng ngày bóc vỏ hàu trong nhà hàng Marlow & Sons ở ở Brooklyn, New York. Sáu tháng làm việc tại nhà hàng ba sao này, Duyên ấp ủ giấc mơ thành lập nhà hàng của chính mình. Nhưng cũng tại đây, cô khám phá ra rằng ngoài tình yêu không khí nhà hàng, cô còn tìm được nhiều nguồn cảm hứng với rượu vang tự nhiên của Pháp.
Năm 28 tuổi, sự hấp dẫn của tất cả những thứ liên quan đến ẩm thực thôi thúc Duyên tìm đường sang học ở Ferrandi – một trong những trường dạy nấu ăn hàng đầu của Âu châu tại Paris, Pháp. Vì sao lại là Pháp? Duyên trả lời ngay, ngoài các món ăn Việt, cô cũng mê nhiều món Pháp. “Ở Mỹ cũng có hệ thống nhà hàng Pháp và có nhiều nguyên vật liệu nhập từ Pháp, nên mình nghĩ sẽ thuận lợi khi mở nhà hàng sau này,” nói xong, cô thở dài. “Có biết đâu là học khó quá! Trường chỉ dạy một nửa chương trình bằng tiếng Anh, một nửa phải học bằng tiếng Pháp. Mà tiếng Pháp của mình lúc đó còn bập bẹ, nên phải cố gắng nhiều lắm.”
Sự nỗ lực của cô gái Mỹ gốc Việt được đền đáp. Kết quả, Duyên đứng đầu trong danh sách tốt nghiệp. Học giỏi, nhưng khi đi làm, cô gặp nhiều gian nan, từ lúc thực tập cho đến khi xin visa làm việc ở Pháp. Công việc của cô bắt đầu từ 7 giờ sáng, và kết thúc lúc 1 giờ sáng. Duyên được nghỉ giữa giờ, nhưng chỉ đủ cho cô về nhà trọ, nấu ăn qua loa, rồi phải chạy ra nhà hàng làm tiếp. Việc xin visa làm việc ở Paris, theo cô, rất “trầy vi tróc vẩy”, nhưng cuối cùng cũng được giải quyết.
Duyên muốn làm việc hai, ba năm để lấy kinh nghiệm, và cô may mắn được làm việc ở các nhà hàng nổi tiếng, như Michelin L’Arpège ở Paris ở Paris, sau đó là Mirazur, ở Menton, rồi lại chuyển đến Frenchie ở Paris, nơi cô được thăng tiến lên vị trí bếp phó. Duyên cho biết, Virginie Bonnet, người phục vụ rượu của Frenchie có ảnh hưởng đặc biệt đến cô, và trong thời gian ở Paris, cô luôn bị lôi cuốn bởi ý tưởng thành lập một công ty rượu.
Rồi đại dịch COVID-19 ập xuống toàn cầu. Các nhà hàng đóng cửa, Duyên phải trở lại Mỹ, tá túc tại nhà ba mẹ ở New York. Lúc này, nguồn cảm hứng làm rượu trong cô bỗng trỗi dậy, cô dùng khoản tiền trợ cấp thất nghiệp bên Pháp để thực hiện ý định này.
“Nói thì kỳ, chứ đúng là nhờ có đại dịch mà mình mới thực hiện được việc mà mình thích, đó là làm rượu, và bán online,” Duyên cười, nói. Nhưng khởi nghiệp cũng khó, bắt đầu từ đâu? New York? Chicago? hay Miami? Cuối cùng, Duyên chọn Los Angeles, vì tìm được đối tác, một cô bạn người Pháp tên Mehdi Samraoui. Samraoui quen với nhiều nông dân trồng nho ở Pháp, cùng với kinh nghiệm “thử” rượu Pháp, Duyên tự lên công thức cho sản phẩm rượu của mình.
Cuối năm 2020, Duyên bắt tay thực hiện, từ đặt sản xuất rượu, xin giấy phép kinh doanh, lên mẫu mã nhãn hàng,… Sau đại dịch, cô cùng bạn trở lại Pháp để tìm những nhà sản xuất rượu tự nhiên nhỏ tốt nhất, ở những vùng rượu vang nổi tiếng nhất của nước Pháp. Tháng Mười Hai, 2021, Duyên và đối tác kinh doanh Samraoui ra mắt BONDLE.
“Mục tiêu của chúng tôi là làm cho việc mua rượu vang ngon trở nên dễ dàng và dễ tiếp cận đối với mọi người. Mỗi mùa, chúng tôi cung cấp năm loại rượu vang tuyển chọn: đỏ, trắng, hồng, cam và champagne,” Duyên giới thiệu. “Rượu vang tự nhiên được làm từ nho hữu cơ, sinh học. Các nhà sản xuất rượu vang tự nhiên tránh sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt nấm và phân bón và dựa vào men tự nhiên để khởi động quá trình lên men.”
Trong vòng một năm, BONDLE cho ra đời hai bộ sư tập rượu với chín loại khác nhau, cung cấp hơn 4,000 chai cho khách hàng trong nước. “Hiện tại mình chưa xuất hàng ra ngoại quốc, nhưng đó sẽ là tương lai gần,” Duyên cho biết. “Mỗi loại rượu vang trong bộ sưu tập được tuyển chọn kỹ lưỡng, cẩn thận từ các nhà sản xuất rượu đối tác, chắt lọc từ hơn 100 vườn nho ở Pháp – những người có chung niềm đam mê bảo vệ môi trường như chúng tôi. Do việc khởi nghiệp diễn ra trong thời gian dịch bệnh, bị ảnh hưởng nhiều về tiến độ thời gian, nhưng bây giờ mình đã thiết lập được hai nhà kho, một ở New York và một ở Los Angeles.”
“Thế còn giấc mơ mở nhà hàng thì sao?” tôi hỏi. Duyên cười: “Ồ, có lẽ chưa thực hiện được đâu, vì việc phát triển thương hiệu BONDLE vẫn đang trong quá trình thực hiện. Tuy vậy, nấu ăn vẫn luôn là niềm đam mê của mình đó, nhất là món ăn Việt.”
Duyên nói hầu như món ăn Việt nào cô cũng nấu được, nhưng thích nhất vẫn là món thịt kho trứng, và bánh cuốn truyền thống. Trên website của BONDLE, Duyên có chia sẻ cách nấu những món khoái khẩu của cô, để mọi người đều có thể tự nấu, trong đó có cả món phở theo công thức của bà mình – Grandma’s Pho.
Với Duyên, gia đình là trên hết, cô luôn quý trọng khoảnh khắc cùng vui với ba mẹ và các anh chị em, nhưng không bao giờ muốn phụ thuộc vào gia đình. “Ba thì làm bất động sản, có nhà chung cư cho thuê, mẹ vẫn đang là chủ tiệm nail ở New York, nhưng mình luôn có ý thức tự lập,” Duyên nói, và chia sẻ thêm với độc giả Saigon Nhỏ. “Khi muốn làm gì, bạn đừng sợ thất bại, hãy cứ làm, vì có thất bại mới có thành công. Ngoài ra, bạn phải nuôi ngọn lửa đam mê, đừng để nó tắt, vì nếu không đam mê, bạn sẽ khó vượt qua khó khăn, mà trong cuộc sống này, chẳng có gì là dễ dàng cả.”
Khi độc giả đọc được bài viết này, là lúc Duyên đang cùng chồng – một người Pháp gốc Marocco, lặn lội ở các vùng trồng nho bên Pháp để tìm nguồn nhiên liệu cho một bước phát triển lớn hơn của BONDLE. Riêng “kế hoạch nhỏ” để có thêm thành viên mới trong gia đình, Duyên cười… trừ, nói: “Từ từ chị ạ, chắc phải sau 35 tuổi, vướng vào cái ‘nghiệp’ làm rượu này, không có thời gian chăm sóc con cái đâu!”