Vivi Nguyễn và những chiếc bánh kem ‘nổi loạn’

Vivi Nguyễn và những chiếc bánh kem “nổi loạn” Radical Joy Bakery. Hình: SGN edited
Share:

Xuất hiện trên màn ảnh là cô gái có nét mặt thanh tú, tóc đuôi gà cột cao năng động, nụ cười tươi sáng. Chiếc áo thể thao không cần che giấu những hình xăm màu sắc mạnh mẽ trên cánh tay. Tất cả làm tăng thêm vẻ đẹp khoẻ mạnh của tuổi trẻ. Bắt đầu như thế, Vivi Nguyễn say mê nói về câu chuyện của Radical Joy Bakery và những chiếc bánh kem “nổi loạn” – thương hiệu, tác phẩm nghệ thuật của cô.

Đi tìm ý nghĩa của hạnh phúc

Ngay từ nhỏ, Vivi đã nghe và cảm rất rõ tiếng nói từ dáng vẻ cơ thể của chính mình: Queer (dị tính hoặc người đa dạng tính dục). Mãi cho đến một năm trước, điều này mới được cô chia sẻ cởi mở với xã hội. Sở dĩ có một khoảng thời gian khá dài như thế vì cô sinh ra và lớn lên ở Mỹ, trong một gia đình thuần tuý văn hoá Việt. Hai người phụ nữ trụ cột trong nhà là bà ngoại và mẹ là hai bức tường thành giữ Vivi trong khuôn khổ truyền thống khép kín. Nhưng, đến năm 15 tuổi, con chim nhỏ “xổ lồng bay xa”, tự do sống, tự do làm bất cứ điều gì cô nghĩ rằng nó sẽ mang đến cho cô sự vui thú. Trong đó, có việc làm bánh.

Vivi Nguyễn (thứ hai từ phải) trong bữa tiệc sinh nhật lúc nhỏ. Hình: Vivi Nguyễn

Vivi bắt đầu làm bánh từ năm 15 tuổi, như một thú vui ở một lứa tuổi được cho là khó “định hình” nhất của con người. Vivi rời gia đình năm 15 tuổi, có những khoảng thời gian cô thú nhận mình là “homeless”: “Đó là thời gian khó khăn nhất với em. Nhưng em phải chứng minh mình có thể tự lo cho cuộc sống của mình. Em làm việc cật lực để trả tiền học. Sau đó, em sống với ông bà nội. Bây giờ thì ông bà nội mất rồi nhưng em tin chắc chắn ông bà rất tự hào về em.”

Vivi tự do quyết định tất cả những gì liên quan đến cuộc đời mình, từ việc học là tốt nghiệp khoa Triết của trường Đại học UC Berkeley cho đến công việc đã làm là giám đốc công ty phi chính phủ, truyền thông và tổ chức cộng đồng. Thế nhưng, tất cả những điều đó, “em vẫn không cảm thấy hạnh phúc thật sự.” Vivi nói, để trả lời cho câu hỏi “định nghĩa hạnh phúc là gì?”

Mỗi buổi sáng thức dậy, cô không muốn đến sở làm. Cô không muốn tiếp tục cuộc sống nhàm chán theo khuôn mẫu có sẵn. Đó là khuôn mẫu mà cho dù đã “vượt thoát” gia đình từ năm 15 tuổi, cô cũng không thể gột rửa hoặc bỏ qua những cột-mốc an-toàn mà bà ngoại và mẹ đã đính vào, như tất cả những gia đình Việt truyền thống khác. Vivi hiểu điều đó, cô nói: “Có lẽ một gia đình tỵ nạn luôn mặc định rồi vật lộn với công thức là sẽ tự hào khi con cháu tốt nghiệp đại học, đi làm, kiếm sống.”

Niềm vui của Vivi là làm bánh. Hình: Vivi Nguyễn

Cho đến một ngày, đại dịch Covid-19 xuất hiện. Rất nhiều sự việc không lường trước xảy ra, không chỉ riêng với cô mà cả nước Mỹ, thế giới. Vivi đã phải làm việc vất vả hơn so với thời gian tiền đại dịch. Một lần, cô xin chủ của mình có thể có thêm thời gian nghỉ ngơi. Kết quả là Vivi bị… sa thải. Nhưng điều này không thể làm cho cô gái mạnh mẽ, cứng rắn này suy sụp. Thậm chí, cô từ chối không nhờ luật sư can thiệp đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình như bạn bè đã khuyên. Đơn giản là cô có nhiều thời gian hơn cho mình, và cho một công việc cô thật sự hạnh phúc, đó là làm bánh.

Radical Joy Bakery

“Những tháng đó, em làm rất nhiều loại bánh. Bánh ngọt, bánh kem, bánh sinh nhật, bánh mừng tốt nghiệp… Em cảm thấy như những cái bánh đó đang kết nối mọi người với nhau trong đại dịch vì ai cũng đang sống một tâm trạng bế tắc và buồn bã,” Vivi kể lại.

Một người bạn của cô rất say mê những câu chuyện về kỷ lục Guinness, Vivi đã tặng cô bạn ấy một chiếc bánh kỷ lục bia Guinness ngày sinh nhật. Một người bạn khác của Vivi kết hôn nhưng không được sự đồng ý của cha mẹ. Họ làm lễ cưới trong tình cảnh khó khăn tài chính. Cô là người tặng cho bạn tháp bánh cưới. Vivi nói, khi đưa những cái bánh đến cho mọi người, họ rất hạnh phúc, “em thấy như mình được mang niềm vui đến cho họ.

Trước đây, mơ ước của Vivi Nguyễn là trở thành một leader, làm những điều có thể thay đổi hoặc “hàn gắn” thế giới. Nhưng, khi cô đạt được đúng một phần nào mục tiêu đó thì cô vẫn cảm thấy mình đang lẩn quẩn giữa những bức tường khép kín. Vivi luôn thấy mệt mỏi. Cô không tìm thấy chính mình trong những công việc đó.

Chỉ đến khi làm bánh, dành hết thời gian cho các loại bánh thì “em mới thật sự thấy hạnh phúc.” Vivi nói khi tay của cô chạm vào những chiếc bánh kem hay bất kỳ loại bánh nào khác, cô cảm thấy một sức mạnh tự do vô cùng to lớn trong cơ thể, tâm hồn mình. Từ đó, sự sáng tạo từ đôi tay của cô cũng trở nên bay bổng hơn.

Và từ đó, thương hiệu bánh kem Radical Joy Bakery đã ra đời ở New Orleans, năm 2020.

Vivi trong không gian hạnh phúc của cô. Hình: Vivi Nguyễn

Những chiếc bánh kem ‘nổi loạn’

Hãy tưởng tượng hình ảnh một hoạ sĩ cầm cây cọ vẽ trên tay, quét đầu cọ thật nhiều màu sắc và phẩy những nét cọ dứt khoát vào hư không. Những vệt màu rơi tự do vào khung vẽ, tạo thành một bức tranh sống động, phóng khoáng, vượt khỏi mọi khuôn mẫu khép kín của hội hoạ. Những chiếc bánh kem của Vivi Nguyễn là như thế.

Cô tự nhận, có lẽ do bản năng của mình là một người nổi loạn, một người của chủ nghĩa cấp tiến, không muốn bị cột vào những quy tắc định kiến cá nhân, mà cách cô làm bánh cũng “nổi loạn.” Cô nói, những chiếc bánh của Radical Joy Bakery đại diện cho những người bắt đầu cuộc sống mới, đầy phiêu lưu và mạo hiểm.

Chiếc bánh với phần kem nền không bằng phẳng. Những mảng bơ được quệt tự do chồng chéo lên nhau không theo bất kỳ nguyên tắc nào. Những cánh hoa trang trí trên mặt bánh cũng theo luật hấp dẫn của trái đất mà rơi tự do. Vivi thích mùi hương nguyên thuỷ của tất cả các loài hoa, đặc biệt là hoa hồng. Do đó, không có lý do gì cô không đặt vào tác phẩm của mình những cánh hoa của thiên nhiên, góp thêm phần nổi loạn cho những chiếc bánh.

Vivi hiểu rõ, cô là dân tộc thiểu số ở xứ sở đa chủng tộc, tự do. Hơn nữa, là một người của cộng đồng LGBTQ+, cô càng nhận thức được tầm quan trọng về căn nguyên của hạnh phúc. Đó cũng là lý do cô gọi những chiếc bánh kem nổi loạn của mình là “Radical Joy”. Vivi đã đặt cược vào chính bản thân mình trong con đường đi tìm hạnh phúc và làm cho người khác tin vào giấc mơ của cô.

***

ĐỌC THÊM:

Nam Coffee, ‘mang cà phê Việt đi đánh xứ người’

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: