Người Mỹ cảm thấy thế nào về chính trị? “Ghê tởm không phải là một từ đủ mạnh” – một cử tri nói. Sự bất mãn rộng rãi của cử tri cả nước trước tình trạng hỗn loạn ở Washington đã thực sự vượt qua tính đảng phái, chủng tộc, tuổi tác, địa lý để trở thành một cảm giác chung, chán nản và mất phương hướng!
Ôi Chúa ơi, điều gì đang xảy ra vậy?
Trong tuần qua, sự hỗn loạn theo sau “cuộc đảo chính lãnh đạo” và suýt đóng cửa chính phủ tại Hạ viện do đảng Cộng hòa (GOP) kiểm soát đã chứng minh lần nữa cảm giác hoài nghi của nhiều người Mỹ về đường lối hoạt động của chính phủ liên bang là đúng. “Nó giống như, Ôi Chúa ơi, Cái gì thế?” – nhiều người Mỹ thốt lên.
Tìm hiểu về chính trị là trò tiêu khiển lâu đời của nhiều người dân Mỹ trong một xã hội dân chủ tự do, nhưng gần đây tâm trạng của người dân đã tụt xuống mức tồi tệ nhất trong lịch sử. “Xa lánh” đã chiếm chỗ của tìm hiểu và tham gia. Sau khi nước Mỹ liên tục vượt qua những cơn bão chính trị kinh khủng, từ sự hỗn loạn trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump, đại dịch Covid-19, cuộc nổi dậy ở Điện Capitol, lạm phát, nhiều cuộc luận tội tổng thống đến những lời nói dối tràn lan của các GOP cực hữu về gian lận bầu cử năm 2020, nhiều cử tri thú nhận họ đã quá mệt mỏi và tức giận.
The New York Times cho biết, trong hàng chục cuộc phỏng vấn gần đây trên khắp đất nước, hầu hết cử tri trẻ lẫn già đều không tin cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo sẽ vượt qua làn ranh đảng phái và niềm tin của họ vào thể chế chính trị Mỹ cũng bị lung lay. Một nhóm nhỏ đảng viên GOP cực hữu đã đẩy đất nước đến bờ vực chính phủ đóng cửa, rồi lại đẩy Quốc hội vào tình trạng hỗn loạn bằng cách áp lực cuộc bỏ phiếu (với sự ủng hộ đương nhiên của đảng Dân chủ) để loại bỏ Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy.
Bên phe Dân chủ, họ tin rằng cử tri sẽ đổ lỗi cho GOP về các rắc rối mới, nhưng nhiều cử tri được phỏng vấn trong tuần này cho biết họ xem toàn bộ những tệ hại đang diễn ra là “bằng chứng nữa về tình trạng rối loạn chức năng trên diện rộng ở Washington” và đổ lỗi cho các nhà lãnh đạo chính trị ở cả hai đảng đã bị cuốn vào những màn kịch tại Quốc hội, bất chấp thiệt hại cho người dân, đối tượng lẽ ra họ phải phục vụ.
The New York Times thuật, Kevin Bass, 57 tuổi, một giám đốc ngân hàng sống ở thị trấn nông thôn New Home phía Tây Texas, nhận định: “Họ dường như quá xa cách với chúng tôi!”. Phục vụ trong hội đồng trường học địa phương và có hai đứa con đang học trường công, một đứa học đại học, tự mô tả là bảo thủ, Kevin Bass từng bỏ phiếu hai lần cho cựu Tổng thống Donald Trump nói thẳng: “Tôi thực sự không thấy bên nào mang lại lợi ích cho đất nước chúng ta!”.
Các cử tri xem cuộc đấu đá chính trị ở Washington là “canh bạc của hai bên” nhưng canh bạc này đã đưa tiền lương, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phúc lợi của người dân vào thế rủi ro đúng thời điểm người dân không biết lấy tiền đâu thanh toán hóa đơn chăm sóc sức khỏe, mua hàng giá cao và đối phó với thiên tai do biến đổi khí hậu ở nhiều nơi trên đất nước.
_____________________
Bianca Vara, một đảng viên Dân chủ ở Atlanta, nhận xét:
“Ghê tởm không phải là một từ đủ mạnh! Tôi chờ đợi các lãnh đạo chính trị ở Washington giải quyết vấn đề bạo lực súng ống hoặc loại bỏ triệt để các cuộc gọi quảng cáo tự động, nhưng thay vào đó, Hạ viện do GOP kiểm soát rung chuyển vì một cuộc hỗn chiến giữa các phe phái. Nó còn tệ hơn trường tiểu học, và giống một sân chơi, với những câu nói chợ búa kiểu: Mày bị loại! Mày không còn là phát ngôn viên nữa! Hãy lấy quả bóng màu đỏ ném vào đầu hắn!”
_____________________
Một số người cho biết họ đã không còn quan tâm đến các tin tức chính trị mà tập trung vào thực tế đời thường như giá cả và các vấn đề hoàn toàn không liên quan đến chính trị. Ví dụ, họ theo dõi đội bóng bầu dục Chicago Bears và tìm xem ca sĩ Taylor Swift có xuất hiện tại các trận đấu của Kansas City Chiefs không.
Cynthia Taylor, 58 tuổi, một luật sư GOP sống ở Houston (Texas) có chồng làm việc cho một nhà sản xuất súng trường bày tỏ sự kinh hoàng khi nghe tin Kevin McCathy bị sa thải và chính phủ suýt đóng cửa. “Đây là một minh chứng nữa của tình trạng vô luật pháp ngày càng tăng trong xã hội Mỹ! Có vẻ như chúng ta đang bắt đầu đi xuống, nếu tôi không đồng ý với bạn, tôi sẽ đuổi cổ bạn. Mọi người đều chỉ biết chính mình, không ai là ngoại lệ!”
Một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện vào Tháng Bảy qua cho thấy người dân Mỹ khá thống nhất khi nói về sự bất mãn với các nhà lãnh đạo chính trị, bất kể chủng tộc, tuổi tác và đảng phái.
65% người Mỹ được hỏi thừa nhận họ cảm thấy kiệt sức khi nhìn vào đời sống chính trị. Chỉ 16% người Mỹ trưởng thành tin vào chính phủ liên bang, gần mức thấp nhất trong bảy thập niên gần đây. 30% người được hỏi cho biết họ không thích cả đảng Dân chủ lẫn GOP (mức cao kỷ lục).
Những năm gần đây, người Mỹ đã đi bỏ phiếu với số lượng kỷ lục mà thường là để bầu lại những người đương chức. Cindy Swasey, một góa phụ 66 tuổi sống ở Dover, New Hamsphire nói: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ sống vào thời điểm như thế này. Tôi thích Dân biểu Matt Gaetz và nguồn năng lượng mới, trẻ trung hơn mà ông đã mang đến Quốc hội. Nhưng đó là trước khi ông trở thành nhân vật chính trong cuộc hỗn loạn tuần này”. Sau những gì chứng kiến, bà quyết định không theo dõi các cuộc tranh luận tổng thống trong tương lai.
Và không thấy tương lai!
Toà Bạch Ốc và Quốc hội đã bơm hàng tỷ đôla để sửa chữa và cải thiện đường sá, bến cảng, đường ống và hạ tầng internet trên toàn quốc; phê duyệt hàng trăm tỷ đôla chống biến đổi khí hậu và giảm chi phí thuốc mua theo toa. Tổng thống Biden còn xóa thêm hàng tỷ đôla nợ sinh viên. Tuy nhiên, những thành tựu đó vẫn chưa được cử tri đánh giá cao.
Người lao động và tầng lớp trung lưu Mỹ gần đây thấy lương của họ có tăng lên, nhưng nhiều người cho rằng mức tăng này không tương xứng với chi phí sinh hoạt tăng đều. Hàng ngàn công nhân nghiệp đoàn, từ kỹ nghệ xe hơi, chăm sóc sức khỏe đến Hollywood, đã bỏ phiếu bằng chân bằng đình công hàng loạt với hy vọng có những hợp đồng lao động mới tốt hơn.
McKinley Bundick, trợ lý biên kịch của loạt phim “SEAL Team” phát trên kênh CBS bộc bạch: “Ngay bây giờ, tôi không quan tâm đến chính trị mà chỉ muốn quay trở lại làm việc để có thức ăn trên đĩa, giữ một mái nhà che nắng mưa và có tiền đổ xăng cho chiếc xe hơi của mình”. Ông bị thất nghiệp năm tháng khi Hiệp hội kịch tác gia Hoa Kỳ (Writers Guild of America) đình công.
Một số cử tri Dân chủ cho biết sự ghê tởm của họ với thực tế chính trị Mỹ hiện nay bắt nguồn từ phong thái bất bình đầy giận dữ và đe dọa của ông Trump. Theo họ, chính những tố cáo không có cơ sở về gian lận phiếu bầu trong cuộc bầu cử 2020 đã châm ngòi cho những kẻ bạo loạn ngày 6 Tháng Một.
Joseph Albanese, chuyên gia sản phẩm công nghệ 49 tuổi ở Chicago nói, ông đã bỏ phiếu cho Biden năm 2020 nhưng đang cân nhắc có nên đi bầu vào năm sau. Đối với những người sống xa Điện Capitol (đặc biệt những cử tri trẻ tuổi), những hỗn loạn đang diễn ra ở Washington giống như cuộc chiến “đẫm màu” ở một thế giới nào khác chứ không phải nước Mỹ.
Dionna Beamon, 28 tuổi, sống ở khu Watts thuộc South Los Angeles, nhận định: “Thật choáng, có rất nhiều điều đang diễn ra ngoài đó. Hoá ra người thiếu hiểu biết về thời sự lại hạnh phúc hơn vào thời điểm này!”. Nhà tạo mẫu tóc Dionna Beamon cho biết cô và bạn bè quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề gần gũi như sức khỏe tâm thần. Mẹ cô qua đời vì một cơn đau tim cách đây chưa đầy hai năm và cô đang không biết làm thế nào thoát khỏi nỗi đau. “Tôi thấy hiện có rất nhiều người cũng bị trầm cảm như tôi. Chính trị là một chủ đề lớn đối với nhóm tuổi của tôi. Thế giới không còn như xưa sau Covid-19, một đại dịch bắt đầu khi chúng tôi mới bước vào tuổi 20”.
Mối quan tâm lớn nhất của Vivian Santos-Smith, 21 tuổi, sinh viên năm cuối Đại học Howard là khoản nợ sinh viên $10,000 cô sẽ phải trả dần sau khi tốt nghiệp. Tổng thống Biden đã hủy khoản nợ vay sinh viên $9 tỷ trong tuần này, nhưng những nỗ lực lớn hơn của ông nhằm hủy bỏ khoảng $400 tỷ nợ sinh viên nữa đã bị Tối cao Pháp viện chặn lại.