Lịch sử kiến trúc Trung tâm Thương mại Thế giới

World Trade Center cùng cầu Brooklyn trên nền trời New York City, ngày 6 Tháng Mười Một 1998 (Jeff Overs/BBC News & Current Affairs via Getty Images)
Share:

20 năm sau khi một phần New York City bị biến thành bình địa với vụ khủng bố 11 Tháng Chín 2001 và kiến trúc thay thế Trung tâm thương mại thế giới (WTC) đã được thay, hình ảnh hai tòa tháp WTC vẫn còn trong tâm trí không ít người. Một lần nữa, thử nhìn lại lịch sử của công trình kiến trúc khổng lồ từng là biểu tượng của nền tài chính Hoa Kỳ…

Trong bối cảnh New York lên cơn sốt cao ốc sau Thế chiến thứ hai,  câu chuyện bắt đầu từ ngày 31 Tháng Mười 1955 với cuộc họp giữa hai nhân vật danh tiếng nhất New York, khi David Rockefeller 40 tuổi (cháu tỉ phú huyền thoại Rockefeller và phó chủ tịch Ngân hàng Chase Manhattan) mời trùm xây dựng New York Robert Moses đến dùng bữa trưa tại trụ sở Chase Manhattan gần Wall Street. Rockefeller đang ấp ủ dự án xây tòa nhà làm trụ sở mới cho Chase Manhattan nhưng nó phải là một cao ốc văn phòng khổng lồ, cao thứ sáu thế giới. Với Moses 66 tuổi, từng tạo dựng sự nghiệp từ nghề xây dựng với loạt tuyến đường cao tốc và cầu khắp New York, dự án này đem lại hưng phấn thật sự cho ông. Moses thậm chí đề nghị xây to hơn.

Ảnh: Wikipedia

Từ khi người Anh xây công trình Bến tàu lớn (Great Dock) gần đường Broad Street năm 1676, khu vực Hạ Manhattan đã trở thành vùng đất của những đại công trình. Các cao ốc Chrysler, Graybar và Lincoln đã ngạo nghễ vươn lên quanh Nhà ga trung tâm vào thập niên 1920 và 1930. Tiếp đó, năm 1931, cao ốc Empire State được khánh thành. Với gia đình Rockefeller, suy nghĩa táo bạo và thực hiện dự án kinh thiên động địa đã trở thành truyền thống. Tại New York, họ từng gây chú ý khi tài trợ tiền mua đất xây trụ sở Liên Hiệp Quốc; từng cộng tác với Moses trong công trình Trung tâm trình diễn nghệ thuật Lincoln và Trung tâm Rockefeller – khu phức hợp văn phòng lớn nhất New York City.

Sau nhiều lần bàn luận, Tháng Một 1960, nhóm Rockefeller thông báo kế hoạch xây “một trung tâm thương mại thế giới ngay trung tâm Khu vực Cảng” (Port District). Ý tưởng này được chính quyền New York City ủng hộ. Austin Tobin – giám đốc điều hành Ban quản lý cảng New York (PA – hiện nay gọi là Ban quản lý cảng New York và New Jersey) – tuyên bố: “Thế giới ngày nay đang bước vào kỷ nguyên thương mại quốc tế và New York phải là nơi dẫn đầu”. Người được Tobin giao trọng trách giám sát dự án là Guy Tozzoli 40 tuổi, từng hợp tác Moses trong một số công trình. Lúc đó, có rất nhiều cản trở cho vị trí tương lai WTC. Nếu xây tại Mạn Tây (West Side), người ta sẽ phải bứng nhà ga xe lửa (nối Manhattan sang bang New Jersey).

Chính quyền bang New Jersey không đồng ý, đặc biệt khi giới chính khách bang này không muốn làm mất lòng cử tri bởi viễn cảnh hàng ngàn nhân viên hỏa xa bị thất nghiệp. Ngoài ra, công trình WTC tương lai cũng sẽ xóa sổ Radio Row – một trong những khu mua sắm náo nhiệt và thịnh vượng nhất thành phố. Phản ứng từ Radio Row thật kinh khủng. Giới nhà buôn Radio Row đã xuống đường biểu tình ầm ĩ và vác trên vai các cỗ áo quan giả. Trong khi nhóm dự án WTC được sự ủng hộ từ nhân vật quan trọng – thống đốc New York Nelson Rockefeller (anh của David Rockefeller), phe chống đối có Lawrence A. Wien – ông chủ cao ốc Empire State, một luật sư lừng danh, doanh nhân và cũng là nhà từ thiện hào phóng của New York. Trong lá thư Tháng Chín 1964 gửi thống đốc New Jersey – Richard J. Hughes, Wien gọi PA là “tên quỉ Frankenstein”. Qui tụ nhiều gương mặt chủ chốt ngành xây dựng tại New York, Wien thành lập Ủy ban xem xét một trung tâm thương mại thế giới hợp lý và tung chiến dịch quảng cáo trên báo chí chống lại nhóm dự án WTC. Năm 1966, nhóm chống đối còn có tân thị trưởng New York City John V. Lindsay. Tuy nhiên, cuối cùng, một lần nữa, nhờ Nelson Rockefeller, nhóm dự án WTC vẫn có thể tiến hành…

Minoru Yamasaki (ảnh chụp 1958) – người thiết kế WTC (Getty Images)

Minoru Yamasaki rất bất ngờ khi nhận được thư mời tham gia vẽ mẫu WTC từ PA. Trước nay, Yamasaki chưa từng thực hiện công trình cao ốc thật sự nào. Tòa nhà lớn nhất mà Yamasaki từng làm là tháp Michigan Consolidated Gas 28 tầng tại Detroit. Công ty xây dựng nhỏ bằng cái lỗ mũi đóng ở Trung Tây nước Mỹ của Yamasaki cũng chưa có công trình nào tại New York. 49 tuổi, Yamasaki chưa thể sánh với những tên tuổi kiến trúc sư khổng lồ thuộc trường phái hiện đại như Mies van der Rohe hoặc Walter Gropius. Sinh tại Seattle trong gia đình người Nhật nhập cư, Yamasaki thậm chí bị bạn học gọi là “con nhỏ” thời trung học. Tuy nhiên, Tozzoli đã nhìn thấy tài năng tiềm ẩn của Yamasaki và mời tham gia cuộc thi thiết kế WTC. Cuối cùng, bản thiết kế Yamasaki được chọn, với 110 tầng.

Thách thức lớn nhất cho kiến trúc WTC là bộ “xương sườn” của nó. Phần này được giao cho kỹ sư trẻ Leslie E. Robertson 35 tuổi. Robertson đối mặt ba vấn đề giải quyết cùng lúc: dựng được một bộ khung cực chắc để có thể hứng gió bão thổi từ cảng; theo kịp tiến độ thi công; và giảm thiểu chi phí – vấn đề bắt đầu được xem xét bằng nhiều cặp mắt. Bước đột phá lịch sử của Robertson là lần đầu tiên, một công trình khổng lồ như WTC đã không có các cột thép bên trong mà là bên ngoài. Thiết kế này không chỉ giúp tòa nhà vững chãi mà còn không làm mất diện tích-không gian bên trong. Ngoài ra, một trong những vấn đề lớn nữa là yếu tố chao đảo của công trình, khi WTC hứng chịu những đợt gió mạnh hoặc thậm chí bão to.

Ðể giải đáp sự hóc búa này, Robertson gặp nhà tâm lý học Paul Hoffman, với loạt thí nghiệm về phản ứng cơ thể trong tình trạng chao đảo. Thử nghiệm sức gió trong hầm tại Fort Collins (Colorado) đã cho thấy mẫu thiết kế Robertson chao đảo vượt quá sức chịu đựng con người. Sau nhiều đêm vắt óc, Robertson chế thành công (sau này đăng ký bản quyền phát minh) “bộ giảm sốc” cho kiến trúc. Ðó là những mảnh kim loại bẹp, dài khoảng 7cm, dán dính với nhau thành cái đĩa. Một đĩa được nối với một cột và hai đĩa khác được lắp trong kèo nhà. Khi tòa nhà chao đảo, các đĩa sẽ trượt lên nhau và giảm chấn động. Nói cách khác, đó là bộ hấp sốc (shock absorber). Với 11,000 bộ hấp sốc, kiến trúc WTC của Robertson đã gần như bất động trước các đợt gió to.

Tuy nhiên, Robertson còn nhiều việc phải làm. Lawrence Wien – tiếp tục cuộc chiến không mệt mỏi chống dự án WTC – bắt đầu nhắc người New York nhớ lại sự kiện xảy ra một sáng chủ nhật vào Tháng Bảy 1945, khi một oanh tạc cơ B-25 lạc tay lái trong màn sương và đâm vào tầng 77 Empire State. Gần như tất cả 14 người đã chết cháy trong tai nạn này, gây ra do nhiên liệu máy bay. Năm sau, lại có một máy bay đâm vào cao ốc 72 tầng tại số 40 Wall Street và một chiếc khác suýt bổ nhào vào Empire State. Nhóm Lawrence Wien đã mua nguyên trang quảng cáo trên tờ New York Times để nhắc người dân New York về nguy cơ máy bay đâm vào cao ốc WTC.

WTC bị tấn công trong vụ khủng bố 11 Tháng Chín 2001 (ảnh: Masatomo Kuriya/Corbis via Getty Images)

Phần mình, Robertson khẳng định tính toán của ông cho thấy tòa nhà vẫn an toàn trong trường hợp bị va phải một chiếc Boeing 707 (máy bay dân dụng lớn nhất thời điểm đó). Dù thế nào, công trình WTC vẫn tiến hành. Ngân sách $280 triệu dự tính ban đầu đã vọt lên hơn $1 tỉ. Khoảng 3,500 công nhân xây dựng đã tham gia công trình WTC. Khi hoàn thành, hai tháp đôi WTC chứa gần 200,000 tấn thép; 44,000 cửa sổ và lượng bê tông đủ để làm một con đường từ New York đến Washington DC.

Khi tháp Bắc vọt lên không gian New York City vào ngày 23 Tháng Mười Hai 1970, trời hôm đó bị u ám bởi sương mù dày đặc nên gần như không người dân nào ở khu vực có thể chứng kiến cảnh tượng ngoạn mục của công trình. Trước đó, ngày 16 Tháng Mười Hai 1970, Irving R. Boody & Company – nhà xuất khẩu paraffin – đã hoàn tất việc dọn vào phòng 1163 ở tầng 11 tháp Bắc. Bên dưới, phòng 1019, hãng vận chuyển hàng hải Export-Import Services cũng vừa dọn đến. Không có lễ khai trương văn phòng mới, không tiệc tùng, không cắt băng khánh thành và không diễn văn. Chỉ có tiếng xiết đinh ốc, tiếng búa thình thịch và tiếng nói chuyện của các công nhân tiếp tục làm nốt phần còn lại của công trình…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: