Tại sao giấc mơ California đang lụi tàn?

Minh họa: Patrick Perkins/Unsplash
Share:

California, biểu tượng của Bờ Tây và là tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ được xem là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và có ảnh hưởng rất mạnh về văn hóa, xuất khẩu. California truyền cảm hứng một cách đáng kinh ngạc. Nếu nhắm mắt lại, bạn có thể thấy bóng cây Joshua lúc mặt trời mọc tại sa mạc; hải cẩu vui chơi trong vùng vịnh nhỏ cheo leo của La Jolla với nước biển màu ngọc lục bảo ngập tràn ánh nắng; sương mù bao phủ khắp bờ biển gồ ghề của Hạt Sonoma vào lúc hoàng hôn với những lùm cây đỏ nguyên sinh mà nhà văn John Steinbeck gọi là “đại sứ của một thời đại khác”. Cảnh quan Califonia cũng được trang trí bằng những kỳ công kỹ thuật: Cầu cạn California; Cầu cổng vàng; và Đường cao tốc Bờ biển Thái Bình Dương kéo dài về phía Nam Vịnh Monterey, bám vào các vách đá Big Sur, rồi đi xuống Bờ biển miền Trung đầy tảo bẹ, nơi William Randolph Hearst, trùm báo chí Mỹ đã xây dựng khu nghỉ dưỡng của mình trên một sườn đồi với những chú ngựa vằn gặm cỏ.

Minh họa: Andrii Ganzevych/Unsplash

Giấc mơ California

Không có cảnh quan nào tạo cảm hứng tốt hơn cho những người mơ mộng như California. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo sợ cho tương lai của California. Các thế hệ gặt hái được những lợi ích của thời hậu chiến tại tiểu bang năng động nhất thế giới có vẻ không hề nỗ lực để bảo đảm các thế hệ tương lai có thể theo đuổi hạnh phúc giống như họ. Thay vào đó, họ sẵn sàng đưa “Giấc mơ California” xuống mồ bằng cách phản bội lời hứa cũ. Nhà văn Carey McWilliams đã ghi lại lời hứa đó trong cuốn California: The Great Exception, thường được xem là “hoài niệm cuối cùng về huyền thoại thành lập California”.

Được xuất bản vào năm 1949, ngay trước sinh nhật một trăm năm của tiểu bang, cuốn sách kể câu chuyện về sự vươn lên từ một lãnh thổ do người Tây Ban Nha chiếm đóng với dân cư thưa thớt thành một “lực lượng thay đổi thế giới”. Câu chuyện của McWilliams bắt đầu bằng việc phát hiện ra vàng trên một con sông gần sườn phía Tây ngọn Sierra. Phát hiện mang tính “bùng nổ” này đã châm ngòi cho Cơn sốt vàng và sau đó là một cuộc di cư hàng loạt làm thay đổi mạnh mẽ Vành đai Thái Bình Dương (Pacific Rim). Người da trắng miền Bắc và miền Nam hòa nhập với người da đen tự do, nô lệ bỏ trốn, người nhập cư mới nhập tịch và những người nuôi “giấc mơ vàng” đến từ châu Mỹ, châu Á, Úc và châu Âu. “California rộng lớn là hỗn hợp các cộng đồng dân cư đến từ mọi nơi trên Trái đất, với những phong tục, tập quán và quan điểm khác nhau, nhưng cùng mong muốn phát triển quê hương mới” – Peter H. Burnett, Thống đốc đầu tiên của California nhận định.

Đến năm 1850, khi California gia nhập liên minh đưa luật cấm lao động nô lệ vào Hiến pháp, các “qui chuẩn định nghĩa” tiểu bang đã được thiết lập nhấn mạnh đến sự bình đẳng và đa dạng: thu hút lượng dân cư lớn không phân biệt nguồn gốc và cung cấp cho mọi người cơ hội mà các bộ tộc bản địa chưa từng được hưởng. Nhà khoa học xã hội Davis McEntire nhận xét: “California rất có ý nghĩa đối với nước Mỹ và phần còn lại của thế giới”. Cơn sốt vàng đã biến San Francisco trở thành “thủ đô toàn cầu” vào thời điểm đó. Trong những năm đầu tiên thành lập, thành phố kết nối chặt chẽ với Vành đai Thái Bình Dương hơn là Bờ Đông, để có thể bước vào sân chơi toàn cầu theo luật chơi của mình.

Nhà thơ Bayard Taylor viết: “Lúc đó, San Francisco đã đạt được sự phát triển ngoạn mục”. Theo McWilliams, vào thập niên 1850, thành phố xuất bản nhiều sách hơn phần còn lại của nước Mỹ, báo in nhiều hơn London (Anh), và người dân mở sâm panh nhiều gấp bảy lần Boston. Đó là nhờ thu nhập bình quân đầu người cao nhất Bắc Mỹ. Đến thập niên 1860, khi tuyến đường sắt xuyên Mỹ chưa hoàn thành và kênh đào Panama còn là một giấc mơ xa vời, cứ năm người thì có bốn cư dân California sinh ra ở nơi khác! Người Mexico không còn là cộng đồng sinh ở nước ngoài đông nhất, người Hoa vượt lên để sớm bị người Ireland qua mặt.

Vàng khai thác dễ không còn nữa, nhưng tiểu bang tiếp tục phát triển mạnh. McWilliams viết: “Ánh sáng tại California hầu như đồng loạt bật lên cùng lúc, và không bao giờ bị mờ đi”. Trong suốt thế kỷ đầu tiên hình thành, California luôn thu hút những người nước ngoài và trong nước tìm kiếm sự giàu có nên dân số không ngừng tăng. Rồi Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai nổ ra, và sự bùng nổ sau chiến tranh, đã làm thay đổi mạnh mẽ miền Nam California giống như Cơn sốt vàng từng thay đổi Vùng Vịnh phía Bắc.

Minh họa: Gustavo Zambelli/Unsplash

Chấp nhận đa dạng và khác biệt

Tất nhiên California cũng gặp nhiều thoái bộ với bản đồ dân số quá đa dạng. Cơn sốt vàng đã tàn phá người bản địa ở các vùng mỏ. Đi kèm là những hành động tàn bạo chống lại họ. Người dân California mở cuộc vận động hành lang để thông qua “Đạo luật loại trừ người Hoa”. Trong thập niên 1930, các cư dân Los Angeles (Angelenos) ra mặt chống lại những người tránh thiên tai bão bụi “Dust Bowl” từ các tiểu bang lân cận đến mức đưa cảnh sát Los Angeles đến các điểm nóng di dân của bang. Những người Mỹ gốc Nhật bị buộc vào các trại tập trung trong Thế chiến thứ Hai. Tuy nhiên, California vẫn còn duy trì được sự đa dạng so với phần còn lại của thế giới.

Năm 1902, Jefferson Edmonds, biên tập viên của một tờ báo phục vụ cộng đồng người da đen ở Los Angeles, tuyên bố: “California là tiểu bang tuyệt vời nhất đối với người da đen” và nhà hoạt động quyền công dân Mỹ W. E. B. Du Bois lặp lại nhận định này vào năm 1913, “Los Angeles thật tuyệt vời”. Không nơi nào ở Mỹ tốt để sống và đẹp như California. Người da màu cũng năng nổ, hy vọng, thông minh và có nhiều cơ hội hơn những nơi khác. Nhưng cùng với nó, sự lạc quan của những người Mỹ gốc Phi đến sống tại tiểu bang trong những năm đầu tiên của thế kỷ 20 bắt đầu có cảm giác “bị phản bội” mà hệ quả là cuộc bạo loạn năm 1965 và năm 1992.

Đến thập niên 1990, California dường như không còn “dễ tính” nữa mà tăng cường đàn áp người nhập cư bất hợp pháp, không giấy tờ. Khi số vụ giết người tăng vọt, xuất hiện lời cảnh báo là “dân nhập cư mới mới sẽ khiến tiểu bang trở nên nguy hiểm hơn”. Nhưng người nhập cư vẫn đến. Thế rồi, tội phạm giảm đáng kể và xu hướng Xenophilia (thái độ thoải mái mà người dân California dành cho sự khác biệt) lại chiến thắng. California cam kết “bình đẳng theo luật” hơn cả trước đó. Quá khứ ngược đãi người bản địa, người Hoa, người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Nhật, gốc Tây Ban Nha, đồng tính nam, đồng tính nữ, và những người chuyển giới bị xem là “nỗi xấu hổ của lịch sử”.

Tuy nhiên, sự bất bình đẳng lớn về cơ hội vẫn còn, và còn lâu mới biến mất. California tiếp tục chào đón những người đến để tìm kiếm “sự đổi đời”. Tuy nhiên, ngay cả khi California bắt đầu chấp nhận lại sự đa dạng, đặt nền móng cho một tương lai tốt đẹp hơn, giới lãnh đạo chính trị và nhiều cư dân vẫn đóng cửa cơ hội kinh tế, phản bội “phân nửa” lời hứa. Họ quên California phát triển mạnh là nhờ sự năng động và đa dạng về văn hóa, kinh tế. Vẫn còn những khu phố biệt lập của những người giàu có. Những sinh viên nhà giàu vẫn được các đại học Stanford, Berkeley và UCLA ưu ái. Các nhà đầu tư công nghệ và thích thử thách cái mới kiếm được nhiều tiền ở Thung lũng Silicon và trở nên giàu có. Trong khi đó, triển vọng kinh tế của những cư dân bình thường chiếm số đông mờ dần! Hàng triệu người thiếu nhà ở, không được học hành và việc làm bấp bênh. Thế hệ trẻ Millennials có trình độ đại học không có đủ tiền hay thu nhập đủ cao để mua nhà. Số cư dân nghèo sống trong các thành phố lều nhếch nhác ngày càng đông.

Trong đại dịch Covid-19, có một sự đảo chiều xảy ra mà McWilliams không thể mường tượng: Suy giảm dân số. Dân số California được dự báo sẽ thêm hàng triệu người, nhưng dự báo này đã sai. Dù những người trung lưu mới đến được đối xử bình đẳng hơn so với trước, chính quyền tiểu bang vẫn chưa thể cung cấp cho họ cơ hội để chuyển lên tầng lớp cao hơn. Nếu California không cung cấp cho giới trẻ và những người mới đến cơ hội để cải thiện giáo dục, nghề nghiệp và cuộc sống, hậu quả sẽ rất thảm khốc, không chỉ cho California mà còn cho cả nước Mỹ. Sự kết thúc của “Giấc mơ California” sẽ giáng một đòn mạnh vào niềm tin lâu nay: Đa dạng là cú huých cho sự phát triển ngoạn mục. Thật vậy, mô hình California của nước Mỹ đang phải đối mặt với thử thách căng thẳng vào thời điểm nó tưởng như đang ở trong trạng thái an toàn nhất với “đà phát triển và thịnh vượng không có gì ngăn cản được”.

Minh họa: Gustavo Zambelli/Unsplash

Bài toán phát triển đô thị

“Dân đông đã tạo ra các vấn đề dân sự chưa từng có – Thống đốc Earl Warren nhận định năm 1948 – Chúng tôi làm được rất ít để chuẩn bị cho cú sốc. Vì vậy, nhà ở thiếu kinh khủng, trường học chật chội đến nghẹt thở, và đường cao tốc vừa ít vừa nguy hiểm. Ngoài ra còn thiếu nước và thiếu điện”. Sự thiếu thốn có đổ dầu vào phẫn nộ của cư dân. Cơ hội có cuộc sống tốt đẹp hơn sau khi hy sinh trong chiến tranh của nhiều người không còn nữa.

Các cuộc bạo loạn năm 1965 và ba mùa Hè tiếp theo do cư dân da đen ở Nam LA gây ra khi muốn tiếng nói của họ được lắng nghe. Tình trạng hỗn loạn làm dấy lên sự lo lắng của cư dân da trắng, mà nhiều người có định kiến ​​về chủng tộc. Đến năm 1970, với số đông đồng thuận, Los Angeles từ bỏ cách quy hoạch từ trên chỉ xuống (vốn thịnh hành trong 25 năm sau chiến tranh) và chuyển sang phương cách qui hoạch dân chủ hơn. Thành phố được chia thành 35 khu vực cộng đồng, mỗi khu vực được đại diện bởi một ủy ban tư vấn công dân và ủy ban sẽ lập ra một kế hoạch định hướng cho tương lai thành phố.

Trên thực tế, cách làm mới này đã kích hoạt cái mà chuyên gia sử dụng đất Los Angeles Greg Morrow gọi là “cuộc cách mạng về chủ sở hữu nhà”, đi ngược lại lợi ích của các chủ nhà giàu có, chủ yếu là người da trắng vốn nắm quyền kiểm soát các ủy ban tư vấn công dân, đặc biệt là ở khu vực Westside. Họ phản đối các quy tắc phân khu trong khu phố của họ dù chỉ có 1/3 gia đình ở Los Angeles có nhà riêng, và gần hai phần ba là nhà thuê. Các nhóm ủng hộ xây dựng nhiều hơn và giá thuê thấp hơn, bao gồm các đảng viên Cộng Hòa trong Phòng Thương mại Khu vực LA và các đảng viên Dân Chủ trong Liên đoàn Đô thị.

Theo nghiên cứu của Morrow thì Liên đoàn các Hiệp hội Hillside và Canyon, một liên minh gồm khoảng 50 nhóm chủ nhà, là một trong những lực lượng chống tăng trưởng nhà mạnh mẽ nhất ở California. Sau đó, dù không còn phản đối những người hàng xóm da màu, họ vẫn kịch liệt chống việc xây dựng thêm các khu nhà ở và căn hộ nhằm giữ cho khu dân cư của họ phần lớn tách biệt. Nhiều người trong liên minh tin rằng một thành phố mật độ thấp với những ngôi nhà dành cho gia đình là môi trường lành mạnh, và cảnh báo lối sống ưa thích của họ đang bị đe dọa. Họ còn phổ biến giả thuyết “việc ngăn cản việc xây dựng nhà ở sẽ khiến người dân địa phương sinh ít con hơn và khiến những người khác không chuyển đến”.

Giáo dục có gì đáng lo?

Năm 1970, thành phố Los Angeles lên kế hoạch cho một tương lai với ít hơn sáu triệu cư dân. Nhưng nhiều cư dân tiếp tục sinh con và người ngoài vẫn tiếp tục di chuyển vào thành phố, khiến thâm hụt nhà ở trầm trọng hơn và giá thuê bắt đầu tăng cao. Ở Venice cũng diễn ra tình trạng tương tự. Năm 2015, quy hoạch khu vực chỉ cho phép tối đa 44,513 người. Nếu trước đây các chủ đầu tư có thể xây dựng một khu chung cư thì nay họ chỉ có thể xây một căn hộ ba tầng hoặc song lập. Những người muốn chuyển đến Venice đã tuyệt vọng với giá nhà cao và tiền thuê cao.

Cách tiếp cận của Westside về sử dụng đất cũng làm tổn thương những người thuê nhà và người da màu, đồng thời làm trầm trọng thêm sự phân biệt chủng tộc. Từ năm 1970 đến năm 2000, khi dân số Latin của LA tăng từ 18% lên 47%, dân số gốc Latin của Brentwood tăng từ 1.6% lên 2.6%. Giao thông ngày càng tồi tệ. Cảnh sát, trạm cứu hỏa và phòng cấp cứu cũng bận rộn không kém. Morrow viết: “Tình trạng các trường công lập ở các khu vực giàu có bị bỏ trống trong khi các trường học ở các khu vực nghèo phải hoạt động quá công suất, trở thành phổ biến vì chính sách sử dụng đất mới”. Trên khắp California, tại các khu trường học phẩm chất cao, giá bất động sản gần đó tăng cao ngất ngưởng, trong khi giới giàu có không muốn con cái các gia đình nghèo hoặc không nói tiếng Anh vào học tại những trường học mà họ coi là “của họ”.

Bà Gloria Romero, cựu lãnh đạo phe Dân Chủ đa số tại Thượng viện tiểu bang California, phê phán “chính sách nhà ở rối rắm của California đã tạo ra hệ thống giáo dục được xếp vào hàng tồi tệ nhất quốc gia”. “Đó là giáo dục mã zip – bà nói – Nếu bạn giàu, bạn có thể đến bất cứ đâu – học trường công lập tốt hay trường tư – nhưng nếu bạn nghèo, bạn không đủ khả năng chuyển đến một quận hoặc vùng lân cận có một trường công lập tốt. Nếu trẻ em nghèo may mắn được vào các đại học tốt thì chúng cũng không rất khó tốt nghiệp”.

Một bảng xếp hạng gần đây của chuyên san Education Week đã xếp hệ thống trường học ở California vào vị trí thứ 23 trong cả nước. Theo một nghiên cứu năm 2017 của GreatSchools, một tổ chức phi lợi nhuận quốc gia, “học sinh người Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha ở California ít có khả năng hơn 11 lần so với học sinh da trắng và châu Á được học tại một trường tốt. Chỉ có 2% học sinh người Mỹ gốc Phi và 6% học sinh gốc Tây Ban Nha theo học tại các trường có thành tích cao và cơ hội cao, so với 59% học sinh da trắng và 73% học sinh châu Á”.

 Môi trường, đường sá và dược phẩm…

Trên khắp nước Mỹ, mỗi tiểu bang màu xanh đều xen kẽ các hạt màu đỏ. Lái xe trên Quốc lộ 99, chạy về phía Bắc từ Bakersfield qua Thung lũng Trung tâm, một trong những vùng nông nghiệp năng suất nhất thế giới bạn sẽ thấy có nhiều cộng đồng màu đỏ ủng hộ đảng Cộng Hoà với các đại diện như dân biểu Kevin McCarthy, thủ lĩnh phe thiểu số tại Hạ viện. Năm 2017, Viện Tư pháp, một công ty luật vì lợi ích công, đã công bố một báo cáo nêu rõ: “California là tiểu bang tồi tệ nhất cho người lao động trong các ngành nghề có thu nhập thấp”. Ở một thái cực khác của hệ thống phân cấp kinh doanh, một cuộc khảo sát 383 CEO do tạp chí Chief Executive tiến hành đã xem California là “tiểu bang tồi tệ nhất đối với hoạt động kinh doanh”. Tạp chí Forbes cũng xếp California chót bảng về “chi phí kinh doanh và môi trường pháp lý ngột ngạt”. Phí bồi thường cho công nhân ở California thuộc loại đắt nhất toàn quốc. Trong cuộc khảo sát các luật sư doanh nghiệp về “tính công bằng và hợp lý của các hệ thống trách nhiệm pháp lý tại các tiểu bang”, Viện Cải cách Pháp lý, một chi nhánh của Phòng Thương mại, đã xếp hạng California ở vị trí thứ 48.

Đạo luật Chất lượng Môi trường California được xem là “đột phá” nhưng rất dễ bị lạm dụng nên đã nhiều lần ngăn cản làn đường dành cho xe đạp. Los Angeles, Oakland, San Diego và San Francisco phải đối mặt với các vụ kiện. Nhiều dự án bị dở dang cũng vì các hạn chế của luật môi trường khiến giá thành bị đội, thủ tục nhiêu khê và thời gian xét duyệt kéo dài. Tờ Los Angeles Times than phiền hàng trăm dặm đường dành cho xe đạp không thể triển khai được.

Randy và Kyle Griffith, hai cha con điều hành công ty Randy’s Trucking từ 1975, đã tái đầu tư phát triển đội xe, rồi bán bớt do suy thoái và tái lập vào năm 2011. Họ sử dụng 150 nhân viên và xuất xưởng 60, 70 xe tải mỗi ngày cho địa phương. Sau đó, Ủy ban Tài nguyên Không khí California thông qua qui chuẩn giảm chất thải từ xe tải và xe buýt chạy bằng động cơ diesel khiến ông phải cải tiến một nửa đội xe cũ bằng cách thay các bộ lọc có giá từ $15,000 đến $20,000. “Số tiền này là không nhỏ, nhất là đối với một công ty vừa ngóc đầu dậy” – Kyle Griffith nói. Do không đáp ứng được thời hạn chót, công ty nhận được giấy phạt $1 triệu khiến họ phải ngừng kinh doanh.

Bây giờ quay sang Patrick Wade kinh doanh dược phẩm. Precision Pharmacy, công ty của Wade, cung cấp thuốc cho vật nuôi, ngựa và động vật hoang dã, chịu sự quản lý của bộ phận Dược thuộc Hội đồng tiểu bang, một cơ quan bao gồm đa số là nhà chính trị, ít hiểu biết về dược. “Vì vậy những qui định của họ đưa ra đôi khi rất hài hước khiến chi phí phát sinh” – Wade nói. Năm 2014, Precision Pharmacy đã phải giải quyết một loạt cáo buộc do Ủy ban Dược phẩm Tiểu bang đưa ra với khoản phạt $10,000. Ông nói: “Thật là buồn cười, nhiều cư dân California phàn nàn về việc quản lý quá mức!”.

Minh họa: Sebastian Banasiewcz/Unsplash

Lực cản từ thế hệ già

Một chủ đề nóng đang được bàn là rất nhiều công ty công nghệ hàng đầu ở Thung lũng Silicon phát triển mạnh trong một môi trường hầu như không có quy định nào. Lý do: Nền kinh tế California dựa vào công nghệ thông tin và điện tử đã thay đổi cuộc sống của tiểu bang. Starrh, một nông dân trồng hành, lại có một phàn nàn khác. Vài năm trước, gia đình mê kịch của ông đã mua một đại lý xe Ford cũ và biến nó thành một rạp hát cộng đồng để người dân địa phương có thể đến cùng nhau và thưởng thức nghệ thuật. Nhưng ông không lường trước được quá nhiều khó khăn khi xây dựng nó.

“Shafter là một thị trấn nhỏ, tôi cũng quen biết nhiều quan chức thành phố nên nghĩ rằng nhà hát sẽ hoàn thành nhanh chóng với sức chứa 1,000 người. Nhưng không ngờ tôi nhận được lời khuyên không nên vượt quá 300 người, nếu quá con số này sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn xây dựng tốn kém hơn. “Vì vậy, tôi đã nói với người thanh tra rằng chúng tôi chỉ xây nhà hát cho 300 người. Ông ta nói: Chà! Nếu anh có 300 chỗ ngồi và có một dàn nhạc 60 người thì sẽ vượt quá 300 nên thiết kế sẽ phải sửa đổi”. Starrh quyết định cất bớt một số ghế đắt tiền vào kho.

Ca sĩ Joni Mitchell từng hát rằng cô đang ngồi trong một công viên ở Paris, suy ngẫm về chuyến đi ở châu Âu “có nhiều thứ để xem nhưng không muốn ở lại vì chúng quá cũ và lạnh lẽo, không năng động như California, nơi bất kỳ ai cũng có thể nhìn về tương lai và tin tưởng mình sẽ có một vị trí trong đó”. Có lẽ cô nói đúng nhưng không hoàn toàn. California tưởng như sắp đạt được ước mơ của mình khi cho phép mọi người thuộc mọi chủng tộc và quốc tịch tìm kiếm một tương lai vàng. Nhưng tiếc thay, những người California lớn tuổi, theo chủ nghĩa tự do hay bảo thủ, quá thờ ơ với nhu cầu của các thế hệ con cháu.

Đảng Dân Chủ điều hành một “chính quyền thất bại” khiến chỉ một số người may mắn mới có thể có được nhà ở, hưởng thụ được nền giáo dục tốt và cơ hội kinh tế. Còn các chính khách đảng Cộng Hòa lại quá buộc họ vào “chủ nghĩa Trump” ngay cả khi số đông cử tri bác bỏ. Vấn đề ngày càng tồi tệ. Có vẻ các phe phái mạnh nhất trong cộng đồng cư dân không muốn tiểu bang của họ phát triển hơn nữa và không chấp nhận những thực tế phũ phàng. Thực tế cho thấy, trong 40 năm, những cư dân có thu nhập cao ở San Diego, Vùng Vịnh và Los Angeles cố đấu tranh để hạn chế nguồn cung nhà ở. Ngay cả bây giờ, khi chi phí nhà ở là lý do chính khiến nhiều cư dân cân nhắc chuyển đi nơi khác thì vẫn chưa có đủ ý chí chính trị để tìm ra một giải pháp hợp lý. Trong khi đó, các lực lượng làm tê liệt tiểu bang tiếp tục tin rằng mình đang bảo vệ Giấc mơ California. California chưa thoát khỏi vòng kiềm tỏa của những người “nhân danh bảo tồn” để hướng tới tương lai mà nó có thể tận hưởng.

Nguồn: The Atlantic, 7-2021

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: