Truy tố Trump là bi kịch nhưng là mệnh lệnh của công lý

Minh họa: wesley-tingey-unsplash
Share:

Nước Mỹ bị rơi vào một thời điểm lịch sử (có tổng thống đầu tiên bị truy tố tội danh liên bang) là nhờ sự vận hành của hệ thống bầu cử tự do, và vì gần 63 triệu người Mỹ cho tỷ phú Donald Trump cơ hội lãnh đạo đất nước trong cuộc bầu cử năm 2016 (dù trong số họ có nhiều người biết ông ta có lắm vấn đề).

Nay những vấn đề đó đã quay trở lại ám ảnh cả Trump lẫn người dân Mỹ – nhà bình luận E.J. Dionne Jr., giáo sư McCourt School of Public Policy thuộc Georgetown University, viết trên The Washington Post.

Với nhiều người, Trump mới chính là kẻ chà đạp nền dân chủ Hoa Kỳ (ảnh: James Devaney/GC Images)

Người Mỹ đã quá mệt mỏi vì hồ sơ pháp lý chồng chất của Trump

Từ ngày Donald Trump rời nhiệm sở dưới đám mây của một cuộc nổi dậy được ông “truyền cảm hứng”, có hai câu hỏi khiến lương tâm người Mỹ trăn trở:

Câu hỏi đầu tiên, được các đối thủ của Trump đặt ra một cách khẩn thiết, bắt nguồn từ yêu cầu của công lý bình đẳng: Một cựu tổng thống không phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm pháp luật, giống như bất kỳ công dân nào khác sao?

Câu hỏi thứ hai, phổ biến đối với những người ủng hộ Trump nhưng cũng gây chú ý nhờ sự tiếp sức của một số nhân vật nổi tiếng: Làm thế nào Bộ Tư pháp của Tổng thống Joe Biden có thể truy tố đối thủ năm 2020 (và người thách thức tiềm năng trong tương lai) của ông mà không làm tổn hại đến các chuẩn mực dân chủ?

Lý lẽ biện minh cho cáo buộc tội phạm chống lại Trump là tình trạng vô luật pháp, cái chết của nguyên tắc “phải chịu trách nhiệm về những gì mình làm” (accountability) và một nền văn hóa tránh trừng phạt những kẻ từng ở trên đỉnh cao quyền lực.

Hai câu hỏi này dẫn đến câu hỏi khác: Liệu chúng ta có nên lo lắng rằng việc đưa một đối thủ chính trị ra trước công lý có thể khuyến khích một vòng xoáy ăn miếng trả miếng, đảng này chống lại các đối thủ chính trị của đảng kia?

Vào ngày 6 Tháng Sáu 2023, đúng như dự báo, nguyên tắc “phải chịu trách nhiệm về những gì mình làm” đã vượt qua nỗi sợ hãi. Khi đưa ra các cáo buộc liên bang đầu tiên đối với một cựu tổng thống, quyết định của Bộ Tư pháp ít mang tính chính trị hơn cách nghĩ của một số người chống đối. Cố vấn đặc biệt Jack Smith chỉ tập trung vào các tình tiết của hồ sơ vụ án, dựa trên pháp luật và những gì Trump đã thực sự làm trái. “Chúng tôi có một bộ luật ở đất nước này – Smith nói trong một cuộc họp báo ngắn vào ngày 9 Tháng Sáu – và chúng áp dụng cho tất cả mọi người”.

Trong bản cáo trạng dài 49 trang bất lợi cho Trump, Smith đã trình bày chi tiết những hành vi lừa dối, bất cẩn và che đậy của Trump bằng cách phá hủy hoặc vất bừa bãi tài liệu (che giấu ngay cả các luật sư của ông ta) ở mọi nơi, kể cả phòng tắm. Nhưng Trump không chỉ đối mặt với phiên toà mang tính lịch sử đối với một cựu tổng thống từ cuộc điều tra của Bộ Tư pháp mà còn những rắc rối pháp lý khác ở Quận hạt Manhattan (New York) và Quận hạt Fulton (Georgia).

Công tố viên đặc biệt Jack Smith (ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Trong tất cả vụ việc, cựu tổng thống luôn phủ nhận hành vi sai trái. Trong cuộc điều tra của Bộ Tư pháp, đặc vụ FBI đã tìm thấy hơn 100 tài liệu mật khi khám xét khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở Palm Beach (Florida) vào ngày 8 Tháng Tám, 2022 như một phần của cuộc điều tra hình sự về khả năng các tài liệu mật bị xử lý sai.

Đến ngày 8 Tháng Sáu, 2023 Trump chính thức bị truy tố. Bản cáo trạng đã được tháo niêm phong. Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland khi điều tra vụ bạo loạn ngày 6 Tháng Một – để xem liệu Trump và các phụ tá có âm mưu ngăn cản sự chứng nhận chính thức kết quả bầu cử tổng thống tại Quốc hội hoặc có hành vi gian lận để phá hoại quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình – đã chỉ định công tố viên độc lập Jack Smith phụ trách vụ này và cả vụ Mar-a-Lago sau đó.

Còn ở Quận hạt Fulton (Georgia), công tố Fani T. Willis (Dân chủ) đang điều tra xem liệu Trump và các đồng minh có can thiệp bất hợp pháp vào cuộc bầu cử năm 2020 tại tiểu bang. Ngày 15 Tháng Hai, một thẩm phán Georgia đã công bố các phần của báo cáo do đại bồi thẩm đoàn đặc biệt soạn thảo để quyết định xem có nên để một đại bồi thẩm đoàn mới bỏ phiếu truy tố hình sự Trump không.

Cùng thời gian đó, công tố Alvin Bragg (Dân chủ) của Quận hạt Manhattan (New York) đã triệu tập một đại bồi thẩm đoàn để đánh giá các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của Trump, gồm cả vai trò của ông trong khoản thanh toán tiền bịt miệng cho nữ diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels khi chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 đang diễn ra.

Ngày 30 Tháng Ba, đại bồi thẩm đoàn đã bỏ phiếu truy tố Trump, khiến ông trở thành cựu tổng thống đầu tiên bị buộc tội cấp tiểu bang. Trong vụ kiện về các hoạt động kinh doanh của Trump ở New York, ngày 21 Tháng Chín Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang, bà Letitia James (Dân chủ) đã đệ đơn kiện Trump, ba người con của ông và Trump Organization thao túng trắng trợn việc định giá tài sản để vay được nhiều hơn, được hưởng chính sách bảo hiểm ưu đãi hơn và để được giảm thuế . Vụ kiện đang chờ giải quyết.

Trump khác Nixon như thế nào?

Nhiều nhà quan sát độc lập xem quyết định truy tố Trump về vụ tài liệu mật là đúng đắn, tỉnh táo và can đảm. Nhưng ngay lập tức những người ủng hộ Trump đua nhau “kêu oan”!

Cần nhớ, chính Trump từng cho rằng việc cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton xử lý sai các tài liệu của chính phủ “khiến bà ấy không đủ tư cách làm tổng thống” và ông cam kết “sẽ thực thi tất cả các luật liên quan đến việc bảo vệ thông tin mật”.

Nhưng lời nói không đi đôi với việc làm! Trong một tuyên bố thái quá nhưng không gây ngạc nhiên, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy xem việc một tổng thống đương nhiệm truy tố đối thủ chính sau cuộc đua là “vô lương tâm”.

Điều ông Kevin McCarthy quên là Biden không đưa ra bản cáo trạng truy tố Trump mà một đại bồi thẩm đoàn đã làm.

Điều mà Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy quên là Tổng thống Biden lẫn Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland (giữa) không đưa ra bản cáo trạng truy tố Trump mà một đại bồi thẩm đoàn đã làm (ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Ngoài ra, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland có vẻ là một chiến binh bất đắc dĩ có lúc băn khoăn về hậu quả của việc truy tố một cựu tổng thống. Dù bị một số người trong đảng của mình chỉ trích vì cuộc điều tra Trump quá chậm chạp, ông vẫn bình tĩnh làm tất cả những gì có thể để tách cuộc điều tra khỏi chính trị mà thấy rõ nhất là việc bổ nhiệm Smith (một người độc lập về chính trị) làm cố vấn đặc biệt với quyền quyết định mọi việc mà không có sự can thiệp của cả Biden.

Quan điểm cho rằng chỉ có các chế độ độc tài và các nền dân chủ yếu kém mới buộc tội các cựu lãnh đạo là một sai lầm. Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã bị kết án một năm tù vào năm 2021 vì tội tham nhũng và buôn bán ảnh hưởng.

Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, đang bị xét xử về tội hối lộ, lừa đảo và vi phạm lòng tin. Và cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon có đủ yếu tố để bị truy tố sau vụ Watergate nhưng Tổng thống Gerald Ford (người Nixon đã chọn làm phó tổng thống và kế vị ông ta) đã không để khả năng này xảy ra. “Lương tâm của tôi nói rõ với tôi là tôi không thể kéo dài những điều tồi tệ và mở lại một chương đã khép” – Ford biện minh cho lựa chọn gây tranh cãi (miễn truy tố Nixon tất cả mọi cáo buộc) mà mãi đến ngày nay vẫn có nhiều người không đồng tình. Vài trong số các đệ tử của Nixon trong vụ đột nhập Watergate theo lệnh chủ và vụ che đậy sau đó đã bị phải ra toà và lãnh án tù, còn Nixon thì không! Nếu không có “sự ưu ái” của Ford, ông ta, chứ không phải Trump mới là cựu tổng thống đầu tiên bị truy tố các tội danh liên bang.

Ngoài ra còn có một sự khác biệt lớn: Trump kiên quyết không kết thúc sự nghiệp chính trị của mình như Nixon mà tiếp tục là ứng cử viên hàng đầu cho đề cử tổng thống năm 2024 của đảng Cộng hòa.

Các cuộc điều tra song song nhắm vào Trump cũng đặt ra một câu hỏi khác: Các tội danh cản trở công lý và vi phạm Đạo luật gián điệp có ít nghiêm trọng hơn cáo buộc kích động nổi dậy và cố gắng phá huỷ một cuộc bầu cử tự do?

Trên thực tế, những hành xử của Trump xung quanh tài liệu mật cho thấy ông tin rằng mình là người cá biệt không bị các nguyên tắc bảo mật chi phối; kể cả thói quen nói dối; thiếu trách nhiệm của một tổng thống; xem văn phòng tổng thống như một tài sản riêng. Các quan điểm của Trump về chính sách đối ngoại (và nhiều thứ khác) được dựng chỉ như những tuồng kịch nhằm đánh bóng mình.

Quyết định truy tố cựu tổng thống của Cố vấn đặc biệt Smith đã giống như gáo nước lạnh dội vào nhận thức “cái tôi đứng trên luật pháp” của Trump. Nhưng nước Mỹ đang ở thời điểm bi thảm này trong lịch sử không phải vì Smith hay Garland mà bắt nguồn từ những nguyên nhân sớm hơn nhiều. Trump thích khẳng định mình là ai trong suốt cuộc đời của ông, kể cả lúc bước vào chính trường. Những tính cách khác thường và bất chấp của Trump thể hiện rõ ràng ngay từ lúc ông tuyên bố tranh cử tổng thống, tiếp tục thể hiện rõ hơn nữa trong suốt chiến dịch tranh cử năm 2016 và kéo dài cho đến hôm nay.

Minh họa: brandon-mowinkel-unsplash

Nền dân chủ Hoa Kỳ đang “hỗn loạn”?

Một số đối thủ của ông Trump cho vị trí ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa đã bày tỏ “thương tiếc” Trump và cho sự “xuống dốc bi thảm” của hệ thống nền dân chủ Hoa Kỳ. Cựu Phó Tổng thống Mike Pence đã so sánh bản cáo trạng nhằm vào Trump với lối hành xử ở “các quốc gia thuộc thế giới thứ ba”, những người “sử dụng hệ thống tư pháp hình sự ở quốc gia của họ để chống lại những người tiền nhiệm”. Thống đốc Florida Ron DeSantis nói rằng “việc vũ khí hóa lực lượng thực thi pháp luật liên bang là mối đe dọa chết người đối với một xã hội tự do.”

Những người bảo vệ Trump thường không đề cập đến bản chất của 37 tội danh chống lại ông, mà thay vào đó đưa ra lý lẽ rằng: Còn ông Biden thì sao? Còn Hunter Biden thì sao? Còn Hillary Clinton thì sao?

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các trường hợp là rất rõ ràng. Trong cuộc điều tra tài liệu, các cố vấn của ông Biden cho đến nay đều đã trả lại hồ sơ cho nhà chức trách ngay sau khi phát hiện ra chúng. Ông Pence cũng làm như vậy sau khi một cuộc khám xét phát hiện rằng cựu phó tổng thống đã lưu giữ các tài liệu mật, và ông gần đây đã được Bộ Tư pháp xóa “nghi án” vì không có bằng chứng về việc cố ý vi phạm pháp luật.

Ngược lại, ông Trump từ chối giao nộp tất cả các tài liệu mà ông đã lấy từ Tòa Bạch Ốc – ngay cả sau khi được trát đòi hầu tòa. Theo cáo trạng, Trump đã dàn dựng một kế hoạch mở rộng để giấu giấy tờ và đưa ra những lời nói dối giới chức trách. Trump đã phá bỏ quá nhiều quy tắc trong suốt bốn năm cầm quyền. Chính ông từng nói rằng ông không tôn trọng những ranh giới vốn đưa đến những hạn chế đối với các tổng thống tiền nhiệm.

Kể từ khi rời nhiệm sở, ông kêu gọi “dẹp bỏ” Hiến pháp để có thể trở lại nắm quyền mà không cần đợi một cuộc bầu cử khác và cam kết rằng ông sẽ dành nhiệm kỳ thứ hai để “báo thù” đồng thời tha thứ cho những kẻ đã xông vào Điện Capitol ngày 6 Tháng Giêng 2021.

Cuối cùng, tất cả toàn bộ chuyện này sẽ dẫn đến thiệt hại lâu dài cho nền dân chủ Hoa Kỳ? Ngay cả một số người ủng hộ việc buộc tội ông Trump cũng lo sợ điều đó có thể xảy ra. Thậm chí nhiều người tỏ ra nghi ngờ độ tin cậy của hệ thống. Tuy nhiên, hệ thống sẽ tồn tại như nó đã tồn tại trong hơn hai thế kỷ – chánh thông tín viên Tòa Bạch Ốc Peter Baker viết trên The New York Times.

Ken Gormley, chủ tịch Đại học Duquesne và là tác giả một số sách về Watergate và các cuộc điều tra liên quan Bill Clinton, kết luận:

“Thật lộn xộn và khó chịu đối với thế hệ đang sống và chứng kiến những điều như vậy, nhưng hệ thống này đủ vững để chiến thắng. Năm tới có thể sẽ đau đớn như vậy khi hệ thống tư pháp hình sự hướng tới một phán quyết công bằng trong vụ tài liệu Mar-a-Lago – bất kể kết quả đó có thể là gì. Chúng ta thật sự may mắn khi có những người tiền nhiệm đã dành 234 năm để bảo vệ thành lũy này.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: