Vụ hồ sơ thuế: 6 năm ‘khôn ngoan’ của Trump bị phơi bày

Donald Trump là tổng thống ĐẦU TIÊN trong lịch sử cận đại TỪ CHỐI CÔNG KHAI hồ sơ thuế
Share:
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho lời khai trước Uỷ ban Dịch vụ Tài chính tại Điện Capitol ngày 22 Tháng Năm 2019, về hệ thống tài chính quốc tế và các hồ sơ khai thuế của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Mark Wilson/Getty Images

Kể từ thời tổng thống thứ 37 Richard Nixon có những nghi vấn trên hồ sơ thuế cá nhân của mình, các tổng thống và tất cả các ứng cử viên tổng thống sau đó, đều đã tự nguyện công khai hồ sơ thuế, hoặc các bản tóm tắt thông tin thuế của họ. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, các ứng cử viên của hai chính đảng như bà Hillary Clinton, hoặc ông Jeb Bush đều cung cấp các bản sao hồ sơ thuế cá nhân trong nhiều năm.

Donald Trump năm 2015, khi là ứng cử viên tổng thống đầy hy vọng của đảng Cộng hòa, trong buổi phát biểu về kế hoạch cải cách thuế. Theo kế hoạch sẽ có bốn loại thuế, những người kiếm được ít hơn 25.000 đô la mỗi năm trả thuế 0%. Ảnh: Andrew Burton/Getty Images
Tuy nhiên, có một người đã đi ngược lại truyền thống đó khi còn là ứng cử viên tổng thống năm 2016, và suốt bốn năm đảm nhiệm chức vụ cao nhất của cơ quan Hành pháp Hoa Kỳ – đó là Donald J. Trump, tổng thống đầu tiên trong lịch sử cận đại từ chối công khai hồ sơ thuế.

Ngày 31 Tháng Mười năm 2022, đội ngũ pháp lý của Trump đã nộp đơn khẩn cấp yêu cầu Tối Cao Pháp Viện (TCPV) chặn Sở Thuế giao nộp hồ sơ thuế cá nhân, cũng như một số công ty của Trump cho Ủy ban Hạ viện. Tuy nhiên, vào ngày 22 Tháng Mười Một, TCPV đã ra phán quyết yêu cầu Sở Thuế chuyển giao hồ sơ thuế của Trump cho ủy ban điều tra, chấm dứt cuộc chiến pháp lý kéo dài hơn ba năm.

Trump đã che dấu gì trong hồ sơ thuế của 6 năm?

Sáng thứ Sáu, ngày 30 Tháng Mười Hai, Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện, chính thức công khai hồ sơ thuế trong sáu năm của cựu tổng thống, từ năm 2015 tới năm 2020. Theo Ủy ban Tài chính và Thuế vụ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, chức năng giám sát quan trọng của cơ quan này bị cản trở với tuyên bố: “Một tổng thống không phải là người đóng thuế bình thường. Họ nắm giữ quyền lực và ảnh hưởng không giống bất kỳ người Mỹ nào khác. Và với sức mạnh to lớn, trách nhiệm thậm chí còn lớn hơn.

Sau đây là các điểm quan trọng phần nào tiết lộ được vì sao ông Trump luôn muốn che dấu thông tin thuế của mình:

Kinh doanh thua lỗ nặng nề

Điểm nổi bật trong bảng kê khai thuế của ông Trump là kinh doanh thua lỗ nặng nề. Ví dụ, năm 2015, Trump thua lỗ $31,7 triệu. Năm 2016, thua lỗ $32 triệu. Năm 2017, thua lỗ $12,9 triệu. Do thua lỗ, Trump và vợ gần như không đóng thuế liên bang. Cụ thể, Trump đóng $750 thuế liên bang trong năm 2016 và năm 2017. Riêng năm 2020, Trump không đóng một đồng thuế liên bang nào.

Donald Trump đang ngồi trong căn hộ của ông ta vào 20 Tháng Năm, 1976 sau khi nhận được tin Uỷ ban Niêm yết giá nhất trí thông qua kế hoạch giảm thuế trong 40 năm. Theo kế hoạch, Trump sẽ mua và tân trang lại Khách sạn Commodore, vốn đã đóng cửa vào ngày 18 Tháng Năm, từ Penn Central Transportation Corp. Đổi lại khoản tiền $10 triệu mua căn hộ và sửa chữa đầu tư lên tới $100 triệu, Trump sẽ không phải đóng thuế bất động sản trong 40 năm. Ảnh:  Bettmann Archive/Getty Images

Thêm nữa, Ủy ban Hạ viện đã chất vấn các khoản thua lỗ được Trump sử dụng nhằm tránh phải nộp thuế, bao gồm các khoản khấu trừ liên quan đến đóng góp từ thiện, và các khoản vay từ ba đứa con của ông. Theo New York Times, trước khi đắc cử tổng thống, Trump đã phải đối mặt với cuộc kiểm toán của Sở Thuế có khả năng liên quan đến khoản hoàn thuế trị giá $72,9 triệu  phát sinh từ $700 triệu thua lỗ, mà ông tuyên bố vào năm 2009. Hồ sơ thuế vừa được công khai cho thấy Trump tiếp tục nhận các khoản trợ cấp thuế từ khoản lỗ đó cho đến năm 2018.

ĐỌC THÊM:

Trump có quyên góp lương tổng thống không?

Ông Trump từng tuyên bố năm 2015 rằng ông sẽ không nhận “dù chỉ một đô la” số tiền lương $400.000 dành cho tổng thống Hoa Kỳ: “Tôi sẽ hoàn toàn không nhận tiền lương của mình nếu tôi trở thành tổng thống.

Tuy nhiên, hồ sơ thuế của ông Trump đã hiển thị con số 0 cho các khoản tiền từ thiện vào năm 2020, là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Nghĩa là, ông Trump dường như không quyên góp tiền lương tổng thống của mình trong năm 2020.

Một người biểu tình yêu cầu Trump phải công khai hồ sơ thuế. Ảnh: Bill Clark/CQ Roll Call
Tài sản thừa hưởng từ bố

Bảng kê khai thuế cho thấy thu nhập năm 2018 của ông Trump là hơn $24 triệu và ông đóng gần $1 triệu tiền thuế liên bang. Theo New York Times, khoảng thu nhập $24 triệu đến từ hơn $14 triệu tiền lời từ việc bán một khu nhà ở Brooklyn, là tài sản mà bố ông Trump, Fred Trump, đã thu mua vào những năm 1970 và để lại cho các con ông.

Theo hồ sơ thuế của ông Trump, việc bán các tài sản kinh doanh mà ông tự tạo ra đã bị thua lỗ, kéo theo lợi tức, và giảm phần nào nghĩa vụ đóng thuế liên bang của ông. Chẳng hạn như 1 triệu USD bất động sản bị bán lỗ và 1 triệu USD thua lỗ khác để cứu doanh nghiệp thua lỗ của con trai mình là Donald Trump Jr. Bảng khai thuế cũng cho thấy ông Trump nhận được hàng chục nghìn USD tiền cổ tức khi còn là Tổng thống, đến từ các quỹ tín thác (trusts) được thành lập cho ông khi ông còn nhỏ.

Trump có tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc

Trong cuộc tranh luận tổng thống năm 2020 với tổng thống đương nhiệm Biden, ông Trump được hỏi về việc có tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc hay không. Ông ấy trả lời có, nhưng đã đóng tài khoản ngân hàng đó vào năm 2015, trước khi bắt đầu chiến dịch tranh cử vào Tòa Bạch Ốc năm 2016.

Tuy nhiên, hồ sơ thuế vừa được công bố cho thấy ông Trump đã không nói đúng sự thật, khi ông vẫn duy trì tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc trong năm 2015, 2016 và 2017.

Dân biểu Đảng Dân chủ, ông Don Beyer, bang Virginia cho biết trong một thông cáo báo chí: “Ông Trump đã hành động như thể ông ấy có điều gì đó muốn che giấu, một cách thức phù hợp với các cáo buộc gần đây về tội gian lận thuế hình sự đối với doanh nghiệp gia đình của ông ấy. Giờ đây, công chúng sẽ có thể thấy, ông Trump đã sử dụng các khoản khấu trừ đáng ngờ, hoặc không được chứng minh rõ ràng, và một số kế hoạch tránh thuế khác để biện minh cho việc trả ít hoặc không trả thuế thu nhập liên bang trong một số năm được xem xét.

Tổng thống đầu tiên trong lịch sử cận đại tránh kiểm toán của Sở thuế

Sở Thuế có một chính sách nội bộ bắt buộc kiểm toán thuế đối với tổng thống và phó tổng thống đương nhiệm. Phát ngôn viên của Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Barack Obama xác nhận rằng cả hai đều trải qua việc kiểm toán hàng năm khi tại chức.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Tài chính và Thuế vụ, việc kiểm toán thuế năm 2016 của ông Trump đã không được thực hiện, mãi cho đến ngày 3 Tháng Tư năm 2019, hơn hai năm sau nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. Ngày đó trùng với ngày Dân biểu đảng Dân chủ, ông Richard Neal, yêu cầu Sở Thuế cung cấp thông tin liên quan đến các hồ sơ thuế của ông Trump.

Sở Thuế (IRS) dưới thời chính quyền Trump đã từ chối giao hồ sơ thuế của ông ta cho Ủy ban Tài chính và Thuế vụ. Bản thân Trump cũng ‘năm lần bảy lượt’ hứa hẹn với cử tri sẽ công khai hồ sơ thuế. Nhưng đến tận cuối năm 2022, Trump vẫn chưa thực hiện lời hứa này. Rất nhiều người đã kêu gọi Trump công khai thông tin thuế cá nhân, với lý do minh bạch và trách nhiệm giải trình, trong khi những người ủng hộ Trump cho rằng điều này vi phạm quyền riêng tư.

Hình ảnh hồ sơ thuế của Trump. Ảnh: Twitter

Hiện nay, Đảng Dân chủ đang nghiên cứu một dự luật để hệ thống hóa chính sách kiểm toán với các tổng thống, bao gồm kiểm toán hàng năm, đúng thời hạn, và công khai một số thông tin đến cử tri. Đây được coi là điểm khởi đầu cho những nỗ lực nhằm tăng cường giám sát nhiệm kỳ tổng thống trong tương lai và đảm bảo luật thuế “được quản lý một cách công bằng và không thiên vị, bởi vì đôi khi, ngay cả quyền lực của tổng thống cũng có thể quá lớn.

Một số người ủng hộ ông Trump thường ca ngợi ông là một “doanh nhân tỉ phú thành đạt”. Tuy nhiên, hồ sơ thuế trong sáu năm của ông đã không hề phản ánh như vậy. Như vậy, việc ông Trump ‘năm lần bảy lượt’ từ chối công khai hồ sơ thuế cá nhân không phải là một bí ẩn khó hiểu.

Ông Michael Cohen, cựu luật sư lâu năm của cựu tổng thống, đã giải thích khi được hỏi về việc ông Trump khai thuế trong phiên điều trần trước quốc hội năm 2019: “Những điều mà ông (Trump) đã nói với tôi là ông ấy không muốn cả nhóm chuyên gia cố vấn, bao gồm các chuyên gia về thuế, xem xét hồ và phân tích từng chi tiết hồ sơ thuế của ông ấy, rồi sau đó ông ấy sẽ phải đối mặt với một cuộc kiểm toán và cuối cùng sẽ phải gánh hậu quả, hình phạt…”

Chứng tỏ ‘khôn ngoan’ qua việc không công khai hồ sơ thuế?

Trong cuộc tranh luận tổng thống năm 2016, bà Clinton đã cáo buộc ông Trump không đóng thuế thu nhập liên bang. Ông vênh mặt, khoe khoang trả lời: “Vậy tôi mới khôn ngoan.” Cần biết rằng các nguồn doanh thu chính của chính phủ Hoa Kỳ đến từ thuế cá nhân và doanh nghiệp, và các loại thuế dành riêng cho An sinh xã hội và Medicare.

Doanh thu này được sử dụng để tài trợ cho các chương trình, và dịch vụ để hỗ trợ công chúng, như giáo dục, bảo hiểm sức khỏe, an sinh xã hội, quốc phòng, lợi ích cho cựu chiến binh, và bảo trì đường cao tốc.

Hãy thử tưởng tượng nếu phần lớn người dân Mỹ cũng ‘khôn ngoan’ không đóng thuế như ông Trump, thì chính phủ Mỹ sẽ lấy kinh phí ở đâu để phục vụ người dân? Lẽ nào ông Trump sợ rằng công khai hồ sơ thuế cá nhân của mình sẽ khiến cử tri thấy rõ được cái ‘khôn ngoan’ của ông?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: