Cuộc bầu cử Đài Loan ngày 13 Tháng Giêng 2024 là cuộc bầu cử đầu tiên trong hơn 40 cuộc bầu cử quốc gia được tổ chức trên thế giới vào năm 2024. Lá phiếu Đài Loan – quyết định ghế tổng thống và cơ quan lập pháp cho 23.5 triệu người trên một hòn đảo có diện tích ngang bằng Bỉ – không chỉ ảnh hưởng số phận chính trị hòn đảo này mà còn tác động đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ lẫn EU.
Ba ứng cử viên: Ai đang đứng ở đâu?
Có rất nhiều vấn đề mà cử tri Đài Loan quan tâm, bao gồm chi phí sinh hoạt, nhà ở và quyền lao động, năng lượng, giáo dục và chăm sóc người già. Đài Loan có dân số già và có khoảng cách giàu nghèo đáng kể, với mức lương tối thiểu thấp. Các chiến dịch tranh cử cho đến nay đang chứng kiến sự chỉ trích lẫn nhau, về những gì mà các đảng làm trong thực tế đối với những lời hứa, những cáo buộc về hành vi sai trái và tham nhũng, cùng vô số vụ bê bối, từ đạo văn cho đến việc lén lút có quốc tịch thứ hai.
Như cuộc tổng thống lần trước vào năm 2020, mối đe dọa Trung Quốc vẫn tiếp tục hiện hữu trên bức tranh chính trị Đài Loan. Loạt cuộc biểu tình ở Hong Kong (2019) và chiến dịch đàn áp khốc liệt của Bắc Kinh lúc đó đã tạo nên tác động sợ hãi trong tâm trí người dân và trở thành yếu tố quan trọng giúp bà Thái Anh Văn thuộc đảng Dân Tiến (DPP) tái đắc cử tổng thống. Suốt từ 2020 đến nay, căng thẳng giữa hai bờ eo biển tăng vọt, khi Bắc Kinh tăng cường đe dọa và quấy rối. Lá phiếu Đài Loan 2024 lại diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến hai cuộc chiến lớn – ở Ukraine và Trung Đông – khiến người Đài Loan nhận thức rõ hơn về mức độ nguy hiểm tiềm tàng trước Trung Quốc.
______________
Có ba đảng chính trong cuộc bầu cử 2024:
-Dân Tiến đảng (民進黨, tức đảng Dân chủ Tiến bộ, DPP), với liên danh Lai Ching-te (còn được viết là William Lai, Lại Thanh Đức) và Hsiao Bi-khim (Tiêu Mỹ Cầm).
-Quốc Dân đảng (KMT), với liên danh Hou Yu-ih (Hầu Hữu Nghi) và Jaw Shaw-kong (Triệu Thiểu Khang).
-Đảng Nhân dân Đài Loan (Taiwan People’s Party – TPP), với liên danh Ko Wen-je (Kha Văn Triết) và Cynthia Wu (còn viết là Wu Hsin-ying, Ngô Hân Doanh).
______________
Lại Thanh Đức (đương kim Phó Tổng thống) cam kết tiếp tục đi theo con đường của bà Thái: Duy trì hiện trạng và đề xuất đối thoại với Bắc Kinh, nhấn mạnh cuộc bầu cử 2024 là sự lựa chọn giữa “chế độ độc tài và dân chủ”.
Trong khi đó, Hầu Hữu Nghi nói rằng bầu cho KMT của họ là bỏ phiếu cho hòa bình thay vì chiến tranh. Khẩu hiệu này hợp ý Bắc Kinh. KMT có nguồn gốc lịch sử sâu xa trên bức tranh chính trị Trung Quốc. Họ từng là một đảng lớn trong lịch sử chính trường Hoa Lục cho đến khi thua Mao Trạch Đông trong cuộc nội chiến và phải bỏ xứ chạy thoát thân sang Đài Loan năm 1949. Tại đây, KMT thành lập Trung Hoa Dân Quốc và áp dụng chế độ thiết quân luật tàn bạo trong nhiều thập niên. Với KMT, quan hệ thân thiện hơn với Bắc Kinh là con đường hướng tới hòa bình. Phó chủ tịch KMT, Triệu Thiểu Khang, đã thực hiện nhiều chuyến đi đến Trung Quốc những tuần gần đây.
Với Kha Văn Triết, khi đưa ra một chính sách “trung dung”, ông nói rằng “bỏ phiếu cho DPP là chọn xung đột; trong khi bỏ phiếu cho KMT là đầu hàng (Trung Quốc)”. Tuy nhiên, trong các cuộc phỏng vấn gần đây, khi được hỏi chi tiết về chủ trương và đường lối cụ thể, Kha Văn Triết chẳng nói gì rõ hơn, và chỉ lặp lại những gì từng phát biểu (một cách chung chung, mơ hồ), rằng ông sẽ nói chuyện với Mỹ lẫn Trung Quốc, đồng thời tiếp tục phát triển khả năng phòng thủ của Đài Loan.
***
Như đã nói, Bắc Kinh không phải là vấn đề duy nhất trong lá phiếu. Chi phí gia tăng, giá nhà ở vượt quá khả năng mua của người dân và cơ hội kiếm sống nói chung bị thu hẹp đã gây ra sự bất mãn đối với đảng cầm quyền DPP và đẩy cử tri trẻ vào vòng tay của Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP). Không chỉ các vấn đề liên quan đời sống, ngay cả quốc phòng cũng khiến cử tri lẫn các đảng phái chia rẽ.
Chính quyền DPP đương nhiệm tăng cường củng cố quốc phòng, đầu tư nhiều tàu ngầm tự chế và mua thêm nhiều máy bay chiến đấu F16 và hỏa tiễn hiện đại từ Mỹ. Chính quyền DPP cũng khôi phục chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc kéo dài 12 tháng và DPP cho biết họ sẽ làm nhiều hơn nếu tái đắc cử.
Trong khi đó, KMT thì công khai đường lối thân Trung Quốc. Ứng cử viên phó tổng thống của họ, Triệu Thiểu Khang, xem chương trình đóng tàu ngầm là một dự án phù phiếm và lãng phí tiền bạc. Gia đình Triệu Thiểu Khang đến từ Trung Quốc và từ lâu ông được coi là một trong những tiếng nói thân thiện nhất với Bắc Kinh trong chính trường Đài Loan. Triệu Thiểu Khang nhiều lần nhấn mạnh rằng, cách duy nhất để bảo đảm hòa bình cho Đài Loan là ngồi xuống nói chuyện với Bắc Kinh. Triệu Thiểu Khang thậm chí trấn an Tập Cận Bình rằng Đài Loan không có ý định tuyên bố độc lập và một ngày nào đó Đài Loan và Trung Quốc có thể hoặc nên thống nhất.
Đây không phải là quan điểm bất thường ở Đài Loan. Thậm chí nhiều người ủng hộ mạnh chủ trương này. Các mối liên kết của Đài Loan với Trung Quốc, từ quan hệ gia đình đến thương mại, rất sâu sắc và luôn vướng vào những câu hỏi phức tạp về quá khứ. Còn nữa là chuyện xung đột thế hệ. Thế hệ lớn tuổi với mối quan hệ chặt chẽ với đại lục luôn mâu thuẫn những người trẻ trưởng thành trong một xã hội dân chủ cởi mở.
________________
The Straits Times cho biết, theo kết quả thăm dò mới nhất do My Formosa công bố ngày 28 Tháng Mười Hai, Lại Thanh Đức và liên danh Tiêu Mỹ Cầm hiện giành được 40.0% ủng hộ; so với 28.9% của liên danh Hầu Hữu Nghi và Triệu Thiểu Khang thuộc KMT – chênh lệch 11.1 điểm phần trăm. Liên danh Kha Văn Triết và Ngô Hân Doanh thuộc Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP) chỉ đạt được 17.6%.
Trong một cuộc thăm dò khác được EToday công bố ngày 27 Tháng Mười Hai 2023, DPP chiếm 38.1%, so với 34.8% của KMT và 19.2% của TPP.
________________
Bắc Kinh tăng cường phá rối
Tại một nơi mà báo chí tự do và internet mở như Đài Loan, Bắc Kinh đã dễ dàng thâm nhập và phá rối. Bộ máy tuyên truyền Trung Quốc đang nhắm vào những cử tri có thể không bỏ phiếu cho DPP. Trong nhiều năm, đối tượng tuyên truyền chính của Trung Quốc là dân số lớn tuổi của Đài Loan, đặc biệt những người có quan hệ gia đình với đại lục. Chiến thuật của Bắc Kinh là đánh vào tâm lý sợ máu me chiến tranh.
Ngoài khơi, Trung Quốc lăm lăm tay súng chĩa vào Đài Loan và thường xuyên tung máy bay quân sự vần vũ áp đảo, bên trong Đài Loan, bộ máy tuyên truyền Trung Quốc ngày đêm gieo rắc nỗi sợ. Chiến thuật này không phải không thành công. Trong lịch sử, những người ủng hộ KMT từng quyết liệt chống cộng sản Trung Quốc nhưng bây giờ, chính họ lại lên án chủ trương Đài Loan độc lập. Họ cho rằng những người ủng hộ Đài Loan độc lập là những kẻ có thể gây ra chiến tranh đổ máu. Không ít thành phần cử tri từng coi cộng sản Trung Quốc là kẻ thù giờ đây lại đánh giá DPP mới là mối nguy hiểm thực sự cho an ninh quốc gia. Nhiều cư dân lớn tuổi ở Đài Bắc rất không thích Tổng thống Thái Anh Văn. Họ nói rằng đảng DPP của bà là “một lũ gây rối”.
Bộ máy tuyên truyền Trung Quốc tiếp tục mở rộng đến đối tượng trẻ. Bắc Kinh nhận thức rõ rằng chìa khóa thành công là giành được sự ủng hộ của cử tri trẻ, đặc biệt những người không theo đảng phái nào và không hài lòng với cả hai đảng truyền thống cũ (DPP và KMT). Chiến dịch tuyên truyền được thực hiện thông qua TikTok và YouTube. Trung Quốc có hơn 200 kênh tải video lên hàng ngày. Mưa lâu bắt đầu thấm đất. Nghiên cứu của một số chuyên gia truyền thông Đài Loan cho thấy ngày càng có nhiều nhóm thanh niên Đài Loan không thân Trung Quốc nhưng bắt đầu thù ghét Mỹ và Nhật.
Mới đây, ngày 22 Tháng Mười Hai 2023, các công tố viên Đài Loan xác nhận đã bắt giữ Lâm Hiến Nguyên (Lin Hsien-yuan, 林獻元), nhà báo của trang tin trực tuyến Fingermedia, vì tình nghi Lâm tổ chức chiến dịch tin giả với chỉ đạo từ cộng sản Trung Quốc ở tỉnh Phúc Kiến. Văn phòng Công tố Đài Trung cho biết Lâm Hiến Nguyên tạo ra kết quả thăm dò giả để “đánh lừa cử tri về tình hình bầu cử, xâm nhập và can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, đồng thời gây nguy hiểm cho chủ quyền và trật tự hiến pháp dân chủ của Đài Loan”. Fingermedia từng dính líu hai chiến dịch tuyên truyền phá rối Đài Loan do cộng sản Trung Quốc giật dây vào năm 2019.
Một trong những thông điệp phổ biến và có hiệu quả rõ rệt là đánh vào tâm lý văn hóa cội nguồn của lớp người lớn tuổi, nhấn mạnh việc DPP “tự thiến” – có nghĩa thực hiện chủ trương xóa bỏ văn hóa Trung Hoa trong học đường bằng nhiều hình thức, chẳng hạn giảm bớt chương trình giảng dạy văn học cổ điển Trung Hoa trong các trường trung học.
Khi Âu Quế Chi (Alice Ou, 區桂芝) – nữ giáo viên văn học tại Trường Nữ Trung học Đài Bắc Đệ Nhất – lần đầu tiên lên tiếng về điều này tại một cuộc họp báo vào đầu Tháng Mười Hai, vụ việc lập tức được bộ máy tuyên truyền Trung Quốc lẫn các đảng đối lập đổ dầu vào lửa. Theo Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Thông tin Đài Loan, trong hai tuần sau khi Âu Quế Chi làm lớn chuyện, các tài khoản truyền thông xã hội và phương tiện truyền thông trực thuộc nhà nước Trung Quốc đã đăng hơn 200 bài báo về ý kiến của bà Âu đồng thời chỉ trích thái độ “chối bỏ tổ tiên” của DPP.