Cánh cửa đã mở, sói đã ra khỏi hang…
The Washington Post thuật: Sarada Taing lo lắng đến phát ốm. Là một công dân Hoa Kỳ sinh ra ở Campuchia, anh đang điều hành một đài phát thanh tin tức độc lập trực tuyến từ Washington cho khán giả ở quê nhà và trên toàn thế giới. Trong chương trình trò chuyện video bằng tiếng Khmer các ngày trong tuần, thu hút từ 50,000 đến 80,000 người xem, Sarada đã thách thức chính phủ độc tài bằng cách phát sóng các báo cáo điều tra về tham nhũng, rửa tiền, chiếm đất, phá rừng, vi phạm nhân quyền và buôn người.
Ngày 19 Tháng Sáu, chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử ở Campuchia, anh nhận được hai tin nhắn âm thanh trên Facebook Messenger từ một người nổi tiếng trên mạng xã hội ủng hộ chính phủ. “Trong tin nhắn đầu tiên ông ta nói sẽ chặt đầu tôi nếu tôi quay về quê nhà. Ở tin nhắn thứ hai, ông ta khẳng định có bạn bè bên ngoài Campuchia và họ cũng không thích tôi”. Lời đe dọa “không ngần ngại giết Sarada” cũng được lặp lại trong một cuộc trò chuyện trên Facebook Live tổ chức từ Campuchia vào ngày 22 Tháng Sáu.
Là nhà điều tra nhân quyền lâu năm ở Campuchia và có nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở Đài phát thanh Campuchia (Cambodian Radio), Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America) và Đài Á châu Tự do, (Radio Free Asia), Sarada đã quen đối đầu với sự thù địch. Nhưng lần này là đe dọa trực tiếp lấy đi mạng sống. Sarada có một con trai nhỏ, bố mẹ vợ già đang sống cùng gia đình tại Mỹ. Để an toàn, anh thay ổ khóa cửa, thêm mã bảo mật kỹ thuật số và đặt camera giám sát. Sau đó, anh viết email gửi FBI và Bộ Ngoại giao Mỹ: “Tôi lo sợ cho mạng sống của mình và của những người thân vì công việc làm báo của tôi. Tôi thực sự rất sợ!”…
Sarada không là trường hợp cá biệt. Trên khắp thế giới, các nhà độc tài đang phái những kẻ ám sát, bắt cóc, cảnh sát mật và điều tra viên tư nhân để săn tìm, quấy rối, đe dọa và làm hại những người bất đồng chính kiến, nhà báo, học giả… Sự đàn áp xuyên quốc gia đang lan rộng nhanh hơn khả năng mà các nền dân chủ có thể đối phó được. Như tổ chức Freedom House đã lưu ý trong một nghiên cứu mang tính bước ngoặt cách đây hai năm rưỡi, các chế độ độc tài đang đẩy mạnh việc tấn công các nhà hoạt động và nhà báo sử dụng internet để vận động nhân quyền từ xa.
Các chế độ độc tài bắt chước nhau với sự giúp sức của các phần mềm gián điệp và quấy rối trực tuyến đã đẩy chiến dịch giám sát, đe dọa, gây gián đoạn, bắt cóc và bạo lực lên một bước xa hơn.
Freedom House đã thu thập dữ liệu liên quan đến việc đàn áp trực tiếp những người bất đồng chính kiến trong chín năm qua. Từ 608 vụ được công bố Tháng Hai 2021 đã tăng lên 854 vụ hiện nay.
Sát thủ đến từ 38 quốc gia với Trung Quốc (TQ) đứng đầu (253 vụ), rồi Thổ Nhĩ Kỳ (132), Tajikistan (64), Nga (46), Ai Cập (45), Turkmenistan (36), Uzbekistan (36), Belarus (30), Iran (23) và Rwanda (18). Các nạn nhân sống tại 91 quốc gia.
Mới đây, một báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) lưu ý về số vụ giết người, bắt cóc, âm mưu bắt cóc, mất tích và tấn công nhắm vào người Rwanda sống ở nước ngoài đã tăng đáng kể. Văn phòng Kiểm toán Chính phủ (Government Accountability Office) của Quốc hội Mỹ nhận định trong một báo cáo vào Tháng Mười:
“Luật pháp Hoa Kỳ không hình sự hóa hay định nghĩa cụ thể thế nào là đàn áp xuyên quốc gia và có sự thiếu hiểu biết chung về các mối đe dọa nên các cơ quan thực thi pháp luật cấp tiểu bang và địa phương khó có phản ứng thích đáng”.
Đàn áp ngoài biên giới quốc gia là một trong những công cụ được nhiều chính phủ độc tài vận dụng mà nạn nhân là những người thực hiện các quyền tự do ngôn luận, lập hội hoặc tự do tín ngưỡng; những người đang đấu tranh vì dân chủ và các quyền tự do cơ bản của con người. Trong nhiều trường hợp, họ buộc phải rời bỏ quê hương để bảo tồn mạng sống nhưng vẫn bị truy đuổi.
TQ là thủ phạm đàn áp xuyên quốc gia lớn nhất của thế giới hiện nay. Trong các mục tiêu đàn áp có tín đồ Pháp Luân Công (Falun Gong); người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ; và gần đây hơn là các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong. Những người bất đồng chính kiến hay phê phán nổi tiếng và thẳng thắn cũng bị bắt cóc từ nước ngoài và đưa về đại lục để xét xử bí mật và chịu án tù dài hạn. Nhưng các phương pháp trấn áp của Bắc Kinh ngày càng trắng trợn hơn. Ví dụ, thiết lập các “đồn cảnh sát” ở các nước ngoài để săn lùng những người bất đồng chính kiến và sử dụng các nhóm gián điệp hoặc bên thứ ba để che giấu vai trò bí mật của các cơ quan an ninh TQ.
Cách làm mới này thể hiện rõ qua 16 đơn khiếu nại hình sự liên quan đến đàn áp xuyên quốc gia của TQ mà Bộ Tư pháp Mỹ nhận được từ Tháng Ba, 2022. Tháng Ba, 2022, Bộ Tư pháp đã buộc tội hai người, Fan “Frank” Liu và Qiang “Jason” Sun (và Matthew Ziburis, cựu sĩ quan hành nghề vệ sĩ được Liu thuê tại Florida) âm mưu quấy rối và phá hoại một họa sĩ bất đồng chính kiến TQ đang sống ở California.
Âm mưu này bất thường ở chỗ, Sun, thuộc ban lãnh đạo một công ty công nghệ, điều hành hoạt động này từ Hong Kong, thay mặt chính phủ Trung Quốc, trong khi Liu truy đuổi những người bất đồng chính kiến từ bên trong nước Mỹ và thuê vệ sĩ giúp việc. Dù hồ sơ tòa án không nêu rõ danh tính nạn nhân nhưng đó là nhà điêu khắc Trần Duy Minh (Chen Weiming, 陳維明), người tạo ra một bức tượng bán thân châm biếm đầu của nhà lãnh đạo TQ Tập Cận Bình hóa thành một con virus corona khổng lồ kèm chú thích “Virus ĐCSTQ”. Bức tượng được khai trương tại Yermo, California ngày 4 Tháng Sáu, 2021.
Có thời điểm, theo hồ sơ tòa án, Liu đã yêu cầu vệ sĩ được thuê hãy “phá hủy tất cả tác phẩm điêu khắc và những thứ không tốt” bội xấu giới lãnh đạo TQ. Năm 2021, không lâu sau khi được trưng bày nơi công cộng, bức tượng “Virus ĐCSTQ” đã bị thiêu rụi! Trần Duy Minh đã làm lại bức tượng, lần này bằng thép. Bộ Tư pháp quyết định truy tố những kẻ gây ra vụ cháy và hai kẻ giúp họ. Vụ việc vẫn đang chờ xét xử.
Các công tố viên liên bang cũng cảnh báo về một “đồn cảnh sát” bất hợp pháp do chính phủ TQ điều hành ở khu Lower Manhattan, New York. Có chức năng bề ngoài là để những người Hoa ở nước ngoài gia hạn giấy phép lái xe nhưng đồn có nhiệm vụ chính là tham gia truy tìm những người bất đồng chính kiến. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã buộc tội hai người đàn ông thành lập đồn và tin rằng họ là “đặc vụ không có trong danh sách” của chính phủ TQ.
TQ đã thiết lập các đồn như thế trên khắp thế giới dưới vỏ bọc “trung tâm dịch vụ công dân” nhưng có mục đích nham hiểm hơn. Thành lập chúng là Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (United Front Work Department), cơ quan của đảng Cộng sản TQ nhằm tìm cách theo dõi các cá nhân và cộng đồng người gốc Hoa sống bên ngoài TQ.
Nhóm nhân quyền Safeguard Defenders đã công bố ba báo cáo tiết lộ quá trình xây dựng mạng lưới “trung tâm dịch vụ công dân”. Đầu tiên là TQ tìm cách truy bắt tội phạm và những kẻ chạy trốn ra nước ngoài; sau đó, các cơ quan an ninh của TQ kích hoạt chiến dịch “cánh tay nối dài quốc tế” gọi là “Fox Hunt” và “Sky Net” nhằm vào những kẻ tham nhũng bị xử vắng mặt (bắt cóc và quấy rối) và sau cùng là thành lập các “đồn cảnh sát” có mật danh “110 hải ngoại” (110 Overseas-phiên bản TQ của 911).
Các sở cảnh sát ở Phúc Kiến, Chiết Giang, Giang Tô chịu trách nhiệm thành lập nhưng không thông báo với nước chủ nhà. Safeguard Defenders phát hiện có ít nhất 102 đồn cảnh sát ở 53 quốc gia và xem đây là chỗ dựa cho “chế độ độc tài không biên giới” của TQ.
Alan E. Kohler Jr., cựu trợ lý giám đốc FBI nhận định: “ĐCSTQ không phải là duy nhất của loại đàn áp xuyên quốc gia này nhưng mức độ hung hãn của nó là độc nhất với hàng chục vụ trấn áp xuyên quốc gia, thậm chí hàng trăm”. FBI đã tạo ra một cổng thông tin web và các hướng dẫn nhận biết “sự đe dọa” bằng hàng chục ngôn ngữ để tư vấn cho các nạn nhân tiềm năng về những việc họ cần làm, nhưng nhiều người quá sợ hãi và thiếu tin tưởng để báo cáo khi bị đe dọa.
Đối phó không dễ nếu chưa tăng cường luật lệ
Các cơ quan tình báo Iran đã nhiều lần lên kế hoạch bắt cóc hoặc ám sát nhà báo bất đồng chính kiến nổi tiếng Masih Alinejad, một công dân Mỹ. Là nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, bà sinh ra ở Iran, từng làm việc tại ban Tiếng Ba Tư của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và viết bài cho tờ The Washington Post.
Theo hồ sơ tòa án, tình báo Iran đã nghiên cứu kỹ các tuyến đường di chuyển từ nơi ở của bà tại Brooklyn (New York) đến bờ sông, nơi bà có thể bị bắt cóc và di lý bằng tàu cao tốc đến Venezuela để về Iran. Mười tám tháng sau, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thông báo họ đã phát hiện ra một âm mưu khác của Iran nhằm ám sát bà, âm mưu này liên quan đến một băng nhóm tội phạm Đông Âu khi một vài tên lái xe ngang nhà bà với khẩu súng trường tấn công kiểu AK-47 và 66 viên đạn.
Để truy đuổi những người chỉ trích, các chế độ độc tài thường giúp đỡ lẫn nhau! Trong 70% vụ đàn áp xuyên quốc gia được ghi nhận vào năm ngoái, cả thủ phạm và nước chủ nhà đều bị Freedom House đánh giá là “không có tự do”.
Ví dụ Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở thành “cánh tay nối dài” cho các quốc gia đàn áp, kể cả TQ, mà trong số các nạn nhân có nhiều người Duy Ngô Nhĩ chạy trốn khỏi Tân Cương vì sợ phải vào các trại tập trung. Trong nhiều năm, Tổng thống Thổ Recep Tayyip Erdogan đã cố vô ích dẫn độ Fethullah Gulen, một giáo sĩ sống lưu vong ở Pennsylvania, người góp công xây dựng mạng lưới trường học và dịch vụ xã hội ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Erdogan tố cáo ông chủ mưu cuộc đảo chính thất bại năm 2016 (dù Gulen luôn phủ nhận). Không thể di lý được mục tiêu một cách hợp pháp, các đặc vụ Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt Selahaddin Gulen, cháu trai của Gulen, một giáo viên sống ở Kenya, đưa anh ta về Thổ Nhĩ Kỳ và kết án tù ba năm bốn tháng với tội danh “tham gia một tổ chức khủng bố”. Trong một báo cáo năm 2021, Freedom House xác định có ít nhất 58 nạn nhân bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt cóc từ 17 quốc gia kể từ 2014.
Phương Tây phải làm gì để chống lại nạn đàn áp xuyên quốc gia? Nhiều vụ kiện do các công tố liên bang đưa ra đã nêu rằng những hành vi trên vi phạm Đạo luật Đăng ký Đại diện Nước ngoài (Foreign Agents Registration Act-FARA), trong đó yêu cầu nhân viên của chính phủ nước ngoài phải đăng ký với Bộ trưởng Tư pháp Mỹ khi tham gia vào một hoạt động nào đó.
Hầu hết các vụ án này đều chưa được đưa ra xét xử (các tội danh có cả cản trở công lý và rửa tiền). FARA – được ban hành năm 1938 để chống lại tuyên truyền của Đức Quốc xã và cộng sản – là một công cụ không hoàn hảo để chống lại nạn đàn áp xuyên quốc gia. Một người “cố ý” vi phạm luật này có thể phải chịu án tù 5 năm và phạt tiền tối đa $10,000 nhưng việc thi hành luật bị trì hoãn suốt nhiều năm.
Từ 1966 đến 2015, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ chỉ truy tố bảy vụ án hình sự liên quan đến FARA. Trong những năm gần đây, số vụ đã gia tăng, kể cả một số vụ án cộm cán do cố vấn đặc biệt Robert S. Mueller III điều tra. Nhưng luật, về cơ bản, chỉ tập trung vào các quy định đăng ký và tiết lộ chứ không giải quyết các hành vi sai trái cơ bản.
Vì vậy, Bộ Tư pháp phải chống lại nạn đàn áp xuyên quốc gia bằng những công cụ khác có sẵn. Ví dụ luật cấm rửa tiền hoặc giết thuê. Chính phủ Hoa Kỳ cũng có thể sử dụng các biện pháp trừng phạt và cấm thị thực, như lệnh được áp đặt sau vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi của tờ The Washington Post. Bằng cách vạch trần những âm mưu trấn áp, các công tố viên hy vọng có thể răn đe những kẻ khác và chuyển thông điệp đến những kẻ độc tài là Hoa Kỳ sẽ không dung thứ cho những phương pháp bẩn thỉu của họ ở đây.
Mới đây, Freedom House đã xuất bản một bộ khuyến nghị chính sách chi tiết, kể cả khuyến nghị đưa vấn đề đàn áp xuyên quốc gia vào các báo cáo nhân quyền hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ. “FARA nên được sửa đổi để cung cấp cho cơ quan thực thi pháp luật một công cụ mạnh mẽ hơn để phát hiện và ngăn chặn những kẻ đang bí mật thực hiện mệnh lệnh của các nhà độc tài ở nước ngoài” – khuyến nghị viết.
Một số dự luật đã được trình tại Quốc hội để đưa đàn áp xuyên quốc gia thành tội hình sự, chẳng hạn như luật Chính sách Đàn áp Xuyên quốc gia (Transnational Repression Policy Act). GAO cũng đề nghị gây áp lực lên những chế độ độc tài đang nhận vũ khí Mỹ bằng cách sử dụng điều khoản của Đạo luật Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí (Arms Export Control Act) năm 1976 trong đó “cấm bán vũ khí cho các quốc gia có hình thức đe dọa hoặc quấy rối nhắm vào các cá nhân đang sống ở Mỹ”. Ả-rập Saudi và Ai Cập nằm trong số 25 nước nhận hay mua vũ khí Mỹ nhiều nhất.
Tất cả các nền dân chủ và xã hội mở phải cảnh giác trước các chế độ đàn áp lợi dụng tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) để ban hành lệnh bắt giữ và trao trả những người bất đồng chính kiến hoặc đối thủ chính trị đang ẩn náu ở các quốc gia khác.
Năm 2016 và 2017, Interpol đã buộc bên yêu cầu truy nã phải cung cấp thêm một lớp đánh giá pháp lý nữa nhằm tránh lạm dụng “thông báo đỏ” (thông báo được gửi đến các quốc gia để bắt giữ một người cụ thể theo yêu cầu pháp lý của một quốc gia) cho các lệnh truy nã có động cơ chính trị. Các chế độ đàn áp ngụy trang âm mưu bắt giữ bằng những tội thông thường (như trốn thuế) để Interpol không phát hiện ra động cơ chính trị đứng phía sau. Các nhà độc tài cũng gán nhãn hiệu “khủng bố” hoặc “cực đoan” cho mục tiêu. Nga và TQ thường xuyên làm điều này.