Thời của vũ khí robot (bài 1)

MQ-1B Predator (ảnh: John Moore/Getty Images)
Share:

Bài 1: Cuộc chạy đua khốc liệt

Có thể xem như là những loại vũ khí định dạng lại hình thái chiến tranh tương lai, các loại vũ khí robot, từ máy bay không người lái đến trực thăng bắn tỉa hoàn toàn tự động, đang được nghiên cứu chế tạo liên tục. Không chỉ Mỹ, Trung Quốc, Đức, Pháp, Israel…, cũng bắt đầu tăng tốc về nghiên cứu-phát triển vũ khí robot – át chủ bài chính trong bất kỳ cuộc chiến nào… Cục diện chiến trường Ukraine năm tuần qua với những xác xe tăng Nga chỏng gọng vì bị UAV của quân đội Ukraine tiêu diệt đã cho thấy điều đó…

Thời của vũ khí robot (bài 2)

Bùng nổ UAV

Một buổi chiều tại căn cứ Fort Benning (tiểu bang Georgia, Mỹ), hai mô hình máy bay bắt đầu cất cánh và vọt lên độ cao 250-300m rồi lượn vòng căn cứ để tìm mục tiêu giả định. Hai máy bay trên hoàn toàn tự động, không cần điều khiển từ xa, và tất nhiên không người lái. Sau 20 phút, một trong hai máy bay trên – mang theo máy tính có thể xử lý hình ảnh ghi lại từ camera – bắt đầu tìm được mục tiêu. Nó liên lạc tức thì với chiếc thứ hai. Tiếp đó, một trong hai máy bay truyền tín hiệu cho một chiếc xe không người lái ở mặt đất để quan sát kỹ mục tiêu hơn. Cuối cùng, mục tiêu được xác định và được đưa vào ống ngắm…

Cuộc thử nghiệm thành công này cho thấy thời của những cỗ máy chiến tranh hoàn toàn tự động và thậm chí có thể tự quyết định xử lý nhiệm vụ tác chiến, không cần sự trợ giúp của con người, đã bắt đầu định hình. Trong thực tế, không chỉ những “con” Predator được tung vào Pakistan hoặc Afghanistan, những loại vũ khí tự động gần tương tự hai mô hình vừa kể đã được Mỹ đưa vào khu phi quân sự giữa Bắc và Nam Triều Tiên. Vấn đề đáng chú ý nhất trong xu hướng này là các loại vũ khí robot chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều thay đổi căn bản về tư duy chiến lược lẫn mô thức chiến tranh.

MQ-1B Predator (ảnh: John Moore/Getty Images)

Được đầu tư mạnh nhất trong các loại vũ khí robot là máy bay không người lái điều khiển từ xa (UAV). Trung Quốc, Israel, Nga, Iran, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan… cũng đang đầu tư cực mạnh vào UAV nói riêng và vũ khí robot nói chung. Đến nay, Mỹ vẫn dẫn đầu về số lượng cũng như chất lượng, với 11,000 sát thủ UAV! Vài năm gần đây, không quân Mỹ đã đào tạo chuyên viên điều khiển UAV nhiều hơn cả phi công truyền thống. Các hãng vũ khí sừng sỏ của Mỹ, từ Northrop Grumman, General Atomics, đến Boeing… đều liên tục trình làng đủ loại UAV. Theo một báo cáo LHQ (dẫn lại từ Der Spiegel), hiện có khoảng 50 nước đã trang bị UAV, bằng cách mua hoặc tự chế tạo.

Drone Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho quân đội Ukraine (ảnh: Press Office of the President of Ukraine / Mykola Lararenko / Handout/Anadolu Agency/Getty Images)

Ngoài Mỹ, Israel là quốc gia thứ hai bán được UAV nhiều nhất thế giới, hầu hết đều xuất xưởng từ tập đoàn Công nghiệp hàng không Israel (IAI). Tại tổng hành dinh IAI (17,000 nhân viên) nằm ở rìa phi trường Tel Aviv, người ta có thể thấy vô số “hàng mẫu” bắt mắt, từ những UAV siêu nhỏ được đặt tên “Con muỗi” nặng chỉ 250 gr, loại “Mắt chim” (“Bird-Eye”, cất cánh bằng lực phóng cánh tay) cho đến loại “Báo đen” (“Panther”) to đến mức phải được chở bằng xe tăng, có thể bay sâu 60 km vào chiến tuyến kẻ thù và truyền dữ liệu trực tiếp về bộ chỉ huy…

Thế hệ UAV được đánh giá “xịn” nhất khai sinh từ IAI là “Heron”, mà phiên bản mới nhất của nó là “Heron-TP” nặng 4.5 tấn, có thể vừa do thám vừa tấn công. Nhiều chuyên gia quân sự tin rằng, Israel có thể dùng “Heron-TP” để đánh phá các nhà máy hạt nhân Iran nếu chiến sự hai nước xảy ra. “Heron” từng được dùng nhiều ở Afghanistan. Trong cuộc chiến Libya giữa năm 2011, “Heron” cũng được sử dụng với sứ mạng do thám trợ giúp quân đội NATO. Hiện có chừng 30 khách hàng đang xài “Heron” trong đó có Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Hàn Quốc, Brazil, Ecuador…

Heron (IAI)

Tại châu Âu, một trong những UAV đáng chú ý nhất là “Euro Hawk” siêu khủng, có thể bay liên tục 30 tiếng trên tầng bình lưu (hơn 18,288 m), với hệ thống camera giúp “nhìn xuyên” mây và bão cát. Đây là kết quả của công trình nghiên cứu 10 năm. Có thể nghe gần như rõ mồn một các cuộc điện thoại, xem trộm tin nhắn điện thoại di động; bắt được tín hiệu radio và tivi…, “Euro Hawk” được mệnh danh là “máy hút chân không” khổng lồ chuyên “hút” dữ liệu thông tin. Vài chi tiết kỹ thuật đã giúp cho thấy “Euro Hawk” thật sự là thế hệ UAV do thám nhất nhì thế giới hiện nay. Nặng 15 tấn, làm bằng sợi carbon, UAV này dài 14.5m với sải cánh khoảng 40m; có thể bay liên tục 25,000 km (bằng đoạn đường từ Berlin đến Tokyo rồi ngược về mà không cần hạ cánh). Được bay thử lần đầu ngày 29 Tháng Sáu 2010, Euro Hawk thật ra là sản phẩm của hãng Mỹ Northrop Grumman nhưng sau đó Northrop liên doanh với Tập đoàn Hàng không-quốc phòng châu Âu (EADS) để cho ra đời phiên bản châu Âu.

Với Trung Quốc, niềm kiêu hãnh của họ là chiếc “WJ-600”, mang theo tên lửa tấn công và hệ thống cánh có thể điều chỉnh để tương ứng với điều kiện bay. Giang Kiều Lương thuộc Viện nghiên cứu-thiết kế máy bay Thành Đô thậm chí nói rằng, công nghệ UAV quân sự Trung Quốc hiện “chẳng hề thua Mỹ” và hoàn toàn có thể “cạnh tranh ngang ngửa Mỹ về thị phần”. Nhà máy sản xuất UAV quân sự lớn nhất Trung Quốc là ASN Technology Group (Tây An ái sinh kỹ thuật tập đoàn công ty), nơi cho ra đời UAV “ASN-229A”, có thể bắn tên lửa “xa đến 2,000 km”.

Tuy nhiên, như Der Spiegel tiết lộ, nhiều loại UAV Trung Quốc hiện vẫn phải cần động cơ nhập từ Đức. Cho đến nay, về mặt thực tế mà nói, thế giới vẫn chưa thấy UAV quân sự Trung Quốc hoạt động hiệu quả như thế nào. Thật khó có thể hình dung một nền công nghiệp quốc phòng như “cường quốc quân sự Trung Quốc” hiện vẫn chưa chế được “cọng dây thắng” (cáp phanh giúp chiến đấu cơ hãm tốc khi hạ cánh trên tàu sân bay, mà Nga vừa từ chối bán) lại có thể “bắt kịp khoảng cách công nghệ UAV với Mỹ”, như nhận xét của một số nhà phân tích Mỹ.

Từ những UAV nhỏ như côn trùng đến UAV chiến đấu cơ

Công nghệ UAV quân sự đã phát triển đến mức nào? Một phần câu trả lời có thể tìm thấy tại Căn cứ không quân Wright-Patterson (Ohio, Mỹ), mà phòng lab nơi này đã và đang tiếp tục cho ra đời những loại UAV quân sự siêu nhỏ, được thiết kế mô phỏng theo các loại động vật trong thế giới tự nhiên, từ sâu bướm, diều hâu đến chim sẻ. Greg Parker, kỹ sư Phòng lab Wright-Patterson, cho biết, các loại UAV siêu nhỏ không chỉ phục vụ công tác do thám mà còn có thể giết người.

Nói về UAV, Mỹ là số một thế giới, với sự đa dạng chủng loại vẫn yếu tố hiệu quả. Từ cách đây 10 năm, nhóm nghiên cứu thuộc hãng AeroVironment đã cho bay thử nghiệm UAV “Nano Hummingbird” nhỏ bằng chim ruồi, được trang bị camera do thám. Bay với vận tốc hơn 17km/g, “Nano Hummingbird” có thể dễ dàng đậu trên bậu cửa sổ hay cành cây để ghi âm hoặc quay phim trộm. Cần nói thêm, AeroVironment hiện là một trong những chuyên gia về UAV siêu nhỏ. “Con” Raven của họ có sải cánh 1.4m và nặng 1.9kg; trang bị camera hồng ngoại, từng được dùng rộng rãi tại Afghanistan cho mục đích do thám. Ngoài ra, AeroVironment còn có UAV “Wasp” hay “Puma” (đều được phóng bằng lực cánh tay). Với tính hiệu quả vượt trội, AeroVironment đã được Cơ quan các dự án nghiên cứu quốc phòng cấp tiến (DARPA) thuộc Ngũ Giác Đài cấp vốn mạnh vài năm gần đây…

“Chim ruồi” Nano Hummingbird (ảnh: Andrew H. Walker/Getty Images)

Được phóng bằng lực tay còn phải kể đến “Desert Hawk” của Lokheed Martin. Với giá chỉ $300, “Desert Hawk” (sải cánh hơn 1.3 m; dài hơn 91 cm; nặng hơn 3.1 kg) có thể bay (bằng nguồn pin) khoảng 60 phút, thực hiện nhiệm vụ thám báo bằng camera hồng ngoại và hệ thống định vị toàn cầu. Khi được trang bị kính đêm, “Desert Hawk” có thể quan sát rõ vật thể trong bóng tối. Tại Afghanistan, “Desert Hawk” được dùng để canh gác quanh các căn cứ quân sự Mỹ… Có chức năng tương tự “Desert Hawk”, UAV “ScanEagle” của Insitu (chi nhánh Boeing) có thể bay (139 km/g) hơn 20 tiếng với tầm liên lạc hơn 100 km. Điểm khác biệt giữa “ScanEagle” và “Desert Hawk” là “ScanEagle” được phóng bằng “giàn ná” (hệ thống phóng bằng khí nén). Hải quân Mỹ được cung cấp “ScanEagle” từ năm 2005. Một loại UAV cất cánh bằng “giàn ná” nữa là “KillerBee” của hãng Raytheon, cũng có nhiệm vụ chủ yếu là do thám…

Điều đáng chú ý nhất khi theo dõi tiến trình phát triển UAV quân sự là sự hình thành thế hệ UAV chiến đấu cơ hoàn toàn tự động – một bước tiến ngoạn mục sau thế hệ của những Predator, Reaper hay RQ-170 Sentinel (mệnh danh “Quái vật Kandahar”, đặt như vậy khi nó lần đầu tiên được phát hiện trên một đường băng ở Kandahar, Afghanistan). Điển hình nhất của dòng chiến đấu cơ không người lái tự động là “X-47B” của Northrop Grumman. Bay thử lần đầu tiên ngày 4 Tháng Hai 2011, “X-47B” đáng chú ý ở chỗ nó là chiến đấu cơ không người lái hoàn toàn tự động (tự tìm mục tiêu và tự tấn công sau khi được nhận lệnh từ bộ chỉ huy), tức không cần điều khiển từ xa như đàn anh Predator.

X-47B của Northrop Grumman – chiếc drone đầu tiên trong lịch sử quân sự thế giới có thể cất và hạ cánh trên hàng không mẫu hạm (ảnh: Alan Radecki/U.S. Navy/Northrop Grumman via Getty Images)

Có thể bay ở độ cao 12,190 m với vận tốc siêu thanh, mang theo hai tấn vũ khí, tầm hoạt động hơn 3,800 km, “X-47B”, được thiết kế để có thể “tàng hình”, thật sự là một UAV mang lại diện mạo mới đối với quân đội Mỹ. Tuy nhiên, năm 2017, dự án “X-47B” bị xóa sổ khi Northrop Grumman cho biết họ không thể tiếp tục thực hiện trước những yêu cầu điều chỉnh gay gắt của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Cạnh tranh về tính năng với “X-47B” là “Phantom Ray” của Boeing (bay thử lần đầu tiên ngày 27 Tháng Tư 2011), cũng được thiết kế làm chiến đấu cơ không người lái hoàn toàn tự động… Với hai “hàng mẫu” “X-47B” và “Phantom Ray”, có thể thấy công nghệ UAV quân sự của Mỹ khủng khiếp như thế nào. Không có bất kỳ quốc gia nào có thể đạt được đỉnh cao mà Mỹ đang có về kỹ thuật thiết kế UAV quân sự.  Từ năm 1998, Mỹ đã cho ra mắt Global Hawk (hãng Northrop Grumman) mà đến nay vẫn là UAV do thám thuộc loại hàng đầu thế giới.

Phiên bản đơn giản hơn của máy bay chiến đấu không người lái là trực thăng robot ARSS (Autonomous Rotorcraft Sniper System) – một kết hợp giữa trực thăng, UAV và bắn tỉa. Trang bị khẩu Lapua Magnum 338 ly, ARSS – với hình dạng một trực thăng bay tự động – là tay sát thủ bắn tỉa đáng gờm. Tính hiệu quả của ARSS đã được chứng minh tại các cuộc đụng độ giữa hải quân Mỹ và cướp biển Somalia ở Ấn Độ Dương từ năm 2009 đến nay.

_______

Thời của vũ khí robot (bài 2)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: