Bắc Kinh không chỉ tìm cách mở rộng quyền bá chủ của tiếng Phổ thông (Mandarin, còn gọi là tiếng Quan Thoại, tiếng Bắc Kinh) và tiêu diệt dần dần tiếng Quảng Đông (Canton) mà còn đẩy mạnh tuyên truyền về “một bản sắc duy nhất” cho mọi người dân Trung Quốc (TQ), bất chấp xuất xứ của họ.
“Cảnh sát ngôn ngữ”
Vào cuối Tháng Tám, chính quyền Hong Kong (HK) đã đột kích vào nhà của Andrew Chan, người sáng lập một tổ chức vận động bảo tồn tiếng Quảng Đông có tên Hiệp hội Học Ngôn ngữ HK (Hong Kong Language Learning Association) chuyên quảng bá và chấn hưng văn hóa địa phương đã hoạt động được gần mười năm.
Cảnh sát và an ninh đã thẩm vấn Chan về một cuộc thi tiểu luận diễn ra ba năm trước đó viết bằng tiếng Quảng Đông, ngôn ngữ chung của HK. Lọt vào vòng chung kết có một truyện ngắn hư cấu về tương lai với nhân vật chính là một chàng trai trẻ nỗ lực khôi phục lịch sử của HK đã bị xóa bỏ bởi chế độ độc tài. Khi đang khám xét nhà của Chan, cảnh sát yêu cầu Chan xóa truyện ngắn này khỏi trang web của hội, nếu không ông và gia đình sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng. Không chịu nổi áp lực, Chan phải ra tuyên bố, nêu rõ: “Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc giải tán hoàn toàn Hội”!
Từ lâu, Đảng Cộng sản TQ đã quan tâm đến việc hạn chế sự đa dạng của các ngôn ngữ sử dụng ở đại lục và gần đây hơn là ở các khu vực hành chính đặc biệt. Chính sách mới là nâng tiếng Quan Thoại thành “quốc ngữ”, ngôn ngữ quốc gia duy nhất và hạ thấp giá trị tất cả các ngôn ngữ khác; từ những ngôn ngữ được sử dụng bởi các dân tộc thiểu số như tiếng Tây Tạng, tiếng Duy Ngô Nhĩ (Uyghur), cho đến các ngôn ngữ địa phương mà nổi tiếng nhất là tiếng Quảng Đông.
Các chính sách mới về ngôn ngữ đã tạo ra “hệ thống phân cấp ngôn ngữ” dựa vào cái gọi là “bản sắc TQ”, trong đó quy định, “ngôn ngữ đại diện cho bản sắc TQ phải thống nhất, đồng nhất và gắn liền với bản chất của nhà nước TQ”. Chính sách này xem nhẹ sự đa dạng bản sắc và cấm tôn vinh hoặc đối xử bình đẳng với bất kỳ ngôn ngữ nào ngoài “quốc ngữ”, thậm chí xem tất cả là mối đe dọa.
Trong những năm gần đây, chính phủ TQ còn đẩy mạnh hơn cuộc chiến chống lại các ngôn ngữ địa phương. Thập niên 2010 bị xem là quá ôn hòa trong việc thực thi nên cần thay đổi để phổ cập nhanh “bản sắc TQ” và mở rộng quyền bá chủ tối đa của tiếng Quan Thoại. Nhiều người tưởng TQ là quốc gia đồng nhất ngôn ngữ, nơi người dân nói cùng một “tiếng Trung” duy nhất là tiếng Quan Thoại, nhưng thật ra, TQ là một quốc gia cực kỳ đa dạng về ngôn ngữ.
Ngoài hàng chục ngôn ngữ được sử dụng bởi các nhóm thiểu số bản địa, như tiếng Mông Cổ, tiếng Duy Ngô Nhĩ và tiếng Tây Tạng, còn hàng chục ngôn ngữ như tiếng Quảng Đông, tiếng Thượng Hải và tiếng Tứ Xuyên. Nhưng ngày nay, nhà nước TQ gọi những ngôn ngữ TQ này là fangyan (phương ngữ). Trong các phát biểu chính thức, chính sách quốc gia và cả hiến pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (People’s Republic of China-PRC), tiếng Quan Thoại được định nghĩa là “ngôn ngữ quốc gia duy nhất” và “ngôn ngữ chung của người Hán”.
Hệ thống phân cấp ngôn ngữ có trước khi thành lập PRC. Kể từ thời kỳ Cộng hòa (1911–1949), nhiều nơi ở TQ đã quảng bá tiếng Quan Thoại (phổ biến ở Bắc Kinh và các vùng phụ cận) là tiếng quốc gia duy nhất nên các chủ thể nhà nước và phi nhà nước đều phải điều chỉnh thay cho tiếng địa phương. Ở cấp độ chính sách, chính phủ Quốc dân đảng, giống như Đảng Cộng sản kế nhiệm, đã quảng bá “tiếng Trung” cũng giống như PRC làm sau này. Thời Tập Cận Bình, công việc này được đẩy nhanh hơn nữa. Chỉ thị năm 2012 trao quyền cho các cơ quan nhà nước “giám sát và kiểm tra” việc sử dụng tiếng Quan Thoại trong cả không gian công cộng và riêng tư.
Những nỗ lực thâm độc tiêu diệt bản sắc địa phương
Từ các sự kiện “Tuần quảng bá tiếng Quan thoại” hàng năm tại các trường học địa phương (học sinh hô vang, “Cùng nhau nói tiếng phổ thông, cùng nhau xây dựng giấc mơ TQ”) đến việc chính quyền cấp tỉnh ban hành chỉ thị cấm sử dụng ngôn ngữ địa phương trong các cơ quan hành chính; cũng như việc các lãnh đạo cấp cao của đảng khiển trách các cán bộ nói tiếng Phổ thông “bữa đực bữa cái”.
Hiệu quả thấy rõ. Các cuộc khảo sát trên khắp TQ cho thấy số người có thể nói các ngôn ngữ địa phương khác ngoài tiếng Phổ thông đang giảm nhanh chóng. Đối với những ngôn ngữ được sử dụng bởi các cộng đồng “cá biệt” không phải người Hán (dân tộc chiếm đa số ở TQ), sự suy giảm còn nghiêm trọng hơn. Ở Tân Cương, người Duy Ngô Nhĩ thường xuyên bị bắt giam hoặc bị trừng phạt vì nói tiếng mẹ đẻ trong khi các tù nhân “cải tạo” bị bắt buộc dùng tiếng Quan Thoại.
Ở Tây Tạng, chính quyền gây khó khăn cho người dân học ngôn ngữ địa phương và bắt giữ một nhà hoạt động ngôn ngữ Tây Tạng vì dám đòi hỏi chính quyền tôn trọng quyền bình đẳng của tất cả các ngôn ngữ được ghi trong Hiến pháp. Năm 2020, nhiều người biểu tình ở Nội Mông, khi phản đối việc giảm số giáo viên dạy tiếng Mông Cổ, đã bị đàn áp và bắt giữ thẳng tay.
Kiểu đàn áp như thế không xảy ra đối với những người ủng hộ tiếng Quảng Đông nhưng đất sống cho nó không còn nhiều. Trường hợp của Hiệp hội Học Ngôn ngữ HK là điển hình nhất, sau nhiều năm chính quyền trung ương và các đồng minh ở HK tìm cách hạ thấp vị thế của “các phương ngữ không xứng đáng với địa vị và ảnh hưởng của quốc ngữ”, kể cả tiếng Quảng Đông.
Cuộc đàn áp là dấu hiệu cho thấy nhà nước TQ quyết tâm mở rộng quyền bá chủ của tiếng Quan thoại. Cứ mỗi cuộc biểu tình liên quan đến phương ngữ bị dập tắt hoặc một nhóm vận động bảo tồn ngôn ngữ bị xoá sổ lại có hàng trăm quyết định được đưa ra ở Bắc Kinh ngăn không cho việc học, nói hoặc viết lách bằng các ngôn ngữ khác, trừ tiếng Quan Thoại.
Và những lực lượng phản kháng ngấm ngầm
Một trong những lĩnh vực thể hiện rõ nhất sự quyết tâm “Quan thoại hoá TQ” là các ưu tiên dành cho các cơ sở hạ tầng và giáo dục tôn vinh “quốc ngữ”. Ngày nay, ở TQ đại lục, tất cả các chữ Latin được sử dụng trên biển hiệu đường phố, trong sách và tại các quảng trường công cộng đều phải dùng Hanyu Pinyin (汉语拼音 – Hán Ngữ bính âm), một hệ thống Latin hóa dựa trên cách phát âm tiếng Quan Thoại. Trẻ em TQ bắt buộc phải học Hanyu Pinyin ở trường, trong khi các cách phát âm khác thì không bắt buộc.
Hanyu Pinyin được dạy cả tại các trường học ở HK, trong khi hệ thống Latin hóa tiếng Quảng Đông (Canton Pinyin – 常用字廣州話讀音表:拼音方案 – Thường dụng tự Quảng Châu thoại độc âm biểu: bính âm phương án) không được dạy, quảng bá hoặc sử dụng.
Ngay cả bộ máy kiểm duyệt cũng phản ánh những ưu tiên về ngôn ngữ. Năm 2019, mạng xã hội video Douyin (抖音 – Đẩu Âm; phiên bản tiếng Trung của TikTok) bắt đầu gửi tin nhắn nhắc nhở những người đăng video bằng tiếng Quảng Đông là “Hãy vui lòng sử dụng tiếng Quan Thoại”. Khi được hỏi về các tin nhắn này, tập đoàn Bytedance sở hữu Douyin biện bạch: “Tin nhắn không cấm sử dụng tiếng Quảng Đông mà đơn giản là vì chúng tôi thiếu người kiểm duyệt các nội dung dùng tiếng Quảng Đông”.
Nhà nước cũng đầu tư vào các cơ quan kiểm duyệt tiếng Phổ thông, Hanyu Pinyin, hoặc dạy tiếng Phổ thông, chứ không đầu tư vào những ngôn ngữ khác. Bắc Kinh tin rằng sẽ không còn ai sử dụng những ngôn ngữ không được sự hỗ trợ của nhà nước. Nhìn vào thực tế, rõ ràng Bắc Kinh đã thể hiện rất rõ không chỉ đàn áp những người bất đồng chính kiến mà còn cả những ai dám quảng bá cho các bản sắc TQ khác.
Tại HK, việc thể hiện bản sắc địa phương bị quy chụp là bất đồng chính kiến; từ việc cấm ca khúc biểu tình bằng tiếng Quảng Đông “Glory to Hong Kong” (願榮光歸香港 – Nguyện vinh quang quy Hương Cảng) đến việc liên tục thay đổi chương trình giảng dạy lịch sử và nghiên cứu xã hội để nhắc nhở học sinh “các em không phải là người HK mà là công dân TQ sống ở HK”.
Trong những năm gần đây, những tiến bộ công nghệ đã cho Đảng Cộng sản TQ những cách thức mới để giám sát và kiểm soát không gian riêng tư và hạn chế hơn nữa quyền tự do thể hiện bản thân. Việc sử dụng rộng rãi các biện pháp giám sát, giam giữ vô pháp và lao động cưỡng bức ở Tân Cương trong những năm gần đây thể hiện nỗ lực lâu dài mà chính phủ TQ tiến hành để buộc người dân phải đi vào khuôn khổ.
Lâu dần, các hoạt động giám sát nghiêm ngặt trở thành “bình thường” trong cuộc sống hàng ngày, kể cả tại Hong Kong, nơi mọi đi đứng, hành động và lời nói của cá nhân đều bị theo dõi và có thể bị ghép tội “đe dọa an ninh quốc gia”.
Nhưng nói thế không có nghĩa là người dân TQ và HK cam chịu và chấp nhận các biện pháp hà khắc của chế độ độc tài. Sự bất đồng quan điểm ở đại lục, thường là lén lút và khéo léo, vẫn có thể nhìn thấy trên khắp đất nước TQ; từ việc người địa phương Thượng Hải chống lại quyền bá chủ của tiếng Quan Thoại bằng cách mở cuộc thi văn học tiếng địa phương cho đến các cuộc biểu tình cầm giấy trắng chống lại lệnh phong tỏa zero-COVID.
Các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ rầm rộ năm 2019 đã giúp hồi sinh bản sắc độc đáo của HK. Thăm dò cho thấy, hiện có ít hơn 1/10 cư dân HK tự nhận mình là “người TQ” trong khi 50% xác định mình là “người HK”. Trong cuộc thăm dò Tháng Sáu 2022, 76% người trẻ từ 18 đến 30 tuổi thích gọi mình là “người HK” so với 2% nhận mình là “người TQ”
Ngôn ngữ là yếu tố cốt lõi giúp người HK chống lại nỗ lực của nhà nước nhằm định hình lại bản sắc thành phố của họ. Nhà báo Mary Hui xem tiếng Quảng Đông là “ngôn ngữ phản kháng cốt lõi trong phong trào dân chủ năm 2019” để người HK tách bản sắc của họ ra khỏi bản sắc TQ, thông qua một loạt các biểu tượng, biểu ngữ và những bài hát dùng tiếng Quảng Đông. Việc bảo tồn tiếng Quảng Đông cũng mở rộng khắp thế giới, với các cộng đồng nói tiếng Quảng Đông ở Bắc Mỹ và Châu Âu nỗ lực quảng bá tiếng nói của họ – Foreign Affairs cho biết.