Biden lại giáng đòn vào Putin

Chỉ sau hơn ba tháng, Vladimir Putin lại nhận thêm một đòn giáng khác từ Tổng Thống Joe Biden
Share:
Từ trái sang: Thủ Tướng Spain Pedro Sanchez; Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Thủ Tướng Anh Rishi Sunak; Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg applaud tại ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh NATO Summit 11 Tháng Bảy, 2023 ở Vilnius, Lithuania. (Ảnh:Paul Ellis – Pool/Getty Images)

Ngày 4 Tháng Tư năm 2023, Phần Lan, quốc gia liên tiếp giữ vững danh hiệu “Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới” đã trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự NATO (Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – North Atlantic Treaty Organization). Quá trình gia nhập NATO của Helsinki đã diễn ra nhanh chóng, mặc sự hăm dọa của Nga.

Quốc kỳ xanh lam và trắng của Phần Lan tung bay cùng với 30 quốc gia khác tại trụ sở NATO là một đòn giáng mạnh vào Vladimir Putin và những người ủng hộ ông ta. Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Antony Blinken, đã phát biểu việc Phần Lan từ bỏ vị trí trung lập lâu năm để gia nhập NATO “là điều duy nhất chúng tôi có thể cảm ơn ông Putin.”

Chỉ sau hơn ba tháng, Putin lại nhận thêm một đòn giáng khác từ Biden, khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, đã bất ngờ tuyên bố ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO sau nhiều tháng ngăn cản. Thụy Điển có lực lượng hải quân hùng mạnh và sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của NATO ở Biển Baltic.

Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại thủ đô Litva (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Sự tham gia của Thụy Điển và Phần Lan có thể giúp NATO mở rộng khả năng an ninh trên bộ, trên biển, và trên không. Carisa Nietsche, một cộng tác viên của Chương trình An ninh xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm An ninh Hoa Kỳ mới cho biết: “Việc Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên NATO sẽ cung cấp cho liên minh này một tuyến đường tăng cường an ninh quan trong qua Biển Baltic.”

Lý do gì khiến Erdogan lại thay đổi đột ngột?

Đằng sau hậu trường, Biden và đội ngũ của ông đã hứa sẽ thực hiện giao dịch 20 tỷ USD bán chiến đấu cơ F-16 của Mỹ cho Thổ Nhĩ Kỳ, để đổi lấy sự ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO. Năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bị cấm vận kinh tế sau khi mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga.

Kể từ khi F-16 được giới thiệu vào cuối thập niên 1970, General Dynamics và Lockheed Martin đã sản xuất hơn bốn ngàn chiếc và xuất khẩu tới hơn 20 quốc gia trên thế giới. Chiến đấu cơ F-16 được thiết kế để có thể thực hiện mọi nhiệm vụ từ không chiến, tấn công mặt đất, cho đến chống hạm. Hệ thống radar tầm xa của F-16 có phạm vi hoạt động lên tới 296km, với khả năng theo dõi 10 mục tiêu cùng một lúc. Năm 2015, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã từng bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga bằng chiến cơ F-16.

Chính quyền Biden từ lâu đã ủng hộ việc bán F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Quốc hội đã ngăn chặn vì cho rằng Erdogan là một “đồng minh không đáng tin cậy” và nền dân chủ nước này còn nhiều khiếm khuyết. Tuy nhiên, đội ngũ Biden đã nỗ lực thuyết phục một số chính trị gia hàng đầu ở Điện Capitol ủng hộ giao dịch này của Nhà Trắng, vì dù sao vai trò thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ cũng quan trọng trong cuộc chiến chống lại liên minh độc tài Nga và Trung Quốc.

Erdogan đã cảm ơn Biden vì những nỗ lực của ông trong cam kết bán những chiếc F-16 cho nước này. Vào chiều thứ Hai, sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập NATO, Biden đã ra tuyên bố nhấn mạnh “sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Erdogan và [Thổ Nhĩ Kỳ] về việc tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe ở khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương.”

Không chỉ dừng lại ở đó, với các hoạt động vận hành lang ở hậu trường của đội ngũ Biden, Thụy Điển đã đồng ý hỗ trợ mở rộng thỏa thuận thương mại tự do của Liên minh châu Âu với Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Erdogan đã dần trở thành nhà lãnh đạo quyền lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong 20 năm qua và không ai có thể phủ nhận tính thực dụng của Erdogan. Đối mặt với nền kinh tế trong nước đang gặp khó khăn, Erdogan hiểu rõ hơn ai hết Thổ Nhĩ Kỳ cần có quan hệ tốt hơn với Hoa Kỳ và các nước châu Âu.

Cuộc chiến bảo vệ dân chủ trước liên minh độc tài giữa Putin và Tập Cận Bình là tối quan trọng đối với lợi ích an ninh Hoa Kỳ, đến mức Tổng Thống Biden có thể tạm bỏ qua các vi phạm nhân quyền của Erdogan. Bởi thế, Biden đã ca ngợi Erdogan “đã giữ lời hứa” dọn đường cho liên minh NATO có 32 thành viên.

Đoàn kết NATO để bảo vệ Ukraine đến cùng

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại thủ đô Litva, các đồng minh NATO đồng ý về kế hoạch Ukraine sẽ gia nhập NATO trong tương lai, khi có sự đồng ý của tất cả các thành viên và “các điều kiện được đáp ứng.” Nhưng chi tiết về thời điểm lại không được đề cập.

Mặc dù Biden chưa công khai ủng hộ Ukraine gia nhập NATO, Hoa Kỳ và nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới G7 đã tiết lộ các viện trợ quân sự cho Ukraine hôm thứ Tư, ngày 12 Tháng Bảy, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của nước này chống lại Nga.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, gọi kết quả này là một “thành công có ý nghĩa” và nhấn mạnh sẽ “mang về một chiến thắng an ninh quan trọng cho Ukraine.” Tổng thống Zelensky cũng cảm ơn ông Biden và người dân Mỹ vì hàng tỷ USD viện trợ quân sự.

Phát biểu trước hàng ngàn người ở trường Đại học Vilnius tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Litva (Lithuania), Tổng thống Joe Biden cam kết Hoa Kỳ và đồng minh “sẽ không dao động” trong nỗ lực bảo vệ Ukraine. Biden xem cuộc đấu tranh chống lại cuộc xâm lược của Putin ở Ukraine là một trong những thách thức trọng tâm của thế giới và nhấn mạnh sự đoàn kết của liên minh NATO sẽ không lay chuyển.

Tổng Thống Biden có bài phát biểu tại Vilnius University ngày 12 Tháng Bảy, 2023 ở Vilnius, Lithuania.  (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Biden đã bày tỏ lời cam kết ngay tại Litva, một trong những quốc gia thuộc quyền kiểm soát của cộng sản Liên bang Xô Viết. Biden đã so sánh sự tương đồng giữa cuộc đấu tranh của Litva để thoát khỏi sự cai trị của Liên Xô và cuộc chiến đang diễn ra của Ukraine để đẩy lùi cuộc xâm lược chết chóc của Nga. “Hoa Kỳ không bao giờ công nhận sự chiếm đóng của Liên Xô ở vùng Baltic,” Biden phát biểu trong sự cổ vũ nồng nhiệt của đám đông hàng nghìn người trong sân trường Đại học Vilnius.

Đặc biệt, Biden liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh để đối đầu với các thử thách. Biden tuyên bố: “Suy nghĩ cho rằng Hoa Kỳ có thể thịnh vượng mà không cần một Châu Âu ổn định, an ninh là không hợp lý. Cam kết của chúng tôi với Ukraine sẽ không suy yếu. Chúng tôi sẽ ủng hộ tự do hôm nay, ngày mai và cho đến chừng nào còn có thể.”

Trong một thăm dò mới nhất của Pew Research, hầu hết người Mỹ, 62%, ủng hộ liên minh NATO, trong đó sự ủng hộ lớn nhất nằm ở những người có trình độ sau đại học lên tới 75%. Còn theo một cuộc khảo sát mới nhất của Reuters/Ipsos, phần lớn người Mỹ ủng hộ việc nước này cung cấp vũ khí cho Ukraine để tự vệ trước Nga và tin rằng viện trợ quân sự chứng minh cho Trung Quốc và các đối thủ khác quyết tâm bảo vệ lợi ích của Mỹ và các đồng minh. Cũng trong cuộc khảo này, phần lớn cử tri Mỹ ủng hộ một ứng cử viên tổng thống tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine và ủng hộ liên minh NATO.

Quan trọng hơn, Biden hiểu rất rõ người lắng nghe chăm chú từng lời phát biểu của ông tại thủ đô Litva là Sa hoàng mới của nước Nga, Vladimir Putin. Bởi thế, Biden nói như một đòn giáng vào Putin:

Khi Putin và sự ham muốn điên cuồng về đất đai và quyền lực gây ra cuộc chiến tàn bạo của mình với Ukraine, Putin đã đánh cược rằng NATO sẽ tan rã… Ông ta nghĩ rằng sự đoàn kết của chúng ta sẽ tan vỡ ngay trong lần thử nghiệm đầu tiên. Ông nghĩ rằng các nhà lãnh đạo dân chủ sẽ suy yếu. Nhưng Putin đã nghĩ sai. NATO mạnh hơn, mạnh mẽ hơn, và đoàn kết hơn bao giờ hết trong lịch sử của liên minh.”

Không còn nghi ngờ gì nữa, bản lĩnh chính trường của Biden, và sự ủng hộ mạnh mẽ của Biden với liên minh quân sự NATO như những đòn giáng liên tiếp vào Putin, chắc chắn đã khiến Putin phải lo sợ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: