Clarence Thomas ‘bán đứng’ danh dự của TCPV Mỹ như thế nào?

Khi một Thẩm phán TCPV khinh thường cử tri và pháp luật, cán cân công lý không còn được duy trì ở sự công bằng và độc lập, thậm chí những nỗ lực hậu trường luôn tìm cách bẻ cán cân quyền lực ở Tối cao Pháp viện theo hướng bảo thủ
Share:
Thẩm phán TCPV Clarence Thomas đã nhận các chuyến du lịch sang trọng và đắt giá bằng du thuyền và máy bay riêng của ông Crow trong hơn hai thập kỷ. (Ảnh: Erin Schaff-Pool/Getty Images)

Ngành Tư pháp Hoa Kỳ, bao gồm các thẩm phán được đề cử bởi tổng thống và thông qua bởi Thượng viện, đóng vai trò cốt lõi của dân chủ Hoa Kỳ. Các thẩm phán liên bang được bổ nhiệm suốt đời hoặc cho đến khi tự nguyện về hưu. Họ chỉ có thể bị bãi nhiệm sau quá trình luận tội và xét xử của Quốc hội.

Quyền lực của ngành Tư pháp rất mạnh, được quy định trong Điều III Hiến pháp Hoa Kỳ. Đứng đầu ngành Tư pháp là Tối cao Pháp viện, gồm một thẩm phán chính (Chief Justice) và tám phó thẩm phán (Associate Justices.) Các thẩm phán liên bang áp dụng Hiến pháp để đưa ra phán quyết. Tuy nhiên, Tối cao Pháp viện có quyền lực cuối cùng, có thể ra phán quyết vô hiệu hóa các đạo luật mà quốc hội đã thông qua, hoặc các sắc lệnh của tổng thống với lý do bất hợp hiến. Cán cân Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ hiện đang nghiêng về theo phe bảo thủ Đảng Cộng hòa với sáu thẩm phán (3 thẩm phán còn lại theo quan điểm tự do phóng khoáng Đảng Dân chủ).

Vì quyền lực to lớn của Tối cao Pháp viện, chuẩn mực đạo đức và tính độc lập của các thẩm phán là tối quan trọng. Cử tri mong đợi nhân viên ngành Tư pháp phải duy trì truyền thống về sự công bằng và độc lập. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại, sự tín nhiệm của cử tri với Tối cao Pháp viện đã xuống mức thấp chưa từng có, với kỷ lục 42% cho rằng tòa tối cao “quá bảo thủ.”

Thẩm phán TCPV Clarence Thomas (da màu, hàng ngồi, thứ hai từ bên trái) trong đội ngũ 9 quan tòa của TCPV Hoa Kỳ. (Ảnh Jabin Botsford/The Washington Post via Getty Images)

‘Bán đứng’ Tối Cao Pháp Viện

Đề tài Tối cao Pháp viện còn ‘nóng’ hơn, khi ProPublica (tạp chí chuyên về các phóng sự điều tra) vừa công bố bản tin chấn động dư luận Mỹ: Thẩm phán Tối cao Clarence Thomas đã và đang nhận vô số quà tặng trị giá hàng triệu USD trong nhiều năm từ một người tỷ phú, Harlan Crow. Điểm nổi bật khi nhắc về ông tỷ phú Crow là những nỗ lực hậu trường tìm cách bẻ cán cân quyền lực ở Tối cao Pháp viện theo hướng bảo thủ (conservative).

Theo điều tra chi tiết của ProPublica, Thẩm phán Thomas đã nhận các chuyến du lịch sang trọng và đắt giá bằng du thuyền và máy bay riêng của ông Crow trong hơn hai thập kỷ. Nổi bật là chuyến du ngoại một tuần rưỡi khắp các đảo ở Indonesia trên siêu du thuyền của tỷ phú Crow. Vợ chồng thẩm phán Thomas sẽ phải trả tới $500.000 USD nếu du lịch tự túc.

Không chỉ dừng lại ở đó, Thẩm phán Thomas đã nhận các món quà vô cùng đắt giá từ ông Crow: Cuốn Kinh thánh trị giá $19.000 USD; tượng bán thân của Abraham Lincoln trị giá $15.000 USD, quyên góp $105.000 USD cho quỹ vẽ chân dung Thomas tại trường cũ của ông, và nhiều quyên góp khác. Tỷ phú bảo thủ Harlan Crow cũng đã quyên góp ít nhất 500.000 USD cho một tổ chức vận động chính trị hành lang do vợ của Thẩm phán Tối cao, Ginni Thomas, thành lập.

Theo báo cáo của ProPublica, ông Thomas đã có một tuần tại khu nghỉ dưỡng riêng của tỷ phú Crow để gặp gỡ với nhiều giám đốc điều hành, các nhà vận động hành lang, và lãnh đạo Federalist Society (tổ chức chuyên về pháp lý của phe bảo thủ). Đáng nói, ông thẩm phán đã không tiết lộ bất kỳ chuyến du lịch xa xỉ, hoặc các món quà đắt giá trong các báo cáo công khai tài chính.

Mức độ và giá trị của những món quà của ông tỷ phú dành cho Thẩm phán Thomas là “chưa từng có” trong lịch sử hiện đại của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Dư luận cho rằng ông Thomas đã “vi phạm pháp luật một cách cố ý và liên tục trong hai thập kỷ.” Các chuyên gia luật đạo đức cho biết việc ông thẩm phán không báo cáo dường như đã vi phạm Đạo luật Đạo đức yêu cầu các thẩm phán, thành viên Quốc hội, và các quan chức liên bang phải tiết lộ hầu hết các món quà giá trị nhận được.

Thẩm phán liên bang đã nghỉ hưu, Nancy Gertner, bày tỏ sự bất bình: “Tôi không thể hiểu nổi có người lại làm điều này. Khi lối sống xa hoa của một Thẩm phán Tối cao được tài trợ bởi những người giàu có và nổi tiếng, điều đó hoàn toàn làm xói mòn niềm tin của công chúng.”

Khinh thường sự hiểu biết của cử tri

Sau bài điều tra của ProPublica trở thành đề tài thảo luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông và báo chí, thẩm phán Thomas đã ra tuyên bố giải thích rằng tất cả những gì ông nhận được là “lòng hiếu khách” từ bạn bè và ông không nghĩ mình cần tiết lộ những ưu đãi đặc biệt đó. Tuy nhiên, thật khó để nghĩ rằng trong các cuộc gặp thường xuyên giữa một Thẩm phán Tối cao với những bộ óc pháp lý hàng đầu của phong trào bảo thủ, là những người thường xuyên xuất hiện trước Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, lại không bàn đến “công vụ”?

Tuyên bố của ông Thomas thật lạ kỳ đến độ cảm thấy ông xem thường sự hiểu biết của cử tri. Bất kỳ nhân viên chính phủ liên bang hoặc tiểu bang buộc phải tuân theo chuẩn mực đạo đức, cụ thể không nhận các món quà có giá trị hơn một khoảng nào đó. Ví dụ, các giáo viên trường công ở Louisiana không thể nhận một món quà trị giá hơn $25 USD. Mục đích của các chuẩn mực đạo đức không chỉ để tránh bị mua chuộc hoặc thiên vị, mà còn để tránh tạo ra những biểu hiện không đứng đắn.

Không biết ông Thomas có tự đặt câu hỏi liệu ông tỷ phú bảo thủ Harlan Crow có dành sự ưu ái quá đỗi dành cho ông nếu ông không phải là Thẩm phán Tối cao, nhưng chỉ là một nhân viên chính phủ bình thường, hoặc một người có khuynh hướng tự do tiến bộ (liberal)?

Cán cân Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ hiện đang nghiêng về theo phe bảo thủ Đảng Cộng hòa với sáu thẩm phán (3 thẩm phán còn lại theo quan điểm tự do phóng khoáng Đảng Dân chủ). (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Khinh thường pháp luật

Thử tưởng tượng thế giới bóng đá sẽ nghĩ thế nào nếu người đứng đầu Liên đoàn bóng đá Thế giới nhận các món quà đắt giá và thường xuyên du lịch trên máy bay riêng của một tỷ phú người TrungQuốc trong một thời gian dài? Chắc chắn các fan hâm mộ túc cầu sẽ không chấp nhận hành động này.

Tương tự, điều thẩm phán Clarence Thomas đã làm trong bí mật là không thể chấp nhận. Đại diện của ngành Tư pháp buộc phải tuân thủ các chuẩn mực đạo đức để duy trì tính độc lập và liêm chính. Các thẩm phán liên bang không chỉ buộc phải tránh những hành động không đúng đắn, mà còn phải cố gắng không tạo ra sự nghi ngờ sai phạm. Họ cũng phải báo cáo về những khoản thu nhập mà mình nhận được từ những hoạt động liên quan và không liên quan đến nghề nghiệp của mình.

Nếu những người giàu sụ có thể tiếp xúc thân thiết với các thẩm phán của Tòa án Tối cao, thì những thường dân có hy vọng gì về một phiên điều trần công bằng? Mối quan hệ quá đỗi mật thiết giữa tỷ phú bảo thủ Crow và Thẩm phán Tối cao Clarence Thomas khiến bất kỳ cử tri nào cũng có quyền nghi ngờ nguyên tắc “tất cả đều bình đẳng trước pháp luật.”

Thẩm phán Clarence Thomas đã vi phạm các chuẩn mực đạo đức dành cho ngành Tư pháp, bằng chuỗi ‘đi đêm’ với tỷ phú bảo thủ Crow trong hơn hai thập kỷ.

Rõ ràng, Thẩm phán Clarence Thomas đã vi phạm các chuẩn mực đạo đức dành cho ngành Tư pháp, bằng chuỗi ‘đi đêm’ với tỷ phú bảo thủ Crow trong hơn hai thập kỷ. Khi cử tri Mỹ xem các thẩm phán là những công dân có trách nhiệm nhất, thì các thẩm phán phải có lối sống đúng mực, công bằng, và liêm chính. Bất kỳ thẩm phán liên bang nào chà đạp nghĩa vụ đạo đức, thì họ không xứng đáng là trọng tài pháp luật.

Vi phạm đạo đức của Thẩm phán Thomas là nghiêm trọng, vì nó thể hiện ông không tôn trọng độc lập và liêm chính tư pháp. Từ mối quan hệ thân thiết với một tỷ phú bảo thủ quyền lực, cử tri có quyền nghi ngờ ông Thomas đang thực thi nhiệm vụ tối quan trọng của một Thẩm phán Tối cao không phải với tư cách là trọng tài pháp luật công bằng, mà là đối tác và đồng minh của những kẻ có tiền.

Điều này không chỉ hủy hoại danh dự của ông Thomas, mà còn phá hủy uy tín của Tối cao Pháp viện, trong thời điểm mà niềm tin của công chúng với ngành Tư pháp ngày càng thấp.

–––

Đọc thêm:

Clarence Thomas: ‘Kẻ huỷ diệt’

Quan tòa và tỷ phú: Vụ tai tiếng của Clarence Thomas 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: