Lá phiếu 2024 và tương lai chính trị toàn cầu

Diện mạo thế giới 2024 thay đổi như thế nào trước loạt cuộc bầu cử quan trọng?
Share:
Nền dân chủ Mỹ đứng trước thách thức nghiêm trọng với lá phiếu 2024 (ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Năm 2024 hai tỷ công dân của hành tinh sẽ đi bỏ phiếu trong hàng trăm cuộc bầu cử tổng thống, quốc hội của nhiều nước. Trong số này có 40 cuộc bầu cử quan trọng ở Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu… mà kết quả có ảnh hưởng lớn đến cả khu vực và thế giới. Nếu như ở các chế độ độc tài người ta dễ dàng biết được kết quả bầu cử nhiều tháng trời thì ở các nền dân chủ, bầu cử là một cuộc lựa chọn khó khăn cho tương lai của đất nước, đôi khi là lựa chọn sinh tử.

Nước Nga sẽ đi bầu tổng thống vào ngày 15-17 Tháng Ba 2024. Nhưng ngay từ lúc này, ai cũng đã biết Vladimir Putin – nhà độc tài, tội phạm chiến tranh – sẽ tiếp tục tại vị, đảm nhiệm thêm một nhiệm kỳ tổng thống sáu năm, nghĩa là ông ta sẽ tiếp tục cầm quyền đến năm 2030, thậm chí đến năm 2036.

Các chính trị gia đối lập, hoặc đã bị thủ tiêu, hoặc đang ngồi tù nên sẽ không ai cạnh tranh với Putin. Con đường chuyên chế của nước Nga sẽ không thay đổi sau cuộc bầu cử, nếu như không có một biến cố động trời nào đó chưa ai hình dung được, buộc ông Vladimir Putin phải từ bỏ quyền lực. Vì vậy, cuộc bầu cử tổng thống ở Nga với ông Putin là vai diễn duy nhất hầu như không gây được sự chú ý của thế giới bên ngoài.

Đài Loan: Chiến tranh hay Hòa bình?

Ngay đầu năm 2024, 24 triệu người dân Đài Loan sẽ đi bỏ phiếu bầu tổng thống ngày 13 Tháng Giêng và kết quả bầu cử sẽ có ảnh hưởng to lớn không chỉ đến tương lai của đảo quốc, quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan mà cả đến cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc, đến hoà bình ổn định của cả khu vực Đông Á.

Đương kim Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) sẽ không tái tranh cử sau hai nhiệm kỳ cầm quyền. Đảng Dân Chủ Tiến Bộ đương quyền, gọi tắt là DPP, đã giới thiệu liên danh tranh cử gồm ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te, William Lai) và bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim).

Ông Lại đang là phó của bà Thái, từng là Thủ tướng Đài Loan, còn bà Tiêu mới tháng trước là Đại diện Đài Loan tại thủ đô Washington, thực chất là đại sứ. Liên danh Lại-Tiêu tiếp tục đường lối của đảng DPP là bảo vệ chủ quyền của đảo quốc, dựa vào sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và phương Tây. Tuy chủ trương không tuyên bố Đài Loan độc lập, nhưng DPP nỗ lực duy trì hiện trạng của eo biển, gia tăng năng lực quốc phòng để tự vệ trước đe dọa sử dụng vũ lực để thâu tóm của Trung Quốc.

Ứng cử viên Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)

Quốc Dân Đảng (Kuomintang), gọi tắt là KMT, đưa ra liên danh gồm ông Hầu Hữu Nghi (Hou You-yih), cựu Thị trưởng Tân Đài Bắc, và ông Triệu Thiểu Khang (Jaw Shaw-kong), một ông trùm truyền thông thân Bắc Kinh. Từ Hoa Lục chạy ra Đài Loan năm 1949, KMT đại diện cho tầng lớp thượng lưu có gốc gác từ Hoa Lục và các nhà kinh doanh Đài Loan muốn quan hệ kinh tế mật thiết với thị trường Trung Quốc. Về chính trị, KMT cam kết bảo vệ Đài Loan nhưng thông qua các cuộc đàm phán, đồng thuận và thỏa hiệp với Bắc Kinh. KMT phản đối chủ trương tăng cường năng lực tự vệ của Đài Loan vì lo ngại điều đó sẽ kích thích một cuộc xung đột nóng ở eo biển.

Đảng Nhân dân Đài Loan, gọi tắt là TPP, mới thành lập, cử ông Kha Văn Triết (Ko Wen-ji), cựu đô trưởng Đài Bắc và nữ dân biểu Ngô Hân Doanh (Wu Hsin-ying) – một nhà kinh doanh có quan hệ làm ăn mật thiết với Hoa Lục. Đảng TPP tự xưng là “lực lượng thứ ba”, có quan điểm dân túy, phản đối tình trạng tham nhũng và lạm quyền trong hàng ngũ quan chức cao cấp của đảng KMT đối lập, đồng thời không tán thành chủ trương cứng rắn với Bắc Kinh của đảng DPP cầm quyền. Đảng TPP cam kết hoà hoãn với Bắc Kinh nhưng không đánh mất chủ quyền và nền dân chủ của đảo quốc.

Ứng cử viên Tổng thống Đài Loan Kha Văn Triết (ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)

Liên danh Lại-Tiêu của đảng DPP bị Trung Quốc coi là đại diện cho thế lực “ly khai phản động”, thúc đẩy độc lập ở Đài Loan, và đe nẹt cuộc bầu cử ngày 13 tháng Giêng 2024 là sự lựa chọn giữa “chiến tranh và hòa bình”. Vương Tại Hy (Wang Zaixi), một cựu quan chức cao cấp của Bắc Kinh nhấn mạnh trên báo South China Morning Post nn 25 Tháng Mười Hai: “Một điều chắc chắn: Đài Loan độc lập có nghĩa là chiến tranh; nhấn mạnh Đài Loan độc lập sớm hay muộn cũng dẫn tới chiến tranh”.

Giới phân tích cho rằng, bầu cử Đài Loan sẽ cho thấy người dân lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, hoặc tăng cường năng lực quốc phòng để bảo vệ tự do và chủ quyền, hoặc sẽ tránh né chiến tranh bằng cách chấp nhận là một thực thể không tách rời của Trung Quốc và giảm căng thẳng với Bắc Kinh thông qua liên kết kinh tế. Chiến tranh xâm lược của Nga tại Ukraine buộc cử tri Đài Loan phải nghĩ tới một tình huống tương tự. Triển vọng thống nhất với Trung Quốc theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” cũng làm người Đài Loan lo sợ sau khi Bắc Kinh ra tay triệt hạ nền dân chủ ở Hong Kong.

Những cuộc thăm dò ý kiến cử tri gần đây cho thấy, cuộc bầu cử là cuộc đua sát nút giữa đảng DPP cầm quyền và đảng KMT đối lập, đảng TPP theo sau không xa. Từ khi Đài Loan thực hiện bầu cử tự do năm 1996 đến nay, đảng DPP đã giành được bốn trong bảy nhiệm kỳ tổng thống, nhưng trong cuộc bầu cử chính quyền địa phương năm 2022, đảng KMT đối lập đã vượt lên dẫn trước. Xem ra cử tri Đài Loan sẽ rất khó khăn trong việc lựa chọn một chính đảng để gửi gắm tương lai của đảo quốc.

Cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan là một trong những cuộc bầu cử định hình chính sách đối ngoại Mỹ lẫn Trung Quốc (ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)

Mỹ: Nền dân chủ tiếp tục đứng trước thử thách

Cuộc bầu cử có ảnh hưởng lớn nhất đến tương lai của thế giới và được theo dõi sít sao nhất sẽ diễn ra ngày 5 Tháng Mười Một 2024 ở Mỹ. Đến cuối Tháng Mười Hai 2023, hai đảng vẫn chưa lựa chọn được ứng cử viên đại diện cho đảng mình, dù dư luận có phần nghiêng về khả năng đây là cuộc tái đấu giữa hai “ông già” Joe Biden, Tổng thống thứ 46 và Donald Trump, cựu Tổng thống thứ 45.

Toà án tối cao bang Colorado ngày 19 Tháng Mười Hai ra phán quyết ông Donald Trump sẽ không có tên trên phiếu bầu tổng thống sơ bộ của tiểu bang do vi phạm khoản 3, Tu Chính Án số 14 vì kích động vụ nổi loạn tấn công Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 6 Tháng Giêng 2021. Một tuần sau, ngày 27 Tháng Mười Hai, Tòa tối cao bang Michigan bác bỏ kháng cáo một quyết định của tòa cấp dưới, cho phép đưa tên ông Trump vào lá phiếu bầu của tiểu bang, ngược hẳn phán quyết của Colorado. Trump sẽ kháng cáo quyết định của Colorado lên Tối Cao Pháp Viện và cuộc tranh cãi pháp lý này còn kéo dài, kết quả thế nào chưa biết chắc được.

Cuộc song đấu giữa Trump và Biden không đơn giản là cuộc cạnh tranh giữa hai đường lối bảo thủ (conservative) của đảng Cộng Hòa và cấp tiến (liberal) của đảng Dân Chủ như thời trước. Gần đây, dưới ảnh hưởng của Donald Trump, đảng Cộng Hoà đã chuyển dần theo hướng cực hữu, gần với chủ nghĩa phát xít, còn một bộ phận của đảng Dân Chủ chuyển theo hướng cực tả, gần với chủ nghĩa xã hội.

Văn hoá chính trị Mỹ do vậy bị suy thoái trầm trọng: Hai chính đảng không còn nhìn nhau như những người bất đồng chính kiến cần phải đối thoại, thương lượng và thoả hiệp mà như những địch thủ cần bị đánh bại, loại trừ bằng mọi cách. Đối lập biến thành đối kháng, đảng Cộng Hòa dường như không còn chú trọng vào việc trị quốc mà chỉ nhắm ngăn cản đường lối chính sách của đảng cầm quyền. Tình trạng phân cực chính trị gay gắt đã khiến cho chính trường nước Mỹ bị tê liệt và có những tác động nguy hiểm đến thế giới bên ngoài.

Bất luận gây khó Trung Quốc như thế nào, Donald Trump vẫn là gương mặt được Bắc Kinh “chọn”, hơn là Joe Biden (ảnh: Thomas Peter-Pool/Getty Images)

Sự đối lập giữa hai đảng, giữa Biden và Trump, thể hiện rõ nhất trong các lĩnh vực đối ngoại, chính sách nhập cư và biến đổi khí hậu, bên cạnh những vấn đề nội bộ của nước Mỹ như chính sách kinh tế, vấn đề phá thai, bạo lực súng đạn và cải cách giáo dục.

Về chính sách đối ngoại, Joe Biden và đảng Dân Chủ xác định liên minh Nga-Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”, đang thách thức nghiêm trọng vị thế siêu cường của Mỹ và rắp tâm làm thay đổi trật tự thế giới hiện hành.

Ông Biden cho rằng cuộc chiến tranh đang xảy ra giữa Ukraine và Nga là cuộc đối đầu giữa dân chủ và độc tài mà thế giới tự do cần phải ủng hộ chính nghĩa của người Ukraine. Để đối phó với thách thức từ Nga và Trung Quốc, chính quyền Biden đã cố gắng củng cố các liên minh của Mỹ trên toàn thế giới, từ liên minh Mỹ-Nhật-Hàn ở Đông Á đến NATO ở châu Âu.

Trong khi đó đảng Cộng Hoà thì chuyển dần theo chủ nghĩa biệt lập, nước Mỹ trên hết và trước hết. Đảng Cộng Hòa đã quyết liệt ngăn chặn các khoản viện trợ quân sự cho các đồng minh Ukraine, Israel và Đài Loan mà chính quyền Biden đề nghị, dù ai cũng biết, mất đi nguồn viện trợ quân sự của Mỹ, Ukraine cầm chắc thất bại trước quân xâm lược Nga và nền dân chủ Đài Loan cũng khó đứng vững trước âm mưu thôn tính của Trung Cộng.

Cuộc khủng hoảng người nhập cư ở biên giới phía Nam đang làm cho chính quyền Biden và đảng Dân Chủ bị mất điểm trong mắt cử tri Mỹ. Số người vượt biên vào Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục kể từ khi Biden nhậm chức tổng thống. Đảng Cộng Hoà đổ lỗi cho chính sách nhập cư lỏng lẻo của chính quyền Biden và buộc chính phủ Mỹ phải giải quyết tình trạng mất an ninh ở biên giới nếu muốn kế hoạch viện trợ quân sự cho các đồng minh nước ngoài được thông qua.

Cả sáu ứng cử viên tranh chiếc vé đại diện đảng Cộng Hoà đều hứa hẹn sẽ thực thi những biện pháp chống nhập cư cứng rắn, như trục xuất những di dân không giấy tờ, gia tăng tuần tra kiểm soát biên giới, tống xuất những người vượt biên bất hợp pháp và chấm dứt việc nhập tịch tự động cho những trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Mỹ. Ứng cử viên Donald Trump thậm chí tuyên bố di dân bất hợp pháp “đang đầu độc dòng máu nước Mỹ” – một tuyên ngôn sặc mùi phát xít, lấy ra từ các bài diễn văn của trùm Đức Quốc Xã Adolf Hitler.

Nếu đảng Cộng Hòa thắng thế, sự an toàn của người nhập cư – người châu Á, châu Phi và Nam Mỹ – sẽ bị đe dọa bởi quan điểm thượng tôn da trắng. Chính sách tiếp nhận người tị nạn, bảo lãnh thân nhân từ nước ngoài đến Mỹ cũng sẽ bị hạn chế.

Ông Biden tin rằng hoạt động của con người là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, và khí hậu biến đổi làm cho thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn. Để làm giảm tiến trình biến đổi khí hậu, chính quyền Biden vừa dựa vào thế lực thị trường vừa ban hành những chính sách quản lý, như thiết lập hệ thống giảm thuế cho việc sử dụng năng lượng sạch, trợ cấp cho xe hơi chạy điện và các công nghệ thân thiện với môi trường.

Ông Trump thì cho rằng hoạt động của con người chỉ là một trong các nguyên nhân làm biến đổi khí hậu và ông không tin khí hậu biến đổi làm cho thời tiết khắc nghiệt hơn. Không dựa vào chính sách quản lý mà để cho thị trường quyết định, ông cam kết huỷ bỏ các chương trình trợ giá mua xe điện, giảm thuế cho năng lượng sạch. Ngược với ông Biden, ông Trump chủ trương khuyến khích khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá.

Tất cả các ứng cử viên Dân Chủ và Cộng Hoà đều thể hiện lập trường chống Trung Quốc mạnh mẽ. Nhưng cả sáu ứng cử viên Cộng Hoà đều không đưa ra được một chương trình hành động rõ ràng để đối phó với ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khi chính quyền Biden thực hiện chính sách vừa hợp tác vừa kiềm chế Trung Quốc trên hầu hết các lĩnh vực, từ quân sự đến thương mại và công nghệ.

Về lý thuyết, chính quyền Biden đã có thành tích nổi bật trong công cuộc phục hồi kinh tế Mỹ sau đại dịch COVID-19; tăng trưởng GDP có quý đạt 5%/năm, thất nghiệp giảm, lương căn bản tăng mạnh, lạm phát được kiềm chế, sản xuất công nghiệp được đẩy mạnh và thị trường chứng khoán ổn định. Nhưng một bộ phận lớn người Mỹ không tin vào thành quả của Bidenomics.

Cả Biden và Trump đều tố cáo nhau phản bội nền dân chủ: Trump lên án Biden và đảng Dân chủ “vũ khí hoá” ngành tư pháp để tiến hành các vụ điều tra, truy tố ông ta vì lý do chính trị, trong khi Biden tố cáo Trump và đảng Cộng hòa cổ xúy bạo lực, phá hoại niềm tin của người Mỹ vào các định chế dân chủ của đất nước như Hiến pháp, hệ thống công quyền, hệ thống tư pháp.

Còn gần một năm nữa mới đến ngày bỏ phiếu nhưng nhìn chung cử tri Mỹ không mấy hứng thú với cuộc đua chính trị của đất nước. Các cuộc thăm dò dư luận cho biết chỉ khoảng 53% cử tri sẽ đi bầu; phần lớn giới trẻ sẽ không đi bầu vì không thấy tiếng nói của họ được phản ánh trong chương trình hành động của các ứng cử viên. Thăm dò dư luận mới nhất của Times/Sienna, thực hiện ngày 10-14 và công bố ngày 19 Tháng Mười Hai 2023 ghi nhận, nếu cuộc bầu cử được tổ chức vào hôm nay thì trong số cử tri đã ghi danh đi bầu có 46% bỏ phiếu cho ông Trump, 44% bỏ phiếu cho ông Biden.

EU: Tả hay Hữu?

Cuộc bầu cử Tháng Mười Một 2024 ở Mỹ như vậy có ý nghĩa quan trọng đối với nền dân chủ lâu đời của cường quốc số một thế giới. Cũng nên lưu ý một xu hướng toàn cầu, trong đó các đảng chính trị cánh hữu với chủ trương “biệt lập” – đặt lợi ích của quốc gia lên trên các nghĩa vụ toàn cầu, trên các quan hệ đồng minh và lập trường chống người nhập cư – đang thắng thế ở rất nhiều nước chứ không chỉ ở Mỹ. Tại châu Âu, một thành trì vững chắc của chế độ dân chủ, các đảng chính trị cánh hữu đã thắng thế ở Ý, Ba Lan, Hà Lan, Phần Lan và Thụy Điển sau khi củng cố vị trí quyền lực ở Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ.

EU cũng sẽ chứng kiến những thay đổi quan trọng từ cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu từ ngày 6 đến ngày 9 Tháng Sáu 2023 (ảnh: Thierry Monasse/Getty Images)

Trong năm 2024, dự báo cánh hữu sẽ tiếp tục giành thế thượng phong trong các cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu (European Parliament) từ ngày 6 đến ngày 9 Tháng Sáu 2024, bầu cử ở Bồ Đào Nha ngày 10 Tháng Ba, ở Bỉ ngày 9 Tháng Sáu… Cử tri của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ đi bỏ phiếu bầu ra nghị viện 720 nghị sĩ – cuộc bầu cử dân chủ trực tiếp duy nhất bao trùm toàn EU.

Nghị viện châu Âu sẽ chọn ra Ủy ban Châu Âu (European Commission) – tức là nhánh hành pháp của liên minh lớn nhất hành tinh. Bà Ursula von der Leyen, người Đức, đương kim Chủ tịch EC, sẽ tái tranh cử một nhiệm kỳ nữa, nhưng cho dù thắng cử thì chưa chắc bà Leyen còn giữ được chức vụ trong một bộ máy điều hành EU chắc chắn sẽ phải sắp xếp lại.

Trọng tâm tranh cãi về chính trị trong cuộc bầu cử của Liên minh châu Âu (EU) là sự đối lập giữa quan điểm tự do (liberal) hiện hành với đường lối bảo thủ (conservative) và khuynh hữu (far-right). Các đảng chính trị cánh hữu có đường lối chống người nhập cư, hoài nghi hiệu quả của cơ chế Liên minh châu Âu, hoài nghi tương lai của khối này (euroskeptic) và muốn tách ra khỏi khối như nước Anh đã làm cách đây mấy năm.

Lá phiếu của cuộc bầu cử Mỹ và lá phiếu của các cuộc bầu cử ở châu Âu sẽ ảnh hưởng mạnh đến cục diện cuộc chiến Ukraine-Nga (ảnh: Vitalii Nosach/Global Images Ukraine via Getty Images)

Lập luận chính của nhóm chính trị cực hữu là EU – với tư cách một liên minh – đã quá xa rời thực tế cuộc sống hằng ngày của người dân châu lục và trở thành một guồng máy quan liêu, vô cảm.

Kinh tế đình đốn sau thời đại dịch COVID, đời sống người dân khó khăn, căng thẳng với nước Nga của Vladimir Putin và làn sóng người nhập cư ồ ạt từ Bắc Phi và Trung Đông đang gây ra một cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế xã hội trên toàn châu Âu và làm cho các đảng trung hữu, trung tả cầm quyền hiện nay bị mất uy tín trầm trọng trong cử tri của châu lục. Yêu cầu thay đổi đang nóng lên từng ngày trước cuộc bầu cử mà giới quan sát đều tin rằng sẽ định hình lại cơ cấu và tương lai của EU.

Tuy ở châu Âu thắng lợi của cánh hữu không gây chấn động dữ dội như thắng lợi của đảng Cộng hòa ở Mỹ nhưng sẽ dẫn tới nhiều thay đổi trong chính sách của EU, từ viện trợ cho cuộc kháng chiến chống Nga ở Ukraine đến điều chỉnh chính sách thuế khoá, phúc lợi xã hội cho đến các chính sách về di dân, nhập cư, siết chặt an ninh biên giới bên trong và bên ngoài khối EU. Ủng hộ Ukraine chẳng hạn, có thời được đồng thuận mạnh mẽ trong toàn EU 27 quốc gia, nay bắt đầu có dấu hiệu suy giảm và rạn nứt.

Những biến động to lớn trong vài năm gần đây, từ chiến tranh Nga-Ukraine, chiến tranh Hamas-Israel đến khủng hoảng khí hậu và suy thoái kinh tế đã làm cho cử tri thất vọng với các chính sách tự do, với toàn cầu hoá kinh tế, với sự cởi mở về văn hóa xã hội và điều đó sẽ quyết định sự lựa chọn của cử tri trong các cuộc bầu cử năm 2024.

Không khó để dự báo các xu hướng bảo thủ, biệt lập sẽ thắng thế, dẫn tới các chính sách đề cao quyền lợi quốc gia – kiểu như “nước Mỹ trước hết” (American First). Thế giới nên thích nghi với môi trường chính trị mới đó.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: