Kể từ khi tái nhậm chức Thủ tướng Israel vào cuối Tháng Mười Hai năm ngoái, Benjamin Netanyahu, nhà lãnh đạo theo đường lối chủ nghĩa dân tộc và tôn giáo, đã và đang phải đối mặt với hàng loạt cuộc biểu tình lớn nhằm phản đối dự luật cải tổ hệ thống tư pháp mà chính phủ của ông chủ trương.
Những người ủng hộ chính phủ Netanyahu cho rằng việc cải tổ tư pháp là cần thiết để cân bằng các nhánh khác nhau của chính phủ và chống lại sự thiên vị được cho là của cánh tả trong các quyết định của tòa án. Tuy nhiên, phần lớn người dân Israel không ủng hộ, với 60% cử tri muốn chính phủ tạm dừng dự luật cải tổ tư pháp.
Trận chiến bảo vệ ngành tư pháp Israel được nhiều người xem là cuộc chiến cho nền dân chủ đã trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Hôm thứ Hai, hơn 100.000 người đã xuống đường ở Jerusalem bằng cách biểu tình, ngồi ngăn cản một số nhà lập rời khỏi nhà và chặn các con đường lớn trên khắp đất nước, khiến giao thông ở thành phố đắt đỏ Tel Aviv phải tạm dừng trong một thời gian ngắn. Hàng chục ngàn người tập trung bên ngoài quốc hội Knesset, vẫy cờ Israel, và giơ cao các biểu ngữ “Hãy cứu lấy nền dân chủ!” và gọi Netanyahu là “kẻ độc tài.”
Đại tu tư pháp hay bẻ cong tư pháp?
Theo luật pháp hiện hành của Israel, một ủy ban bao gồm các chính trị gia, thẩm phán, và luật sư, có vai trò tuyển chọn thẩm phán. Tuy nhiên, dự luật cải tổ tư pháp sẽ trao cho liên minh cầm quyền nhiều quyền lực hơn trong việc chọn lựa thẩm phán. Đề xuất thay đổi này khiến dư luận lo sợ rằng các thẩm phán sẽ được bổ nhiệm dựa trên lòng trung thành với chính phủ hoặc thủ tướng.
Một thay đổi tư pháp khác là không cho phép Tòa án Tối cao đảo ngược “Luật cơ bản”, là những điều luật đại diện cho hiến pháp. Những người chỉ trích lo ngại rằng các nhà lập pháp sẽ có thể gọi bất kỳ điều luật nào là “Luật cơ bản” nhằm loại bỏ sự giám sát quan trọng của nhánh tư pháp đối với các đạo luật gây tranh cãi. Thêm vào đó là đề xuất nhằm trao cho quốc hội thẩm quyền đảo ngược các phán quyết của Tòa án Tối cao và kiểm soát việc bổ nhiệm các cố vấn pháp lý của chính phủ.
Dư luận lo ngại rằng cuộc đại tu tư pháp sẽ tạo ra một lối thoát hiểm cho Thủ tướng Netanyahu, người đang bị xét xử gần 3 năm với các tội danh nhận hối lộ, lừa đảo, và bội tín. Tất nhiên, ông Netanyahu và các thành viên liên minh cầm quyền đã bác bỏ những lời chỉ trích, và khẳng định cuộc cải tổ tư pháp sẽ củng cố nền dân chủ Israel.
Hôm Thứ Hai vừa qua, Quốc hội Israel tiến hành vòng bỏ phiếu đầu tiên để thông qua dự luật đại tu tư pháp. Cuộc bỏ phiếu hôm thứ Hai chỉ là cuộc bỏ phiếu đầu tiên trong số ba cuộc bỏ phiếu cần thiết để được quốc hội thông qua và nó vẫn diễn ra bất chấp lời kêu gọi trì hoãn từ nhiều phía.
Phản đối đại tu tư pháp
Các cuộc biểu tình phản đối cải tổ tư pháp với sự tham gia đông đảo của giới trẻ đã bắt đầu từ đầu năm 2023 kéo dài cho tới nay. Cuộc “đại tu” tư pháp của chính phủ Netanyahu vấp phải sự chỉ trích từ các nhà kinh tế, lãnh đạo quân sự, công nghệ quan trọng của Israel. Tham gia làn sóng phản đối, hàng trăm kinh tế gia hàng đầu Israel đã công bố một “bức thư khẩn cấp” cảnh báo rằng cuộc cải tổ tư pháp sâu rộng do chính phủ của Thủ tướng Netanyahu tiến hành có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với nền kinh tế.
Trong số những người ký bức thư này là Giáo sư Daniel Kahneman, người từng đoạt giải Nobel kinh tế; Giáo sư Eugene Kandel – cựu cố vấn kinh tế của ông Netanyahu và người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia; Giáo sư Omer Moav – cựu cố vấn của bộ trưởng tài chính; Giáo sư Avi Ben Bassat – nguyên Vụ trưởng Bộ Tài chính; và Giáo sư Manuel Trajtenberg – người nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ. “Việc tập trung quyền lực chính trị rộng lớn vào tay nhóm cầm quyền mà không có sự kiểm tra và cân bằng chặt chẽ có thể làm tê liệt nền kinh tế của đất nước,” bức thư cảnh báo.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Israel, Tom Nides, nhắc nhở Thủ tướng Netanyahu cần giảm tốc độ quá trình “đại tu” tư pháp, nếu không Hoa Kỳ khó giúp nước này xây dựng quan hệ với Arab Saudi, hay đối phó với Iran. Đại sứ Hoa Kỳ nhấn mạnh: “Một điều gắn kết Hoa Kỳ và Israel lại với nhau là ý thức về dân chủ và các thể chế dân chủ. Đó là cách chúng tôi bảo vệ Israel tại Liên Hợp Quốc.”
Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền, Volker Turk, đã thúc giục chính phủ Israel “tạm dừng” đề xuất đại tu tư pháp vì nó “sẽ làm suy yếu nghiêm trọng khả năng của cơ quan tư pháp trong việc bảo vệ các quyền cá nhân và duy trì pháp quyền như một biện pháp kiểm tra thể chế hiệu quả đối với quyền hành pháp và lập pháp.”
Israel: Dân chủ khiếm khuyết
Theo Chỉ số Dân chủ (Democracy Index) năm 2022 của Economist Intelligence Unit, nền dân chủ Israel đã bị giảm điểm, xếp vị trí thứ 29 trong số 165 quốc gia và vùng lãnh thổ, chấm dứt xu hướng tăng ổn định kéo dài nhiều năm. Trong khi quốc gia này được xếp hạng 9,58/10 cho quá trình bầu cử và đa nguyên và 9,44 cho sự tham gia chính trị, Israel chỉ đạt 7,86 cho hoạt động của chính phủ và 5,88 cho các quyền tự do dân sự.
Nền dân chủ Israel còn đối mặt với sự chỉ trích bởi sự chiếm đóng của quốc gia này ở Bờ Tây (West Bank), cũng như cách đối xử bất công với cộng đồng thiểu số Palestine. Công dân Israel gốc Palestine, chiếm khoảng 20% dân số, có quyền bầu cử, nhưng tiếp tục bị phân biệt đối xử về công việc và nhà ở. Hàng triệu người Palestine ở Bờ Tây sống dưới sự quản lý của Israel, nhưng không thể tham gia vào tiến trình dân chủ. Trong khi hàng trăm nghìn người Palestine cư trú ở Đông Jerusalem bị sáp nhập là “cư dân” chứ không phải công dân, do đó không thể bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử quốc gia.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, học giả pháp lý, và các tổ chức nhân quyền, Israel không phải là một nền dân chủ tự do, mà là một chế độ “phân biệt chủng tộc”. Tổ chức Ân xá cho biết thể chế của Israel được thành lập dựa trên “sự phân biệt, tước đoạt và loại trừ”, tương đương với tội ác chống lại loài người. Một báo cáo của tổ chức này cho biết Israel chiếm giữ đất đai và tài sản của người Palestine, giết người trái pháp luật, buộc người dân phải di dời, và từ chối quyền công dân của họ.
Trước đó, vào Tháng Tư năm 2021, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng cáo buộc chính quyền Israel phân biệt chủng tộc và đàn áp hàng triệu người Palestine, dựa trên những chính sách của chính phủ Israel nhằm duy trì sự thống trị của người gốc Do Thái đối với người Palestine trên khắp Israel và Lãnh thổ Palestine. Cũng theo ‘truyền thống’, chính phủ Israel đã cáo buộc các tổ chức này tội ‘bài Do Thái’ (anti-semitism).
Nhìn chung, đối với người Israel gốc Palestine, thể chế của Israel là phi dân chủ, bởi dân quyền và nhân quyền của họ bị bóp nghẹt tối đa. Vì vậy, công dân Israel gốc Palestine ít có động lực hơn người gốc Do Thái trong phong trào phản đối đại tu tư pháp của chính phủ Netanyahu.
Peter Beinart, giáo sư khoa báo chí và khoa học chính trị tại Đại học Thành phố New York, lập luận rằng, “Đối với hầu hết người Palestine dưới sự kiểm soát của Israel, những người sống ở Bờ Tây và Dải Gaza, Israel không phải là một nền dân chủ. Đó không phải là một nền dân chủ vì người Palestine ở các Vùng lãnh thổ bị chiếm đóng không thể bỏ phiếu chọn lựa ra chính phủ có thẩm quyền ra quyết định ảnh hưởng tới cuộc sống của họ.”
Giáo sư Larry Diamond của Đại học Stanford lập luận rằng nền dân chủ tự do có bốn yếu tố cần và đủ: bầu cử tự do và công bằng; sự tham gia tích cực của công dân vào thể chế dân chủ; bảo vệ các quyền dân sự và nhân quyền của mọi công dân; và một nền pháp quyền công bằng cho mọi công dân. Nghĩa là, Israel đang thiếu 2 trong số 4 tiêu chuẩn quan trọng của một thể chế dân chủ tự do đúng nghĩa.
Lãnh đạo đảng đối lập Yair Lapid cho rằng Israel đang “đi bước đầu tiên để trở thành một quốc gia phi dân chủ”. Những gì diễn ra thật sự cho thấy cuộc cải tổ tư pháp sẽ trao cho chính phủ quyền kiểm soát hệ thống tư pháp gần như tuyệt đối đối, khiến nền dân chủ suy yếu. Thêm vào đó là cách hành xử vô nhân đạo của chính quyền Israel khi tiếp tục đàn áp dân quyền và nhân quyền đối với hàng triệu người gốc Palestine.
Theo giáo sư Peter Beinart, giải pháp có thể cứu vãn nền dân chủ Israel đang trong cơn khủng hoảng là hãy xem những người Palestine như là đồng minh thân thiết và liên kết với họ trong cuộc chiến bảo vệ dân chủ. Giáo sư Beinart nhấn mạnh: “Một phong trào dựa trên chế độ phân biệt chủng tộc không thể thành công bảo vệ nền pháp quyền. Chỉ có một phong trào tranh đấu cho bình đẳng mới có thể.”