‘Người đã biết yêu người?’

Share:

Nhạc sĩ Văn Cao được nhận xét là một trong những trí thức tài đức của Việt Nam. Ông còn là thi sĩ, họa sĩ, tác giả của nhiều tuyệt tác. Cũng giống như nhiều trí thức miền Bắc bị Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) trù dập vì tham gia vào phong trào Nhân Văn Giai Phẩm ở giữa thập niên 50, cuộc đời của Văn Cao là một bi kịch chỉ vì ông dám thể hiện tư tuởng tiến bộ, yêu sách tự do cho nghệ thuật. Sự nghiệp của Văn Cao bị khai tử sau khi ông phổ biến bài thơ “Anh có nghe thấy gì không?” trên báo Giai Phẩm năm 1956:

“…Bao giờ nghe được bản tình ca

Bao giờ bình yên xem một tranh tĩnh vật

Bao giờ

Bao giờ chúng nó đi tất cả

Những con người không phải của chúng ta

Vẫn ngày ngày ngày ngang nhiên sống

Chúng nó còn ở lại

Trong những áo dài đen nham hiểm

Bẻ cổ bẻ chân đeo tội ác cho người…”

Những minh hoạ do nhạc sĩ Văn Cao vẽ. Ảnh trái, ông vẽ một ấn phẩm. Ảnh phải, ông tự hoạ mình. (Ảnh: tài liệu internet)

Sau khi Nhân Văn Giai Phẩm bị ĐCSVN đấu tố, chà đạp danh dự và đàn áp dữ dội, Văn Cao đã bị đảng kỷ luật, phải đi thực tế Điện Biên cùng Nguyễn Tuân và Nguyễn Huy Tưởng. Rồi lần lượt các tác phẩm khác của ông đều trở thành “quốc cấm”.

Trong suốt 30 năm, Văn Cao sống trong cô đơn, gian khổ, và gần như bị quên lãng như những văn nghệ sĩ trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Sau biến cố 30 Tháng Tư năm 1975, Văn Cao sáng tác tuyệt phẩm “Mùa xuân đầu tiên” và được báo Sài Gòn Giải Phóng in đầu Tháng Giêng năm 1976. Nhưng sau đó tuyệt phẩm này bị đảng giam cầm suốt 24 năm. Nghĩa là năm năm sau khi Văn Cao qua đời, vào năm 2000, “Mùa xuân đầu tiên” mới được “trả tự do.”

Nhà thơ Nghiêm Bằng, con trai thứ của nhạc sĩ Văn Cao, đã viết về sự ra đời của “Mùa xuân đầu tiên” trên báo Tuổi Trẻ vào Tháng Hai năm 2007:

Đó là một đêm vào giữa tháng 12-1975. Chúng tôi đang sống với cha mẹ trong ngôi nhà số 108 Yết Kiêu. Mùa đông Hà Nội rét tê tái. Cha tôi đã từ lâu rồi không đàn. Vậy mà trong đêm ấy, tôi nghe có tiếng chân nhè nhẹ lần từng bước từ phòng trong ra gần chiếc đàn piano – đối diện với chiếc đivăng tôi đang ngủ.

Tôi nằm nghe từng nốt nhạc “rề rề rề, rề sol la sí sol… rề rề rề, rề sol la sí sol, rề sol la si rế…”. Cha đàn ngập ngừng, rồi ngưng. Mấy hôm sau cha đưa tôi bản nhạc hoàn chỉnh có cả lời: Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên, với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông…

Nhạc sĩ Văn Cao bên cây dương cầm. Ảnh: tư liệu sưu tầm

Bài hát đã được báo Sài Gòn Giải Phóng số năm mới 1-1-1976 in trang trọng ở bìa 4 và thu thanh ngay sau đó, được phát trên sóng Đài Tiếng nói VN, nếu tôi không nhầm thì do ca sĩ Trần Khánh và đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói VN trình bày. Bài hát được phát khoảng mươi lần trong chừng một tháng (hồi ấy ca khúc được truyền bá chủ yếu qua sóng phát thanh), rồi không hiểu sao lặng lẽ chìm đi, như thể bị quên lãng.

Như mọi lần, trong suốt mấy chục năm, cha không tỏ ra bực bội gì, chỉ hơi buồn thôi. Cha tôi nói chắc chắn bài hát sẽ có ngày được hát lại và mọi người sẽ yêu nó. Và như mọi lần, cha tôi lại đúng. Chỉ có điều lúc đó cha tôi không còn nữa. Khi bài hát lần đầu tiên được phát trên sóng truyền hình Việt Nam năm 2000, cha tôi đã mất được năm năm.

Phần lớn nhiều người cho rằng “Mùa xuân đầu tiên” bị đảng khai tử là vì câu “từ đây người biết thương người.” Nhà văn Trần Đĩnh đã kể lại lời tâm sự của Văn Cao về tuyệt phẩm này trong Đèn Cù:

Hòa bình, tao làm ‘Mùa xuân đầu tiên’ là tao vùi chôn đi cái thứ quân hành tanh tưởi máu Ðảng bắt dân ta theo… Bài ấy chính là tao nức nở nghẹn ngào, đúng, đến độ thành ra êm đềm như ánh sáng ban mai vừa mới ló, cuộc sống run rẩy mới lên mầm. Mày ơi, mấy chục năm máu xương liên miên liệu ‘người đã biết yêu người’ như tao hy vọng chưa hả?”

Người đã biết yêu người? 

Sau 47 năm tuyệt phẩm “Mùa xuân đầu tiên” được nhạc sĩ Văn Cao khai sinh trong đêm Đông rét lạnh tại Hà Nội, buồn thay khi đến giờ ‘NGƯỜI’ vẫn chưa biết, và không muốn ‘yêu người’ như Văn Cao mong đợi. Đằng sau ‘NGƯỜI’ là thế lực nhân danh là “đạo đức”, là “văn minh”, là “mùa Xuân” vẫn tiếp tục độc quyền “yêu nước”.

Không một thủ đoạn hèn độc nào bị loại bỏ nhằm để vu khống, giam cầm, sỉ nhục nhân phẩm, thậm chỉ thủ tiêu, để độc quyền “yêu nước.” Bất kỳ ai quan tâm đến các vấn đề tham nhũng, hoặc bày tỏ sự bất mãn trước một chế độ “ăn của dân không từ một thứ gì” sẽ bị thế lực này đàn áp tàn nhẫn. Bản báo cáo nhân quyền của tổ chức nhân quyền thế giới phản ánh rõ điều này

Theo báo cáo nhân quyền, những người chỉ trích chính phủ Việt Nam đối mặt với sự đe dọa, quấy rối của công an, ngăn cản đi lại, bắt giữ, và giam giữ tùy tiện, sau những phiên tòa bất công. An ninh ĐCSVN còn tra tấn, ngược đãi, và giam giữ những tù nhân chính trị trong nhiều tháng mà không cho họ gặp luật sư.

Thêm nữa, những nhà bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền thường xuyên bị nhà cầm quyền sách nhiễu, đe dọa, bắt bớ, và tống giam tùy tiện. Số lượng tù nhân chính trị tăng theo thời gian. Vào năm 2021, các tòa án chế độ đã kết án ít nhất 32 người bằng nhiều năm tù vì phản đối các vấn nạn xã hội.

Báo cáo nhân quyền còn cho biết ĐCSVN còn thường xuyên sử dụng bộ luật hình sự Điều 117 “tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” đối với các nhà hoạt động xã hội dân sự. Vào Tháng Giêng, một tòa án ở Thành phố Hồ Chí Minh đã kết các bản án nặng, từ 11 đến 15 năm tù, đối với các thành viên nổi tiếng của Hội Nhà báo Độc lập, gồm Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, và Lê Hữu Minh Tuấn.

Hàng loạt các nhà hoạt động nhân quyền khác cũng bị nhà cầm quyền bắt giữ và kết án bất công, như Phạm Đoan Trang, Nguyễn Thúy Hạnh, Lê Dũng Vova, Đỗ Nam Trung, Lê Trọng Hùng, Nguyễn Duy Hưởng, Nguyễn Bảo Tiến, Trần Hoàng Huân, Bùi Văn Thuận, Nguyễn Duy Linh, Đinh Văn Hải, và Lê Văn Quân…

Đáng chú ý là an ninh ĐCSVN cũng đã bắt giữ các thành viên của nhóm Báo Sạch, nhóm các nhà báo độc lập đấu tranh chống tham nhũng và lạm quyền, và họ đã bị kết án rất nặng từ hai đến bốn năm rưỡi tù giam.

Rõ ràng, “NGƯỜI” không phải không biết “yêu người”. Nhưng có lẽ, “NGƯỜI” không muốn “yêu người”, cố ý “bẻ cổ bẻ chân đeo tội ác cho người”. Đáng sợ hơn, “NGƯỜI” cũng ngăn chặn người ta “yêu nhau”. Vì chỉ khi người ta thù ghét nhau, không dựa dẫm nhau, “NGƯỜI” sẽ được bám chặt quyền lực lâu hơn nữa.

Xuân đến. Tết về, là thời gian của yêu thương, đoàn tụ, hy vọng. Thế nhưng, hàng trăm tù nhân lương tâm và chính trị vẫn đang bị giam cầm trong các nhà tù nhỏ. Tết thiếu bóng cha, bóng mẹ, bóng anh, bóng chị… được bao trùm bởi nỗi buồn thống thiết. Đến khi nào thế lực nhân danh “đạo đức” vẫn còn đàn áp những người máu đỏ da vàng để duy trì tình yêu cho quyền lực và giàu sang, thì ước mong “NGƯỜI biết yêu người” của Văn Cao vẫn mãi chỉ là một giấc mơ đẹp, thấm đượm tình người trên con chữ, trên nốt nhạc mà thôi.

Bi kịch và ước mơ của người nghệ sĩ Văn Cao, phải chăng cũng chính là bi kịch và khát vọng của dân tộc của ông?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: