Nước Mỹ, từ những cuộc bầu cử “bát nháo”

XÃ LUẬN CUỐI TUẦN

Ảnh: Andrew Renneisen/Getty Images
Share:

Những kẻ thất bại thảm nhất từ cuộc bầu cử giữa kỳ 2022 ở Mỹ không chỉ là “đảng MAGA” mà còn là chủ nghĩa dân túy, lực lượng chính trị cánh hữu cực đoan và… Trung Quốc và Nga. Sự “bát nháo” của hệ thống bầu cử Mỹ, trong đó lá phiếu cử tri là quyết định một phần vận mệnh quốc gia, một lần nữa cho thấy hệ thống dân chủ Mỹ vẫn mạnh, dù từ nhiều thập niên nay, thế giới tin rằng thời của nước Mỹ đã kết thúc và sự suy tàn của đế quốc Mỹ là tất yếu;  nhường lại sân chơi cho kỷ nguyên “hậu Hoa Kỳ” (post-American), “hậu phương Tây” (post-Western)… được đánh dấu bằng sự ngoi lên của sức mạnh địa chính trị từ Trung Quốc và Nga.

Một cuộc kiểm phiếu ở Bắc Las Vegas, tiểu bang Nevada, ngày 10 Tháng Mười Một 2022 (ảnh: Mario Tama/Getty Images)

Vai trò Nga và Trung Quốc với sự công khai tranh giành ánh đèn sân khấu với vị trí độc tôn của Mỹ là không thể xem thường; và ai cũng có thể thấy Hoa Kỳ đang dần đánh mất vị trí thống lĩnh trong việc phân bổ quyền lực trên toàn cầu. Khi những người khác tỏa sáng thì Chú Sam phải mất đi vẻ lung linh. Thậm chí chính người Mỹ cũng than thở rằng những ngày đẹp nhất của đất nước họ đã trở thành ký ức quá khứ…

Tuy nhiên, trên thực tế, Chú Sam vẫn thở khỏe. Ánh đèn sân khấu dành cho Hoa Kỳ có mờ đi so với nhiều thập niên trước nhưng là so với chính họ. Khi so với hai đối thủ Nga và Trung Quốc, ảnh hưởng của ánh đèn Mỹ hiện vẫn sáng nhất thế giới. Sau mỗi cuộc bầu cử “bát nháo”, ít nhất là hai cuộc bầu cử gần đây – 2020 và 2022, người ta thấy rõ rằng nền dân chủ “tan nát” của Mỹ vẫn còn mạnh hơn được tưởng.

Nga và Trung Quốc hy vọng sự tan rã hệ thống dân chủ Mỹ ngay trong lòng nước Mỹ là cơ hội trời cho đối với họ. Nhưng, nước Mỹ “phức tạp” quá. Hệ thống chính trị Mỹ và dân Mỹ luôn phức tạp – một sự phức tạp thích ứng với những biến động chính trị xã hội mà những chế độ vốn được thiết dựng trên nền tảng chính trị độc tài không bao giờ có thể hiểu. Hóa ra những nhà “tiên tri chính trị” đều sai, hoặc chưa đúng, ít nhất ở thời điểm này, khi họ tin rằng bánh xe lịch sử xoay chuyển, các đế chế đến rồi đi – và giờ đây, đã đến lúc Hoa Kỳ phải đi vào giai đoạn “chết già”.

Ở một góc độ thì điều đó dường như đúng. Mỹ giống như một đế chế cũ rích. Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn, người ta thấy rằng quyền lực Mỹ không chỉ dựa trên sức mạnh gân cốt mà còn dựa trên những ý tưởng, thể chế và giá trị được đan kết vào cấu trúc hiện đại.

Trật tự toàn cầu mà Hoa Kỳ đã xây dựng kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc được xem không phải là một đế chế mà là một hệ thống thế giới, một hệ thống chính trị đa diện rộng lớn, nhiều thăng trầm, tạo cơ hội cho mọi người trên khắp hành tinh.

Hệ thống thế giới này đã chứng minh sức mạnh của nó khi quan sát phản ứng toàn cầu trước cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine mà tổng hành dinh chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ cuộc chiến, đặc biệt trên bình diện đấm đá chính trị quốc tế, và giúp Ukraine không gục ngã trước Nga, không phải ở Kyiv mà ở Washington DC.

Các cuộc bầu cử “bát nháo” ở Mỹ còn cho thấy mô hình chính trị của Mỹ vượt trội hơn mô hình các nước độc tài như thế nào. Và thể chế của Mỹ mạnh hơn thể chế cộng sản Trung Quốc như thế nào, đặc biệt khi so sánh một thể chế mang tính cá nhân (Bắc Kinh) với thể chế mang tính tập thể trong đó người dân là yếu tố quyết định (Washington).

Mỗi công dân, bất kể sắc tộc, đều có tiếng nói của mình (ảnh: Jon Cherry/Getty Images)

Cuộc so găng giữa Mỹ cùng hai đối thủ “có nanh có mỏ” Trung Quốc và Nga là cuộc chiến giữa hai logic thay thế của trật tự thế giới.

Hoa Kỳ bảo vệ một trật tự quốc tế mà họ dẫn dắt trong 3/4 thế kỷ – một trật tự cởi mở, đa phương, và gắn bó với các hiệp ước an ninh và quan hệ đối tác với các nền dân chủ tự do khác. Trung Quốc và Nga tìm kiếm một trật tự quốc tế truất ngôi các giá trị tự do của phương Tây.

Hoa Kỳ duy trì một trật tự quốc tế bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích của nền dân chủ tự do. Trung Quốc và Nga thèm khát xây dựng một trật tự quốc tế bảo vệ chế độ độc tài.

Hoa Kỳ cung cấp cho thế giới một tầm nhìn về một hệ thống toàn cầu hậu đế quốc (postimperial global system). Trong khi đó, giới lãnh đạo Nga và Trung Quốc “sáng tạo” các chính sách đối ngoại dựa căn bản vào nền chính trị đế quốc, hay nói chính xác hơn là thực dân kiểu mới.

Nước Mỹ vẫn tiếp tục có một sức hấp dẫn nhất định, về năng lực kinh tế, công nghệ, giáo dục; chưa kể sức mạnh quân sự vô song. Hoa Kỳ sẽ vẫn là trung tâm của hệ thống thế giới một phần vì những khả năng vật chất và vai trò xoay trục trong cán cân quyền lực toàn cầu. Hoa Kỳ tiếp tục duy trì hình ảnh quan trọng còn là vì: Sự hấp dẫn của các ý tưởng, thể chế và năng lực xây dựng quan hệ đối tác và liên minh, khiến nước này trở thành một lực lượng không thể thiếu đối với bất kỳ quốc gia nào, kể cả với những nước cộng sản như Trung Quốc hay Việt Nam. Trong “30 giây”, thế giới có thể đẩy Nga ra rìa một phát một. Chẳng ai có thể làm được điều đó với Mỹ cả.

Mỹ không chỉ là một quốc gia giàu có về vật chất. Xã hội dân sự của Mỹ, thể hiện ở lá phiếu cử tri, còn được “làm giàu” nhờ nền tảng nhập cư đa chủng tộc và đa văn hóa, kết nối đất nước với thế giới trong mạng lưới ảnh hưởng theo cách mà Trung Quốc, Nga không thể làm nổi. Không như các đối thủ cường quốc, Hoa Kỳ là quốc gia của những người nhập cư, đa văn hóa và đa chủng tộc. Điều mà nhà sử học Frank Ninkovich gọi là một “nền cộng hòa toàn cầu”.

Thế giới đến với Hoa Kỳ, và kết quả là Hoa Kỳ được kết nối sâu sắc với tất cả khu vực trên thế giới thông qua các mối quan hệ gia đình, sắc tộc và văn hóa. Những mối quan hệ phức tạp và sâu rộng này, hoạt động bên ngoài lĩnh vực chính phủ và ngoại giao, làm cho Hoa Kỳ trở nên phù hợp và gắn bó trên toàn thế giới. Hoa Kỳ hiểu biết hơn về thế giới bên ngoài, và thế giới bên ngoài có vai trò lớn hơn trong những gì xảy ra ở Hoa Kỳ.

Truyền thống nhập cư ở Hoa Kỳ đã mang lại rất nhiều lợi ích trong việc xây dựng “nguồn vốn con người” cho nước Mỹ. Nếu không có nền văn hóa nhập cư, Hoa Kỳ sẽ kém giàu có hơn và nổi bật trong các lĩnh vực tri thức hàng đầu, bao gồm y học, khoa học, công nghệ, thương mại và nghệ thuật. Trong 104 người Mỹ được trao Nobel hóa học, y học và vật lý kể từ năm 2000, 40 người là thành phần nhập cư.

Hình ảnh Mỹ có thể lu mờ ít nhiều so với nước Mỹ của quá khứ nhưng vị thế chính trị quốc tế của Mỹ vẫn luôn ở tư cách dẫn đầu thế giới (ảnh: Samuel Corum/Getty Images)

Tương tự sự đa dạng về dân số liên kết Mỹ với thế giới, sự kết hợp của các nhóm xã hội dân sự của Hoa Kỳ cũng xây dựng một mạng lưới có ảnh hưởng rộng khắp toàn cầu. Trong thế kỷ qua, xã hội dân sự Hoa Kỳ ngày càng trở thành một phần của xã hội dân sự toàn cầu mở rộng. Xã hội dân sự xuyên quốc gia rộng lớn này là một nguồn ảnh hưởng thường bị bỏ qua của Mỹ, thúc đẩy sự hợp tác và đoàn kết trên toàn thế giới dân chủ tự do.

Chính xã hội dân sự toàn cầu của Mỹ đã giúp củng cố các nguyên tắc tự do, tăng cường vai trò trung tâm của Hoa Kỳ trong các cuộc đối đầu toàn cầu về trật tự thế giới. Trung Quốc và Nga có mạng lưới chính trị và cộng đồng người nước ngoài của riêng họ nhưng họ tuyệt đối không có một hệ thống xã hội dân sự toàn cầu nào; thậm chí Trung Quốc và Nga đều thẳng tay đàn áp hoạt động của các nhóm xã hội dân sự trong nước cũng như quốc tế trong lãnh thổ họ.

Cho đến giờ, một cách tổng quát, bất chấp những ý kiến rằng “thời của Mỹ đã tàn”, Hoa Kỳ vẫn là trung tâm của một hệ thống trật tự tự do cung cấp các giải pháp thể chế cho những vấn đề cơ bản nhất của chính trị thế giới. Hoa Kỳ vẫn là nhà vô địch với những nỗ lực định hình môi trường hoạt động của quan hệ quốc tế. Còn nữa, về cốt lõi, một trong những sức mạnh lớn nhất của Hoa Kỳ là khả năng nếm chịu thất bại và học từ thất bại; từ thất bại kinh tế đến thất bại chính trị; từ thất bại lá phiếu cổ đông trong một đại công ty đến thất bại của lá phiếu cử tri dành cho một chính trị gia hay một đảng phái… Với tư cách một xã hội tự do, Mỹ luôn thừa nhận những điểm yếu và sai sót và tìm cách cải thiện – điều mà hệ thống chính trị, thể chế lẫn xã hội ở những nước như Nga và Trung Quốc không hề tồn tại.

Trừ phi có một hệ thống tự do và bầu cử tự do dân chủ thật sự, Nga và Trung Quốc có rất ít khả năng “đập chết” nước Mỹ. Cột trụ của nước Mỹ không chỉ là hệ thống chính trị, nó còn là giá trị và sức mạnh của lá phiếu bầu cử tự do.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: