Khi nhà nước không ngừng “thu”

CÂU CHUYỆN THỨ NĂM
Share:
Ông Đặng Hùng Võ, cựu thứ trưởng Bộ TN-MT Việt Nam cho rằng : Nhà nước phải thu được giá trị đất đai tăng thêm do đầu tư trên đất mang lại. Ảnh VnEconomy

Khu vực Bắc Bán Cầu đang vào mùa thu. Khắp cõi Facebook, người dùng tấp nập đăng hình ảnh lá vàng, mưa bụi và cảm xúc khi một mùa thu mới lại về – mùa của thi ca, nhạc họa, mùa của những cuộc tình thơ mộng. Nhưng có một thứ “thu” mà người nghe sởn da gà. Đó là “thu”, một hành động cốt lõi trong việc trị quốc của đảng và nhà nước cộng sản ở Việt Nam. 

“Thu” trở thành từ khóa (key word) trong dư luận xã hội vì bài phát biểu của ông “tiên sư giáo sĩ” Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – bộ quản lý đất đai rừng biển – trong chính phủ Hà Nội. Tại Diễn đàn Kinh tế xã hội Việt Nam 2022 sáng ngày 18 Tháng Chín 2022, ông Võ nói “Nhà nước phải thu được giá trị đất đai tăng thêm do đầu tư trên đất mang lại”, theo tường trình của báo VnEconomy, tại đây.

Ý chính của ông Võ, theo bài tường trình trên, là: “Hiện nay ta quá phung phí giá trị đất đai tăng thêm, hay nói cách khác là giá trị gia tăng này không “chui” được vào ngân sách nhà nước, mà nằm ở các nhà đầu tư dự án hay đầu cơ đất đai”. “Nhà nước phải cương quyết thu được giá trị đất đai tăng thêm do quá trình đầu tư trên đất mang lại”, ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.  

Trong tiến trình phát triển, đất đai càng ngày càng có giá; một phần do con người không ngừng sinh sôi mà đất đai thì không giãn nở được; phần khác do sự đầu tư công sức và tiền bạc của con người. Những vùng đất ngày xưa hoang vu, khỉ ho cò gáy, nhưng khi có người di cư tới, đổ mồ hôi nước mắt khai khẩn và trồng trọt thì trở thành ruộng vườn, sinh ra hoa trái và giá trị được gia tăng gấp hàng trăm ngàn lần; chuyện đó ai cũng biết, cũng thấy. Công cuộc khẩn hoang miền Nam với những Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, U Minh Thượng và Hạ đất ruộng cò bay thẳng cánh… hình thành từ vô số những dòng kênh đào đẫm mồ hôi và máu của những lưu dân miền Trung, miền Bắc là những minh chứng lịch sử không bao giờ phai nhòa. 

Trong tiến trình đô thị hóa, nhiều khu đất trước đây là đất nông nghiệp, làm ruộng hay vườn cây ăn quả, được đầu tư làm đường sá, lưới điện… đã biến thành khu dân cư, khu công nghiệp hoặc khu kinh doanh thương mại, giá trị đất đai cũng tăng lên hàng trăm lần. Nhà cầm quyền cộng sản tận dụng quy luật này, không chỉ chiếm đất tràn lan biến vô số người dân thành “dân oan” mà còn ồ ạt san lấp ao hồ kênh mương và những vùng đất trũng ngập nước để lấy đất “phân lô bán nền”, làm các dự án bất động sản, gây ngập lụt triền miên ở tất cả các thành phố, kể cả những đô thị trên núi cao như Đà Lạt, Sapa cũng không thoát.

Rõ ràng giá trị đất đai tăng lên nhờ công sức và tiền của đầu tư. Nhưng ai là người được hưởng thành quả tăng lên đó? Cho dù nhà nước cộng sản bỏ tiền của làm đường làm điện để biến những khu đất hoang thành khu đô thị thì đồng tiền đó cũng là tiền đóng thuế của người dân và do vậy, người dân phải được hưởng phần giá trị gia tăng, nhà nước không nên tính cách “thu” của họ. 

Các lô đất ở Thủ Thiêm Sài Gòn được đưa ra đấu giá với giá mỗi mét vuông từ 476 triệu đến 2.5 tỷ đồng. Đến nay tất cả các công ty trúng đấu giá đều đã bỏ của chạy lấy người, chịu mất tiền cọc. Ảnh Quỳnh Trần/VNExpress

Tất nhiên ở Việt Nam, không loại trừ việc đầu cơ đất đai của các đại gia bất động sản câu kết với lãnh đạo chính quyền, thu đất của dân với giá đền bù rẻ mạt để rồi bán lại với giá trên trời sau khi đã mở vài con đường, trồng vài cây trụ điện, khoản tiền lời, đúng hơn là tiền chênh lệch giá, rơi vào túi các quan tham và đại gia. Trường hợp chiếm đất ở Thủ Thiêm nhức nhối suốt mấy chục năm nay, và càng nhức nhối hơn khi giá đất ở Thủ Thiêm lên tới 2.45 tỷ đồng một mét vuông, hơn cả các đô thị đắt đỏ nhất thế giới như Tokyo, New York trong khi trước đây chỉ đền bù cho người dân chỉ vài trăm ngàn đồng một mét vuông, là một ví dụ tiêu biểu. Nếu cần thu, thì lẽ ra chính quyền phải thu khoản lợi nhuận chênh lệch mà các quan tham và bọn cá mập đất đã chia nhau chứ không phải thu của dân.

Có người sẽ nói, ở các nước phát triển chính quyền cũng thu giá trị tăng thêm của đất đai qua chính sách thuế: Giá nhà đất càng lên thì tiền đóng thuế cũng tăng theo. Đúng vậy, nhưng chính sách thuế bất động sản ở các nước như Mỹ được thiết kế sao cho người giàu, nhà càng có giá cao thì tiền thuế phải đóng càng nhiều; người chỉ có một căn nhà để ở thì đóng thuế ít hơn người có nhiều nhà cho thuê. Ở Việt Nam thì không phải như vậy; Việt Nam đóng “thuế thổ trạch” theo diện tích đất, với mức thuế khá nhẹ, có cộng thêm một số phần trăm gọi là “hệ số sinh lợi” để phân biệt đất trong hẻm và đất mặt đường có giá khác nhau dù có khi cùng diện tích. Thuế thổ trạch ở Việt Nam không tính giá trị nhà nếu chưa sang nhượng, và vô hình chung đánh đồng biệt thự với nhà xập xệ, rất bất công.

Đã có nhiều ý kiến đề nghị chính quyền Hà Nội ban hành “thuế tài sản”, đánh thuế lên tài sản – đặc biệt là bất động sản – của mọi tầng lớp dân chúng, giống như thông lệ của nhiều nước trên thế giới, nhưng chưa bao giờ nhà cầm quyền xem xét nghiêm chỉnh những đề nghị hợp lý này. Lý do không có gì khó hiểu: Chỉ những tầng lớp quan lại, trọc phú, tư sản đỏ có quan hệ mật thiết với đảng và chính quyền mới sở hữu nhiều tài sản, nhiều nhà cửa đất đai và mới trở thành thành phần phải đóng thuế nhiều nếu một đạo luật thuế tài sản như vậy được ban ra.

Bây giờ thì ông cựu Thứ trưởng Đặng Hùng Võ kêu gào thu “giá trị đất đai tăng thêm do quá trình đầu tư trên đất mang lại”. Ý kiến của ông sẽ hợp lý nếu chính sách thu đó chỉ nhằm vào những thành phần quan chức và đại gia đầu cơ đất đai, hưởng lợi kếch xù trên nỗi đau của “dân oan”; nhưng sẽ hết sức vô lý nếu áp dụng cho mọi người dân, những người đã đổ tiền của, mồ hôi nước mắt vô miếng đất, căn nhà của họ, làm cho nó có “giá trị tăng thêm” mà lẽ ra họ phải được hưởng phần giá trị đó.

Từ khi chiếm được quyền lực, đảng Cộng sản đã “thu” của dân không ngừng nghỉ bằng đủ mọi thủ đoạn khiến toàn dân trắng mắt trắng tay. Đất đai của tổ tiên để lại cũng bị nhà nước “thu”, biến thành “sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý”, người dân chỉ có quyền sử dụng và có thể bị tước đoạt bất cứ lúc nào. Bây giờ, từ cái quyền sử dụng mỏng manh đó, người ta vun quén, canh cải để miếng đất cái nhà trở nên có giá trị hơn, đảng và chính phủ lại đòi “thu” tiếp. Chắc phải đến khi người dân chỉ còn “cái lai quần” thì nhà nước mới ngừng thu chăng?  

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: