Phú Quốc đang phát triển hay bị phá nát?

Phú Quốc (Paul Szewczyk/Unsplash)
Share:

Phú Quốc, hòn đảo lớn nhất Việt Nam từng nổi tiếng là “thiên đường cuối cùng quyến rũ” của quốc gia. Sau đó, các câu lạc bộ, sòng bạc, và safari đổ xô đến để…bằm nát thiên đường! Mời xem bài viết của Raini Hamdi đăng trên tờ Business Insider số 6 Tháng Chín, 2021.

Thiên đường sẽ chết!

Năm 2004, khi lần đầu tiên Ken Atkinson đến thăm đảo Phú Quốc, ông choáng ngợp trước vẻ đẹp của nó. “Lúc đó, Phú Quốc giống như Phuket hay Samui của Thái Lan, khi hai hòn đảo này còn là… số không, hoang dã!” – ông nói. Atkinso là Giám đốc điều hành của công ty Grant Thornton Việt Nam, đặt văn phòng tại Sài Gòn cách nay hơn 20 năm (công ty chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và hỗ trợ giao dịch cho các nhà đầu tư).

Nước biển ở Phú Quốc trong như pha lê nhờ có nhiều rạn san hô tuyệt đẹp. Rừng nguyên sinh là hệ sinh thái bao phủ phần lớn hòn đảo rộng 593 km2. Ngày Atkinson đến đây, Phú Quốc chỉ có khoảng 45,000 cư dân, chủ yếu sống bằng nghề đánh cá, trồng hồ tiêu, nuôi cấy ngọc trai và chế biến nước mắm. Hải sản và nước mắm ở đây có thời được xem là ngon nhất Việt Nam. Thiên nhiên ở Phú Quốc phong phú đến nỗi năm 2006, tổ chức UNESCO của Liên Hợp Quốc công nhận hòn đảo là “Khu dự trữ sinh quyển”.

Atkinson nhớ lại: “Đối với tôi, Phú Quốc là một viên kim cương thô có cơ hội lớn phát triển thành một khu sinh thái rừng ngoạn mục ở Việt Nam, theo cùng lộ trình của đảo Bali của Indonesia hay Jeju của Hàn Quốc; những hòn đảo góp phần thúc đẩy văn hóa địa phương thông qua du lịch”. Tiếc thay, Phú Quốc lại đi theo hướng… Las Vegas của Nevada và Hải Nam của Trung Quốc!

Tập đoàn Vingroup làm gì ở Phú Quốc?

“Định hướng” phát triển của Phú Quốc đã đe dọa tận diệt hình ảnh “thiên đường cuối cùng” của Việt Nam. Hàng ngàn phòng khách sạn, các đơn vị condotel, rồi từng dẫy cookie-cutter shophouse, villa, nhà riêng cao cấp mọc lên ngút mắt nhìn. “Phú Quốc hiện có nhiều phòng hơn Sydney, Úc. Khoảng 30,000 phòng khách sạn đã hoàn thành, đang xây hoặc đã lên kế hoạch – Atkinson nói – Đó là chưa kể 12,000 phòng bổ sung của Vingroup.

Nếu tính chung cả các phòng cho thuê tại những condotel, villa và nhà riêng, hiện Phú Quốc có ít nhất 40,000 phòng khách sạn cho du khách. Vậy, Phú Quốc bị mất cái gì sau 20 năm lột xác không còn nhận ra hình thù? Và ai mất nhiều nhất? Hãy hỏi các nhà kinh doanh địa ốc, các nhà đầu tư khách sạn, các cố vấn chuyển đổi nơi cư trú, các doanh nghiệp khai thác du lịch, các chuyên viên phát triển và dân địa phương, họ sẽ giúp tìm ra trả lời.

Khu quần thể giải trí Grand World Phú Quốc (Ảnh: VietnamNet)

James Clark, cư dân Sài Gòn từ năm 2012, người sáng lập bản tin Tương lai Đông Nam Á (Future Southeast Asia) cho biết khi đến thăm Phú Quốc vào Tháng Ba 2015, ông nghe rất nhiều cảnh báo về tốc độ phát triển quá nhanh của Phú Quốc và những hệ luỵ đi kèm. “Tôi vô cùng ngạc nhiên trước những gì nhìn thấy. Chính phủ Việt Nam có ý định biến hòn đảo từng ngủ yên này thành một… thành phố không ngủ chăng?” – ông nói. Tính đến thời điểm này, theo nguồn tin từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, Phú Quốc đã thu hút được $16.5 tỷ đầu tư, mà chiếm ưu thế là các nhà phát triển tên tuổi nội địa như Vingroup.

Vào Tháng Tư, tập đoàn lớn nhất Việt Nam này đã khai trương “Trung tâm du lịch – giải trí” (Phú Quốc United Centre) trị giá $2,8 tỷ USD rộng hơn 1,000 ha nằm ở phía Bắc đảo. Trọng tâm của trung tâm là “thành phố không ngủ” Grand World với các show diễn suốt ngày đêm, đủ mọi loại hình nghệ thuật giải trí và các cửa hàng theo phong cách Venice của nước Ý. Có cả chèo thuyền gondola trên dòng kênh nhân tạo mà hai bên là quán bar, hộp đêm và sòng bạc Corona (sòng bạc được cấp phép duy nhất tại Việt Nam) có mặt tiền màu kẹo; đủ để du khách quên đi giấc ngủ và… đốt tiền! Dự án đồ sộ này có cả công viên giải trí lớn nhất Việt Nam, vườn thú mở cũng duy nhất, vườn thú safari, sân golf 18 lỗ, bệnh viện, trung tâm hội nghị, công viên, khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Clark nói: “Tôi chưa thấy Đông Nam Á có công viên nước và cáp treo vượt biển dài nhất thế giới nào sánh được với Phú Quốc!”.

Đến năm 2019, Phú Quốc đã có 180,000 cư dân thường trú. Tú Quyên là một trong số đó. Tuấn, chồng cô, là Giám đốc công ty du lịch John’s Tours Phu Quoc Travel Service được cấp phép đầu tiên của đảo vào năm 2006. “Chúng tôi khởi đầu đơn giản bằng việc đưa đón khách bằng xe máy đến các điểm tham quan và khách sạn – cô nói – Sau đó là hợp tác với các chủ tàu đánh cá địa phương, đưa khách đến các đảo nhỏ để câu cá và lặn biển”.

Một góc Phú Quốc (Robert Mikoleit/Unsplash)

Chồng cô bổ sung: “Lúc đầu, chúng tôi chỉ có khoảng 20 khách mỗi ngày đến từ Úc, Mỹ và châu Âu, không có khách Việt Nam. Đến năm 2019, John’s Tours đón từ 200 đến 300 khách/ngày, đỉnh cao hơn 500 đến 700 khách/ngày. Tốc độ tăng trưởng giúp ích rất nhiều cho công ty và nền kinh tế nói chung”. Năm 2012, Phú Quốc khánh thánh sân bay quốc tế cho tuyến du lịch nội địa đến đảo, chủ yếu khai thác đường bay từ Sài Gòn và Hà Nội. Năm 2018, kế hoạch thêm đường băng và nhà ga hành khách thứ hai được công bố cho mục tiêu đón 14 triệu khách/năm vào năm 2030 so với bốn triệu lúc đó.

Đích nhắm chính là tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh. Phần lớn trong năm triệu du khách đến Phú Quốc năm 2019 là người Việt. Marco Foerster, mang nửa dòng máu Việt là cố vấn doanh nghiệp quốc tế tại công ty Dezan Shira & Associates trụ sở tại Sài Gòn. Công ty của ông chuyên giúp các công ty nước ngoài đặt văn phòng và phát triển tại khu vực. Ông cho biết các dự án như Vin’s Grand World và Sun’s Grand City đã cho tầng lớp trung lưu Việt Nam một điểm đến du lịch tầm vóc quốc tế mà không cần phải đi ra nước ngoài.

Đây không phải một khu giải trí thuộc Disney World mà là ở Phú Quốc! (ảnh: CreateTravel.tv/Unsplash)

“Tức là tạo cảm giác họ đang ở Venice, bờ biển Amalfi, Paris hoặc bất cứ nơi nào, trừ… Việt Nam! Khách có thể an tâm khoe ảnh trên mạng xã hội giống như vừa đi nước ngoài về! Dĩ nhiên, trải nghiệm Phú Quốc cũng có sức hấp dẫn riêng mà các thành phố châu Âu không có” – Foerster nói. Jeff Redi, Giám đốc điều hành Diethelm Travel Việt Nam, cũng có cái nhìn tương tự: “Một số người có thể thích thú khi nhìn thấy bản sao của Venice hoặc Firenze ở Phú Quốc; nhưng theo tôi, điều du khách quốc tế mong đợi nhất khi đến Phú Quốc là để trải nghiệm nét đẹp riêng của… Phú Quốc!”.

Từ Tháng Ba, 2020, với các bắt buộc nghiêm ngặt về kiểm dịch và sau đó là biến thể Delta dễ lây lan và tiêm chủng chậm chạp đã cản trở du lịch quốc tế lẫn nội địa. Vì vậy, kế hoạch sử dụng Phú Quốc làm thí điểm để mở cửa trở lại đất nước cho du khách quốc tế vào Tháng 10 có vẻ rất khó xảy ra.

Trong một quán bar ở Phú Quốc (ảnh: Godong/Universal Images Group/Getty Images)

Những lo lắng và bất an

Xung đột lợi ích không phải là vấn đề duy nhất mà Phú Quốc đang phải đối mặt. Nguyễn Quỳnh, Giám đốc dự án của Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (WWF) Việt Nam, nói: “Rác nhựa do du khách thải ra là cơn ác mộng cho hệ sinh thái khi trên đảo rất thiếu bãi chôn lấp”. Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc cho biết sự thay đổi nhanh chóng tạo ra việc làm cho người dân địa phương nhưng cũng áp lực lên hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Một cư dân tên Phan lại cảnh báo quá trình đô thị hóa dẫn đến gia tăng tội phạm và ô nhiễm trên đảo. “Tôi e rằng Phú Quốc không thể trở về tự nhiên với không khí trong lành, bãi biển đẹp và rừng như xưa”. Từ khi WWF tập trung vào việc giảm thiểu rác thải nhựa ở Phú Quốc từ năm 2018, đã có một số cải thiện. Thành phố đã ban hành kế hoạch quản lý rác thải nhựa trên biển đến năm 2025 và chính quyền địa phương kêu gọi đầu tư vào các cơ sở xử lý rác thải. Chương trình tiếp theo của WWF là vận động các nhà phát triển và tập đoàn lớn tăng đầu tư vào việc cải thiện và bảo vệ môi trường đảo.

Một góc Phú Quốc (Darren Nunis/Unsplash)

Redi thuộc công ty Diethelm Travel Việt Nam nhận định: “Còn thiếu sự phối hợp trong quá trình đô thị hóa ở Phú Quốc cũng như không có tầm nhìn tổng thể hòn đảo sẽ trông như thế nào trong tương lai khi hoạt động xây dựng ồ ạt dừng lại”. Ông Michael Piro, Giám đốc điều hành của Indochina Capital cho biết dù chính phủ đã làm rất tốt trong việc tạo ra một kịch bản cho du lịch đại chúng, cho các nhà phát triển các ưu đãi về thuế, ưu đãi miễn thị thực, phí sử dụng đất thuận lợi nhưng kế hoạch cho du lịch chưa bao giờ thực sự hoàn chỉnh.

Tháng Năm, 2010, công ty kiến ​​trúc Wimberly Al lison Tong & Goo (WATG) hợp tác với Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Việt Nam đã được chính quyền phê duyệt kế hoạch tổng thể đến năm 2030 mở rộng tầm nhìn và hướng dẫn thiết kế cho tất cả phát triển trong tương lai trên đảo. Quy hoạch tổng thể gồm cả Khu Dự trữ Sinh quyển Toàn cầu và “Tăng trưởng du lịch cân bằng”.

Một nghiên cứu vào Tháng Năm, 2019 của hai giảng viên đại học địa phương, Vũ Minh Hiếu và Vũ Minh Tới, cho thấy hơn 96% người dân địa phương được khảo sát nói họ chưa được chính quyền địa phương hỏi ý kiến ​​về kế hoạch phát triển du lịch của đảo. Gần 75% cho biết họ không biết thuật ngữ “Phát triển du lịch bền vững” là gì! Foerster khuyến cáo: “Nên cho người dân địa phương tham gia vào việc định hình lại hòn đảo của họ. Vì cư dân địa phương là linh hồn của đảo. Không có văn hóa và thiên nhiên địa phương, Phú Quốc sẽ chỉ giống như các trung tâm thương mại khác!”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: