50 năm thăng hoa của pop-rock Mỹ

Ảnh: Pexels
Share:

TỪ “BRIT INVASION” ĐẾN THỜI HOÀNG KIM CỦA POP ROCK MỸ

Với những ai từng một thời thuộc lứa “giới trẻ Sài Gòn” yêu thích “nhạc trẻ” thì năm 2022 này thực là một năm đầy kỷ niệm đẹp của thời “chúng ta còn trẻ” cách nay đúng 50 năm. Đó là thời gian giới trẻ chuyển mình từ yêu thích Yesterday của The Beatles qua mến mộ Yesterday Once More với tiếng hát tuyệt vời của Karen Carpenter… Kể từ cột mốc 1972, pop rock Mỹ đã thực sự lột xác trưởng thành, thoát khỏi những năm bị lấn lướt bởi “British Invasion”.

 

KHỞI ĐIỂM VÀ ĐỈNH ĐIỂM CỦA NHỮNG NĂM “BRITISH INVASION”

Nhạc pop Mỹ vẫn có đó, nhưng từng có một thời gian 20 năm bị xếp vào hàng thứ, trước sự xâm lược của làn sóng pop từ bên kia bờ Đại Tây Dương tràn qua và được khắc ghi trong lịch sử với hiện tượng “British Invasion”. Từ năm 1964 đến năm 1982, giới yêu nhạc trẻ ở Mỹ có ba nguồn chính để nắm bắt tin tức mới nhất về những ban nhạc, nghệ sĩ và ca khúc, gồm Billboard, Cashbox và Record World. Tuần qua tuần, từ các giám đốc hãng đĩa, chủ shop bán đĩa, nhà phân phối đưa đĩa nhạc lên kệ ở siêu thị và cửa hàng bách hóa, ai ai cũng chờ đến ngày phát hành số báo mới của một trong ba ấn phẩm kia.

Vào thời điểm 1965, thông tin mà họ trông mong nhất là danh sách “pop singles” bán chạy nhất trong tuần. Xin nhớ rằng đó là thời huy hoàng của đĩa 45 rpm mà giới trẻ Sài Gòn quen gọi là “đĩa 45 vòng” và đó cũng là thời vàng son của những disc jockeys ở các đài phát thanh, mỗi chiều cuối tuần cho lan tỏa trên sóng Top 40 những ca khúc được ưa thích nhất, được yêu cầu nhiều nhất. Và trong 40 ca khúc ấy luôn có những bài trình bày bởi đủ các nghệ sĩ, từ các “crooners” (nam ca sĩ hát tình ca mùi mẫn) qua các ca sĩ pop, rock, soul… và không hề thiếu vắng ban nhạc, ca sĩ Anh.

Làng nhạc trẻ Mỹ từng bị khuynh đảo với làn sóng Anh với đại diện The Beatles (ảnh: Ron Howard/Redferns)

Cách nay 57 năm, vào tháng đầu năm mới 1965, xuất hiện trên danh sách 100 Top Pops của tuần báo Record World, ở hạng 73, là bài Downtown qua giọng ca ngọt ngào và vang dội của cô nàng Petula Clark đến từ nước Anh; và ở hạng 29 là bài As Tears Go By của Mick Jagger và Keith Richards qua trình bày của Marianne Faithful cũng đến từ Anh. Cả hai ca khúc đều leo lên thứ hạng cao hơn trong những tuần sau đó (Downtown lên hạng nhất; As Tears Go By, hạng 22) nhưng riêng tuần đầu năm mới 1965, trong Top 10 đã thấy rõ dấu chứng của British Invasion với Any Way You Want It (Dave Clark Five), hạng 10; She’s a Woman (The Beatles), hạng 8; She’s not there (The Zombies), hạng 4; và I Feel Fine (The Beatles), hạng nhất!

Năm ấy, giới trẻ Mỹ yêu cầu Tứ Quái Anh nhiều đến độ các DJ phụ trách Top 40 có thói quen phát cả hai mặt của mỗi đĩa 45 vòng, cho nên các fan không chỉ nghe I Feel Fine mà còn được thưởng thức cả She’s a Woman. Và họ chẳng hề phản ứng khi báo giới gọi Petula Clark là “Đệ nhất phu nhân của Brit Invasion” và Marianne Faithful là “Nữ ca sĩ chủ lực của Brit Invasion”.

Theo giới sành sõi lịch sử pop rock thì năm 1965 chính là khởi điểm thành công của British Invasion kéo dài mãi cho đến ngày 10 Tháng Tư 1970, khi Paul McCartney tuyên bố ra đi khỏi The Beatles, chuẩn bị phát hành album solo McCartney. Sau đó không lâu là sự tan rã thực sự của Tứ Quái, dù cho John Lennon đã có câu phát biểu “vớt vát” cho con thuyền khỏi bị chìm nhanh. “Paul không thể muốn làm gì theo ý mình thì làm, anh ta gây xáo trộn” – John Lennon nói trong số báo Rolling Stone ngày 14 Tháng Năm 1970. “Năm ngoái, tôi tung ra bốn album mà nào có nói gì đến rời nhóm đâu” (đó là các đĩa hợp tác với vợ Yoko Ono, Unfinished Music No. 1: Two Virgins; Unfinished Music No. 2: Life with the Lions; The Wedding Album Live Peace In Toronto 1969).

Ảnh: Pexels

POP ROCK MỸ BỪNG TỈNH

Tháng Năm 1970, The Beatles tung ra Let It Be, một tuyệt tác nhưng là album ghi âm studio thứ 12 và cuối cùng của nhóm. Có hai bài lưu mãi trong tim là Let it BeThe Long and Winding Road, tuy nhiên trong tâm tư nhiều người, The Beatles đã bắt đầu lùi dần vào quá khứ…

Như được cởi trói, như thoát khỏi bóng ma “Brit Invasion” đe dọa triền miên, các nghệ sĩ pop rock Mỹ thực sự bừng tỉnh, tiếp nhau tung ra những sáng tác rất hay, thu phục khán thính giả và qua đó cũng làm vơi đi nỗi buồn tiếc cho sự tan vỡ của Tứ Quái đến từ Liverpool. Không ai tóm gọn thực tế này bằng Carly Simon, nữ nghệ sĩ sáng tác và đàn ca với những bài tình ca thật hay như That’s the Way I’ve Always Heard It Should Be; Anticipation; You’re So Vain; The Right Thing to Do… “Thật may là The Beatles đã không còn, khi họ không còn đĩa mới thì giới nghệ sĩ Mỹ mới bán được nhiều đĩa”. Một nhận định giá trị vì Carly Simon từng là vợ của nghệ sĩ folk pop tài hoa James Taylor trong thời gian 1972-1983, tức thuộc hàng ngũ những nghệ sĩ sáng tác và đàn ca không tầm thường…

Carly Simon (ảnh: Richard E. Aaron/Redferns)
Ảnh: Unsplash

Tổng kết cuối năm 1970, ca khúc số một toàn năm tại Mỹ là tuyệt phẩm Bridge Over Troubled Water của Simon & Garfunkel với kỷ lục sáu tuần trên đỉnh cao Billboard Hot 100 pop singles (từ 28 Tháng Hai đến 4 Tháng Tư 1970). Trong khi đó Let It Be của The Beatles chỉ chiếm hạng nhất hai tuần và The Long and Winding Road, một tuần.

Một năm qua, đi, giới nhạc sĩ, ca sĩ Mỹ càng khẳng định giá trị và lực hấp dẫn của mình hơn. Trong bảng tổng kết cuối năm 1971 theo Billboard, ca khúc số một toàn năm là Joy to the World của nhóm Three Dog Night, với kỷ lục sáu tuần hạng nhất (từ 14 Tháng Bảy đến 22 Tháng Năm). Trong khi đó, đại diện cho pop Anh có Maggie May/Reason to Believe đưa Rod Stewart lên hàng ngũ ngôi sao, hạng nhất năm tuần; How Can You Mend a Broken Heart của Bee Gees, hạng nhất bốn tuần và Brown Sugar của Rolling Stones, hạng nhất hai tuần.

Tổng kết cuối năm 1972, ca khúc số một toàn năm là The First Time I Ever Saw Your Face (Roberta Flack), với sáu tuần hạng nhất (từ 15 Tháng Tư đến 20 Tháng Năm). Những năm sau đó, pop rock Mỹ tiếp tục chiếm đỉnh cao. Năm 1973 là Tie a Yellow Ribbon Round the Ole Oak Tree (Tony Orlando and the Dawn), bốn tuần; bằng với Killing Me Softly with His Song (Roberta Flack) và My Love (Paul McCartney & Wings). Bài ca số một toàn năm 1974 là tình ca The Way We Were trong phim cùng tên (Barbra Streisand, ba tuần không liên tiếp), bằng với Seasons in the Sun (nghệ sĩ Canada Terry Jacks). Và qua năm 1975 là Love Will Keep Us Together (cặp vợ chồng Captain & Tennille, bốn tuần).

Barbra Streisand, 1969 (ảnh: Getty Images)

Có thể khẳng định rằng, năm 1972, tức hai năm sau khi The Beatles tan rã, làng pop rock Mỹ đã hoàn toàn trưởng thành với sự xuất hiện của nhiều tài năng mới với nghề sáng tác và biểu diễn khiến ai ai cũng dễ dàng quên đi mình đã từng ăn, ngủ với nhạc The Beatles. Trong số 18 nghệ sĩ ban nhạc lần đầu có ca khúc leo lên hạng nhất Billboard Hot 100 tại Mỹ thì chỉ Gilbert O’ Sullivan là người Anh và Helen Reddy là người Úc; còn 16 nghệ sĩ kia đều là tài năng Mỹ tỏa sáng với pop, folk, rock, soul, R&B. Đó là Don McLean, Al Green, Neil Young, America, Nilsson, Looking Glass, The Chi-Lites, The Staple Singers, Sammy Davis Jr.,  Bill Withers, Chuck Berry, Johnny Nash, Billy Paul, Mac Davis, Roberta Flack và Michael Jackson.

Anh em The Carpenters (ảnh: GAB Archive/Redferns)

Năm 1972 là cột mốc lớn, quan trọng về sự trưởng thành của pop rock Mỹ, và là cây cầu nối kết thập niên 1960 chịu ảnh hưởng Brit Invasion với thập niên 1980 hoàn toàn tự do, vui phóng khoáng, với những thử nghiệm disco chuyển sang glam rock rồi new wave. Ai đã lớn lên với âm thanh pop rock Mỹ đúng năm 1972 chắc chắn vẫn còn nhớ những ngày vui ấy! Năm 1972, The Carpenters có Yesterday Once More, một ca khúc rất hay, gợi nhắc sự rung động thú vị mỗi khi nghe lại bài hát một thời yêu thích. Ngày nay, chúng ta không chỉ nhớ Yesterday của The Beatles mà còn nhớ cả Yesterday Once More của anh em nhà Carpenters là vậy!

_____________

ĐỌC THÊM:

Nửa thế kỷ trước, những tuyệt tác pop rock 1972

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: