Có thể nhiều người không còn nhớ tên ca khúc “500 Miles” nhưng chắc chắn với thế hệ trẻ Sài Gòn thập niên 1970 không ai không quen thuộc với lời Việt hóa của ca khúc này…
Trời lạnh quá bước chân buồn bã,
Đưa hồn em tới nơi xa vời
Đoàn xa tang tiễn đưa em về vùng trời xa xôi…
___________
“500 Miles” là một bài hát phổ biến ở Mỹ và lan rộng khắp thế giới từ những năm 1960. Đây là bài hát do nữ ca nhạc sĩ Hedy West sáng tác mà từ năm 1961 tới nay tác quyền được nắm giữ bởi Atzal Music, Inc. “500 Miles” là tác phẩm được phát hành nhiều nhất của Hedy West từ xưa tới nay.
TỪ BÀI ĐỒNG DAO CỦA NỘI
Trên nhiều tài liệu, người ta biết rằng tác giả bài hát là Hedy West, song cũng có ý kiến rằng bản nhạc này còn có các đồng tác giả khác, đó là Bobby Bare, Curly Williams, và/hoặc John Phillips. Cũng có thông tin cho rằng, Hedy West đã sử dụng một số đoạn còn nhớ được từ một nhạc khúc xưa mà ông cậu Augustus Mulkey thường đàn vĩ cầm, còn lời hát là gom góp từ những ca khúc mà bà nội Lillie Mulkey West thường hát cho cô từ những ngày ấu thơ ở Georgia.
Bản “500 Miles” còn được cho là có “mối liên quan” với một bài dân ca cũ, “900 Miles”, mà bài này lại có nguồn gốc từ một giai điệu buồn xuất phát từ miền Nam nước Mỹ, có tên là “Reuben’s Train”! Trong nguyên bản tiếng Anh, “500 Miles” (tên khác: “500 Miles Away from Home”, hay “Railroaders’ Lament”) là lời than thở của một kẻ tha hương, phải đi làm ăn xa, muốn trở về nhà nhưng ngại ngùng xấu hổ vì không còn một xu dính túi.
Tuy nội dung bài hát là vậy nhưng có khi tùy hoàn cảnh cá nhân mà mỗi người khi hát nó có thể gởi gắm tâm trạng riêng của mình. Đó là người lính viễn chinh Mỹ phải ôm súng ra trận, là kiếp người tha hương trôi dạt vào dòng đời, là thân phận kẻ lang thang ly biệt gia đình… “500 Miles” không chỉ chứa nỗi buồn hay nỗi nhớ nhà đơn thuần mà còn là sự cô đơn, lạc lõng, là những giằng xé từ sâu thẳm khi bị buộc phải rời xa gia đình, quê hương vì những mưu cầu mục đích khác nhau.
HEDY WEST – NGƯỜI LÀM SỐNG DẬY DÒNG NHẠC ĐỒNG QUÊ
Hedy West (1938-2005) tên thật là Hedwig Grace West, chào đời tại Cartersville, vùng núi miền Nam tiểu bang Georgia, nổi tiếng với dòng dân ca vùng núi Appalachia chảy trong huyết quản. Bà là một trong ba nữ ca nhạc sĩ nổi tiếng nhất của thời kỳ phục hưng dân ca Hoa Kỳ (hai người kia là Joan Baez và Judy Collins), có công lớn góp phần phục hồi dòng nhạc folk, qua việc đặt lời mới cho những bản dân ca có từ thời xa xưa, ở thời điểm mà việc phục hưng dân ca Hoa Kỳ những năm 1960 trở nên thịnh hành.
Bà được nhạc sĩ dân ca nổi tiếng người Anh, A. L. Lloyd, tôn vinh là “đệ nhất nữ ca sĩ người Mỹ của thời kỳ nhạc dân ca tái sinh.” Bà sở trường chơi guitar và banjo, biểu diễn theo phong cách truyền thống “clawhammer style” đặc biệt với kiểu móc ba ngón.
Bố của Hedy West, Don West, là một thi sĩ kiêm nhà hoạt động văn hóa, từng làm giám đốc “Appalachian South Folklife Center” ở West Virginia, và đồng sáng lập “Highlander Folk Music School” ở Tennessee. Ông cậu Augustus Mulkey là nhạc sĩ vĩ cầm, và bà nội Lillie Mulkey West là người nổi tiếng với kỹ thuật điêu luyện chơi đàn banjo.
Thuở niên thiếu, Hedy West đã bắt đầu đàn hát tại các folk festival ở Georgia cũng như những tiểu bang kế cận. Năm 16 tuổi, Hedy West đoạt một giải ca hát tại Nashville, Tennessee. Sau khi tốt nghiệp trung học, Hedy theo học tại Western Carolina Teachers College với ý định trở thành cô giáo, nhưng tới năm 1959, bà lên New York, học nhạc tại Mannes College và kịch nghệ tại Columbia University. Thời điểm Hedy West tới New York cũng là lúc phong trào phục hưng dân ca phát triển mạnh, và khu nghệ sĩ Grennwich Village trở thành môi trường cho cô gái miền Nam sáng tác và trình diễn dân ca.
ĐI XA TRIỆU DẶM
“500 Miles” được trình diễn lần đầu vào năm 1961 với cái tên ban đầu là “The Journeymen”. Sau đó, nó được ca sĩ nhạc đồng quê Mỹ là Bobby Bare thể hiện và phát hành đĩa đơn vào năm 1963, và ngay lập tức trở thành một đĩa đơn được đón nhận với sự khen ngợi đặc biệt. Nó cũng được thể hiện và thu đĩa bởi: Sonny & Cher, The Hooters, Reba McEntire, The Seldom Scene, Brothers Four, Johnny Rivers, Alexander Rybak, Reba McEntire, Jackie DeShannon, The Seekers, Elvis Presley, Joan Baez…
Đến nay, “500 Miles” đã được chuyển ngữ rất nhiều thứ tiếng: Tiếng Ý (“Le Stagione del Nostro Amore”); tiếng Đức (“Und dein Zug fährt durch die Nacht”); tiếng Nhật (“Senaka made 500 mairu”); tiếng Slovenia; tiếng Hindi; tiếng Hoa. Ngoài Richard Anthony với phiên bản tiếng Pháp “Et j’entends siffler le train” đạt number-one tại France in 1962, ở Thụy Sĩ có phiên bản “Så länge du älskar är du ung” của The Hootenanny Singers.
Năm 1967 Waldemar Matuška và Helena Vondráčková có phiên bản tiếng Tiệp Khắc tên “Tisíc mil” (“1000 Miles”), trở thành bản hit của năm. Ngoài ra, còn có phiên bản tiếng Ấn Độ “Jab Koi Baat Bigad Jaaye” trong phim “Jurm” (1990) do Kumar Sanu và Sadhana Sargam trình bày.
Còn trong tiếng Việt, bài này có ít nhất ba lời khác nhau: Nhạc sĩ Trường Kỳ chuyển ngữ thành “Tiễn em lần cuối’’; phiên bản thứ nhì do ca sĩ Ngọc Lan ghi âm dưới tựa đề ‘‘Người tình vạn dặm’’; và một phiên bản nữa là “Nhớ Nhung Trong Chiều” của Khúc Lan.
_____________________
Nổi trội hơn cả là phiên bản của Richard Anthony được tung ra vào Tháng Bảy 1962. Điều đáng ngạc nhiên là bài hát này ban đầu không được xem là ca khúc chủ đạo. Richard Anthony ghi âm và phát hành “500 Miles” trên mặt B đĩa nhựa mà thôi. Richard Anthony – nam ca sĩ Pháp từng thu đĩa trên 600 ca khúc và bán ra gần 50 triệu đĩa hát – tên thật là Ricardo Anthony Btesh, chào đời năm 1938 tại Cairo, Ai Cập. Ông bố Edgar Btesh, gốc Syria, là một doanh gia ngành dệt vải ở Ai Cập; bà mẹ Margaret là ái nữ của Đại sứ Anh quốc tại Iraq.
Do nghề nghiệp của bố, Ricardo Anthony sống thời niên thiếu lần lượt ở Ai Cập, Argentina và Anh quốc, rồi tới năm 13 tuổi (1951) sang Pháp học ở Lycée Janson de Sailly. Tốt nghiệp trung học, Ricardo Anthony theo ngành luật. Sau đó Ricardo Anthony bỏ học, vừa làm đại diện thương mại cho các hãng sản xuất tủ lạnh, vừa thực tập kèn saxophone trong các quán jazz.
Năm 1958, với kiến thức nhạc, cộng với khả năng nói được năm ngôn ngữ, Ricardo Anthony chuyển sang lĩnh vực ca hát với nghệ danh “Richard Anthony”. Hai đĩa hát đầu tiên (hát tiếng Anh) – do hãng Columbia phát hành là “You Are My Destiny” của Paul Anka và “Peggy Sue” của Buddy Holly – đã không được người yêu nhạc chú ý, nhưng đĩa thứ ba, bản “Nouvelle Vague”, nguyên là bản “Three Cool Cats” của ban tứ ca Mỹ The Coasters được Richard Anthony đặt lời Pháp, đã thành công rực rỡ. Tiếp theo là những ca khúc nổi tiếng khác thu đĩa tại London hoặc Paris, trong đó có bản “J’entends Siffler Le Train” (chính là phiên bản tiếng Pháp của “500 Miles”), đứng No.1 trong danh sách đĩa hát bán chạy nhất suốt 22 tuần lễ.
Với những ca sĩ thế hệ hiện nay thể hiện “500 Miles”, một phiên bản hiện nổi tiếng là của ca sĩ Justin Timberlake. Justin ghi âm bài này theo phong cách thuần folk (hát chung với Carey Mulligan và David Michael Bennett). Cách thể hiện này được gợi cảm hứng từ ban tam ca nổi tiếng một thời Peter Paul và Mary, được chọn làm một trong những ca khúc chủ đề của phim “Inside Llewyn Davis” của anh em đạo diễn Joel và Ethan Coen.
BAO THẾ HỆ NGƯỜI VIỆT VỚI PHIÊN BẢN TIẾNG PHÁP
Trong bản tiếng Pháp, tác giả Jacques Plante chuyển ngữ bài này thành nhạc phẩm “J’entends Siffler le Train” (tạm dịch: “Còi Tàu Vĩnh Biệt”), trở nên rất ăn khách vào mùa hè năm 1962, qua giọng ca Richard Anthony. “Còi Tàu Vĩnh Biệt’’ mang thêm một ý nghĩa đặc biệt, bởi nó được ghi âm và phát hành trong thời kỳ chiến tranh Algérie, khiến nó trở nên gần gũi với những thanh niên trong lứa tuổi đi lính, phải xa gia đình hay người yêu mà không biết có ngày trở lại.
Tại Nam Việt Nam trước 1975, “J’entends Siffler Le Train” được nhạc sĩ Trường Kỳ đặt lời Việt với tựa “Tiễn Em Lần Cuối”. Ngày ấy, trong giới nghe nhạc ngoại quốc ở miền Nam Việt Nam, phiên bản Pháp “J’entends Siffler Le Train” phổ biến hơn ca khúc nguyên thủy tiếng Anh “500 Miles”. Có lẽ cũng trong bối cảnh chinh chiến, Trường Kỳ đã thay “xe lửa” bằng “xe tang” (?).
Trải qua hơn nửa thập kỷ, “500 Miles” vẫn là một trong số ít ca khúc đồng quê để lại trong lòng người nghe những cảm xúc nhẹ nhàng, êm đềm đến lạ nhưng đủ mạnh để lay động tâm hồn. Nghe lại “500 Miles” không khỏi không nghĩ đến công sức của các tác giả góp phần khởi sắc dòng nhạc folk, phục hồi dòng dân ca Mỹ, khi họ mang lại luồng sinh khí mới, làm sống lại những giai điệu tưởng chừng đã ngủ quên từ lâu.
______________
“J’entends Siffler le Train” qua giọng ca Richard Anthony
_______________
Phiên bản “Tiễn em lần cuối”