Bandura và câu chuyện tiêu diệt văn hóa Ukraine của Liên Xô

Ảnh: ev-unsplash
Share:
Văn Hóa - Văn Nghệ
Văn Hóa – Văn Nghệ
Bandura – nổi trôi theo dòng lịch sử
Loading
/

Một quốc gia khi bị xâm lược và sau đó cai trị bởi ngoại bang, người dân sẽ gìn giữ những gì về văn hóa của dân tộc để tránh bị đồng hóa? Phải chăng là ngôn ngữ? Và lịch sử? Và âm nhạc? Một trong những bảo vật văn hóa được người Ukraine đổ máu để bảo vệ đó là cây đàn bandura. Ít người có thể tưởng tượng được rằng để xóa sổ văn hóa Ukraine, Liên Xô từng thảm sát cả những nghệ sĩ mù chơi đàn bandura!

Ảnh: nati-melnychuk-unsplash

Bandura – nổi trôi theo dòng lịch sử

Ngoại trừ thời gian ngắn trong năm 1919 được tự do, người Ukraine hầu như hoàn toàn bị Nga cai trị, từ thời Nga hoàng đến Liên Xô. Ukraine chính thức là một quốc gia độc lập từ năm 1991. Sự độc lập non trẻ của quốc gia này cũng đang bị đe dọa trầm trọng dưới sự tấn công của Nga từ cuối Tháng Hai 2022. Một trong những đặc điểm văn hóa họ bị cướp mất đầu tiên từ thời Nga hoàng là ngôn ngữ Ukraine.

Năm 1876, Nga hoàng Alexander II ra sắc lệnh Ems Ukaz chính thức cấm nhạc sĩ đánh đàn bandura và kobzar trình diễn trên sân khấu. Đặc biệt, sắc lệnh này cấm tất cả hình thức đàn hát trình diễn nhạc dân tộc tiếng Ukraine; cấm mua sách báo và kịch bản để trình diễn trên sân khấu bằng tiếng Ukraine. Cây đàn bandura cũng bị cấm gia nhập các đoàn nhạc giao hưởng vì những bản nhạc dùng cho đàn bandura đều dùng ngôn ngữ Ukraine.

Vào thế kỷ 19 cho đến đầu thế kỷ 20, các nhạc sĩ bandura và kobzar đều là người mù. Để duy trì sự sống họ phải ca hát dạo trên đường phố. Trong các thành phố lớn, nơi tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức, những nhạc sĩ này bị xem như những người ăn xin. Hết thời kỳ này sang thời kỳ khác, từ nhà cầm quyền này sang nhà cầm quyền khác, họ bị bắt, và đàn của họ bị tịch thu rồi phá hủy. Thậm chí, nhạc sĩ bandura còn bị giết tập thể.

Ảnh ba loại đàn bandura. Từ trái qua phải, đàn cổ xưa, đàn ở thành phố Kharviv, và đàn ở thành phố Kyiv. Nguồn ảnh: The Bandura Musician Handbook của Chris Kyrzyk, page 3. Kindle book.

Bandura – một loại đàn dây, tương tự như đàn tranh hay đàn lute – là nhạc cụ để trình diễn dân ca Ukraine. Đàn tranh được đặt nằm khi trình tấu. Đàn lute được dựng đứng khi đàn. Đầu thế kỷ 18, số dây đàn bandura chỉ có từ năm đến 12 dây. Theo thời gian cây đàn được tân tiến hóa. Hiện nay đàn bandura, loại đặc biệt để trình diễn trong giàn nhạc giao hưởng, có từ 56 đến 68 dây. Vào thập niên 1920, đàn bandura biến đổi rất nhiều về mặt thiết kế, âm thanh, kỹ thuật và nội dung cũng như số lượng bài hát. Dây đàn được chuyển thành dây kim loại. Các bộ phận dùng để điều chỉnh đàn cũng được đổi mới.

Bandura thường được dùng để gọi chung với kobzar có lẽ vì hai cây đàn tương tự nhau. Kobzar xưa hơn, nhỏ hơn, tròn hơn, và ít dây hơn bandura. Trong bài này, để đơn giản, chữ bandura được dùng chung cho cây đàn kobza bởi vì chữ kobza còn có vài nghĩa khác. Kobzar là tên một tập thơ của nhà thơ Taras Shevchenko, người được xem là cha đẻ của văn học Ukraine và có công lớn nhất trong sự gìn giữ ngôn ngữ Ukraine. Vị trí của Taras Shevchenko trong văn học Ukraine quan trọng như Homer đối với Hy Lạp vậy. Kobzar còn có nghĩa là nhà thơ, người trình diễn những bài trường thi hay sử thi bằng cách đọc hay ngâm. Cây đàn để phụ họa những người kobzar trình diễn thi ca cũng gọi là kobzar. Người ta cũng dùng chữ Kobzar khi nói về Taras Shevchenko.

Chữ bandura được dùng từ năm 1444 trong biên niên ký của Ba Lan. Có thể chữ này xuất phát từ chữ pandora hay pandura của Hy Lạp. Người chơi đàn bandura là giới nhạc sĩ đặc biệt thường đi từ thành phố này sang thành phố khác trình diễn những bài hát dân tộc gọi là duma. Nhạc sĩ muốn được trình diễn phải hoàn tất khóa học bandura suốt ba năm và nằm trong danh sách hiệp hội nhạc sĩ bandura.

Đàn bandura (ảnh: Yurii Rylchuk/ Ukrinform/Future Publishing via Getty Images)

Cuộc thảm sát tập thể nhạc sĩ bandura

Đàn bandura được sử dụng từ năm 541. Trong những bức họa fresco vào thế kỷ thứ 11 ở giáo đường Thánh Sophia (Saint Sophia’s cathedral) đã có thấy đàn bandura. Giáo đường Thánh Sophia nằm ở thủ đô của Kyivan Rus’, một vùng lãnh thổ rộng lớn trong thời hoàng son của Kyiv, thủ đô Ukraine ngày nay. Có một thời bandura được giới hoàng gia và quí tộc Nga và Ba Lan yêu thích. Nữ hoàng Elizabeth của Nga, con gái của hoàng đế Nga Peter the Great, tương truyền đã lấy chồng là một nhạc sĩ bandura.

Tháng Giêng năm 1918, Ukraine tuyên bố độc lập, mang tên Cộng Hòa Nhân Dân (CHND) Ukraine theo chế độ Cộng Sản giống như Nga. Vì có ba tổ chức có khuynh hướng chính trị khác nhau tranh giành quyền lực nên xảy ra cuộc nội chiến Ukraine. Một trong những thành phần trong cuộc nội chiến này có nhóm người Hetmanet Cossack chủ trương phi Cộng Sản. Ngày 22 Tháng Giêng 1919, Hiệp ước Thống Nhất của hai bên CHND Ukraine và CHND West Ukraine được ký kết. Ukraine có một thời gian ngắn giành được độc lập tuy nhiên sự độc lập này không bền. Tháng Mười Hai 1922, vì cả hai bên CHND Ukraine và CHND West Ukraine đều thua trận nên Ukraine trở nên thành viên Liên Xô.

Sau cuộc Cách Mạng Tháng Mười, từ năm 1918 đến 1920, khoảng 20 nhạc sĩ bandura bị Bolshevik giết chết. Một số trong những người bị giết này đã chiến đấu hay trình diễn bandura cho quân đội Ukraine.

Những năm nhà cầm quyền Nga nới lỏng sự cai trị, giới nhân sĩ trí thức Ukraine tìm cách khôi phục việc sử dụng bandura và những bài dân ca. Năm 1927, Nga ra lệnh thành viên của Liên Xô phải dùng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính. Năm 1928, tất cả những gì liên quan đến cây đàn bandura đều bị tuyệt đối cấm đoán, kể cả không được đi chỗ khác nếu không có giấy thông hành, không được trình diễn nếu không có giấy phép hành nghề. Tháng Bảy 1929 nhiều trí thức Ukraine bị bắt vì là thành viên của Hội Giải Phóng Ukraine, một tổ chức do người Ukraine sống ở nước ngoài thành lập năm 1914.

Những năm 1932-1933, Sô Viết đàn áp triệt để dân ca dân nhạc của Ukraine. Các lớp dạy bandura đều bị giải tán. Các nhạc sĩ bandura lần lượt biến mất một cách bí mật trong đó có một số nhạc sĩ bandura tham gia cách mạng năm 1918 theo phía CHND Ukraine. Khi những người trong hội Giải Phóng Ukraine bị xử tội, một số nhạc sĩ bandura và người giúp tổ chức ban nhạc cũng bị xử tội chung. Một số bị đưa đi lao động ở Siberia. Một số bị đưa đi đào kênh White Sea Canal. Một số trốn thoát từ trại giam Siberia. Những năm 1930, một số nhạc sĩ bandura bị bắt ở Kuban. Họ bị án nhẹ từ năm đến 10 năm lưu đày ở Siberia. Họ bị tra tấn dữ dội để buộc phải thú tội. Những cuộc thẩm vấn kéo dài cả hai ngày là bình thường.

Từ Tháng Mười Hai 1933 đến Tháng Giêng 1934, một hội thảo trá hình nghiên cứu văn hóa nghệ thuật được tổ chức ở Kharkiv, lúc ấy thủ đô của Ukraine dưới quyền cai trị của Liên Xô. Hơn 300 nhạc sĩ mù bandura được mời tham dự. Sau đó họ bị dẫn đến một nơi bên ngoài Kharkiv rồi bị giết chết. Chỗ giết người tập thể này về sau người ta khám phá là thuộc về KGB. Sau cái chết của Stalin, các cuộc đàn áp nhạc sĩ bandura có phần giảm bớt. Tuy vậy năm 1950 vẫn có một số nhạc sĩ bandura chết hoặc biến mất trong nhiều trường hợp bất thường. Có người bị tai nạn. Khoảng 30 đến 50 người bị đưa đi cải tạo ở Siberia.

Năm 1960 đảng Cộng Sản Liên Xô hoàn toàn khống chế nhạc sĩ bandura nói riêng, âm nhạc và truyền thông Ukraine nói chung. Có một thời người ta nữ hóa ban nhạc bandura bằng cách không thu nhận nhạc sinh nam. Nội dung của ca từ cũng bị buộc phải thay đổi từ những câu chuyện lịch sử thành các ca khúc tình yêu lãng mạn. Tất cả ca khúc có dính líu lịch sử và truyền thống anh hùng của người Cossack đều bị cấm tiệt. Một số bài hát bandura được sưu tầm và sáng tác ở hải ngoại không được in trong nước.

Một buổi trình diễn của các nhạc công thuộc dàn nhạc Heorhii Maiboroda National Merited Bandura Capella vào Tháng Chín 2021 tại Ivano-Frankivsk, Tây Ukraine (Yurii Rylchuk/ Ukrinform/Future Publishing via Getty Images)

Tại sao giết nhạc sĩ bandura?

Không mấy khó khăn để nhận ra rằng nhạc sĩ bandura bị giết chỉ vì Nga muốn tiêu diệt ngôn ngữ và lịch sử Ukraine. Sự cấm dùng tiếng Ukraine trong chữ viết và ấn bản, ảnh hưởng trầm trọng đến văn hóa Ukraine trong các khía cạnh xã hội, chính trị, nghệ thuật, và văn học. Để chống lại sự tiêu diệt này, người Ukraine đã cố gắng gìn giữ ngôn ngữ Ukraine qua âm nhạc truyền khẩu dân gian. Cho đến đầu thế kỷ 20, nhạc bandura là những bài hát truyền khẩu bao gồm dân ca, bài hát cầu nguyện trong các buổi lễ tôn giáo, những bài ca duma, và một vài điệu ca vũ dân tộc. Duma là những bài sử thi và trường ca, hát về lịch sử anh hùng của những người Cossack có truyền thống quật cường, chiến đấu chống quân xâm lược, được trình diễn và cùng lúc có đàn bandura phụ họa.

Giết nhạc sĩ bandura tức là dập tắt một nền lịch sử, tôn giáo, ngôn ngữ, và âm nhạc truyền khẩu. Không chỉ cấm đàn và hát, nhà cầm quyền Nga cấm cả kỹ nghệ sản xuất đàn bandura. Muốn làm đàn bandura phải có giấy phép. Sự việc giết tập thể nhạc sĩ bandura được nhà văn Solomon Volkov ghi chép lại theo lời kể của nhạc sĩ Dmitri Shostakovich, một nhạc sĩ và là nhà sáng tác dương cầm nổi tiếng của Nga.

“Vào khoảng giữa thập niên 1930, buổi họp Quốc hội đầu tiên dành cho tất cả nhạc sĩ Ukraine sử dụng bandura và đàn lyre được thông báo. Tất cả các ca sĩ và nhạc sĩ dân ca phải đến họp để thảo luận chương trình âm nhạc cho tương lai. “Đời sống tốt đẹp hơn, đời sống vui vẻ hơn” – Staline nói như thế. Các nhạc sĩ mù tin như thế. Họ kéo nhau đến Quốc hội từ khắp nơi trên đất nước Ukraine, từ những làng quê nhỏ bé, hẻo lánh, không còn ai nhớ đến. Có cả mấy trăm người đến Quốc hội, người ta nói thế.

Đó là một viện bảo tàng sống, nền lịch sử sinh động của một quốc gia. Tất cả các bài hát, âm nhạc và văn thơ truyền khẩu của quốc gia đều ở chỗ ấy. Và hầu như tất cả nhạc sĩ bandura mù lòa đáng thương kia đều bị giết chết. Tại sao lại như vậy? Tại sao có hành động tàn ác như thế – giết người mù? Giết như vậy để họ không làm vướng chân ai nữa. Biết bao nhiêu hành động tàn bạo đã xảy ra, tập thể hóa đang tiến hành, họ tiêu diệt biết bao nhiêu nông dân bị bảo là địa chủ, và bây giờ họ giết những người mù lòa đi hát dạo với những bài hát họ kêu là phản động.

Những bài hát này không thể qua mắt bọn kiểm duyệt. Nhưng kiểm duyệt bằng cách nào với các nhạc sĩ mù đây? Người ta không thể đưa cho người mù một bản nhạc đã bị sửa đổi và được cho phép. Người ta cũng không thể ra lệnh cho anh ta bằng văn bản. Với người mù, tất cả mọi chuyện đều phải dùng lời nói. Làm như thế thì lâu lắc quá. Người ta cũng không thể cất giữ sắp xếp một tờ giấy để ra lệnh, vì chẳng hơi đâu mất thì giờ làm chuyện ấy. Tập thể hóa. Cơ khí hóa. Bắn họ cho chết đi thì dễ dàng và nhanh chóng hơn. Và họ đã giết người như vậy.”[1]

Để chống lại sự tiêu diệt này, người Ukraine đã cố gắng giữ gìn cây đàn bandura bằng mọi cách. Bị cấm làm đàn trong nước, di dân Ukraine làm đàn ở nước ngoài và tìm cách mang cây đàn về trong nước. Nhiều năm, đàn bandura được giấu kín và bảo vệ như bảo vật, quí hơn vàng. Từ năm 1991, sau khi giành lại độc lập, ngôn ngữ Ukraine được phục hồi. Đàn bandura được sản xuất trong nước. Bandura được đưa vào các giàn nhạc giao hưởng cùng với các bản nhạc dân ca. Hiện nay, tất cả các trường dạy nhạc ở Ukraine đều có ngành chuyên môn dạy nhạc bandura.

Âm nhạc luôn có tác động rất lớn về mặt chính trị trên toàn thế giới. Qua sự trôi nổi của cây đàn bandura trong dòng lịch sử Ukraine, chúng ta có thể thấy rằng âm nhạc, nhất là dân ca, không chỉ là những âm điệu, mà nội dung của những bài hát chứa một truyền thống can trường, một dòng lịch sử bất khuất, và giờ đây một sự độc lập được bảo vệ bằng máu.

New Jersey, ngày 22 Tháng Ba 2022

[1] Volkov Solomon, Testimony: The Memoirs of Dmitri Shostakovich. (p. 205). HarperCollins. Kindle Edition. Người dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh là Antonina W. Buis. Nguyễn Thị Hải Hà dịch từ bản tiếng Anh.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: