Bésame Mucho, hãy hôn em thật nhiều!

Góc nhạc xưa

Minh họa: bruno-croci-unsplash
Share:

Những tác giả Latin với bản năng sáng tác ngẫu hứng đã cống hiến cho kho tàng âm nhạc toàn cầu cơ man tình khúc bất tử. Nếu người Uruguay tự hào với nhạc phẩm “La Cumparsita”, người Panama xem bài “Historia de Un Amor” như một di sản văn hóa, người Cuba đưa bản “Quizas, Quizas” đi vòng quanh thế giới… thì “Bésame Mucho” là niềm tự hào của người Mexico.

Từ bản gốc tiếng Tây Ban Nha rồi được “nhân bản” ra hơn… 1,000 phiên bản, bán hơn 100 triệu đĩa trong hơn 80 năm, được biểu diễn trên tivi và đài phát thanh tới hơn hai triệu lần và hơn 20 ngôn ngữ được dùng để đặt lời cho “Bésame Mucho”…, đó là những con số nói lên “tầm vóc” của ca khúc được những người đang yêu xem là “ca khúc của thế kỷ 20”, thậm chí là “một trong những tình khúc hay nhất của nhân loại”!

Dài theo năm tháng, cũng phải có đến hàng trăm ca sĩ thế giới đã trình diễn ca khúc này, từ Andrea Bocelli, Dalida, Frank Sinatra, Dean Martin, Cesaria Evora, Julio Iglesias, Nana Mouskouri, Placido Domingo đến các ban nhạc The Beatles, The Flamingos… Dù có hát đến bao nhiêu lần đi nữa thì “Bésame Mucho” dường như cũng luôn được hát một cách say mê như thể là lần đầu tiên.

“Bésame Mucho” cũng được sử dụng làm nhạc phim cho khoảng 50 cuốn phim nổi tiếng lịch sử nghệ thuật thứ bảy, như “Great Expectations”, “A toda máquina”, “Moon Over Parador”, “Sueños de Arizona”, “Arizona Dream”,  “The Naked Gun 2½: The Smell of Fear”, “In Good Company”, “Mona Lisa Smile”, và “Москва слезам не верит” (Moscow không tin vào những giọt nước mắt) của đạo diễn Vladimir Menshov (bộ phim giành giải Phim nước ngoài hay nhất Oscar 1981).

Giai điệu bản tình ca ướt át này nghe như những lời nỉ non van lơn, pha trộn chút nũng nịu ở những con người đang đắm say trong cơn mê tình ái. Lời ca khúc cũng khá dễ thuộc, được lặp đi lặp lại nhiều lần ở các đoạn “Hôn em đi, hôn nhiều nữa đi anh! Bésame, bésame mucho!”. Nếu chú ý, sẽ thấy những giọng ca thượng thặng thường thể hiện kỹ thuật của mình để hớp hồn người nghe ở nốt nhạc ngay chỗ chữ “mu” (trong “mucho”), với sự luyến láy gợi cảm.

Minh họa: cesar-la-rosa-unsplash

Giới nghiên cứu cho biết, hai câu mở đầu được tác giả lấy lại từ một giai điệu của nhà soạn nhạc cổ điển Enrique Granados người Tây Ban Nha; còn những câu sau và nhất là trong phần điệp khúc thì tác giả đã ngẫu hứng biến tấu, thay đổi cấu trúc thành bolero để mở ra một bối cảnh cụ thể và dẫn dắt câu chuyện trong bài hát. Khi nghe, thính giả có cảm giác như đang được tiếp cận rất gần một kịch bản phim nhiều tình tiết.

Đó là hình ảnh một cặp tình nhân quấn quýt như thể họ đang sống trọn một đêm cuối cùng trước khi phải xa rời nhau mãi mãi. Nghe bài hát, người nghe hình dung những “cú máy” quay cận cảnh đặc tả không gian kỳ ảo với đôi tình nhân trong vòng tay ghì chặt, đắm đuối nhìn nhau, và chết lịm trong ánh mắt, đôi môi, “hôn nhau đi”…

Trong bài hát, cô gái van lơn thổn thức: “Hãy hôn em thật nhiều/ Như thể đêm nay là đêm cuối/ Bởi vì em sợ sẽ mất anh/ Mất anh mãi mãi/ Hãy ôm em thật chặt/ Để được thấy em trong mắt anh/ Để được thấy anh thật gần/ Bởi vì ngày mai/ Em sẽ phải xa anh/ Xa anh muôn trùng”…

Nàng thiếu nữ lãng mạn viết lên “Bésame Mucho” là Consuelito Velázquez (tên thật là Consuelo Velázquez Torres, 1916-2005). Cô là nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng thời bấy giờ. Có một số tài liệu ghi cô sinh năm 1924, và nếu đúng như vậy thì Consuelito Velázquez đã viết “Bésame Mucho” khi mới 16 tuổi và chưa biết… hôn là gì. Chỉ bằng trí tưởng tượng để nói lên nỗi đam mê hừng hực bùng cháy qua nụ hôn, Consuelito Velázquez đã táo bạo miêu tả nụ hôn ngọt ngào, ở thời điểm mà cuộc cách mạng tình dục và phong trào đòi nữ quyền còn chưa chạm đến xã hội và người ta còn chưa bàn đến việc giải phóng phụ nữ khỏi những ràng buộc truyền thống.

Là con thứ tư trong gia đình năm chị em gái, Consuelito Velázquez biết chơi dương cầm năm 4 tuổi và lên 6 tuổi thì đã có buổi trình diễn đầu tiên. Lên 11, cô lên Mexico City học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. Kể từ đó, Consuelito Velázquez bắt đầu sự nghiệp nghệ sĩ dương cầm cổ điển, chuyên trình diễn tại Palacio de Bellas Artes và kênh phát thanh Mexico XEQ. Sau đó Consuelito Velázquez đi theo con đường ca sĩ chuyên nghiệp.

Không chỉ “Bésame Mucho”, Consuelito Velázquez cũng để lại nhiều nhạc phẩm kinh điển như “Amar y vivir”, “Verdad amarga”, “Franqueza”, “Que seas feliz”, “Abuela abuela”, “Cachito”, “Enamorada”… Tuy nhiên, không ca khúc nào vượt qua nổi cái bóng khổng lồ của “Bésame Mucho”.

“Bésame Mucho” được du nhập từ Pháp vào Nam Việt Nam khoảng đầu thập niên 1950, với lời hát bằng tiếng Pháp do nam ca sĩ lừng lẫy bấy giờ là Tino Rossi thu đĩa. Bài hát đã được nhạc sĩ Trường Kỳ đặt lời tiếng Việt dưới nhan đề “Yêu nhau đi”. Nhạc sĩ Y Vân cũng đặt lời Việt, với tựa “Đời là giấc mơ”;  trong khi Phong Vũ đặt tựa là “Giấc mơ xưa”. Phiên bản của Trường Kỳ thông dụng hơn vì được khá nhiều ca sĩ chọn để trình diễn và thu âm.

Yêu nhau đi, đời ta có nghĩa chi

Yêu nhau đi ta lo chi cho đôi mi thêm phai úa màu…

Yêu nhau đi… cớ sao anh âu sầu?

Phút giây này có bao giờ  đến với đời ta hai lần đâu…

Bên nhau đêm nay ta cùng vui ta say sưa trong niềm hoan ca hòa ngàn câu ân ái

Vui lên đi anh trong triền miên vui bao la trong hồn nhiên say trong đắm đuối ngất ngây…

_________________

Bésame Mucho qua giọng ca Andrea Bocelli (Live From Lake Las Vegas Resort, 2006)

_________________

Bésame Mucho (Yêu nhau đi, lời Việt của Trường Kỳ) qua giọng ca Carol Kim

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: