“Both Sides, Now” với giai điệu du dương đã trở thành hành trang về triết lý sống của nhiều người…
Những năm đầu của thập niên 1990, đám sinh viên chúng tôi có thói quen đạp xe ra các tiệm thâu băng cassette trên đường Yên Đỗ (tức Lý Chính Thắng, quận 3, Sài Gòn) để thâu những bản nhạc yêu thích.
Mỗi lần trời mưa mà mở bản “Both Sides, Now” lên, hòa cùng tiếng mưa rơi bên ngoài ban công ký túc xá thì không còn gì bằng. “Both Sides, Now” là nhạc phẩm theo thể loại nhạc Folk Rock do Joni Mitchell (ca sĩ, nhạc sĩ kiêm họa sĩ người Mỹ gốc Canada) sáng tác hồi năm 1967. Thể loại Folk Rock là sự kết hợp giữa âm hưởng nhạc dân gian và nhạc Rock, nổi lên ở Canada, Hoa Kỳ và Anh Quốc từ giữa thập niên 1960.
Thông qua nhạc phẩm “Both Sides, Now”, Joni Mitchell gửi gắm thông điệp: Cách nhìn về cuộc đời và thế giới xung quanh của con người sẽ thay đổi theo thời gian. Trong giai đoạn đầu của cuộc đời, với tâm hồn thơ ngây mộng mơ, con người sẽ cảm nhận mọi thứ đẹp một cách hoàn hảo, thậm chí tưởng tượng mọi thứ theo cách riêng để cảm nhận vẻ đẹp của nó.
Tuy nhiên, khi bước qua tuổi thần tiên, con người trưởng thành và va vấp với nhiều trở ngại trong cuộc sống, lúc đó người ta sẽ nhìn đời thận trọng hơn. Lúc này, với cái nhìn thực tế hơn, con người sẽ xem xét mọi sự việc trong đời theo hai mặt, mặt tích cực và mặt tiêu cực.
Ví như đám mây trôi bồng bềnh có khi tạo ra nhiều hình thù đẹp mắt nhưng có khi xám xịt, mang đến những cơn mưa tầm tã, làm gián đoạn công việc của con người. Giống như vậy, tình yêu và cuộc sống cũng biến thiên, chẳng khác gì những đám mây huyền ảo.
Joni Mitchell dàn trải ý nhạc với âm giai Fa thăng trưởng:
Mây giăng thành hàng, thành dòng như những mái tóc thiên thần,
Tựa hồ như dãy lâu đài được làm bằng kem trên bầu trời,
Và có khi chẳng khác gì những hẻm núi tơ trời,
Tôi từng ngắm mây với tâm hồn thơ mộng đến vậy.
Mà bây giờ tôi chỉ thấy mây che mặt trời,
Mây thành mưa, thành tuyết tuôn rơi lên loài người.
Có rất nhiều việc tôi đã lên kế hoạch để làm,
Vậy mà chính mây đã gây ra thời tiết xấu làm bể kế hoạch.
Bây giờ tôi phải cân nhắc ở hai khía cạnh khi ngắm mây,
Trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống,
Khi ký ức quay về tôi mới nhận ra đôi khi những hình ảnh đẹp của mây chỉ là ảo ảnh,
Tôi vẫn chưa thật sự hiểu hết những đám mây huyền bí.
Tôi đã từng nghĩ về tình yêu và từng mơ mộng,
Yêu trong những vũ điệu quay cuồng,
Yêu trong những đêm trăng sáng tỏ, yêu trong những ngày dài Tháng Sáu ấm áp, và yêu trên chiếc vòng đu quay đầy sắc màu,
Mọi thứ đẹp như thể hết thẩy các câu chuyện cổ tích đều có thể trở thành hiện thực.
Tuy nhiên bây giờ hãy ví cuộc đời như là vở tuồng, còn ta là diễn viên,
Nụ cười niềm vui còn đọng trong lòng khán giả khi hạ màn, và ai về nhà nấy,
Giả tỷ ta vẫn quan tâm đến những khán giả yêu thương,
Đừng bao giờ tiết lộ rằng ta luôn nhớ về họ.
Giờ đây tôi nghĩ rằng ngay cả tình yêu cũng có hai mặt,
Qua những gì tôi đã cho và nhận trong tình yêu,
Khi ký ức quay về tôi mới nhận ra tình yêu đôi khi tạo ra ảo vọng,
Tôi chưa từng hiểu hết tình yêu.
Tôi thật sự không hiểu được tình yêu,
Tình yêu là nước mắt hạnh phúc, là sự hồi hộp, là lòng hãnh diện,
Khi ta thốt vang nên lời “Anh yêu em!”
Giữa đám đông công cộng, giữa những mơ ước cho tương lai, giữa những hoạch định.
Tôi đã từng nhìn đời màu hồng như vậy đó,
Nhưng than ôi! Vậy mà bây giờ bằng hữu cũ đã chán ngán tôi,
Họ coi tôi như kẻ xa lạ vì họ cho rằng tôi đã thay đổi,
Có những thứ đã mất đi, nhưng cũng có những thứ tôi học được,
Trong cuộc sống hằng ngày.
Cho nên bây giờ tôi nhìn đời ở hai khía cạnh,
Từ những cái được, cái mất trong cuộc sống,
Khi ký ức quay về tôi mới nhận ra cuộc đời mang nhiều ảo tưởng,
Tôi thật sự không hiểu hết về cuộc đời.
Cuộc đời mang nhiều ảo tưởng,
Tôi thật sự không hiểu về cuộc đời,
Tôi thật sự không hiểu về cuộc đời chút nào.
Từ hình ảnh ẩn dụ của đám mây muôn hình có thể dẫn ta đến ẩn dụ khác rằng mọi thứ trên đời cũng như một chiếc áo luôn có hai mặt. Bề mặt làm cho người ta đẹp, thậm chí là lộng lẫy kiêu sa, còn bề trái chỉ là những đường nối gồ ghề.
Điều quan trọng là chúng ta biết chấp nhận mặt trái trong cuộc sống như chấp nhận bề trái của chiếc áo. Nếu không có bề trái mang những đường nối để tạo thành chiếc áo thì cũng sẽ không có bề phải để chưng diện, để cản những luồng gió lạnh hay che những cái nắng rát bỏng da!
Thính giả biết đến “Both Sides, Now” qua bản thâu âm đầu tiên trong album “Wildflowers” của ca sĩ Judy Collins hồi năm 1967, với giọng ca ngân vang mượt mà chứa nhiều cảm xúc.
Tiếng hát gợi nhớ những dòng ký ức miên man, lời ca mang triết lý cuộc sống đầy ý nghĩa đã khiến nhạc phẩm “Both Sides, Now” trở nên nổi tiếng và giành được giải Grammy cho danh hiệu “Trình diễn nhạc Folk hay nhất” hồi năm 1969. Phiên bản do July Collins thể hiện sau này xuất hiện trong nhiều phim: Nhạc mở đầu trong phim hài lãng mạn “And So It Goes” hồi năm 2014, nhạc cho cảnh kết thúc phim kinh dị “Hereditary” hồi năm 2018, nhạc nhấn tạo cảm xúc trong phim “Mad Men”.
Năm 1969, Joni Mitchell cũng thâu âm chính bài hát cô sáng tác trong album “Clouds”. Đáng chú ý nhất là hồi năm 2000, Joni Mitchell thâu lại “Both Sides, Now” trong album cùng tên với phần hòa âm được cải biên, do dàn nhạc giao hưởng gồm 70 nghệ sĩ chơi đủ thể loại nhạc cụ. Bản cải biên phần hòa âm mang cảm xúc dâng trào đã mang lại cho người nghệ sĩ đa tài Vince Mendoza người Mỹ giải thưởng “Grammy Award for Best Instrumental Arrangement Accompanying Vocalist” (bản hòa âm hay nhất cho ca sĩ trình bày) hồi năm 2001. Giải thưởng thật xứng đáng, vì đoạn hòa âm của Vince Mendoza dạt dào cảm xúc.
Tác giả Joni Mitchell đã thể hiện giọng ca ngắt quãng, nhấn nhá ca từ lúc mạnh lúc nhẹ, cùng với hòa âm khá buồn đến trĩu lòng, làm cho người nghe có cảm giác cô đang phải một mình chống chọi và vượt qua các thử thách trên bước đường đời.
Phiên bản thâu lại này còn xuất hiện trong cảnh diễn xúc động của nữ diễn viên nổi tiếng người Anh Emma Thompson trong phim “Love Actually” hồi năm 2003, và xuất hiện trong cảnh kết thúc tập cuối của phim hài truyền hình nhiều tập “After Life”, do Ricky Gervais viết kịch bản, vào cuối Tháng Giêng 2022 trên Netflix.
Trong buổi lễ khai mạc Winter Olympics diễn ra tại sân vận động BC Place Stadium ở Vancouver hồi năm 2010, phiên bản thâu lại của Joni Mitchell đã hòa vào màn biểu diễn ballet trên không đẹp mắt của Thomas Saulgrain – sinh viên của trường xiếc “National Circus School” ở Montreal, một nghệ sĩ trẻ có ánh mắt truyền cảm, vẻ mặt hăm hở thơ ngây khám phá thế giới ở tuổi thần tiên.
Năm 2004, tạp chí Rolling Stone của Hoa Kỳ đã xếp hạng “Both Sides, Now” vào vị trí thứ 170 trong danh sách 500 bài hát hay nhất mọi thời đại, dựa theo số phiếu bình chọn của các nghệ sĩ âm nhạc, nhà phê bình, và các nhân vật trong ngành công nghiệp âm nhạc.
Từ khi “Both Sides, Now” ra đời cho đến nay, có hơn 1,600 bản cover trên khắp thế giới, và cũng có nhiều bản phóng tác bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có bản phóng tác lời Việt mang tựa đề “Hai khía cạnh cuộc đời” của cố nhạc sĩ Phạm Duy. “Hai khía cạnh cuộc đời” từng được ca sĩ Julie Quang và Chung Tử Lưu thể hiện.
“Both Sides, Now” như là một câu thần chú về nhân sinh quan, luôn nhắc cho người ta nhớ rằng tất cả những gì tồn tại trên cõi đời này đều có hai mặt, và đôi lúc chính những thất bại sẽ trở thành bài học đắt giá cho những thành công trong tương lai. Chính cách nhìn đời đa chiều giúp người ta chấp nhận mặt trái trong cuộc sống, chấp nhận mọi thứ trên thế gian không hoàn hảo, chấp nhận cả những giới hạn của chính mình.