Buổi triển lãm của Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt

Share:

Nhân dịp 30 Tháng Tư, Ngày Chủ Nhật 1 Tháng 5, 2022, Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt đã tổ chức một buổi triển lãm tại Bowers Museum ở Quận Cam, California.

Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt (VHM) là một tổ chức bất vụ lợi ở Quận Cam với mục đích bảo tồn và giới thiệu di sản của Người Việt tỵ nạn. Trong chủ đề Chứng Tích Quá Khứ – Di Sản Tương Lai, Viện đã triển lãm được nhiều hiện vật cá nhân của người di tản, người vượt biên và người sống sót trong các trại tù “cải tạo.” Đặc biệt lần đầu tiên tại California, Đạo diễn Thanh Tâm đã trình chiếu cuốn phim Bóng Quá Khứ, A Realm of Return. Phim này đã đoạt giải Best Cinematography tại Toronto Film and Script Award 2021.

Danh sách và hình ảnh các thuyền nhân được cứu thoát trên biển 1982

Bước vào phòng triển lãm, vật gây được nhiều sự chú ý của khách quan tại trung tâm khu vực triển lãm là quang cảnh của một mô hình chiếc thuyền vượt biển màu trắng (tượng trưng cho linh hồn thuần khiết) đứng giữa các tấm voan xanh tượng trưng cho sóng biển. Nó được bao bọc chung quanh những chiếc thùng nhôm có ghi tên và địa chỉ với những ánh sáng vàng vọt từ bên trong hắt ra.

Gần đó là một bãi cát và thùng dầu chìm trong cát khiến người xem nhớ đến những đêm chôn dầu vượt biển của tháng năm xưa. Những thùng nhôm ấy là những biểu trưng cho mỗi thuyền nhân, mỗi tù nhân đã vượt thoát trên bước đường tìm tự do. Nó chứa đựng tài sản, những vật kỷ niệm quý giá và cũng là hành trình của những người tị nạn vượt biên hay đi qua Hoa Kỳ theo những chương trình đoàn tụ. Ánh sáng hắt lên chính là sức sống và ý thức cùng nỗ lực vươn lên của người tị nạn Việt Nam.

Nhà văn Châu Thụy và cô Thúy An, thành viên của VHM

Quan khách đến dự rất đông, trong đó có những người từng là thuyền nhân hay tù nhân vượt biển năm xưa. Thỉnh thoảng có người từng vượt biển gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng rất cảm động. Không hình ảnh nào làm chảy máu trái tim người xem bằng nhìn thấy những bộ quần áo của những em bé đã chết, những di vật kỷ niệm của người vợ từng bị hải tặc giết và hãm hiếp mà người cha, người chồng sống sót đã gìn giữ được trưng bày. Những chiếc lược gỗ, nhôm làm bằng mảnh bom, khung ảnh Đức Mẹ Maria hay những tấm hình cũ lỗ chỗ vàng ố được gìn giữ trân quý từ các nhân chứng sống chính là những di sản tinh thần không bao giờ chúng ta quên được.

Đạo diễn Thanh Tâm của cuốn phim “Bóng Quá Khứ”
Quang cảnh trong rạp chiếu phim của Bowers Museum

Những hồi ức được sống lại. Thời gian tù đày, cuộc sống cơ cực sau “giải phóng” được vẽ lại bằng hình. Bao nhiêu câu chuyện tù đày trong các trại giam hay trại cải tạo đã được thuật lại thành truyện, thành sách, nhưng ít ai thấy được bằng hình vẽ phác. Một loạt 24 tấm hình vẽ phác của một người tù cải tạo được trưng bày là một câu chuyện tù thương tâm sống động và chân thực nhất.

Khách xem các dự án của VHM

Truyện bằng hình vẽ tuy đơn sơ nhưng vẫn lột tả hình ảnh của các tù nhân vào năm 1975-76 tại trại Suối Máu co ro trong mùa Xuân rất lạnh, mà có người không có mền đắp. Lúc ấy chưa có nhà phải ngủ ngoài trời, phải đốt lửa để sưởi ấm. Họ phát cho mỗi người 5 mét nylon bọc người khi ngủ. Sáng ra phải húp cháo mà phá rừng, đốn cây, đánh tranh làm nhà ở rừng Kà Tum, không có dao phải dùng mảnh bom. Đói đến nỗi bắt được con rùa tính tối đó ăn lén một bữa cháo rùa, nhưng cuối cùng thương con vật và để cho nó tự do rồi đành ôm bụng đói! Những buổi kiểm thảo, lên lớp, tịch thu tiền. Quản giáo đặt ra luật lệ đàn áp tinh thần tù cải tạo. Bao lần khiêng bạn tù vào nhà thương để rồi không bao giờ thấy họ nữa!

Lá thư của nhà văn Nhật Tiến và các nhật ký, thư từ trong trại tị nạn Thái Lan
Những vật dụng thủ công của các tù nhân cải tạo
Quần áo hai đứa con đã mất của một thuyền nhân sống sót duy nhất sau nạn hải tặc đâm thuyền chìm (1981). Vợ ông bị hãm hiếp đến chết
Câu chuyện tại trại cải tạo được vẽ phác

Ông Châu Thụy, nhà văn, nhà thư hoạ và cũng chính là người khởi xướng cho dự án bảo tàng Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt đã tâm sự khi được hỏi ông có phải là một thuyền nhân hay không?

Tôi vượt biên năm 1980. Sau hơn ba ngày đói khát gần chết đã đến được Thái Lan, rồi tàu gặp hải tặc trong lúc sóng gió cao nhất và chứng kiến được nhiều chuyện thương tâm. Sau này tôi lại gặp được nhiều thuyền nhân đã kể tôi nghe những câu chuyện kinh hoàng của cảnh vượt biển. Tất cả đã gây cảm hứng cho tôi viết lên cuốn “Vực Xoáy” và bức thư họa “Thuyền nhân”. Sách ra mắt năm 2015, bán rất khá và bức thư họa được nhiều người biết đến. Tôi nguyên là một kỹ sư, đã có lúc bỏ việc để viết sách hay bắt đầu chạy theo kế hoạch thành lập “Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt“. Có nhiều bạn bè và những thuyền nhân góp sức ủng hộ cùng thực hiện. Dự án này gồm có:

1) Đi xin hiện vật cho Dự Án về Lịch Sử Qua Những Chứng Tích.

2) Gom những câu chuyện cho Dự Án về Lịch Sử Qua Chuyện Kể.

3) Dự Án về Người Việt Thành Công.

4) Bức Tường Tưởng Niệm (Thuyền Nhân và Nạn Nhân Của Cộng Sản trong các trại tù “cải tạo”).

5) Xin sách vở in trước hay sau 1975 cho Dự Án về Sưu Tập Văn Học và Bảo Tồn Ngôn Ngữ Việt.

6) Đưa lên liên mạng để gìn giữ bảo tồn cho Dự Án về Văn Khố Điện Tử và Trung Tâm Nghiên Cứu về Người Việt Tị Nạn.

Ban đầu khi chúng tôi đưa lên liên mạng cho toàn thế giới và 100 triệu người trong nước xem, không ngờ đã có trên 50 phần trăm những người trong nước xem những cuộc phỏng vấn của viện bảo tàng. Cách đây hai tuần có một em sinh viên trong nước xem và viết email qua, xin được tìm hiểu thêm về thuyền nhân. Các em sanh ra trong nước hay nhiều người không phải là thuyền nhân không biết câu chuyện lịch sử của các thuyền nhân. Do đó việc gìn giữ chứng tích lịch sử sự thật của thuyền nhân hay những người vượt biên là một điều cần thiết.

Quả vậy, chủ trương của Viện về việc truyền lại di sản của người Việt tị nạn cho thế hệ mai sau là một điểm son đáng ghi nhận. Giới trẻ lớn lên ở hải ngoại khi học hỏi và tìm hiểu sẽ thấy được tinh thần quật cường bất khuất của dân tộc Việt Nam trong việc tìm tự do. Các em ở trong nước sẽ hiểu tại sao có những người liều mình bất chấp sóng gió và cái chết ngoài biển khơi để hy sinh cho cái giá của tự do.

Hợp ca “Việt Nam quê hương ngạo nghễ”

Những thuyền nhân hay người tù “cải tạo” và cũng là các nhân chứng sống cũng có mặt trong buổi triển lãm. Họ sẵn sàng cho phỏng vấn và đã chia sẻ những câu chuyện thật của họ cho truyền thông, báo chí.

Bác Lê Trị, 84 tuổi, sống sót sau 13 năm tù cải tạo nhờ vào sức mạnh của đức tin và cây đàn vĩ cầm mà bác đã làm trong tù. Bác chia sẻ câu chuyện của mình khi được hỏi về sự đói rét trong trại cải tạo:

Khi đói thì món nào bỏ vào miệng cũng ngon hết, con nào cũng được ngoại trừ con bù loong… Thèm nhất là một muỗng đường hay một tóp mỡ. Đôi khi chỉ mơ khi được thả ra, vào chợ ăn một nắm xôi… thế cũng đủ. Nỗi khổ vì đói lại không bằng nỗi khổ tinh thần vì lối họ đối xử với mình. Họ như con nít, ngu xuẩn mà đòi giáo dục chúng tôi, lại cấm chúng tôi mang kiếng vì mang kiếng là dân trí thức (Cộng sản rất ghét trí thức-“trí thức là cục phân”).

Sau 12 năm tù cải tạo, có anh cán bộ hỏi tôi “Anh có tiến bộ gì sau 12 năm cải tạo?“. Tôi nói “Tôi nói ra, anh giam tôi phải không?” Hắn nói “Anh cứ nói thiệt đi“. Tôi trả lời “Tôi có tiến bộ chăng? Chỉ mổ đầu tôi ra nhét óc khỉ vô thì may ra có tiến bộ”. Hắn cười. Tôi nguyên là Đại úy tình báo bị đưa ra Bắc ở trại Long Giao, Yên Bái. Trong trại có cả các cha Tuyên úy Công giáo.

Chương trình gala có phần văn nghệ phụ diễn với các ca sĩ Vasa, Loan Châu, Justin Nguyễn và các em trong đoàn vũ của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ.

Bài và ảnh: Trịnh Thanh Thủy

____________

Mọi chi tiết tìm hiểu về Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt, xin liên lạc:

(714) 846-8438

http://vietnamesemuseum.org

Viện Bảo Tàng Bowers, 2002 N Main St, Santa Ana, CA 92706

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: