Bà Minh Đức Hoài Trinh tên thật là Võ Thị Hoài Trinh, sinh năm 1930 và mất năm 2017. Bà từng du học tại Pháp. Trở về Việt Nam, ngoài việc vừa là nhà văn vừa là phóng viên báo chiến trường, bà còn có một thời gian dạy khoa báo chí tại viện Đại Học Vạn Hạnh.
Và bà còn là một nhà thơ. Tuy làm thơ không nhiều nhưng bà lại nổi tiếng nhờ thơ, sau khi Phạm Duy phổ hai bài thơ của bà thành hai ca khúc cùng tên là Kiếp Nào Có Yêu Nhau vào khoảng những năm 1960 và Đừng Bỏ Em Một Mình vào năm 1970.
******
Kiếp Nào Có Yêu Nhau
(Minh Đức Hoài Trinh)
Anh đừng nhìn em nữa
Hoa xanh đã phai rồi
Còn nhìn em chi nữa
Xót lòng nhau mà thôi
Người đã quên ta rồi
Quên ta rồi hẳn chứ
Trăng mùa thu gãy đôi
Chim nào bay về xứ
Chim ơi có gặp người
Nhắn giùm ta vẫn nhớ
Hoa đời phai sắc tươi
Đêm gối sầu nức nở
Kiếp nào có yêu nhau
Nhớ tìm khi chưa nở
Hoa xanh tận nghìn sau
Tình xanh không lo sợ
Lệ nhòa trên gối trắng
Anh đâu, anh đâu rồi
Rượu yêu nồng cay đắng
Sao cạn mình em thôi
_________
Ai từng yêu rồi mới biết. Yêu, khổ lắm. Yêu, buồn nhiều hơn vui. Yêu, là chết ở trong lòng, cả đống.
Có bao giờ, bạn tự nhủ lòng, thôi, đừng yêu nữa không? Vì yêu rất mệt. Vì yêu rất oải. Một cuộc tình đi qua là một đường trần rất mỏi, có đúng thế không?
Và nỗi buồn thì dằng dặc, khôn nguôi. Những tủi thân, những hờn dỗi, dù đã cách xa rồi, vẫn cứ đầy ứ trong hồn, mỗi khi sực nhớ: Anh đừng nhìn em nữa / Hoa xanh đã phai rồi / Còn nhìn em chi nữa / Xót lòng nhau mà thôi.
Xa rồi mà vẫn xót? Thì liệu tình ấy đã thực phai phôi? Có phải vậy không mà cứ không đành, mà cứ đớn đau, tự dày vò trong tột cùng mòn mỏi: Người đã quên ta rồi / Quên ta rồi hẳn chứ / Trăng mùa thu gãy đôi / Chim nào bay về xứ.
Đôi khi, cả một bài thơ, chỉ cần một câu thơ hay thôi, là cũng đủ – trăng mùa thu gãy đôi – mỗi mảnh rơi một bờ, chia ly, tang tóc.
Trăng gãy. Tình cũng gãy. Nhưng lòng thì không quên, lòng cứ mãi theo dấu chim bay về cố xứ: Chim ơi có gặp người / Nhắn giùm ta vẫn nhớ / Hoa đời phai sắc tươi / Đêm gối sầu nức nở.
Kiếp này không trọn vui, thì anh ơi, hẹn đến kiếp sau, anh nhé. Một kiếp sau lại từ đầu. Một kiếp sau luôn bên nhau, không rời. Một kiếp sau bình yên, không lo sợ: Kiếp nào có yêu nhau / Nhớ tìm khi chưa nở / Hoa xanh tận nghìn sau / Tình xanh không lo sợ.
Tôi cũng thế với người tôi yêu. Tôi thường mộng, một kiếp sau, từ đầu, từ khi hoa chưa nụ. Nếu một trăm năm sống có ba mươi sáu ngàn ngày, thì tôi ước, kiếp sau, đủ ba mươi sáu ngàn ngày ấy, không lìa nhau giờ nào, không rời nhau phút nào, với người tôi yêu.
Nhưng đó vẫn là mơ. Đời mà, có bao giờ như ý. Nên chỉ mình em nơi đây. Nên chỉ mình em rượu đắng. Nhấp cạn rồi mà vẫn chẳng thấy anh đâu: Lệ nhòa trên gối trắng / Anh đâu, anh đâu rồi / Rượu yêu nồng cay đắng / Sao cạn mình em thôi.
Chỉ cần đọc một bài thơ, là ta cũng đủ nhìn ra một người thơ. Rất tình, phải thế không. Rất nồng nàn, phải thế không. Rất ngọt ngào và ấm áp, phải thế không.
Tôi thấy bà Minh Đức Hoài Trinh là như vậy. Thấy trái tim bà ấm. Thấy tâm hồn bà thơ. Nhưng, tình yêu lại là một chuyện hoàn toàn khác. Tôi quan niệm thế. Kiểu Nguyễn Du:
Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Có đâu thiên vị người nào
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai
(Truyện Kiều)
Khi qua tay Phạm Duy, ông viết thành ca khúc Kiếp Nào Có Yêu Nhau như sau:
Đừng nhìn em nữa anh ơi
Hoa xanh đã phai rồi
Hương trinh đã tan rồi
Đừng nhìn em, đừng nhìn em nữa anh ơi
Đôi mi đã buông xuôi
Môi răng đã quên cười
Hẳn người thôi đã quên ta
Trăng thu gãy đôi bờ
Chim bay xứ xa mờ
Gặp người chăng, gặp người chăng, nhắn cho ta
Hoa xanh đã bơ vơ
Đêm sâu gối ơ thờ
Kiếp nào có yêu nhau
Thì xin tìm đến mai sau
Hoa xanh khi chưa nở
Tình xanh khi chưa lo sợ
Bao giờ có yêu nhau
Thì xin gạt hết thương đau
Anh đâu, anh đâu rồi?
Anh đâu, anh đâu rồi?
Đừng nhìn nhau nữa anh ơi
Xa nhau đã xa rồi
Quên nhau đã quên rồi
Còn nhìn chi, còn nhìn chi nữa anh ơi
Nước mắt đã buông xuôi
Theo tiếng hát qua đời
Đừng nhìn nhau nữa, anh ơi!
__________
Rất nức nở. Rất đau đớn, Rất buồn thương. Đó là mới chỉ phần lời thôi, chưa nói khi nghe nhạc. Ai nói Phạm Duy là phù thủy nhỉ. Phù thủy thì có nhiều phép màu. Phạm Duy hơn cả phép màu. Ông trao hơi thở cho bài thơ, để bài thơ được đi lại, nói năng, cười đùa, khóc lóc. Ông cho bài thơ sự sống. Tiếng hát còn, thơ còn. Giai điệu còn, bài thơ sẽ hoài còn ngân nga trên môi người cất.
Đừng nhìn em, được lặp đi lặp lại, như là một van xin. Không phải xin đừng nhìn em nữa, là vì em bây giờ xấu rồi, tàn rồi, hương hoa ít nhiều phai rồi. Nghĩ như vậy, là bạn ơi, bạn chẳng hiểu gì về thơ của Minh Đức Hoài Trinh cả. Hương trinh đây không phải là hương của trinh tiết. Trinh đây là tên của người làm thơ.
Xin người yêu đừng nhìn mình nữa, chỉ là nỗi hờn, chỉ là nỗi đau, thế thôi. Anh nhìn chi, khi em đang cơn tức tưởi. Nhìn chi lúc em ngằn ngặt lệ, không ngừng. Nhìn chi, khi mà em, lúc này, trong hồn, chỉ toàn nỗi bi thương chất ngất.
Gặp người chăng, cũng thế, Phạm Duy cũng cho điệp lại hai lần. Điều đó chứng tỏ, Phạm Duy rất hiểu người thơ, rất cảm bài thơ.
Chẳng có gì cần bằng, lúc này, chẳng có gì cần bằng, trong đời này, việc có anh, được bên anh, nhìn thấy anh – khao khát nhất của đời em đó. Nhưng em không làm được. Giờ, em chỉ có thể, biết tin anh qua bầy chim viễn xứ. Không biết chúng, liệu có gặp được anh không, khi ngoài kia, trời giăng sương gió tơi bời.
Nên quẩn quanh hoài, câu hỏi, cùng lòng đau như dao cắt: Anh đâu, anh đâu rồi? / Anh đâu, anh đâu rồi?
*****
Cả hai bài thơ Kiếp Nào Có Yêu Nhau lẫn Đừng Bỏ Em Một Mình đều được Minh Đức Hoài Trinh viết bằng thể thơ năm chữ.
Đừng Bỏ Em Một Mình
(Minh Đức Hoài Trinh)
Đừng bỏ em một mình
Khi trăng về lạnh lẽo
Khi chuông chùa u minh
Chậm rãi tiếng cầu kinh
Đừng bỏ em một mình
Khi mưa chiều rào rạt
Lũ chim buồn xơ xác
Tìm nhau gục vào mình
Đừng bỏ em một mình
Trời đất đang làm kinh
Rừng xa quằn quại gió
Thu buốt vết hồ tinh
Đừng bỏ em một mình
Đừng bắt em làm thinh
Cho em gào nức nở
Hòa đại dương mông mênh
Đừng bỏ em một mình
Biển đêm vời vợi quá
Bước chân đời nghiêng ngả
Vũ trụ vàng thênh thênh
Đừng bỏ em một mình
Môi vệ thần không linh
Tiếng thời gian rền rĩ
Đường nghĩa trang gập ghềnh
Đừng bỏ em một mình
Bắt em nghe tiếng búa
Tiếng búa nện vào đinh
Hòa trong tiếng u minh
Đừng bỏ em một mình
Bóng thuyền ma lênh đênh
Vòng hoa tang héo úa
Yêu quái vẫn vô tình
Đừng bỏ em một mình
Cho côn trùng rúc rỉa
Cỏ dại phủ mộ trinh
Cho bão tố bấp bênh
Đừng bỏ em một mình
Mấy ngàn năm sau nữa
Ai mái tóc còn xinh
Đừng bỏ em một mình.
______________
Bài thơ có mười khổ và khổ nào cũng bắt đầu bằng câu, đừng bỏ em một mình.
Đừng bỏ em một mình, cũng có nghĩa là, đừng để em cô đơn.
Đừng để em cô đơn. Đừng bắt em bơ vơ.
Đừng bỏ em một mình.
Tôi ít khi nghĩ đến cái chết. Chẳng phải tôi tự tin hoặc mạnh mẽ gì. Chỉ là tôi ít nghĩ tới. Bởi vì, nghĩ tới để làm chi, có thay đổi được gì đâu. Sống chết đều là mệnh cả. Không lựa được giờ vào đời, vào bằng cửa nào, thì y vậy, làm sao định được giờ chết, chết bằng kiểu nào.
Tôi cũng nhiều khi thích một mình. Giữa xô bồ xô bộn, với đủ thứ âm thanh ồn ào, náo nhiệt, lắm khi, cũng chỉ muốn được yên tĩnh một mình để mà đọc sách, làm thơ, viết này viết nọ.
Nhưng sự chủ động một mình ấy, nó khác lắm, khác nhiều lắm với việc, mình không thích một mình, mà cứ phải một mình, cứ bị buộc phải một mình, bị bỏ rơi, bị quên lãng.
Nhất là lúc mưa chiều rào rạt hay trăng đêm lạnh lẽo, u minh.
Lúc trời đất hãi kinh, rừng quặn gió, đại dương mông mênh, vời vợi.
Lúc tiếng côn trùng rền rĩ trong nghĩa trang gập ghềnh, tiếng búa nện vào đinh, tưởng chừng bóng thuyền ma lênh đênh cùng những vòng hoa tang héo úa và vây quanh bao yêu quái, hồ ly.
Và là lúc người ta đang phủ lên mộ em cỏ dại, rồi mấy ngàn năm sau, liệu có còn mái tóc em xinh.
Tất nhiên là tác giả viết trong tưởng tượng thôi. Nhưng cũng buồn chớ, cũng buồn lắm, nếu đó là ta, chợt phút giây nghĩ đến.
Khi phổ thành ca khúc cùng tên, Phạm Duy viết:
Đừng bỏ em một mình, đừng bỏ em một mình
Trời lạnh quá, trời lạnh quá, sao đành bỏ em một mình
Đừng bỏ em một mình, đừng bỏ em một mình
Chiều lạnh gió, chiều lạnh gió, sao anh đành bỏ em
Lời nào đó lời nào đó
Tiếng ân tình hay tiếng cầu kinh
Nhạc nào đó, nhạc nào đó
Nhạc gọi người hay nhạc gọi hồn
Đừng lặng thinh, đừng lặng thinh
Với tiếng chày tiếng búa nện đinh
Đừng tỏa hương, đừng tỏa hương
Khói hương vàng che khuất người thương
Đừng bỏ em một mình, đừng bỏ em một mình
Đường về nghĩa trang mông mênh, đừng bỏ em
Đừng bỏ em một mình, đừng bỏ em một mình
Đường về nghĩa trang lênh đênh, đừng bỏ em
Đừng bỏ em một mình, đừng bỏ em một mình
Cùng một lũ, cùng một lũ côn trùng rỉa rúc thân hình
Đừng bỏ em một mình, đừng bỏ em một mình
Một mồ trinh chênh vênh, chờ cỏ xanh
Đừng bỏ em một mình, đừng bỏ em một mình
Vài ngàn đời sau nữa, vài ngàn đời sau nữa, vài ngàn đời sau nữa, ai mái tóc còn xanh.
Chỉ riêng hai đoạn cao trào, còn lại thì, gần như, toàn bài, câu “đừng bỏ em một mình”, Phạm Duy cho lặp lại đến mười tám lần cả thảy. Những van cầu, những van xin “đừng bỏ em một mình”, bỗng trở nên thê lương làm sao, hãi hùng làm sao và cũng thống thiết làm sao.
Cạnh nhà tôi ngày xưa, nhà của một cô, đẹp lắm. Cô từng là hoa khôi khi còn đi học ở Phan Rang. Chồng cô, tốt nghiệp Quốc gia Hành chánh, làm việc ở ty ngân khố Nha Trang, cũng đẹp. Hai vợ chồng hệt diễn viên điện ảnh.
Sau năm bảy mươi lăm, vợ chồng cô chú từ Nha Trang di tản vào Sài Gòn, và mua căn nhà sát nhà ba má tôi. Rồi cũng như nhiều người khác, lúc ấy, họ dự định vượt biên, hai vợ chồng, hai đứa con, đứa ba tuổi, đứa tròn năm. Tất cả đều đẹp như thiên thần.
Đêm đó, chủ tàu gọi, thằng con trai nhỏ bỗng nhiên bị sốt. Hai vợ chồng gấp rút bàn bạc rồi quyết định, chồng đi trước, vợ con chờ chuyến sau.
Nhưng người chồng, lần ấy, ra đi mãi mãi. Người vợ ở nhà trông tin chồng, đến bốn, năm tháng sau, mới biết, hải tặc Thái Lan, sau khi cướp sạch tư trang, đã bắn đắm tàu, người chồng mãi mãi nằm lại đáy biển sâu.
Tôi khi ấy, còn rất bé, nhưng không sao quên được tiếng gào thét, tiếng khóc của người vợ, không biết bao nhiêu là ngày tháng tiếp sau đó, bi ai, thảm thiết, chỉ nghe thôi mà cũng đau xé lòng, nghe thôi cũng nhức nhối con tim.
Đêm nào, cô cũng mở bài Đừng Bỏ Em Một Mình. Đêm nào cũng mở. Mở đi mở lại. Cửa sổ phòng ngủ cô, tiếng hát Lệ Thu quyện tiếng khóc cô, xuyên qua vách nhà tôi, mồn một.
Tôi bị ám ảnh luôn. Đến khi lớn, rất không thích khi phải nghe bài này.
Bài hát làm đau buồn hay kỷ niệm về cô chú nhà hàng xóm khiến mỗi khi nhớ lại, làm đau buồn? Có lẽ cả hai.
Buồn gì mà buồn lắm luôn.
*****
Bà Minh Đức Hoài Trinh làm không nhiều thơ. Và thơ bà, cũng không phải là những tuyệt tác có một khó hai. Nhưng hề chi chuyện đó. Chỉ cần mối lương duyên giữa thơ bà và người soạn nhạc tài hoa Phạm Duy thôi, là đủ rồi.
Dẫu “hương trinh đã tan” nhưng Kiếp Nào Có Yêu Nhau và Đừng Nhìn Em Nữa Anh Ơi, mãi mãi, trong lòng người mộ điệu.
Sài Gòn 23.12.2023