Chẳng hay em có chốn duyên tình hay chưa?

Năm Thìn, đọc ca dao lục tỉnh
Share:
Ảnh: pexels-quang-nguyen-vinh

Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam có nhiều câu mà mỗi người trong chúng ta đều thuộc nằm lòng từ thuở còn nằm nôi cho tới lúc trưởng thành. Nhân Tết Giáp Thìn cầm tinh con Rồng, người viết muốn mượn một câu ca dao có “hơi hướm rồng” để bàn về tình yêu đôi lứa của người dân Lục tỉnh.

Đó là câu: 

Gặp mặt em đây mới biết em còn

Hồi năm Thìn bão lụt, qua khóc mòn con ngươi

Nhắc tới “năm Thìn bão lụt”, người ta nghĩ ngay đến cơn bão lụt năm Giáp Thìn 1904 ở xứ Gò Công và nhiều tỉnh Nam Kỳ thời bấy giờ. Đây là trận bão lụt lịch sử cách đây hơn một thế kỷ. “Năm Thìn bão lụt” là trận bão lụt kinh hoàng ở Nam Kỳ. Xứ Gò Công chịu ảnh hưởng nặng nề nhứt. Nhiều vùng phụ cận như Mỹ Tho, Tân An, Sài Gòn-Gia Định và dọc theo vùng duyên hải cũng bị tàn phá. Bốn mươi năm sau trận thiên tai, Nam Kỳ tuần báo (Chủ nhiệm là Hồ Văn Trung – tức nhà văn Hồ Biểu Chánh) số 85, ra ngày 8 Tháng Sáu 1944, có bài “Trận bão năm Thìn” mô tả khá chi tiết về cơn bão diễn ra vào ngày chủ nhựt 1 Tháng Năm 1904 trên đất Sài Gòn xưa. 

Câu ca dao dẫn trên nói lên nỗi nhớ thương của chàng trai miệt vườn vì hoàn cảnh phải xa cách người thương của mình bởi trận “bão lụt năm Thìn” mà “khóc đến mòn con ngươi”, nay gặp lại chi xiết nỗi vui mừng! 

Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc
Gió nào độc cho bằng gió Gò Công
Một ngọn gió đưa lạc vợ xa chồng
Nằm đêm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi…

Và trong một hoàn cảnh khác, chàng trai Lục tỉnh vì nhớ tới người thương đến nỗi “khóc đỏ lòm con ngươi” bởi cảnh “kẻ mất người còn”:  

Năm Thìn bão lụt, kẻ mất người còn 

Nhớ em anh khóc đỏ lòm con ngươi.

Ảnh: pexels-quang-nguyen-vinh

Trở lại đề tài, tình yêu đôi lứa của người dân Lục tỉnh thể hiện ở nhiều cung bực, dạng thức khác nhau. Bối cảnh là nông thôn Nam Kỳ. Nói khác đi đó là thứ tình yêu thôn dã. Nơi bắt đầu của tình yêu thôn dã thường là trong lao động sản xuất, từ trong sân nhà (xay lúa, giã gạo), trên đồng ruộng bao la (cấy lúa, gặt lúa) đến sông nước hữu tình (trai thương hồ gặp gái bán vàm). 

Cũng có khi qua những cuộc hò hát đối đáp trong một vạn cấy, trong mùa gặt, trong các cuộc thi hò hát đối đáp, các chàng trai – cô gái có dịp gặp gỡ, trò chuyện, để ý thương nhau: “Tôi là người dạo kiểng lê viên; Tới đây gặp gái thuyền quyên nên rủ hò”, hoặc “Sông sâu sóng bủa láng Cò; Thương em vì bởi câu hò có duyên”. Dân gian Lục tỉnh thường dùng từ thương, người thương thay vì dùng từ yêu, người yêu. Quan niệm thẩm mỹ trong tình yêu của họ cũng đơn giản, chân chất, thật thà như con người của họ. 

Chàng trai nông dân thương cô gái quê ruộng rẫy bởi cái đen giòn có duyên: “Trắng như bông lòng anh không chuộng; Đen như cục than hầm làm ruộng anh thương”, 

Bởi cám cảnh “cơ hàn nắng mưa”: “Một trăm con gái Thủ, một lũ con gái chợ anh không màng; Cám thương con gái ruộng cơ hàn nắng mưa”.  

Ngược lại cô gái miệt vườn cũng để ý thương chàng trai làm ruộng quê mùa chất phác: “Chèo dài sông hẹp khó lùa; Thấy anh ở ruộng quê mùa, em thương”. Đôi khi họ cũng thương nhau vì bởi “câu hò có duyên” như đã dẫn. 

Cũng như ca dao cả nước, cái “tôi” trữ tình trong ca dao Lục tỉnh thể hiện những cảm xúc “chủ đạo”, tinh tế và đa dạng. Từ “tôi”/“tui” dẫn đến những cặp nhân xưng đại từ đối xứng trong cách xưng hô của người bình dân: “tui”/ “mình”, “qua”/ “bậu”, “chàng”/ “thiếp”, “quân tử”, “anh hùng”/ “thuyền quyên”, “đó”/ “đây”, “người nghĩa”… 

Để bày tỏ tình yêu, họ phải trải qua nhiều giai đoạn thử thách: tìm hiểu, tỏ tình, hẹn hò, nhớ nhung, thề thốt. Theo lẽ thường, chàng trai phải chủ động thực hiện các giai đoạn của tình yêu. Còn cô gái mặc dầu “tình trong như đã” vẫn ở thế thụ động, rụt rè e ấp. Sau thời gian tìm hiểu, chàng trai đã “phải lòng” cô gái nên tìm cách bày tỏ tình cảm. Chàng than thân mình mảng lo buôn bán làm ăn mà chưa tìm được người mình thương:

Nước biếc non xanh, người bạn lành khó kiếm
Anh đây dạo chơi cũng hiếm, chưa biết chọn chỗ nào
Mảng lo buôn bán ra vào một thân.

Đó là một thứ tình cảm mộc mạc, chân chất mà nhẹ nhàng, đằm thắm. Để đáp lại, cô gái cũng than thân trách phận mình một cách thật thà, thẳng thắn: 

Thiếp than cha mẹ thiếp nghèo.
Lo chi chồng vợ, bọt bèo trôi sông.

Nghe cô gái than thân trách phận, chàng trai thừa dịp “tấn công”. Ban đầu có phần bóng gió:

Chợ Bến Thành mới, kẻ lui người tới, xem tứ diện rất xinh
Thấy em tốt dạng tốt hình
Chẳng hay em có chốn duyên tình hay chưa?

Đôi khi anh làm một động tác thừa thãi và vào đề một cách vụng về để bộc lộ tình cảm của mình:

Thò tay mà ngắt ngọn ngò
Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ! 

Mặc dầu đã để ý chàng trai từ lâu, nàng cũng “giả đò” quanh co:

Thân em mỏng mảnh, huê cảnh lạ lùng
Thuyền quyên sánh với anh hùng đặng chăng?

Tới đây chàng trai bèn lên tiếng tỏ tình bằng cách đi thẳng vào vấn đề:

Trên trời có cây hóa kiểng
Dưới biển có cá hóa long
Con cá lòng tong ẩn móng ăn rong
Anh đi Lục tỉnh giáp vòng
Tới đây trời khiến đem lòng thương em.

Hoặc:  

Rồng giao đầu, phượng giao đuôi
Nay tui hỏi thiệt: Mình thương tui không mình?

Phận gái mười hai bến nước, biết bến nào trong biết sông nào đục, lúc đầu cô gái vẫn còn nghi hoặc:

Anh đà có vợ hay chưa
Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào?

Về sau cô đã “mở đường” để dò ý chàng trai:

Đó có thương đây thì thương cho thiệt
Rủi có bề nào đây biết làm sao?

Về phía chàng trai, anh đem chuyện “tơ duyên” ràng buộc để thuyết phục đối tượng:

Nước dưới sông lững đứng
Mây đưa gió dật dờ
Tơ duyên đã buộc sờ sờ
Qua đây bậu đó còn ngờ ngại chi.

Chưa hết chàng đem chuyện hai đứa còn sống sót sau trận bão lụt năm Thìn là do duyên trời định:

Năm Thìn trời bão thình lình
Kẻ trôi người nổi, hai đứa mình còn đây.
Tơ hồng nay đã về tay,
Bà Nguyệt ở lại xe dây hai đứa mình.

Ảnh: pexels-quang-nguyen-vinh

Lời tỏ tình mộc mạc hồn nhiên được sử dụng bằng ngôn ngữ bình dị, ngộ nghĩnh là nét đặc thù của ca dao Lục tỉnh. Đôi khi cũng có những lời tỏ tình khá táo bạo, sỗ sàng, nhưng không kém hài hước: 

Con ếch ngồi dựa gốc bưng
Nó kêu cái “uệch”, biểu ưng cho rồi.

Từ táo bạo sỗ sàng đã khiến chàng trai trở nên “liều mạng” vì quá đỗi si tình:

Dao phay kề cổ, máu đổ không màng
Chết thì chịu chết chớ buông nàng anh hổng buông. 

Sau giai đoạn tìm hiểu, tỏ tình, đôi trai gái đã “chịu đèn” nên cùng nhau hẹn hò thề thốt:

Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành
Tàu Tây kia liệt máy anh mới đành bỏ em!

Hoặc: 

Sông dài cá lội biệt tăm 

Phải duơn chồng vợ ngàn năm em cũng chờ.

Chàng trai miệt vườn bất chấp mọi trở ngại hiểm nguy, quyết một lòng son sắt với người mình yêu nên hứa hẹn một câu chắc như đinh đóng cột:

Miễn bậu đành ừ, qua chẳng từ lao khổ,
Dẫu đăng sơn cầm hổ, dầu nhập hải tróc long
Trước sau giữ trọn một lòng,
Vào lòn ra cúi, anh cũng đành lòng theo em.
(Đăng sơn cầm hổ, nhập hải tróc long: Lên non giữ lấy cọp, xuống/vào biển bắt rồng).

Có lúc chàng trai thao thức hằng đêm vì nỗi vấn vương tơ tưởng:

Đêm nằm tơ tưởng tưởng tơ
Chiêm bao thấy bậu dậy rờ chiếu không. 

Về phần cô gái vì quá nặng tình đến “ốm tương tư” khi xa cách người yêu:

Ghe anh lui về Gia Định, em thọ bịnh đau liền
Không tin anh hỏi lại xóm giềng có không?

Cuối cùng, tình yêu cũng đơm bông kết trái, chàng trai sẽ cậy mai mối đến nhà gái xin hỏi cưới người thương của mình. 

Ảnh: pexels-quang-nguyen-vinh

Qua nghiên cứu, chúng tôi được biết văn hóa miền Trung, miền Bắc là văn hóa tịnh và đóng; còn văn hóa miền Nam là văn hóa động và mở. Cho nên quan niệm “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” hoặc “Áo mặc sao qua khỏi đầu” cũng có phần thoáng hơn. Nói khác đi trong việc hôn nhân, mặc dầu chưa có mai mối, chàng trai và cô gái đã tự ý tìm hiểu nhau, và khi đã phải lòng nhau chỉ cần cha mẹ đôi bên đồng ý đứng ra tác hợp Hôn lễ: “Phụ mẫu sở sanh do phụ mẫu định; Hai đứa mình còn đợi lịnh mẹ cha”. Vai trò mai mối ở đây khá mờ nhạt, chỉ có tánh cách hình thức mà thôi.

Một khi đã thành gia thất, tình nghĩa vợ chồng làm cho con người “thăng hoa” trong cuộc sống, trong tình yêu và hạnh phúc – một ước mơ khiêm tốn bình thường của người dân quê chất phác:

Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon. 

Tình yêu đôi lứa ở Nam Kỳ Lục tỉnh thường lấy bối cảnh nơi thôn dã như đã kể. Ngoài những cánh đồng còn có những dòng sông. Cánh đồng bao la bát ngát đã trải rộng tấm lòng người dân bản xứ. Dòng sông thơ mộng, trăng nước hữu tình là đề tài gợi hứng cho bao cuộc hò hát đối đáp giữa trai thương hồ (*) và gái bán vàm (**), là chứng nhân bao cuộc tình diễm tuyệt. 

Thật ra, trong tình yêu lứa đôi có khi cũng gặp nhiều trắc trở bởi những rào cản: Một là do mai mối “ít lời”; hai là do cha mẹ mê tín dị đoan tin tưởng vào bói toán; ba là lỗi ấy do Trời, do Tơ hồng Nguyệt lão “xe lơi chỉ điều”. Có lúc chàng trai đã trút cơn giận cành hông vào ông Tơ bà Nguyệt:

Bắt ông Tơ đánh sơ sơ vài chục
Duyên nợ sờ sờ sao ông ngủ gục không se?

Hoặc: 

Quất ông Tơ cái trót nhảy tót lên ngọn bần
Sao ông xe tuổi Hợi mà tuổi Dần ông hổng se?

“Dòng sông thơ mộng” lúc bấy giờ đã trở thành dòng sông ly biệt:

Ghe lui khỏi chợ nhổ sào
Thấy em có chốn muốn nhào xuống sông.

Cô gái cũng lụy tình không kém:

Chiều nay em bơi ghe ra sông cái, tự ái (ải) cho rồi
Sống làm chi biệt ly quân tử, thác cho rồi đặng chữ thủy chung… 

Tình yêu là một cái gì thiêng liêng, cần thiết cho cuộc sống đến nỗi phương Tây có câu: “Con người không có tình yêu như Trái đất không có Mặt trời”. Lamartine, nhà thơ lãng mạn nổi tiếng người Pháp đã thổn thức vì mất người yêu: “Vắng một người thế giới vắng tanh” (Un être qui vous manque et tout est dépeuplé). 

Thật khó mà định nghĩa tình yêu (Làm sao cắt nghĩa được tình yêu- Xuân Diệu). Tình yêu là niềm vui, đôi khi cũng là nỗi buồn. Người ta chỉ đạt được hạnh phúc trọn vẹn khi yêu và được yêu. Và ngược lại, họ sẽ hoàn toàn sụp đổ trong chán nản và tuyệt vọng. Đôi khi trong tận cùng tuyệt vọng, họ mượn đến cái chết là lẽ đương nhiên. Tình yêu đôi lứa của người dân Lục tỉnh cũng vậy.

Nhân Tết con Rồng, xin kính chúc bạn đọc gần xa – đặc biệt các chàng “trai hai huyện” có sức khỏe phi thường, còn các cô “gái miệt vườn” vẫn thủy chung son sắt: “Trăm năm trăm tuổi may rủi một chồng; Dầu ai thêu phượng vẽ rồng mặc ai”.

______________

Montréal, Canada, Xuân Giáp Thìn 2024

Chú thích:

(*) Thương hồ: dùng ghe xuồng chuyên chở nông sản buôn bán trên sông nước rày đây mai đó.

(**) Bán vàm: (vàm: cửa rạch, cửa sông, ngã ba sông), bán hàng rong (chè, cháo) trên sông – thường ở ngã ba sông nơi ghe thương hồ tới lui tấp nập. Ca dao có câu: “Thân em là gái bán vàm; Bán vàm em bán, điếm đàng em không.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: