Oscar 2024 dự kiến sẽ là “cuộc so găng” đầy thú vị giữa hai trong những nhà làm phim kiệt xuất nhất thế giới. Đó là Christopher Nolan – đang trong thời điểm chín mùi của sự nghiệp, và tượng đài Martin Scorsese – vừa trở lại bằng một siêu phẩm đầy ám ảnh.
Một bên được xem là kỳ tài điện ảnh đương thời với ngôn ngữ sáng tạo ở đủ thể loại, luôn tự thử thách và vượt khỏi lý thuyết thông thường để tạo nên những tác phẩm đặc sắc; một bên là bậc thầy ngôn ngữ tội phạm-hình sự-kinh dị trên màn ảnh, chuyên gia khai thác những vấn đề chủng tộc, tôn giáo và bạo lực gai góc. Nhìn theo độ tuổi, Christopher Nolan chỉ là một “chàng trai ngoài năm mươi” (53 tuổi) so với “già gân” Martin Scorsese (đã bước qua tuổi 81,) nhưng thế giới điện ảnh của cả hai đều xứng đáng được vinh danh và thán phục.
Giải của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh (Academy Awards) danh giá sắp tới được dự đoán không đơn thuần là câu chuyện “tượng vàng” giữa hai bộ phim Oppenheimer và Killers of the Flower Moon; ý nghĩa hơn, nó đánh dấu bước giao thời đáng nhớ khi được chứng kiến Christopher Nolan và Martin Scorsese, hai đại diện xuất sắc từ hai thế hệ khác nhau.
Một Martin Scorsese “không có tuổi”
Được xem là một trong những nhà làm phim xuất sắc nhất thế kỷ 20, vị tiền bối kiệt xuất Martin Scorsese luôn chăm chỉ làm việc và sáng tạo không ngừng. Với nguồn năng lượng như thể vô tận, dành cả đời để cống hiến cho điện ảnh và chưa có dấu hiệu mệt mỏi, những người lừng danh thế giới như ông hiện nay hay chăng chỉ còn Clint Eastwood, Steven Spielberg, và James Cameron.
Ngay từ khi ra mắt, Who’s That Knocking at My Door – bộ phim dài đầu tiên của Scorsese (1967) – đã được nhận định là một trong những khoảnh khắc tuyệt diệu của điện ảnh Mỹ. “Gia tài” của ông chứa đựng quá nhiều bộ phim đặc sắc, chỉ một phần danh sách thôi đã quá đủ cho người đời nhớ đến và kể về: Mean Streets (1973,) Taxi Driver (1976,) Raging Bull (1980,) Goodfellas (1990,) Casino (1995,) Gangs of New York (2002,) The Aviator (2004,) The Wolf of Wall Street (2013,) The Irishman (2019,)…
Bên cạnh danh vọng từ những thành công, cái tên Scorsese đi liền không ít những bi kịch trong và ngoài màn ảnh. Ông nhiều lần trải qua thất bại trong cuộc sống, những loạn lạc, nghiện ngập, và bất an qua bốn lần ly hôn,… Không ai có thể hiểu được nỗi đau của người từng trải hơn chính họ, và đó dường như là chất xúc tác hiệu quả hơn bao giờ hết, giúp ông có thể chuyển tải được những gì đớn đau nhất, nhưng lại thay cho tiếng gọi đời mình qua những thước phim gửi đến khán giả.
Sự nghiệp đã trải dài hơn năm thập niên, ở tuổi 81, Scorsese đã hiểu thế nào là thời trai trẻ, cuộc sống thay đổi ra sao khi ngày càng có tuổi, và hình ảnh của tuổi già. Ông biết rõ đây không còn là giai đoạn tập trung lắng nghe những lời khuyên trong sự hoà nhập, ông hiểu cần chọn lựa để được thực hiện điều mình muốn. Thế nên dẫu từng nhận được 14 đề cử trong sự nghiệp, thắng Oscar 2007 ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc qua phim The Departed, Scorsese không ngần ngại tuyên bố rằng ông không thuộc về “Thế giới Hàn lâm.” Chỉ có những cá tính mạnh mẽ như thể hoang dại mới có thể tự tin, dõng dạc và bản lĩnh đến thế.
Năm 2023, Scorsese tiếp tục “thử thách” khán giả bằng những phân cảnh vô cùng tàn nhẫn trong Killers of the Flower Moon – một tác phẩm chính kịch-tội phạm có thời lượng dài nhất sự nghiệp của ông, đi sâu vào bức tranh tội ác của một thành phần người da trắng trong quá khứ. Phim tựa một giấc mơ nhọc nhằn, sợ hãi đến mức ám ảnh, không thể nào vạch biên giới cụ thể về tình yêu, sự lừa dối, lòng tham, và tội ác. Người xem có cảm giác Scorsese đã dành hết những gì của đời mình cho tác phẩm; cái hay không ở điểm kết mà nằm trong quá trình thưởng thức chặng đường dài, bắt đầu từ sự tươi đẹp, thủ đoạn, rồi vụn vỡ.
Scorsese làm phim với quan điểm nhân sinh mà ông đã ngộ. Ông không thích đi theo cái gọi là tiêu chuẩn của Viện Hàn lâm, dù phim của ông hầu như luôn được khen ngợi; ông cũng chẳng màng nghĩ đến cảnh chán nản của khán giả khi phải ngồi trong rạp suốt 206 phút ở bộ phim mới nhất (Killers of the Flower Moon), điều gần như “bất khả thi” đối với một tác phẩm điện ảnh thời hiện đại (Avatar: The Way of Water với sự hỗ trợ đắc lực từ công nghệ 3D của James Cameron cũng chỉ dài 192 phút.) Scorsese muốn làm một bộ phim thể hiện được con người của ông vào lúc này, thứ có thể giúp ông ngồi xuống xem lại nó, mỉm cười hài lòng.
_______________________
28 là tổng số lần được đề cử Oscar của “tam đại nam nhân” Martin Scorsese (14,) Robert De Niro (8,) và Leonardo DiCaprio (6). Bản thân mỗi người đều từng thắng giải: Scorsese ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất tại Oscar 2007 với phim The Departed; De Niro ở hạng mục Nam diễn viên phụ tại Oscar 1975 trong The Godfather Part II, và hạng mục Nam diễn viên chính tại Oscar 1981 trong phim Raging Bull; DiCaprio ở hạng mục Nam diễn viên chính tại Oscar 2016 trong The Revenant.
“In Nolan We Trust”
So với nhiều nhà làm phim cùng thế hệ, Christopher Nolan tuy nhận được năm đề cử nhưng chưa từng thắng hạng mục nào ở Oscar. Vậy điều gì đã tạo nên tên tuổi nhà làm phim được xưng danh kỳ tài, và là sự đảm bảo cho chất lượng và doanh thu? Chưa kể việc nhiều ngôi sao hàng đầu Hollywood, vốn vô cùng thực dụng và phù phiếm, lại sẵn sàng chịu nhận một khoản cát-xê hết sức tượng trưng chỉ để được xuất hiện trong phim của Nolan?
Christopher Nolan nổi tiếng qua lối kể chuyện phức tạp, cấu trúc độc đáo, đầy biến hoá trong không gian siêu hình và cổng thời gian siêu thực. Đạo diễn người Mỹ gốc Anh này chuyên trị hầu hết thể loại từ tiểu sử, chiến tranh, điệp viên, cho đến siêu anh hùng,… Dù không phải lúc nào cũng nhận được đánh giá cao từ các nhà phê bình, điều khiến Nolan trở nên khác biệt là ông luôn biết cách dẫn dắt người xem, khiến họ phải thật sự chú tâm mỗi khi thưởng thức tác phẩm của mình – yếu tố đặc thù nhận biết một tài năng hơn người.
Không nhà làm phim nào khơi dậy được bản tính tò mò của con người giữa những kỳ bí trong cấu trúc thời gian phi tuyến tính như Christopher Nolan. Trong hơn 25 năm qua, ông đã thực hiện 12 bộ phim, đưa khán giả đi vào những cuộc hành trình phức tạp, quay cuồng giữa tâm trí và thời gian, những câu chuyện gắn liền thực tế và phép thuật.
Một nhà làm phim giỏi có thể thực hiện bất cứ điều gì miễn anh ta muốn. Christopher Nolan, đạo diễn Inception – bộ phim đặc trưng cho những mông lung giữa hiện thực và giấc mơ, sở trường của “ngôn ngữ Christopher Nolan” – là một trong số ít nhà làm phim đương thời dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, thực hiện những bộ phim nguyên bản cực kỳ đắt tiền, mặc cho dư luận.
Thực tế, Nolan là đạo diễn hiếm hoi hiện nay có thể bảo chứng ở cả hai khía cạnh nghệ thuật và doanh thu. Cho đến nay, những bộ phim do Nolan cầm trịch đạt tổng doanh thu hơn $6 tỉ trên toàn cầu, dành được 192 trên tổng số 532 đề cử ở những giải thưởng điện ảnh quốc tế. “In Nolan We Trust” (viết nhái từ “In God We Trust”) là khẩu hiệu mà khán giả ưu ái dành tặng cho Nolan. Thứ duy nhất Nolan còn thiếu trên con đường chinh phục Hollywood là giải cá nhân tại Oscar, điều mà theo nhiều người chỉ còn là vấn đề thời gian.
Khởi nghiệp bằng một số phim ngắn trước khi ra mắt bộ phim độc lập thể loại kinh dị-tội phạm Following (1998) với kinh phí chỉ $6,000, Nolan bắt đầu trở nên quen thuộc khi ông nhận được đề cử Oscar hạng mục Kịch bản gốc với Memento (2000.) Lần lượt sau đó, các phim Insomnia (2002), Batman Begins (2005,) The Prestige (2006,) The Dark Knight (2008,) Inception (2010,) và The Dark Knight Rises (2012) đưa sự nghiệp của ông cất cánh và giúp cái tên Nolan trở thành đạo diễn hàng A+ của Hollywood. Interstellar (2014) tiếp tục thắng phòng vé khi thu về hơn $701 triệu so với kinh phí $165 triệu.
Trên tuyến đường thẳng tiến đầy những điểm son tính đến nay, dường như chỉ có tác phẩm hành động tâm lý Tenet (2020) với đề tài điệp viên trong một thế giới nghịch đảo là một “bước lùi” của Nolan. Dù luôn đem đến cho khán giả những trải nghiệm mãn nhãn về hình ảnh, phim không thành công như kỳ vọng do nội dung không rành mạch, những sáng tạo “đa chiều” của Nolan trong phim đã không chạm được tới khán giả.
Bộ phim đề tài chiến tranh Dunkirk (2017) tiếp nối thành công của thương hiệu Nolan khi nhận được đề cử Oscar hạng mục Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất. Trước đó, Inception (2010) từng nhận được đề cử Oscar ở hai hạng mục Phim hay nhất và Kịch bản gốc.
Năm 2023 vừa qua, Nolan tiếp tục trình làng một siêu phẩm: Oppenheimer – một thiên anh hùng ca lịch sử về khoa học gia nguyên tử năng J. Robert Oppenheimer (Cillian Murphy nhập vai,) người được bổ nhiệm đứng đầu, giám sát việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Phim được quay bằng công nghệ IMAX, đầy ắp hình ảnh tuyệt đẹp được sắp xếp khéo léo trong cấu trúc thời gian phi tuyến tính. Điểm cộng “ăn tiền” trong phim này, là dù thời lượng không hề ngắn (180 phút,) sức hấp dẫn của phim khiến đa phần khán giả không nhớ rằng họ vừa xem một bộ phim dài ba giờ sau khi rời rạp. Về nhiều mặt, có thể xem Oppenheimer là đỉnh cao sáng tạo của đạo diễn Nolan.
Những nhà phê bình trên các chuyên san nổi tiếng về điện ảnh và giải trí (Variety, The Hollywood Reporter) đều nhận định Oppenheimer nằm ở ba vị trí đầu trong danh sách “Những phim hay nhất của Nolan.” Trên trang mạng Metacritic (các nhà phê bình chấm,) Oppenheimer ở vị trí thứ hai sau Dunkirk; còn trên Rotten Tomatoes (thay cho tiếng nói khán giả,) Oppenheimer là “số một.”
___________________________