Dấu ấn Việt kiều trên màn bạc

Share:
Cảnh trong ‘Mùi đu đủ xanh’

Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Hàm Trần, Lê Văn Kiệt, Johnny Trí Nguyễn, Dustin Nguyễn, Ngô Thanh Vân, Kathy Uyên… là những cái tên chủ lực của điện ảnh Việt Nam. Họ có một điểm chung:

Đều là những đạo diễn, diễn viên Việt kiều trở về quê hương với khát vọng kể những câu chuyện mang hương sắc Việt Nam bằng ngôn ngữ điện ảnh. Nhìn ở một góc độ, chính họ là những người thật sự tạo nên một diện mạo mới mẻ với một thứ ngôn ngữ riêng cho làng điện ảnh Việt Nam sau 1975…

THẾ HỆ ĐẠO DIỄN VIỆT KIỀU ĐẦU TIÊN: MÙA NẮNG, MÙA MƯA & MÙA HY VỌNG

Phải hơn 10 năm sau 1975 mới có những đạo diễn hải ngoại trở về nước làm phim. Đạo diễn Việt kiều đầu tiên đặt chân về Việt Nam có thể nhắc đến Hồ Quang Minh, vốn là một tiến sĩ vật lý sống ở Thụy Sĩ. Hồ Quang Minh gây tiếng vang với hai bộ phim thời đầu của anh là Con thú tật nguyềnBụi hồng – đều được thực hiện trong những năm cuối 1980 và đầu thập niên 1990. Con thú tật nguyền, với sự tham gia của tài tử Trần Quang, ngôi sao nổi tiếng của Sài Gòn trước 1975, gây tiếng vang khá lớn khi tham dự vài Liên hoan phim quốc tế.

Nhưng phải đến năm 1993, với Mùi đu đủ xanh, phim đầu tay của đạo diễn Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng giành được Camera D’or tại LHP Cannes và sau đó được đề cử Oscar phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, giới làm phim Việt kiều mới bắt đầu gây ấn tượng mạnh.

Mùi đu đủ xanh là một hồi ức đẹp về Sài Gòn những năm đầu thập niên 1960, được kể lại qua con mắt thuần khiết của Mùi, một cô bé nông thôn lên Sài Gòn giúp việc cho một gia đình trung lưu và chứng kiến những thăng trầm của gia đình này. Mùi đu đủ xanh gây kinh ngạc với những hình ảnh duy mỹ, đánh thức giác quan, khiến khán giả chìm đắm vào vẻ đẹp hoài cổ.

Cyclo – một trong những phim bị cấm chiếu chẳng vì lý do gì

Hai năm sau, với Xích lô (1995) – tái hiện một Sài Gòn với hiện thực khốc liệt đầu thập niên 1990, nơi ống kính không ngần ngại phơi bày những mặt tối xã hội, đặc biệt thế giới băng đảng và sự tha hóa của một lớp người dưới đáy – Trần Anh Hùng đã vươn lên đỉnh cao sự nghiệp khi giành được giải cao nhất – Sư tử vàng, tại LHP Venice 1995.

Mặc dù đoạt được một trong những giải danh giá nhất thế giới, Xích lô lại bị cấm chiếu tại Việt Nam mà không lý do nào được đưa ra từ cơ quan kiểm duyệt. Năm 2000, Trần Anh Hùng hoàn thiện “trilogy” (bộ ba) về đề tài Việt Nam với Mùa hè chiều thẳng đứng, cũng được chọn tham gia LHP Cannes. Phim không đoạt giải, dù được giới phê bình đánh giá cao về mặt nghệ thuật.

Khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận Việt Nam năm 1994, một số đạo diễn Việt kiều Mỹ bắt đầu về nước làm phim, trong đó có hai anh em Tony Bùi và Timothy Linh Bùi. Năm 1996, họ trở về Sài Gòn để quay bộ phim Ba mùa (Three Seasons). Đây được coi là bộ phim Mỹ đầu tiên được quay tại Việt Nam sau khi kết thúc chiến tranh. Ba mùa có cấu trúc lạ với câu chuyện đa tuyến nhưng có một điểm chung là các nhân vật đều đi tìm sự cứu rỗi và niềm hy vọng. Phim có sự tham gia của dàn diễn viên Mỹ-Việt, trong đó có Harvey Keitel, Đơn Dương, Ngọc Hiệp, Mạnh Cường…

Ba mùa – với bối cảnh chính ở Sài Gòn – là mùa nắng, mùa mưa và mùa hy vọng. Bộ phim lập tức gây tiếng vang khi tranh giải LHP Sundance – một LHP độc lập hàng đầu tại Mỹ – và giành chiến thắng với ba giải quan trọng: Giải thưởng lớn của Ban giám khảo, giải Khán giả bình chọn và giải Quay phim xuất sắc nhất vào năm 1999.

Điểm dễ thấy của thế hệ đạo diễn Việt kiều đầu tiên là họ tái hiện những câu chuyện hoài cổ về một thời đã qua hoặc góc nhìn trực diện về hiện thực. Dòng phim họ chọn thường là độc lập (indie) hoặc nghệ thuật (arthouse); và mang đi tranh giải tại các LHP quốc tế danh giá hơn là dành cho khán giả nội địa.

Một số đạo diễn Việt kiều sau này tiếp nối tinh thần nghệ thuật của thế hệ đi trước cũng tạo dựng được thành công quốc tế, có thể kể đến Nguyễn Võ Nghiêm Minh với Mùa len trâu (2004), Lưu Huỳnh với Áo lụa Hà Đông (2006) và Leon Le với Song Lang (2018). Điểm khác biệt là ở các đạo diễn sau, mặc dù vẫn kế thừa phong cách làm phim nghệ thuật nhưng họ bắt đầu có sự thay đổi đáng kể trong cách kể chuyện cũng như xu hướng tiếp cận thị trường để gần khán giả nội địa hơn.

Cảnh trong ‘Song Lang’

LÀN SÓNG VIỆT KIỀU THỨ HAI: CHIẾM LĨNH THỊ TRƯỜNG

Đầu những năm 2000, khi thị trường nội địa khởi sắc sau thành công của một số bộ phim giải trí như Gái nhảy (2003) của đạo diễn Lê Hoàng, Những cô gái chân dài (2004) của Vũ Ngọc Đãng và Nụ hôn thần chết (2006) của Nguyễn Quang Dũng…, làn sóng đạo diễn Việt kiều thứ hai bắt đầu xuất hiện.

Điểm khác biệt của thế hệ thứ hai là đa số đều trở về từ Mỹ và nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu khán giả. Mục tiêu của họ là chinh phục điện ảnh nội địa, một thị trường tiềm năng với hơn 90 triệu dân và có lượng khán giả trẻ chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, không dễ dàng để chinh phục khán giả trẻ vì trình độ thưởng thức của họ đã cao hơn, nhờ tiếp cận những bộ phim giải trí đến từ Hollywood cũng như những nền điện ảnh phát triển ở châu Á.

Đó là lý do khiến một số đạo diễn Việt kiều, được đào tạo bài bản và nhiều tham vọng, nhưng chưa có nhiều trải nghiệm về văn hóa bản địa, đã thất bại đau đớn.

Đó là những trường hợp của hai đạo diễn trẻ Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn với 1735km, phim hành trình (roadtrip) của một đôi bạn trẻ từ Hà Nội vào Sài Gòn; hay Ringo Le với Saigon Love Story, được dựng theo phong cách nhạc kịch, có sự tham gia của hai diễn viên trẻ đang lên lúc đó là Ngô Thanh Vân và Hứa Vĩ Văn. Một đạo diễn khác, xuất thân từ dân làm quảng cáo – Othello Khanh – cũng thất bại thê thảm với Sài Gòn nhật thực.

Mắt Biếc – một trong những bộ phim thành công của Victor Vũ

Dòng phim giải trí của thế hệ đạo diễn Việt kiều thứ hai chỉ thực sự khởi sắc với sự xuất hiện của Charlie Nguyễn và Victor Vũ. 15 năm qua, từ lúc đặt chân về Việt Nam đến nay, họ vẫn là hai đạo diễn thành công nhất, bắt đầu với phim hành động dã sử Dòng máu anh hùng (The Rebel) năm 2007 của anh em đạo diễn, diễn viên Charlie Nguyễn và Johnny Trí Nguyễn.

Charlie Nguyễn, trước đó được biết đến nhờ những phim hài anh thực hiện cho Vân Sơn; trong khi đó Johnny Trí Nguyễn đã thành danh với tư cách một cascadeur cho nhiều phim bom tấn Hollywood. Khát vọng anh em Nguyễn là thực hiện những phim hành động võ thuật để tiếp nối giấc mơ của cha họ – một võ sư nổi tiếng trước 1975 tên Nguyễn Chánh Sử, cũng như của người chú – diễn viên Nguyễn Chánh Tín.

Dòng máu anh hùng, bộ phim đầu tay của anh em Nguyễn, được đầu tư với $1 triệu, một con số rất lớn thời điểm năm 2007, tạo được tiếng vang tức thì. Kịch tính, hấp dẫn với phong cách làm phim hành động đậm đặc chất Hollywood trên nền một câu chuyện dã sử lấy cảm hứng thời kháng chiến chống Pháp, Dòng máu anh hùng thực sự nâng tầm điện ảnh giải trí Việt Nam. Đáng tiếc, ở thời điểm phim ra mắt, thị trường điện ảnh Việt Nam còn quá nhỏ, với số rạp chiếu ít ỏi.

Đó là lý do khiến phim thua lỗ. Tuy nhiên, chính sự thất bại doanh thu của Dòng máu anh hùng đã khiến anh em Nguyễn chuyển sang dòng phim hài với kinh phí sản xuất thấp, và họ đạt được thành công lớn, với Để Mai tính, Cưới ngay kẻo lỡ, Long ruồi, Tèo em, Để Hội tính…; rồi những phim do Charlie Nguyễn sản xuất như Em chưa 18 (từng lập kỷ lục ăn khách với hơn 170 tỷ đồng), Chàng vợ của em

Đạo diễn Victor Vũ (Facebook)

Năm 2014, Charlie và Johnny Trí Nguyễn quay trở lại với giấc mơ làm phim hành động võ thuật. Bụi đời Chợ Lớn – bộ phim đầy tham vọng với kinh phí đầu tư lớn – phải chịu một cái kết đắng khi giới kiểm duyệt cấm chiếu với lý do “bạo lực và có nhiều cảnh đâm chém”.

Chậm hơn anh em Nguyễn một chút, Victor Vũ “chào sân” với bộ phim lãng mạn hài Chuyện tình xa xứ (Passport to Love) năm 2009. Đây là phim được quay ở Mỹ và Việt Nam, với sự tham gia của Huy Khánh, Bình Minh và Kathy Uyên. Chuyện tình xa xứ, dù không gây tiếng vang như Dòng máu anh hùng, nhưng phong cách làm phim chuyên nghiệp và cách nắm bắt thị hiếu khán giả thông minh của Victor Vũ, đã đủ để giới thiệu một đạo diễn Việt kiều tiềm năng tại Việt Nam.

Diễn viên-nhà sản xuất Kathy Uyên (Facebook)

Sau scandal phim Giao lộ định mệnh (được cho là copy một kịch bản phim hình sự của Hollywood), Victor Vũ nhanh chóng lấy lại được tên tuổi nhờ Cô dâu đại chiếnScandal – Bí mật thảm đỏ. Hai bộ phim thuộc hai thể loại – một hài (Cô dâu đại chiến), một hình sự kinh dị (Bí mật thảm đỏ) – đều có điểm chung là phong cách kể chuyện hấp dẫn.

Sự thành công tại phòng vé (và cả những giải thưởng điện ảnh) cho thấy Victor Vũ là một đạo diễn thông minh và nhanh nhạy. Điều đó đã được chứng minh bằng loạt phim thành công như Thiên mệnh anh hùng; và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc (hai phim chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh)…

Sau Charlie Nguyễn và Victor Vũ, nhiều đạo diễn và nhà làm phim Việt kiều lần lượt trở về như Hàm Trần, Dustin Nguyễn, Lê Văn Kiệt… Trong số này, không thể không kể hai gương mặt nữ nổi trội là Kathy Uyên và Ngô Thanh Vân. Kathy Uyên bắt đầu được biết đến với vai trò diễn viên trong Chuyện tình xa xứ (2009).

Hơn 10 năm qua, cô khá thành công ở một số bộ phim như Âm mưu giày gót nhọn (đạo diễn Hàm Trần) hoặc giữ vai trò đạo diễn, nhà sản xuất với bộ phim Chị chị em em. Gần đây, Kathy Uyên còn mở một trung tâm đào tạo diễn xuất.

Ngô Thanh Vân trong ‘Cô Ba Sài Gòn’

Ngô Thanh Vân, một người đẹp trở về từ Na Uy, bắt đầu bước vào lĩnh vực giải trí với hình ảnh người mẫu, ca sĩ hồi đầu những năm 2000 rồi lấn sân sang điện ảnh. Nghệ thuật thứ bảy mới là lĩnh vực mà Ngô Thanh Vân thành công nhất, với hình tượng “đả nữ” qua các phim hành động như Dòng máu anh hùng, Truy sát

Cô cũng là nữ diễn viên gốc Việt hiếm hoi xuất hiện trong một số phim Hollywood. Ngô Thanh Vân còn là nhà sản xuất và đạo diễn rất thành công về mặt thương mại với công ty Studio 68, nơi sản xuất nhiều phim thắng lớn như Tấm Cám – Chuyện chưa kể, Cô Ba Sài Gòn hay Hai Phượng, bộ phim mà cô vừa là diễn viên chính vừa là nhà sản xuất, lập kỷ lục phòng vé khi thu hơn 200 tỷ đồng…

Đến nay, một lần nữa, có thể nói, điện ảnh Việt Nam sau 1975 đã tồn tại với sự đóng góp đáng kể của những đạo diễn-diễn viên Việt kiều. Dĩ nhiên họ làm ăn. Họ có tính toán. Tuy nhiên, dù bị kiểm duyệt khống chế, họ vẫn xoay sở để tạo ra một thế giới riêng biệt bằng phong cách làm phim tự do trong chừng mực có thể, bằng ngôn ngữ ít nhiều không bị bó buộc vào khuôn khổ thuần túy phục vụ tuyên truyền cho chế độ cầm quyền.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: