Ngày càng nhiều những bộ phim do người Việt thực hiện đã góp mặt và đoạt giải ở sân chơi quốc tế. Nhiều dấu hiệu cho thấy thành kiến lâu nay của khán giả Việt đối với điện ảnh nước nhà đang thay đổi tích cực. Mặt khác, tín hiệu này đi kèm không ít thử thách…
Phim Việt tham gia sân chơi quốc tế
Chọn năm 2000 làm cột mốc, thực tế điện ảnh Việt không phải “vô danh” nếu xét đến triển vọng “thi cử” ở những Liên hoan phim Quốc tế. Các đạo diễn Việt lần lượt đưa tác phẩm của họ dự thi và đạt nhiều giải đáng ghi nhận.
Công chiếu năm 2006, Áo lụa Hà Đông do Lưu Huỳnh viết kịch bản, kiêm đạo diễn xoáy vào chủ đề chiến tranh quen thuộc và những hoàn cảnh khổ sở giữa bom đạn. Mạch phim đi theo hai nhân vật tên Dần (Trương Ngọc Ánh đóng) và Gù (Quốc Khánh). Họ đều là người hầu nhà địa chủ, khát khao tìm kiếm một nơi có thể sống yên ổn bên nhau, thoát khỏi kiếp tôi tớ đọa đày. Nội dung tuy cũ nhưng góc nhìn mới của Lưu Huỳnh đã giúp Áo lụa Hà Đông nhận được nhiều đánh giá tích cực. Phim được trao giải Bình chọn của khán giả tại LHP Quốc tế Busan 2006.
Năm 2008, Trăng nơi đáy giếng của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn được thực hiện chỉn chu về hình ảnh lẫn nội dung. Phim kể về số phận một cô giáo tên Hạnh (Hồng Ánh thủ vai) luôn một lòng tôn thờ chồng và hết mực vì gia đình chồng theo khuôn khổ gia đình truyền thống ở Huế. Chuyện phim chạm đến đông đảo khán giả và nhận được nhiều lời khen. Nhập vai Hạnh đầy tâm trạng, nhẹ nhàng nhưng không kém phần đớn đau, nữ diễn viên Hồng Ánh đoạt giải Nữ chính tại LHP Quốc tế Dubai 2008.
Một trong những đại diện tiêu biểu cho điện ảnh Việt có thể kể đến Mùa len trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Phim vẽ nên bức tranh gian khổ, cơ cực không lối thoát của người nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mùa len trâu được đánh giá cao và thắng nhiều giải thưởng: Giải Đạo diễn mới xuất sắc nhất tại LHP Chicago (Mỹ), giải Đặc biệt tại LHP Locarno (Thụỵ Sĩ), giải Grand Prix tại LHP Amiens (Pháp)…
Ròm của đạo diễn thế hệ 9X Trần Thanh Huy là tác phẩm điện ảnh đề cập đớn đau và ly kỳ về cái nghèo. Phim được trao nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, đáng chú ý nhất là giải Dòng chảy mới tại LHP Quốc tế Busan (2019), giải Phim đầu tay xuất sắc nhất tại LHP quốc tế Fantasia (2020),…
Những bộ phim kể trên tuy đạt nhiều giải thưởng quốc tế, nhưng đa phần đều tại những LHP nhỏ, ít danh tiếng. Phải đến cuối năm 2022, Tro tàn rực rỡ của Bùi Thạc Chuyên đoạt giải cao nhất tại LHP Quốc tế Ba lục địa.
Năm 2023 với nhiều cảm xúc
Năm 2023 thật đặc biệt đối với những ai quan tâm điện ảnh Việt và những người gốc Việt hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Giai đoạn đầu năm, sân khấu Oscar đã xướng tên Quan Kế Huy ở hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất. Giữa những phấn khích, giải Oscar cho một cái “tên Việt” đã gây nhiều tranh cãi. Căn cước của Quan Kế Huy trở thành chủ đề dư luận nóng bỏng. Nguyên nhân do Quan Kế Huy là diễn viên Mỹ, gốc Hoa, được sinh ra ở Việt Nam. Quan Kế Huy sau đó là công dân Mỹ, thế nên “ở góc độ quốc tịch,” nói Quan Kế Huy là người Mỹ gốc Việt cũng không sai. Theo ngôn ngữ báo chí, ngắn gọn và chính xác, có thể gọi Quan Kế Huy là diễn viên Mỹ gốc Á.
Đến LHP Cannes danh giá vào Tháng Năm, đạo diễn trẻ thế hệ 8X Phạm Thiên Ân – hiện sinh sống và làm việc ở Mỹ – trở thành niềm hãnh diện của người Việt khi thắng giải Camera Vàng cho phim đầu tay Bên trong vỏ kén vàng. Và cũng tại Cannes 2023, đạo diễn Trần Anh Hùng đã gây chú ý lớn. Trần Anh Hùng là cái “tên Việt” nổi tiếng nhất về mặt “bằng cấp và giải thưởng.” Ông từng thắng hạng mục Camera Vàng tại LHP Cannes 1993 với Mùi đu đủ xanh, và Sư Tử Vàng tại LHP Venice 1995 với Xích Lô. Đỉnh cao nghề nghiệp của Trần Anh Hùng được vinh danh khi ông nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes 2023 qua phim La Passion de Dodin Bouffant.
Sau những thành quả, tên tuổi của Trần Anh Hùng – người từng bị cấm về Việt Nam – thật khó định nghĩa. Một số nguồn tin trong nước cố tình lập lờ, đánh tráo khái niệm khi cho rằng ông là “người Việt quốc tịch Pháp,” thực tế cần nhận diện rõ ông là “người Pháp gốc Việt”.
Đi được bao xa khi chân còn xiềng xích?
Mỗi khi nhắc đến điện ảnh, giới sản xuất và đạo diễn Việt thường than: Người Việt “dìm hàng” phim Việt, khán giả Việt ghét phim Việt, điện ảnh Việt không phát triển do “dân trí thấp”… Có một lập luận rất khôi hài được truyền miệng trong giới điện ảnh: “Nếu phim hay thì nhờ đội ngũ làm phim giỏi, nếu phim dở là do… khán giả không biết thưởng thức.”
Thực tế chứng minh điều ngược lại. Nếu tra những bộ phim lập kỷ lục doanh thu cao nhất ở phòng vé Việt Nam, sẽ phát hiện nhiều phim Việt. Trong 50 vị trí đầu (top 50), có đến 20 bộ phim Việt. Còn ở top 10, phim Việt cũng giữ 5 vị trí. Riêng Trấn Thành – trong vai trò nhà sản xuất và diễn viên – chiếm hai vị trí đầu với Nhà bà Nữ (475 tỷ) và Bố Già (427 tỷ), cả hai đều gần gấp đôi Avengers: Endgame (285 tỷ) ở vị trí thứ ba.
Con số không biết nói dối. Thị trường phim Việt đang bùng nổ. Khán giả Việt không xoay lưng phim Việt. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa điện ảnh Việt Nam đang thật sự phát triển – theo cách tương tự như điện ảnh Hàn Quốc. Tại sao?
Tài năng và sức sáng tạo của nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng không có điểm dừng. Điều kiện tiên quyết, cần có niềm đam mê và đôi chân không bị trói buộc từ muôn vàn kiểm duyệt. “Là người từng làm phim ở Việt Nam lẫn nước ngoài nên tôi nhận ra được sự khác biệt vô cùng lớn. Làm phim ở Việt Nam, tôi căng thẳng hơn hẳn vì cứ phải tự kiểm duyệt. Trong khi đó, với những dự án ở nước ngoài, quá trình sáng tạo được tự do và có nhiều niềm vui hơn. Nó khuyến khích mình làm việc” – đạo diễn Trần Anh Hùng chia sẻ với báo giới.
Có vô số bằng chứng cho thấy kiểm duyệt luôn là mối lo lớn nhất của tất cả hoạt động văn hóa ở Việt Nam, dĩ nhiên trong đó có điện ảnh. Một khi đôi chân điện ảnh còn bị đeo gông đeo cùm thì “nghệ thuật thứ bảy” của Việt Nam chỉ có thể quanh quẩn với những sản phẩm hàng chợ rẻ tiền, cho dù vài trong số đó có thể đạt doanh thu hàng trăm tỷ.