Oscar 2021: Anthony Hopkins Và Vai Diễn Để Đời Vào Cuối Đời Sự Nghiệp

Share:

Trong bảng đề cử nam diễn viên chính của Oscar lần thứ 93 (lễ trao giải tổ chức ngày 25-4-2021), diễn viên người Mỹ gốc Hàn Steven Yeun (trong Minari) có thể được xem là yếu nhất (khi so sánh với những người còn lại trong bảng đề cử; không có nghĩa Steven Yeun diễn xuất tệ); thứ đến là Riz Ahmed (trong Sound of Metal); hai diễn viên Chadwick Boseman (Ma Rainey’s Black Bottom) và Gary Oldman (Mank) gần như ngang nhau; và xuất sắc nhất là lão tướng Anthony Hopkins.

Trong The Father, Anthony Hopkins đóng vai một ông cụ mất trí nhớ nhưng luôn cố “sắp xếp” cuộc đời mình. Ông luôn nói với con gái cũng như cô y tá chăm sóc ông rằng “tôi tự lo cho mình được” nhưng ông không thể làm điều đó vì ông chẳng nhớ gì cả hoặc nhớ lẫn lộn. Ký ức và thực tại đan xen trong ông. Ông nói cái đồng hồ đeo tay của ông bị mất trộm vì tìm mãi không thấy nhưng thực ra chính ông giấu nó trong ngăn kéo. Ông lẫn lộn con gái ông với cô y tá. Ông không nhận ra cậu con rể. Ông quên tên và ngày tháng. Ông mất định hướng về thời gian lẫn không gian. Ông nhầm lẫn người sống với người chết. Ông nhớ trước quên sau nhưng dường như nhớ tất cả…

Ông chẳng quên điều gì nhưng không nhớ điều gì một cách rõ ràng và chính xác. Ông mất trí nhớ nhưng không lẩm cẩm ngớ ngẩn mà thậm chí cố tỏ ra sáng suốt minh mẫn. Căn bệnh mất trí nhớ hệt như một bóng ma lởn vởn ngày đêm trong cuộc đời ông cũng như trong căn hộ ông sống cùng con gái và con rể. Ông cô đơn tột đỉnh khi ông nhốt mình vào ký ức, vào quá khứ và hiện tại, giữa hôm nay và tương lai. Và trong khi ông luôn nói với mọi người rằng ông có thể tự lo bản thân, ông rất sợ bị bỏ rơi…

The Father là bộ phim chuyển thể từ vở kịch thành công vang dội Le Père của Florian Zeller và cũng là tác phẩm điện ảnh đầu tiên mà Florian Zeller thực hiện với vai trò đạo diễn. Le Père đã mang lại giải Tony cho Frank Langella cho vai diễn “người cha”. Với Anthony Hopkins, trong The Father, ông (sinh năm 1937 – cùng năm với diễn viên Kiều Chinh) đã diễn tự nhiên và xuất thần như thể ông không hề cố gắng. Ông diễn tuyệt vời đến mức người xem có cảm giác ông đang làm đạo diễn cho chính mình. Ông “thả” ông vào cuộc đời của một ông già đang chiến đấu dữ dội, dù không hề nhận thức điều đó, để giành lại ký ức. Trong The Father, Anthony Hopkins như là một ông vua. Ông điều khiển toàn bộ cảm xúc cá nhân cũng như dẫn dắt cảm xúc những diễn viên cùng đóng…

Trong tự truyện Confessions of an Actor, Sir Laurence Olivier chứ không ai khác đã thấy được khả năng của một Anthony Hopkins lúc đó 29 tuổi đóng trong The Dance of Death (1967); và sau khi đạo diễn A Bridge Too Far (1977), Richard Attenborough đã đánh giá Anthony Hopkins là “diễn viên xuất sắc nhất thế hệ của ông” (A Bridge Too Far gồm toàn ngôi sao thượng thặng: James Caan, Michael Caine, Sean Connery, Gene Hackman, Anthony Hopkins, Laurence Olivier, Robert Redford…). Vài năm gần đây, Anthony Hopkins trở lại phim trường với những vai nặng ký, trong đó có The Two Popes; The Dresser (đóng chung đồng hương người Anh Ian McKellen); King Lear (với sự tham gia của dàn diễn viên hạng A – Emma Thompson, Emily Watson, Jim Broadbent, John Standing…). Tuy nhiên, không phim nào trong những phim trên mà Anthony Hopkins diễn “đẹp” như trong The Father.

30 năm sau khi giành Oscar với The Silence of the Lambs, Anthony Hopkins đã chứng tỏ đẳng cấp của ông như thế nào. Nếu The Silence of the Lambs đánh dấu cột mốc thành công của một diễn viên đáng ngưỡng mộ thì The Father ghi nhận thành tựu của một tượng đài. Vai “người cha” trong The Father là kết tinh nghệ thuật diễn xuất thượng thừa đáng đưa Anthony Hopkins lên hàng một trong những “the father” của các “father” trong thế hệ ông. Nếu trong The Silence of the Lambs, Anthony Hopkins diễn thực đến mức khiến diễn viên Jodie Foster sợ rợn người không dám đến gần ông trong phim trường, thì trong The Father, Anthony Hopkins cũng diễn nhập đến mức ông đã khóc thật, với cảm xúc nặng nề đến nỗi ông phải yêu cầu đạo diễn cho ông nghỉ vài ngày trước khi quay cảnh tiếp theo.

Anthony Hopkins đã được Viện hàn lâm khoa học nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) nhìn nhận với việc trao Oscar lần thứ hai cho ông. Thật ra điều đó cũng không quan trọng. Khi tài năng đã đạt đến và thậm chí vượt qua khuôn khổ định nghĩa thông thường của từ “tài năng”, sự công nhận không còn nằm ở bản thân giải thưởng, ở tượng vàng Oscar, bởi bản thân Anthony Hopkins đã là một tượng đài.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: