Giáng sinh di cư đầu tiên

Share:
Giáng sinh ở Sài Gòn trước 1975 (Getty Images)

Năm 1954 và 2024 là hai năm đánh dấu 70 năm ngày đất nước chia đôi, dòng sông Bến Hải đã làm biên giới giữa hai miền. Miền Bắc thuộc về Cộng Sản, miền Nam là vùng Quốc Gia tự do.

Năm đó, tôi 18 tuổi cùng với gia đình theo gần một triệu người bỏ miền Bắc di cư vào Nam. Chuyện của tôi gần giống như hai bài nhạc mà mọi người thường hát, là bài “Nỗi Lòng Người Đi” của Anh Bằng và bài “Gửi Người Em Gái” của Đoàn Chuẩn và Từ Linh.

Tôi xa Hà Nội năm tôi mười tám khi vừa biết yêu

Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều…

Tôi xa Hà nội năm em mười sáu trăng tròn đắm say

Đôi tay ngọc ngà dương gian, tình ái em đong thật đầy…”

Tôi cũng có một cô hàng xóm mười sáu tuổi, trước khi đi vào Nam, cô gửi cho tôi một lá thư và kèm theo một tấm hình. Có một điều trái ngược với hai bài hát trên là cả hai chúng tôi không ai ở lại Hà Nội cả. Chúng tôi tìm gặp lại được nhau ở Sài Gòn, nhưng mối tình học trò của một thời lãng mạn như bong bóng mùa mưa tan lúc nào không hay.

Dòng người Bắc di cư vào Nam năm 1954 (Getty Images)

Nhớ lại thời gian mới vào Nam, cha tôi được chuyển ra làm việc ở Đà Nẵng. Cả gia đình phải đi theo, trừ tôi ở lại Sài Gòn vì muốn tiếp tục theo học trường Chu Văn An. Trong những ngày đầu, chưa có chỗ trọ, tôi đạp xe đến trại học sinh di cư Phú Thọ, nhưng trại đã đóng cửa, nhìn vào ngổn ngang rác rưởi.

Tôi tìm đến Nhà Hát Lớn thành phố, lúc đó vẫn còn một số người di cư vào muộn nên chưa giải tỏa. Tôi đang đứng lớ ngớ ở đại sảnh thì gặp một anh bạn lễ mễ khuân hành lý đi xuống. Sau khi biết tôi đang cần nơi trú ngụ, anh bèn dẫn tôi lên đến khúc ngoặt của cầu thang tầng thứ ba, bảo tôi cứ dọn đến chiếm chỗ của anh vì anh đã có một nơi ở bên ngoài rồi.

Anh giục tôi về dọn đến ngay. Hành trang của tôi chẳng có bao nhiêu. Tôi may mắn có một cái xe đạp để di chuyển, một vali nhỏ đựng quần áo, một ít vật dụng và một giường xếp kiểu nhà binh.

Mỗi lần đi học về, tôi thường nằm một mình, qua khung kính vỡ nhìn xuống những cảnh sinh hoạt dưới đường. Từ đó tôi thấy được công viên, mà sau này dựng tượng một người lính Thủy Quân Lục Chiến cầm súng xung phong. Tôi nhìn thấy cái bồn phun nước mà xe cộ chạy quanh suốt ngày, nhìn dọc theo phố Bonard, xa xa là bùng binh chợ Bến Thành. Trước mặt Nhà Hát Lớn là phố Catinat, một khu phố Tây có nhiều người ngoại quốc áo quần sang trọng qua lại. Những người thợ chụp hình trên công viên thường bất ngờ nhắm chụp những khách qua lại, sau đó dụ họ mua hình.

Một góc Catinat, Sài Gòn (ảnh: Pictures From History/Universal Images Group/Getty Images)

Tôi thấy một người đàn ông giữ xe hơi, cứ mỗi lần có xe nào đến đậu trước Nhà Hát Lớn là ông ta cầm chổi lông gà lăng xăng chạy đến, mở cửa xe và lấy chổi quơ bụi quanh xe. Sau đó ông ta chờ đóng cửa, rồi cúi rạp người nói với họ những câu tiếng Tây gì tôi không được rõ. Lúc chủ xe trở lại, ông ta lặp lại những động tác cũ, và cung kính đứng chờ để nhận tiền. Ngày nào tôi cũng nhìn cái hoạt cảnh kiếm tiền của ông ta, quá dễ dàng, mà chẳng phải trả một đồng thuế nào cho bãi đậu xe của thành phố.

Nhà hàng Givral ở ngay góc đường, mỗi lần tôi đi xuống phố đều nhìn vào, thấy quá xa lạ với mình, mà mãi bốn, năm năm sau tôi mới có dịp vào ngồi uống cà phê như họ.

Hồi đó, mỗi buổi sáng vào khoảng tám giờ, một xe lambretta ba bánh của Sở Thông Tin đến đậu trước Nhà Hát Lớn, mở loa phóng thanh vang suốt khu phố những bản tin và những bài bình luận. Xen kẽ là ba bài nhạc mà tôi nhớ mãi.

Bài “Hướng Về Hà Nội” của Hoàng Dương gợi lại bao nhiêu kỷ niệm về thành phố mà mình vừa rời bỏ; bài “Ngày Trở Về” của Phạm Duy thấm cái nỗi buồn của người thương binh sau mười năm chiến tranh lê bước trở về làng xưa; và bài “Về Miền Nam” tôi nhớ là của Trọng Khương, với biết bao hùng khí của cả triệu người theo gót người xưa Nam Tiến đi làm lịch sử.

Chợ Bến Thành, 1970 (ảnh: Bettmann Archive/Getty Images)

Một hôm đang nằm nhìn ra ngoài qua khung kính vỡ, tôi chợt thấy một cậu bé lặng lẽ đến ngồi cạnh tôi và cùng nhìn xuống đường. Sau một hồi trò chuyện, tôi theo em lên thăm gia đình em ngụ trên lầu ba. Họ là những người trong các làng đạo từ vùng Thanh Hóa. Khi hiệp định đình chiến Genève được ký kết, họ tìm cách ra Hải Phòng để được vào Nam. Cộng sản đã cố ngăn cản bằng đủ mọi cách, mãi sau họ mới thoát được và nhờ chuyến tàu há mồm cuối cùng tới được bến bờ tự do.

Bố của em là một ông giáo làng. Có nhiều ngày, tôi đạp xe chở em lang thang đi thăm khắp phố phường. Thỉnh thoảng, bố mẹ em mời tôi cùng ăn những bữa cơm di cư thanh đạm. Ít tháng sau, em cho tôi biết gia đình em và các người cùng làng sắp đi định cư ở một vùng xa. Tôi lên từ giã họ. Thấy con có vẻ quyến luyến tôi, bố em mời tôi cùng đi với họ. Nhân có dịp lễ Giáng sinh, tôi nhận lời. Tối hôm sau, có xe đến đón và chở chúng tôi đến tập trung tại đình Phú Nhuận để sáng sớm khởi hành đến chỗ định cư.

Đoàn xe vận tải hơn chục chiếc nối đuôi nhau, xe nào cũng chở đầy dân di cư, thực phẩm và các dụng cụ phá rừng làm rẫy. Khi ra khỏi thành phố, tôi không định hướng được họ sẽ đi về đâu. Tôi cũng không muốn hỏi, tìm chỗ nằm dựa vào đống hành lý, nhìn núi rừng chạy lùi đằng sau. Xe chạy suốt ngày đến gần tối, dừng lại giữa đường lộ, hai bên là rừng, phía trước phía sau cũng chỉ thấy rừng. Mọi người khuân hành lý xuống xe, mệt mỏi đứng ngẩn ngơ, sau đó theo người hướng dẫn lội bộ đến một khu nhà sàn của người Thượng, mở lương khô ra ăn và tối đó ngủ trong căn nhà dài của họ.

Minh họa: matt-hoffman-unsplash

Sáng sau, trong làn sương lạnh của núi rừng, tôi thức giấc đã thấy mọi người tụ tập ở bên ngoài. Một số đàn ông nai nịt sẵn sàng và mang theo dao rừng. Tôi bước ra nhập vào với họ và theo chân một vị linh mục dẫn đầu. Đoàn người băng qua đường, dẫm trên cỏ ướt. Những người đi trước vung dao, phạt lối làm quang đường để các người sau tiến lên. Băng một quãng rừng, cả đoàn dừng lại bên một dòng suối.

Tôi còn nhớ rõ hình ảnh lúc đó. Mọi người đứng yên lặng, có một cái gì rưng rưng thật là thiêng liêng của giây phút khởi đầu. Vị linh mục tìm một tảng đá cao bước lên đứng trước mọi người. Bên dưới, nước suối chảy ào ào trắng xóa sau những tảng đá.

Họ bắt đầu đọc kinh – kinh “Kính Mừng” và kinh “Lạy Cha”. Tôi cũng cùng đọc với họ. Lời kinh của chúng tôi âm vang trong khu rừng nguyên thủy còn đọng sương sớm. Hai bài kinh này tôi đã thuộc lòng trong những năm đầu tản cư 1946 chạy giặc Pháp ở các làng đạo vùng trung du Bắc Việt.

Lúc đó tôi học trường đạo ở nhà thờ, ngủ chung với đám trẻ trong nhà mà gia đình tôi đang tạm trú. Sáng nào cũng bị đánh thức dậy từ sáng sớm cùng các người lớn đọc kinh, giọng còn ngái ngủ. Tối đến, tôi cũng cùng họ đọc kinh trước khi đi ngủ. Thành thử dù không phải là con chiên, tôi đã thuộc nằm lòng hai bài kinh nói trên từ thuở ấu thời. Sau đó là bài giảng của vị linh mục mà tôi còn nhớ một đoạn:

Ông Moses lúc đi lánh nạn đem theo đoàn giáo dân đã tìm đến một dòng suối trong một khu rừng để định cư. Những ngày qua chúng ta cũng đi lánh nạn vượt qua hàng ngàn cây số và hôm nay đến được nơi đây, trong khu rừng này, bên cạnh dòng suối như xưa Moses đã đến. Chúng ta sẽ đốn cây làm nhà, phá rừng phá rẫy để trồng trọt như người xưa. Đây là miền đất hứa của chúng ta và của các con cháu chúng ta sau này…”

Đêm Giáng sinh, mọi người quây quần quanh ngọn lửa ngoài trời, cạnh đó là hình một cái hang được dựng lên một cách đơn sơ với hình ảnh chúa Hài Đồng nằm trong máng lừa. Trời lạnh, bóng tối mênh mông, giữa cái tĩnh lặng âm u của núi rừng, bụi lửa hồng theo gió cuốn lên cao.

Hình như trên trời có một vị sao đang đổi ngôi, báo hiệu một tin mừng. Qua ngọn lửa đang rực cháy, tôi nhìn thấy những nét phong ba vẫn còn trên khuôn mặt của họ. Họ bắt đầu đọc kinh, vẫn những bài kinh muôn thuở, sau đó họ cất tiếng ca, không phải là bài thánh ca, cũng không phải là bài nhạc Giáng sinh mà là một bài ca tôi đã nghe nhiều lần trong các buổi lễ được tổ chức theo kiểu dã chiến mà một số nhỏ giáo dân tụ họp trong sân vận động đường Phan Đình Phùng, Sài Gòn những ngày đầu chưa có nhà thờ. Tiếng ca cầu xin Đức Mẹ cứu giúp cho cả một dân tộc đang trong nỗi trầm luân:

“Mẹ ơi đoái thương cho nước Việt nam
Trời u ám, chiến tranh điêu tàn
Mẹ hãy ra tay ban phước bình an
Để Việt Nam qua hết nguy nan”.

Những năm đó hình như không có, hoặc rất ít các bài thánh ca hay nhạc Giáng Sinh bằng tiếng Việt. Năm Đệ Nhất trường Chu Văn An, tôi mới học được bài thánh ca đầu tiên do Linh mục Vị, giáo sư Anh ngữ dạy, cha dạy bản “Silent Night” nhưng bằng Anh ngữ. Tôi cũng không rõ bài ca này được nhạc sĩ Hùng Lân chuyển dịch sang tiếng Việt năm nào. Lời dịch phá cách quá tuyệt vời, khác xa với nguyên bản và những lời ca tiếng Việt của các nhạc sĩ khác.

Ngay từ hai câu đầu, “Silent Night”, đêm yên lặng, ba âm thành bốn âm “Đêm Thánh vô cùng”, vừa cảm thấu được cái thiêng liêng, vừa thấy cả một sự cao rộng vô cùng tận. Ngay cả câu sau cũng thế, “Holy Night” thành “Giây phút tưng bừng”.

Nhạc sĩ Hùng Lân là thầy dạy nhạc lớp tôi những năm đầu bậc trung học ở trường Chu Văn An, Hà Nội. Thầy đã làm những bản nhạc nổi tiếng đi vào lịch sử từ những năm 1945-46. Tôi có được một căn bản âm nhạc nhờ cách dạy và những bộ sách âm nhạc giáo khoa của thầy, nên hồi đó tôi có thể sử dụng được các nhạc cụ giản dị như banjo, mandoline và hạ-uy-di khá nhuyễn.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (ảnh: Pictures from History/Universal Images Group/Getty Images)

Giáng sinh Sài Gòn trước 1975 (file photo)

Tôi ở lại với họ thêm ít ngày nữa. Theo họ vào rừng phạt cỏ làm lối đi, đốn cây dựng những căn lều tạm. Cho tới khi có chuyến xe lên tiếp tế, tôi từ biệt họ trở lại Sài Gòn. Cậu bé tiễn tôi ra tận xe. Khi xe chạy xa, tôi vẫn thấy em đứng lặng nhìn theo cho đến khi xe lái quặt khuất vào một quãng đường rừng.

Từ đó tôi không được tin của họ, tôi chỉ có thể đoán ra nơi họ định cư là trên quốc lộ đi Đà Lạt, chắc là vùng Blao.

Tôi trở lại chỗ cầu thang lầu ba của Nhà Hát Lớn, xung quanh đã vắng lặng, nhiều gia đình đã đi định cư ở các nơi khác. Tôi nằm một mình trên ghế bố mỗi khi đi học về, bâng khuâng nhìn xuống đường. Vẫn mấy người thợ chụp hình dạo kiên nhẫn đứng đưa những tấm hình mời khách, vẫn người giữ xe lăng xăng chạy từ xe nọ tới xe kia, vẫn những khách ngoại quốc ra vào quán cà phê Givral góc phố…

Nghĩ đến những ngày vừa qua, nghĩ đến những người mình đã chia sẻ một phần lịch sử với họ, tự nhiên thấy lòng buồn vô hạn, chắc mình sẽ không bao giờ còn có dịp được gặp lại họ. Chẳng bao lâu, Nhà Hát Lớn đóng cửa không nhận người tị nạn nữa…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: