Như đã đề cập ở kỳ trước, giai đoạn chuyển đổi quyền cai trị đất nước từ Mạc phủ (tương tự như phủ chúa Trịnh, chúa Nguyễn tại Việt Nam) sang Minh Trị Thiên Hoàng đã có rất nhiều biến cố. Nền giáo dục xưa cũ thời Mạc phủ Tukugawa, dù có đôi điều tích cực nhưng cũng không che dấu được quá nhiều khuyết điểm đem đến những thua thiệt nhục nhã của Nhật Bản trong thời kỳ mà các quốc gia Âu Mỹ đang đua nhau dùng võ lực đi chiếm thuộc địa. Chính vì vậy ngay sau khi lật đổ Mạc phủ, Minh Trị Thiên Hoàng đã có những chương trình cải cách giáo dục cấp thiết, kéo dài khoảng 15 năm đầu tiên cho hợp với hoàn cảnh xã hội mới. Nhưng những cải cách này dù chỉ đạt được kết quả ở mức tương đối, có tính cách cấp thời mà thôi. Nó không có được những thành quả vượt trội như kế hoạch mong đợi, tuy nhiên nó cũng đã tạo ra những bậc thang vững chắc cho thời kỳ cải cách ngoạn mục sau này, đã đóng một vai trò rất quan trọng tạo ra một quốc gia Nhật bản phú cường làm cho thế giới ngưỡng mộ.
Tóm lại chương trình giáo dục Nhật bản dưới thời đại Minh Trị luôn luôn có những thay đổi theo hoàn cảnh sống xã hội cũng như từ những áp lực của các phong trào cấp tiến. Sau đây là những sự kiện quan trọng xảy ra trong thời kỳ cách giáo dục cơ bản:
1.Xoá bỏ và sửa đổi nền giáo dục cũ:
Ngay trong năm đầu tiên (Tháng 6 năm 1868), khi tình hình tạm ổn việc xoá bỏ chương trình giáo dục lỗi thời, thiếu tính cách quần chúng của Mạc phủ! Hệ thống trường học chỉ dành riêng cho tầng lớp giàu có, tướng quân, sứ quân, Samurai… không còn nữa, nó được biến đổi dành cho toàn dân. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Nhật bản trường công lập nhận học sinh không phân biệt địa vị và giai cấp xã hội mà chỉ dựa trên tài năng của học sinh.
2.Thành lập bộ giáo dục (Mombusho):
Năm 1869 Chính phủ thành lập văn phòng điều tra học đường tại các phủ huyện để nắm rõ tình hình xã hội trước khi thiết lập các trường tiểu học tại địa phương. Ngay khoảng một năm sau đó (1871) bộ giáo dục được thành lập, trực tiếp điều hành bởi chính phủ trung ương có nhiệm vụ trông coi, tham khảo những chương trình do các văn phòng điều tra học đường đề xuất đưa ra những cải cách trong ngành giáo dục. Mùa Thu năm 1872 Bộ giáo dục soạn thảo quyển sách chỉ nam: “Chế độ giáo dục học đường quốc gia.” Trong đó đưa ra những chính sách giáo dục mới cũng như chương trình học cho hợp với thời đại và được áp dụng cho toàn quốc. Sau đây là những điểm chính:
a.Khu vực giáo dục: Đây là một kế hoạch giáo dục được coi là rất vĩ đại của Minh Trị trong sự việc canh tân Nhật bản. Từ một quốc gia nghèo đói, nền giáo dục còn thu nhỏ trong giai cấp thượng lưu của xã hội mà ông dám đưa ra một chương trình đầy tham vọng:
Toàn quốc được chia ra 8 khu vực đại học riêng biệt. Mỗi đại học quản lý 32 trường trung học. Mỗi trường trung học quản lý 210 trường tiểu học. Theo chương trình này thì toàn quốc phải có 8 trường đại học, 256 trường trung học và 53,760 trường tiểu học. Trong đó bất cứ địa phương nào có khoảng 600 nhân khẩu phải có một trường tiểu học. Các môn học phải thiên vào thực tế sát với sự phát triển khoa học, xã hội nhưng không được quên giáo dục đạo đức, tự tôn giống nòi dân tộc cũng như tôn vinh lòng yêu nước, nhất là trung thành và sẵn sàng hy sinh cho thiên hoàng. Vì tình trạng xã hội lúc đó còn khó khăn nên việc chi phí cho giáo dục phần rất lớn do chính cha mẹ học sinh đài thọ.
b.Cấp độ giáo dục: Học đường được chia ra làm 3 cấp: tiểu học, trung học và đại học.
Tiểu học: Thời gian học của tiểu học là 8 năm cho trẻ nhỏ từ 6 tuổi đến 14 tuổi và có 6 loại tiểu học là: Phổ thông tiểu học, Nữ nhi tiểu học, Nông thôn tiểu học, Bần nhân tiểu học,Tiểu học tư thục và Ấu nhi tiểu học.
-Phổ thông tiểu học: có 2 cấp là Sơ đẳng và Cao đẳng tiểu học.
Sơ đẳng tiểu học với 3 năm đầu tiên cho trẻ từ 6 đến 9 tuổi và được coi là nghĩa vụ giáo dục cưỡng bách , bắt buộc tất cả trẻ con dù trong làng xã ít nhất phải hoàn tất nghĩa vụ này. Chương trình học là dậy đứa bé đánh vần, tập viết, văn phạm cũng như phải học các môn về luân lý, toán pháp, vệ sinh, địa lý, thể dục và âm nhạc.
Cao đẳng tiểu học với 5 năm kế tiếp, trẻ nhỏ được học sử học, hình học, thiên nhiên học, hoá học và sinh vật học cùng với các môn học của cấp sơ đẳng được đi sâu hơn. Ngoài ra tuỳ theo nhu cầu của từng địa phương còn có thêm các môn học khác như ngoại ngữ (Hán tự), thư viện học, thiên văn học.
-Nữ nhi tiểu học: Ở các địa phương đông dân cư có trường tiểu học dành riêng cho nữ sinh , trong đó có những môn học đặc biệt như gia chánh, thêu may, thủ công mỹ nghệ…
-Nông thôn tiểu học: Ở các vùng quê hẻo lánh, trường học co dãn các môn học cũng như thời gian đến trường cho trẻ con để không bị khó khăn cho cha mẹ cũng như cho trẻ con trong việc đồng áng, nhất là vào thời gian thu hoạch nông nghiệp. Tuy nhiên vẫn bị bắt buộc ít nhất 16 tuần lễ đến trường cho một năm.
-Bần nhân tiểu học: Trường dành riêng cho trẻ con nhà nghèo. Chính quyền địa phương chu cấp tất cả từ quần áo, sách vở, cả việc ăn uống và cư trú cho trẻ trong thời gian theo học .(các trường tiểu học khác thì mọi học phí đều do cha mẹ cung cấp).
-Tiểu học tư thục: Đó là những trường học do các ông thầy giáo hay tu sĩ mở ra , nhưng thầy giáo vẫn phải theo chương trình giáo dục của chính phủ và phải có bằng cấp sư phạm mới được hành nghề.
-Ấu nhi tiểu học: Trường dành riêng cho trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, dậy cho đứa trẻ quen thuộc với việc học cũng như giúp trẻ con có căn bản lễ phép trước khi lên tiểu học. (dạng thức trường mẫu giáo ngày nay).
Tất cả các thầy, cô giáo của cấp tiểu học phải trên 20 tuổi, tốt nghiệp trung học phổ thông và qua một khoá học chuyên môn về sư phạm.
*Trung học: cũng được chia ra làm 2 cấp: Trung học Sơ đẳng (cho trẻ từ 14 đến 17 tuổi) trung học Cao đẳng ( từ 17 đến 19 tuổi ). Trường chia thành nhiều ngành chuyên môn như: Công nghiệp, Thương nghiệp,Thông tin, Nông nghiệp, Ngư nghiệp,… Ngoài các môn học chuyên môn cho từng ngành, học sinh phải học các môn chung như: Quốc ngữ, Sử học, Địa lý, Toán học, Thiên nhiên học, Hoá học, Sinh vật, Vật lý, Âm nhạc, Thể thao, Luân lý, Khoáng chất học… Tóm lại sau khi tốt nghiệp trung học đứa trẻ có trình độ kiến thức tổng quát khá vững vàng kèm theo chuyên môn. Đặc biệt các ngành học liên quan đến kỹ thuật, công nghệ được chú trọng và nâng đỡ rất nhiều. Giáo viên của cấp trung học phải trên 25 tuổi và tốt nghiệp bằng đại học trong chuyên khoa của môn học mà mình dạy học.
Đại học: nơi đào tạo ra những chuyên viên lãnh đạo cho đất nước trong các ngành nghề, kể cả những ngành học thuộc về nghệ thuật, âm nhạc và cả thể thao. Những ngành học như luật học, Kinh tế học, Khoa học,Y Dược học, Vật lý, Hoá học… được coi là rất quan trọng và được chính quyền nâng đỡ cũng như kích thích sinh viên học lên cấp cao ở trong nước hay du học tại các quốc gia tiến triển Âu Mỹ. Những thành phần ưu tú này đều được trọng dụng như là nguồn cung cấp người lãnh đạo cho quốc gia.
Bên cạnh ngành Đại học thiên nhiều về lý thuyết cao cấp trên. Chính phủ còn có thêm một hệ thống giáo dục khác, chuyên môn thiên về thực hành. Sinh viên theo ngành này phải trên 16 tuổi, tốt nghiệp ít nhất mức trung học Sơ đẳng trở lên. Thời gian học dài hơn ban đại học trên, thường khoảng 6 năm, so với ban đại học chỉ có 4 năm (một dạng thức cao đẳng của VN?). Khi ra trường họ cũng được coi như tương đương với ban đại học. Tuy nhiên những người này có chuyên môn trong thực hành rất cao và rất được trọng dụng trong xã hội! Hướng đi này có rất nhiều ngành như Công học, Nông học, Thương nghiệp, Điện học, Y học chuyên khoa, Dược học chuyên khoa…
Ngoài 3 cấp giáo dục căn bản trên, trong giai đoạn canh tân giáo dục căn bản này còn có những trường học chuyên môn khác như trường sư phạm tổng quát, trường sư phạm nữ công gia chánh, trường sư phạm âm nhạc… Ngoài ra chính phủ còn kích thích những gia đình giầu có cùng với chính phủ giúp đỡ gửi sinh viên ra hải ngoại du học. Năm 1873 tổng số sinh viên du học ở hải ngoại là 373 người trong đó học bổng của chính phủ là 250 người , số còn lại là tự túc. Chính phủ cũng hô hào việc viết và dịch sách chuyên môn, nhất là sách liên quan đến kỹ thuật và khoa học, luật pháp… ra tiếng Nhật. Chỉ riêng năm 1873 có 123 cuốn sách chuyên môn của ngoại quốc được dịch ra tiếng Nhật và dùng làm sách tham khảo và giáo khoa cho sinh viên. Năm sau (1874) lại có thêm 133 cuốn nữa. Đặc biệt trong đó có cả sách về nghệ thuật , triết học, quân sự học…
Thời kỳ canh tân giáo dục đổi mới (1885 – 1912)
Sự canh tân giáo dục của Minh Trị thiên hoàng trong giai đoạn cơ bản ở phần trên đã mang đến những kết quả rất đáng khích lệ cho việc phát triển xã hội Nhật bản. Nó đã phá tung nền giáo dục chỉ dành riêng cho giới quan lại, tướng quân, Samurai và thành phần giầu có trong xã hội phong kiến thời Mạc phủ. Sự canh tân này đã mang đến căn bản giáo dục cho toàn dân Nhật bản. Tất cả những đứa bé dù nghèo hay giầu, dù ở nông thôn, miền núi hay đô thị đều được quyền đi học và có dịp vươn lên, thoát khỏi thân phận nghèo hèn mà cha ông vì họ chẳng bao giờ có dịp may để bước ra khỏi thân phận thấp kém. Nhưng kết quả đó không có nghĩa là không có tiếng kêu than, phản đối của dân chúng. Chẳng hạn việc thu học phí không phải dễ dàng cho giới nghèo, điều kiện giáo dục không công bằng giữa nông thôn và thành thị. Bên cạnh đó những đoàn thể chính trị, như phong trào xã hội chủ nghĩa, phong trào cấp tiến dân chủ, gồm những người đã có dịp học hỏi, tiếp cận với nền văn hoá Tây Phương. Những người này họ phản đối chính sách quá cường điệu mang tinh thần quốc gia cực đoan của Minh Trị. Họ làm áp lực và đòi hỏi những chính sách đổi mới mang tính dân chủ và xã hội trong tất cả lãnh vực và ngành giáo dục cũng không được loại trừ.
Trước những áp lực đổi mới cho hợp thời với một quốc gia Nhật bản cường thịnh, năm 1885 Minh Trị bãi bỏ “Thái Chính Quan “ để xây dựng một nội các mới theo khuôn mẫu của các quốc gia phát triển Tây Phương. Đứng đầu nội các là Tổng lý đại thần (như chức thủ tướng ) kế tiếp là Quốc vụ đại thần ( vị phụ tá Thiên hoàng trong các quyết định liên quan đến việc trị nước, an dân ), sau đó là các vị bộ trưởng. Vị bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của Nhật là ông Yurei Morie. Một nhà giáo dục tài năng và có công rất lớn trong việc canh tân nền giáo dục Nhật Bản trong giai đoạn này. Chương trình canh tân của ông đã được coi là nền tảng không những trong thời Minh Trị Thiên Hoàng mà còn là một chiếc khung giáo dục cho những thời đại của các vị thiên hoàng sau này nữa.
Trong thời kỳ đổi mới này có những sự việc đáng chú ý là tháng 2 năm 1886 ngay khi nắm quyền bộ trưởng, ông Yurei Morie đã quy tụ các người có tài năng và kinh nghiệm trong ngành giáo dục để thành lập văn phòng Đốc học. Văn phòng này có nhiệm vụ soạn thảo một chương trình giáo dục mới cho tất cả các cấp độ giáo dục: tiểu học, trung học, đại học và sư phạm. Đưa ra những kế hoạch canh tân ngành giáo dục vào thực tế để hoà hợp với hướng phát triển của quốc gia Nhật Bản văn minh và cường thịnh trên thế giới.
Ngay sau khi bản Hiến pháp đầu tiên của Nhật bản được ban hành (Tháng 2 năm 1889), Minh Trị thiên hoàng đã đích thân ban bố sắc lệnh giáo dục (1889), trong đó đưa ra những tiêu chí làm căn bản cho nền giáo dục (sẽ đề cập trong phần Tinh thần quốc gia trong giáo dục ). Sau đây là những thay đổi quan trọng trong thời kỳ canh tân giáo dục đổi mới:
1.Tiểu học:
Sơ đẳng tiểu học vẫn được xem là nghĩa vụ giáo dục, nhưng được kéo dài từ 3 năm lên 4 năm rồi lên 6 năm (1907). Chế độ đóng học phí trong nghĩa vụ giáo dục được bãi bỏ, chính phủ trung ương hay địa phương cung ứng tất cả tổ phí cho học sinh (1890).
Những môn học phải được nâng cao trình độ hiểu biết và đi sát với thực tiễn. Bắt buộc thêm vào và nâng cao các môn địa lý, khoa học, thủ công… Dĩ nhiên môn quốc ngữ, môn lịch sử và luân lý luôn luôn được nhấn mạnh để học sinh có lý tưởng phục vụ quốc gia và gìn giữ tinh thần Trung Hiếu. Với cấp tiểu học cao đẳng kéo dài 2 đến 4 năm tuỳ theo ngành học mà thay đổi. Các môn học của cấp này gần giống với cấp sơ học nhưng chuyên sâu hơn. Năm 1894 bộ giáo dục bắt buộc cơ quan giáo dục của huyện phải có một sở y tế để giữ gìn sức khoẻ và kiểm soát định kỳ cho học sinh tiểu học. Ngoài ra môn thể dục, thể thao cũng được đưa vào học đường như một môn học. Tuy nhiên mãi đến năm 1925 cuối thời đại Thiên hoàng Đại Chính ( 1912 – 1926) vì tình hình sôi động của phong trào tranh giành thuộc địa nên những môn võ cổ truyền như nhu đạo, karate, kiếm đạo, bắn cung và cả quân sự đã được đem vào trường học coi như môn thể thao bắt buộc. Học sinh được tổ chức theo đoàn nhóm như quân đội.
Thống kê cho biết năm 1890 tỷ lệ nam sinh theo học tiểu học là 65%, nữ sinh là 31%, nhưng đến năm 1910 đã tăng vọt lên 97% (nam sinh) và 94% (nữ sinh). Tỷ lệ này nói lên mức độ trẻ con đến trường cả nam sinh và nữ sinh của Nhật bản không thua kém bất cứ một quốc gia Tây phương nào và có tỷ lệ trẻ con đến trường vào hàng cao nhất thế giới.
2.Trung học:
Thời gian học của cấp này không thay đổi là 5 năm, trong đó trung học sơ đẳng là 3 năm và trung học cao đẳng là 2 năm. Các môn học cũng được nâng cao trình độ và thực tiễn, nhất là với trung học cao đẳng, các môn chuyên môn được nâng cao để chuẩn bị cho học sinh bước vào đại học. Vào khoảng năm 1894 một số trường trung học cao đẳng được đổi thành cao đẳng học hiệu, trường này hướng học sinh vào chuyên môn, chẳng hạn như trường cao đẳng sư phạm nữ đào tạo giáo viên tiểu học, trường cao đẳng nghệ thuật hướng học sinh vào các ngành nghệ thuật… Năm 1899 bộ giáo dục bắt buộc mỗi huyện phải có ít nhất một trường trung học nam và một trường trung học nữ.
3.Đại học:
Các ngành học cũng như trước nhằm mục đích đào tạo ra các chuyên viên cao cấp trong mọi lãnh vực, những nhà chính trị, kinh tế tài năng để phục vụ đất nước. Rất nhiều giáo sư trong nước được gửi ra ngoại quốc tu nghiệp và ngược lại cũng thỉnh mời giáo sư ngoại quốc vào giảng dạy.
4.Trường Sư phạm:
Ông Y. Morie là một nhà giáo kỳ cựu, tài năng, với ông vấn đề giáo dục quốc dân được coi là điều cần thiết mang sự phát triển và văn minh đến cho quốc gia. Dân trí cao, biết tôn trọng luật pháp, có lý tưởng phục vụ quốc gia, xã hội và biết lấy “ chí trung, chí hiếu “ làm căn bản, những điều đó theo ông chỉ có nền giáo dục đúng nghĩa mang lại mà thôi. Chính vì vậy ông Morie rất chú tâm vào ngành sư phạm, nhằm mục đích đào tạo ra những người thầy gương mẫu nhiều khả năng. Mỗi huyện phải có ít nhất một trường sơ cấp sư phạm (giáo viên tiểu học), tổn phí của trường này do huyện sở đài thọ.Ở Tokyo và vài thành phố lớn có trường cao đẳng sư phạm (giáo viên trung học) do công quỹ quốc gia đài thọ. Năm 1893 trường sư phạm kỹ thuật được thành lập ở Tokyo, đây là ngôi trường đã đào tạo các chuyên viên kỹ thuật cho quốc gia và cũng là một thành công rất lớn của ông Morie trong lãnh vực phát triển kỹ nghệ Nhật Bản. Ngoài ra chính phủ cũng có chính sách nâng đỡ đời sống cũng như tôn vinh vai trò của giáo viên theo tinh thần Nho giáo. Họ được trọng vọng trong xã hội, hình ảnh thầy cô giáo luôn luôn được coi là gương mẫu trong cuộc sống và chính họ truyền đạt tư tưởng ái quốc, trung thành với Thiên hoàng.
5.Hệ thống hoá quốc ngữ:
Để phát triển dân trí cũng như truyền dậy khoa học, kỹ nghệ tân tiến cho việc phát triển đất nước việc hệ thống hoá và đồng nhất chữ quốc ngữ được coi là việc làm không thể chậm trễ và lơ là được trong thời Minh Trị. Trước hết là hệ thống hoá việc sử dụng tiếng Nhật trong việc giảng dậy, muốn vậy giới sư phạm phải được đào tạo chính thống và đồng nhất. Năm 1902 bộ giáo dục lập ra ủy ban nghiên cứu tiếng Nhật để đưa ra hệ thống chuẩn mực cho ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Xác lập bảng chữ cái tiếng Nhật và hệ thống phiên âm những chữ chuyên môn hay có nguồn gốc từ ngoại ngữ. Ủy ban cũng giúp bộ giáo dục tuyển chọn hay biên soạn các sách giáo khoa liên quan đến việc giảng dậy quốc ngữ. Đặc biệt với cấp tiểu học dậy căn bản cho học sinh viết và đọc tiếng Nhật đúng tiếng Nhật chuẩn được coi là rất quan trọng, chiếm nhiều giờ nhất trong các môn học.
6.Thu nhập trong lựa chọn văn hoá và công nghệ Âu Mỹ:
“Học Tây phương, Đuổi kịp Tây phương và vượt qua Tây phương” đó là câu mà Minh Trị Thiên Hoàng đã nói trước quốc dân ngày 14 tháng 3 năm 1868 ở điện Shishinden (Kyoto), câu này đã được coi là khuôn mẫu cho quan và dân tộc Nhật bản trong việc thực hành chương trình cải cách của ông. Đặc biệt trong sự học hỏi cũng như thu nhận nền văn minh và kỹ nghệ tân tiến của Tây phương, người Nhật đã khôn ngoan biết chọn lựa để không bị ngoại lai, làm mất đi cái gốc văn hoá Á châu cổ xưa vẫn được dựa trên nền tảng đạo lý của Khổng giáo. Sau đây là những việc quan trọng mà ngành giáo dục đã thực hiện:
a.Gửi sinh viên, học giả đi du học: Năm 1872 Bộ giáo dục thành lập một cơ quan chuyên về quản trị sinh viên du học và cho xuất bản một cuốn sách “Quy tắc cho sinh viên xuất ngoại”, sinh viên muốn du học phải được chọn lựa tài năng, ngành học bởi đại học trước khi được xét duyệt bởi bộ giáo dục. Vì tài chánh của bộ giới hạn nên chính phủ ủng hộ sinh viên du học dưới dạng tự túc, nhưng vẫn phải qua quy tắc thẩm định và xét duyệt trên. Chính nhờ chính sách này mà chính phủ đỡ tốn kém và số lượng sinh viên du học tự túc càng lúc càng nhiều hơn sinh viên du học do chính phủ đài thọ. Gần như hầu hết sinh viên du học đều thành công và trở về nước phục vụ vì chính sách rất ưu đãi dành cho họ. Quốc gia có số sinh viên du học nhiều nhất là Mỹ, Đức, Anh, Hoà lan và Pháp. Bên cạnh đó những giáo sư, kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật… trong nước cũng được gửi đi tu nghiệp Âu Mỹ rất nhiều. Đây là những thành phần cốt cán, được nâng đỡ đặc biệt trong tất cả lãnh vực, không chỉ trong ngành công kỹ nghệ mà cả về kinh tế, văn hoá nghệ thuật nữa.
b.Mởi gọi chuyên viên, những nhà thông thái ngoại quốc đến giảng dạy: Chính phủ cũng dành riêng tài khoản cũng như các điều kiện sinh sống ưu đãi (an ninh, lương bổng, nhà cửa …) để mời gọi những người chuyên môn và các giáo sư tài năng trong mọi lãnh vực, kể cả ngành nghệ thuật, văn hoá, nhưng nhiều nhất trong lãnh vực biến chế kỹ thuật ( cơ khí, hoá học, y học, đóng tầu…) là những ngành nghề mũi nhọn, tinh xảo của từng các quốc gia Âu Mỹ. Số giáo sư, chuyên viên thỉnh mời này thay đổi tuỳ theo nhu cầu trong nước, tuy nhiên theo thống kê thì mỗi năm có khoảng 70 đến 100 vị và chính sách này vẫn được Nhật bản áp dụng cho đến ngày nay. Các chuyên gia và giáo sư này họ được tận dụng từ lý thuyết trên giảng đường đến thực dụng tại nhà máy, họ còn được yêu cầu truyền bá cả tư tưởng, lối quản trị trong sản xuất và thương mại của quốc gia họ nữa.
c.Phiên dịch tài liệu, sách báo thành tiếng Nhật: Để thâu nhận kiến thức nhanh nhất và đỡ tốn kém nhất từ các quốc gia phát triển, bộ giáo dục lập hẳn một ban thông dịch các sách giáo khoa, kỹ thuật cũng như văn chương, triết học….của Âu Mỹ đem phổ biến cho dân chúng cũng như giúp đỡ các thầy cô giáo làm tài liệu giảng dậy và viết sách giáo khoa cho nền giáo dục Nhật Bản. Chính sách này được duy trì không những thời Minh Trị mà còn các thời Thiên hoàng sau này nữa. Có thể nói ngày nay không một cuốn sách nào nổi tiếng nào trên thế giới trong tất cả lãnh vực mà không được dịch ra tiếng Nhật một cách rất kỹ lưỡng vì phải qua sự thẩm xét của ban thông dịch. Trong môi trường giáo dục, đặc biệt với ngành nghề chuyên môn và các môn học của đại học người ta có thể dễ dàng tìm thấy bản dịch ra tiếng Nhật ở trong thư viện. Theo tài liệu cho biết năm 1873 bộ giáo dục Nhật bản đã dịch ra tiếng Nhật 123 cuốn sách chuyên môn của ngoại quốc. Năm sau (1874) họ dịch thêm được 133 cuốn trong đó có cả sách về văn hoá, chính trị, nghệ thuật quân sự… Hiện nay Nhật Bản được coi là một quốc gia có số lượng sách dịch ra quốc ngữ cầm đầu thế giới.
Đã thế ngành thư viện cũng được cải tiến rất mạnh về danh mục, số lượng địa phương lưu trữ… tất cả được các chuyên viên ngoại quốc cũng như trong nước làm rất khoa học và đồng bộ.Hiện nay bất cứ ai (sinh viên , nhà nghiên cứu…) khi cần tài liệu nào có trong một thư viện lớn nhỏ, chuyên môn nào trên toàn quốc, chỉ cần vài thao tác trên điện thoại hay máy tình là sẽ nhận được ngay.
Tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong cải cách giáo dục
Sau khi lật đổ Mạc phủ dành được quyền cai trị đất nước cho Thiên Hoàng, các phiên vương và quan lại trong triều đã khôn ngoan đem tinh thần dân tộc chủ nghĩa và thần thánh hoá Thiên hoàng làm sách lược yên dân và nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của toàn dân cho những chương trình canh tân đất nước. Cải cách nền giáo dục học đường và nâng cao dân trí đã được các quan lại trong triều đình cũng như chính Minh Trị Thiên Hoàng xem là rất quan trọng trong việc tân tiến hoá quốc gia.
Chính sách thần thánh hoá, hy sinh và bảo vệ Thiên Hoàng được đồng hoá với lòng yêu nước được thể hiện rất rõ ràng trong bản Hiến Pháp đầu tiên và trong sắc lệnh giáo dục do chính Minh Trị Thiên Hoàng ban bố cùng năm 1889. Môn lịch sử được giảng dậy rất kỹ lưỡng trong trường trường học. Ngoài xã hội ,trên đường phố, trong sách báo, truyền thông cũng như trong hãng xưởng, văn phòng các cơ quan hành chánh, hình ảnh của Thiên Hoàng được kính cẩn treo ở vị trí trang trọng nhất và được toàn dân kính trọng, tôn vinh. Đặc biệt trong trường học hàng ngày học sinh phải quỳ lậy trước hình ảnh Thiên hoàng mỗi khi đến lớp. Phải nghe và học những bài lịch sử nói về dòng giống hào hùng của dân tộc mà Thiên Hoàng là dòng nguyên thuỷ. Tham vọng của cải cách giáo dục thời Minh trị là “phú quốc cường binh.” Muốn đạt được mục đích đó toàn dân Nhật bản luôn luôn phải có 3 ý niệm sau đây: Tôn vinh giống nòi, Thần phục Thiên hoàng và Tổ quốc thiêng liêng.
1.Tôn vinh giống nòi cao quý:
Theo cổ sử thì thời vũ trụ chưa thành hình, một cặp thần linh trai gái (Izanagi và Izanami) từ trời xuống, tạo ta nước Nhật rồi sinh con cháu đầy đàn trong đó có nữ thần mặt trời ( Thái dương thần nữ: Amaterasu Omikami) vị nữ thần tượng trưng cho nhan sắc và ánh sáng. Rồi trải qua biết bao nhiêu thế hệ tiếp nối cho đến khoảng năm 660 trước Tây lịch một vị hoàng tử dòng dõi của Thái dương thần nữ lên ngôi, xưng là Thiên hoàng Jinmu (Thần Vũ). Đó là vị Thiên hoàng đầu tiên của quốc gia gọi là Yamato tức là nước Nhật ngày nay và cũng là năm lập quốc dân tộc Nhật. Dòng dõi Thiên Hoàng Thần Vũ cứ tiếp nối nhau làm thiên hoàng nước Nhật cho đến ngày nay. Minh Trị là Thiên Hoàng thứ 122 , cai trị 44 năm (1868 – 1912 ). Theo sau là Thiên Hoàng Đại Chính, thứ 124 , cai trị 14 năm (1912- 1926) rồi Thiên hoàng Chiêu hoà, thứ 125, cai trị 63 năm (1926 – 1989) và hiện nay là Thiên Hoàng Bình Thành, thứ 126 (1989 – ? ). Với cổ sử như vậy, lại thêm lý do từ ngày lập quốc trải qua gần 3000 năm nước Nhật chỉ có duy nhất một dòng họ tiếp nối làm vua cho nên người dân Nhật tin dòng giống của họ vượt trội trên thế giới vì họ là con cháu của Thái Dương Thần Nữ (như con Rồng cháu Tiên của VN) mà Thiên hoàng là người thay tổ tiên để cai trị, nên họ phải có nhiệm vụ tôn vinh và thần phục.
2.Thần thánh hoá và qui phục Thiên Hoàng:
Với môn học lịch sử như vậy, Thiên Hoàng đương nhiên là hình ảnh của vị thần, đại diện cho giống nòi của họ và họ phải có nhiệm vụ tôn vinh và bảo vệ. Ngay trong bản hiến pháp năm 1889 có đoạn văn ghi nhận: “Thiên Hoàng có quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm và ở vị trí tối cao. Người dân Nhật là thần dân của Thiên Hoàng nên phải có nghĩa vụ thi hành mệnh lệnh và không có quyền cản trở hay phản đối. Nếu có những trường hợp bất ngờ xẩy đến phải can đảm hiến mình để bảo vệ và duy trì sự thịnh vượng của quốc gia và ngôi vị của Thiên Hoàng được bất tử như trời và đất.”
Trong bản sắc lệnh giáo dục được chính Minh Trị ban bố cũng như trong tập “Giáo dục cơ bản” của bộ giáo dục xuất bản ghi rõ: “Mọi người hãy gạt bỏ ý nghĩa mục đích của giáo dục là phát triển bản chất cá nhân mà trái lại phải hiểu giáo dục là nâng cao trình độ văn hoá của toàn dân, bảo trì sự thịnh vượng của quốc gia và giữ vững ngôi vàng cho Thiên Hoàng.”
Trong trường học, học sinh ngoài những cảnh phải quỳ lậy, hát suy tôn Thiên Hoàng còn phải nằm lòng những bài học có những câu như sau: “Đất nước Nhật Bản do tổ tiên của Thiên hoàng khai sáng, tất cả những gì trên đất nước đều là của Thiên Hoàng. Khi các ngươi vừa sinh ra đã cần nước của Thiên Hoàng để tắm rửa. Khi các ngươi chết đi, thân xác ngươi cũng phải chôn xuống đất của Thiên Hoàng.”
3.Tổ quốc thiêng liêng:
Thời đại Minh Trị, tư tưởng “Trung quân, Ái quốc” và “Hiếu Đễ” của Khổng giáo được tuyên dương và làm căn bản trong việc truyền bá luân lý trong xã hội cũng như học đường. Ngoài ra tinh thần thượng võ, can đảm, hy sinh và trung thành của người Samurai cũng được đề cao trong học đường , trong xã hội, nhất là trong quân đội. Mọi người dân Nhật đều hiểu ý nghĩa câu “chết cho Thiên hoàng là sự hy sinh cho giống nòi và tổ quốc, đó không là cái chết vô ích mà là sự hy sinh trong vinh hiển.” Ngay trong hai trận chiến tranh Nhật-Thanh và Nhật Nga, Minh Trị đã rời xa kinh đô đến gần vùng chiến tuyến để cổ vũ tinh thần quân sĩ. Chính ông đã phổ bản nhạc mừng chiến thắng, mô tả những chiến công oai hùng của binh sĩ trong cuộc chiến thắng quân Thanh.
Tóm lại chủ nghĩa quốc gia cực đoan đã được Minh Trị Thiên hoàng tận dụng trong suốt 44 năm cầm quyền của ông đã được mang vào nền giáo dục làm nền tảng chắc chắn cho những chính sách canh tân đất nước của ông. Cái khung giáo dục của Minh trị thiên hoàng đã được thế hệ sau của ông bồi đắp cứng chắc hơn. Nhất là thời đại Chiêu Hoà, vào năm 1941, trường tiểu học được đổi thành trường “Quốc dân học hiệu” và chương trình học đều nhắm vào mục đích ca tụng hy sinh cho thiên hoàng và bảo vệ, duy trì sự thịnh vượng quốc gia. Đứng trước Thiên hoàng và tổ quốc tất cả đầu vô nghĩa, chỉ có sự hy sinh !
Kết luận
Chính sách canh tân giáo dục của Minh Trị thiên hoàng đã biến đổi một nước Nhật đói nghèo, loạn lạc triền miên thành một cường quốc thịnh vượng hàng đầu thế giới về tất cả mọi mặt, không những trong thời đại của ông mà còn tiếp nối đến ngày nay. Dưới mắt người dân Nhật, ông là vị thiên hoàng vĩ đại nhất trong lịch sử gần 3000 năm lập quốc của họ. Đem tinh thần quốc gia cực đoan vào giáo dục đã được thế hệ Thiên hoàng con và cháu của ông tiếp nối càng lúc càng cương mãnh hơn, biến con người Nhật thành một dân tộc hiếu chiến, tàn bạo với tham vọng làm bá chủ toàn cầu. Để thực hiện tham vọng đó, người Nhật đã gây ra biết bao nhiêu đau thương vì máu lửa chiến tranh cho loài người, đặc biệt cho các quốc gia Á châu và cho chính người dân Nhật nữa. Với khoảng trên dưới 35 triệu người gồm binh sĩ và thường dân, trong đó có khoảng 18- 20 triệu người Trung Hoa. Việt Nam, Indonesia cũng như chính Nhật bản mỗi quốc gia đã phải trả giá khoảng 3 triệu sinh mạng! Một cái giá quá mắc bằng máu và khổ đau, đầy phi lý và ngu xuẩn cho cái tham vọng hão huyền!
Ngày 2 tháng 9 năm 1945 cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 chấm dứt với sự đầu hàng vô điều kiện, đế quốc Nhật bản bị giải thể hoàn toàn. Lịch sử Nhật bản được lật sang một trang mới. Tháng 5 năm 1947 bản hiến pháp mới với tên gọi là “ Nhật bản quốc hiến pháp” do tướng Mc. Arthur, tư lệnh quân Đồng Minh soạn thảo và ban hành. Với 101 điều khoản, trong đó huỷ bỏ tinh thần quốc gia chủ nghĩa cực đoan, vai trò của Thiên hoàng chỉ còn là biểu tượng của lễ nghi. Mọi hình thức suy tôn đều được dẹp bỏ. Quốc dân Nhật bản bản lấy sự yêu chuộng hoà bình, tôn trọng nhân phẩm và quyền sống của tất cả dân dân tộc khác, góp phần vào bảo vệ hoà bình trên thế giới… Với bản hiến pháp mới này nền giáo dục Nhật bản cũng được tích cực đổi thay.Người dân Nhật ngày nay, thật sự đã là một dân tộc hiếu hoà, văn minh và đã và đang đóng góp rất nhiều cho hòa bình và thịnh vượng của loài người.
Trong cái tinh thần đổi mới giáo dục sau khi thất trận đó, người Nhật vẫn tìm thấy một dạng thức phát triển thần kỳ khác và cũng lại làm cho thế giới cảm phục! Thật vậy, khi chứng kiến hình ảnh kinh hoàng của những năm hậu chiến. Những cảnh chết đói vì thiếu ăn, bệnh tật trong một nước Nhật tan hoang gần như toàn diện sau chiến tranh. Không một ai nghĩ rằng, chỉ sau vài chục năm, Nhật bản lại cao ngạo trỗi dậy, lại chiếm vị trí của một quốc gia thịnh vượng hàng đầu trên thế giới như ngày nay. Nhưng đó là sự thật! Một sự thật hiển nhiên mà thế giới không thể phủ nhận được trong sự ngưỡng mộ ngạc nhiên. Câu trả lời rất rõ là dân tộc Nhật vẫn còn quá nhiều phẩm chất của một dân tộc có nền giáo dục đúng đắn.
Hãy nhìn vào hình ảnh những người Nhật với khuôn mặt hốc hác, đôi mắt thất thần. Họ là những nạn nhân của trận động đất năm 1995 đã phá hủy gần hết thành phố Kobe hay trận thiên tai kinh hoàng kết hợp bởi sóng thần, động đất và điện hạt nhân năm 2010 ở Fukushima. Dẫy người im lặng nối đuôi nhau hàng trăm mét dài, rất thứ tự để nhận hàng cứu trợ. Không một tiếng cãi nhau, hơn kém, tranh giành phẩm vật. Mọi nơi đều đều vắng vẻ trong hoang tàn đổ nát nhưng không có cảnh cướp bóc, hôi của như thường xẩy ra ở hết các nơi thiên tai trên thế giới, ngay cả ở các quốc gia giàu có, văn minh! Đấy chính là ý nghĩa đúng thực chữ giáo dục của người dân Nhật bản. Đấy cũng chính là câu trả lời, tại sao những đống đổ nát sau chiến tranh lại biến thành những nhà máy vĩ đại, những cơ sở giáo dục quy mô…đang hiện diện ở một nước Nhật thanh bình, phát triển. Đúng như vậy sự tàn phá và nghèo đói của chiến tranh không thể cướp đi cái căn bản giáo dục trong con người Nhật Bản được.
(Tái biên soạn: November, 2024)
Vài điều ghi chú:
Bài viết này được dựa vào những dữ kiện sau đây :
-Education in Japan (Anh ngữ) do Ministry of Education, Japan.
-Tạp chí của Đại học Tokyo và Waseda (Anh ngữ)
-Đạo đức học (Doutoku) Nhật ngữ
-Tân Nhật Bản đạo đức giáo dục (Shin Nihon Doutoku Kyoiku)
-Những tài liệu trong Wikipedia
-Những sự chỉ dẫn của các vị giáo viên, giám học, hiệu trưởng người Nhật đang làm việc tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài Nhật bản.
-Giáo dục Nhật bản hiện đại, Đoàn Văn An 1965 Saigon VN
-Nhật Bản giáo dục sử học ( Nihon Kyoiku Shi) A. Takashi
-Tân Tiểu, Trung học (Sho Chugako Shin Kyoiku)
-Tài liệu từ trường học Nhật bản tại Thuỵ Sĩ ( Nihonjin Gakko )
-Minh Trị Thiên Hoàng đấng minh quân (japan .net.vn)
-Thiên Hoàng Minh Trị, Phụng Nguyễn Trọng.
-Thiên Hoàng Minh Trị, duy tân nước Nhật 1868, Thanh Giang.