Mai này chúng ta nghe nhạc, xem phim kiểu gì?

Các thiết bị di động thông minh đã làm thay đổi ngoạn mục cách thức lẫn công nghệ giải trí (Ayiman Mohanty/Unsplash)
Share:

Bố mẹ tôi nghe nhạc từ đĩa đá rồi đĩa vinyl và đến rạp để xem phim. Tôi nghe nhạc từ băng cassette rồi CD và cũng đến rạp xem phim nhưng sau đó chuyển xem từ đầu video, đầu DVD, đầu Blueray. Con tôi bây giờ giải trí toàn bằng smartphone để thưởng thức ca khúc mới, phim mới qua Spotify, YouTube, Netflix… Không biết các cháu, chắt của tôi sẽ giải trí kiểu gì đây?

Thế hệ trẻ ngày nay có thể tiếp cận đủ hình thức giải trí mọi lúc mọi nơi (averie woodard/Unsplash)

NGHE NHẠC, XEM PHIM THỜI CHƯA XA LẮM

Ai hát Video killed the radio star in my mind and in my car thật nhí nhảnh, vui tươi ấy nhỉ? À cô nàng Linda Jam của nhóm pop điện tử Anh The Buggles. Đó từng là ca khúc hạng nhất năm 1979 tại các nước Anh, Ireland, Áo, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Ý… Đó cũng là video ca nhạc đầu tiên chiếu sáng trên màn ảnh tivi báo hiệu một công cụ giải trí nghe nhạc mới – MTV (Music Television) – khai sinh vào đúng thời khắc 12:01 chuyển sang ngày 1 Tháng Tám 1981.

Rồi từ khi ấy, hình ảnh phi hành gia cắm lá cờ MTV trên Mặt trăng dần trở nên thứ không thể thiếu trong từng gia đình. Thời hoàng kim của MTV kéo dài đến năm 1992, thời gian mà nó hiện diện gần như toàn cầu. MTV nổi đến độ Mark Knopfler và các bạn của anh trong nhóm Dire Straits cũng “ăn theo” mà tỏa danh thơm hơn với điệp khúc “Get your money for nothing, chicks for free – I want my, I want my, I want my MTV” trong tuyệt tác Money for nothing, ca khúc trong album bán rất chạy Brothers in Arms hồi năm 1985.

Vẫn còn nhớ vào những năm nửa sau của thập niên 1980 tại Sài Gòn, bạn trẻ yêu nhạc Anh Mỹ Pháp phải tìm đến các quán video nhạc mua vé theo suất mới có được 60 phút thưởng thức những video clip của Wham (Careless whisper; Last Christmas; Wake me up before you gogo), Laura Brannigan (Self control), Paul Young (Everytime you go away), Stevie Wonder (I just called to say I love you), Elton John (Nikita), Lionel Richie (Hello; Say you say me), Dire Straits (Money for nothing; Sultans of swing), Madonna (Like a virgin; Papa don’t preach), Cindy Lauper (Girl just wanna have fun; Time after time)… và USA for Africa (We are the world)…

Bây giờ còn ai còn giữ lại những băng tape này? (Hello I’m Nik/Unsplash)

Sang thập niên 1990, Việt Nam bắt đầu mở cửa nên việc giải trí cũng trở nên phong phú và tương đối thoải mái hơn. Còn nhớ, từ mùa Hè 1993, tôi bắt đầu các chuyến xuất ngoại và cảm nhận được sự thú vị của cuộc sống thời hiện đại như bao công dân toàn cầu cùng trang lứa. Đó là được tự do chọn mua CD, băng video ca nhạc/phim truyện ở các shop chuyên ngành giải trí thính thị cùng các cửa hàng sách lừng danh như Tower Records, Borders, Blockbusters, Virgin Megastores, FNAC (ở Pháp) và Kinokuniya (ở Nhật, Mỹ, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia).

Mùa Thu 1994, thời gian học quản trị kinh doanh bên đảo quốc Singapore là mấy tháng liền có những chiều cuối tuần thật sung sướng. Vì được đi nhà hàng sang ăn cao lương mỹ vị ư? Không đâu, đó là việc ra phố Changi xem những phim hình sự, hành động mới nhất, khởi chiếu cùng ngày bên Mỹ, từ Speed (Keanu Reeves và Sandra Bullock) đến The Specialist (Sylvester Stallone, Sharon Stone và Eric Roberts). Hồi ấy ở Sài Gòn chưa thể hưởng được thú vui đơn giản như thế.

Mà hồi ấy, mua đĩa nhạc, băng hình VHS phim truyện về đến Tân Sơn Nhất còn phải khai báo không chỉ với hải quan mà cả với nhân viên kiểm tra văn hóa! Rõ khổ. CD “xịn” và băng VHS phim không sao chép mua ở Amsterdam, Paris, Frankfurt, Rome, Hong Kong, Sydney, Seoul, Singapore nào có rẻ rúng như hàng in sang lậu tại Việt Nam. Vậy mà vẫn mua, mua nhiều như thể “trả thù” cho những năm tháng quá ghiền mà không được thỏa mãn! Cho đến một ngày nọ…

NGHE NHẠC XEM PHIM HIỆN NAY

Thói quen mỗi lần xuất ngoại là mua CD nhạc và DVD phim tưởng sẽ không thể nào bỏ được, nhưng không ngờ, như nhiều bạn yêu nhạc khác, tôi cũng đến lúc chạm vào giây phút “lần cuối”. Như bố tôi từng ngưng mua đĩa vinyl, tôi cũng từng ngưng tậu băng cassette và băng VHS thì đến lúc tôi cũng không còn mua CD xịn nữa. Tháng Sáu 2007, tôi sang London, ghé vào một shop nhỏ mua đĩa Back to Black, album thứ hai và hay nhất trong sự nghiệp cầm ca ngắn ngủi của Amy Winehouse. Giá 35 bảng Anh, quá đắt nếu tính ra tiền Việt Nam nhưng không thể bỏ qua một diva soul và jazz quá độc đáo này (tiếc là cô ta đã qua đời năm 2011 khi mới 28 tuổi).

Thế rồi vì vài nguyên nhân rất đỗi bình thường trong đời mỗi người – tuổi càng lớn thì thú tiêu khiển cũng khác, chưa kể các con lớn dần và có thêm nhiều nhu cầu mà bố mẹ phải đáp ứng –  tôi không hề mua CD nhạc nào kể từ lần mua Back to black nữa. Mà dừng lại cũng hợp thôi, cho qua trọn một thời thật thú vị. Dù muốn dù không, thế giới cũng đã thay đổi. Chuỗi cửa hàng văn hóa phẩm Borders phải đóng cửa và chuỗi shop bán đĩa nhạc Tower Records thì dẹp tiệm từ năm 2005.

Walkman – một “biểu tượng” của một thời “giải trí di động” bắt đầu được khai sinh (Florian Schmetz/Unsplash)

Nhưng, như ABBA đã hát Thank you for the music hồi năm 1978 và nhóm rock Mỹ The Doobie Brothers cũng ca vang Listen to the music từ Hè 1972, tôi và nhiều “bạn trẻ mà không còn trẻ” chưa hề chán nghe “nhạc trẻ”. Chúng tôi chỉ chuyển qua công cụ thưởng thức phù hợp với thời đại hơn. Đó là YouTube, một “bục diễn mới”, một “sân khấu mới”, một “màn hình mới” xuất hiện năm 2005, tức hai năm trước ngày tôi chính thức bye bye đĩa nhạc CD.

YouTube cũng “bắc cầu” nối kết hai thế hệ, cụ thể là năm 1997 tôi nghe Sting hát bài Shape of my heart ghi trong CD Ten Summoner’s tales thì năm 2019 tôi đã ngạc nhiên khi biết con gái 15 tuổi của mình cũng rất thích bài này nhưng nghe từ YouTube phát qua smartphone! YouTube phổ biến đến mức Billboard cũng bắt đầu lập bảng xếp hạng những ca khúc được download nhiều nhất (Billboard theo dõi ca nhạc phát trên radio và công nghiệp đĩa vinyl từ Tháng Tám 1958). Bạn nào giờ còn giữ trong kệ đĩa CD American Idiot của Green Day chắc có thể nhớ rằng tuyệt tác Boulevard of broke dreams của nhóm rock alternative Mỹ này đã chiếm vị trí số một trên Digital Songs Chart với 36,000 downloads vào tuần lễ tính từ ngày 12 Tháng Hai 2005 và đoạt luôn giải Grammy 2006 giải Ghi âm của năm.

Những hình ảnh gợi lên ký ức một thời (Mick Haupt/Unsplash)

Không chỉ Billboard, những chuyên san âm nhạc cũng phải chuyển mình để theo kịp xu hướng thời đại. Cách đây không lâu, Rolling Stone, nguyệt san pop rock lâu đời nhất (phát hành lần đầu năm 1967), đã tung ra bảng xếp hạng Top 500 Ca khúc hay nhất mọi thời, có sửa đổi, bổ sung và cập nhật sau 17 năm. Cái độc đáo là danh sách này có trên website rollingstone.com chứ không chỉ trong bản in giấy như các ấn bản tôi từng sưu tập suốt hơn 20 năm (tuyệt tác Respect, sáng tác của Otis Redding và được nữ hoàng soul Aretha Franklin trình bày vào năm 1967 vẫn ngự trị ngôi đầu bảng). Và độc đáo nữa là nhờ có kỹ thuật download tân kỳ mà những bạn yêu nhạc thế hệ trẻ hiện nay vẫn có thể tìm nghe tất cả 500 bài ca tuyệt vời ấy.

NGHE NHẠC NGÀY MAI THẾ NÀO?

“Video killed radio star”, có thật vậy không? Suốt thời gian dài kể từ những năm 1930, radio là công cụ giải trí phổ biến nhất và hoàn toàn miễn phí. Nhưng rồi video, CD lan tỏa, bao vây thành lũy radio để rồi ngày nay nó chỉ còn là một phiên bản mờ nhạt của thời hoàng kim. “Sát thủ” vô hình mà kinh khủng nhất chính là kỹ thuật streaming của kỷ nguyên digital, chẳng hạn Spotify. Cách nay hai năm, nước Anh còn khoảng 48 triệu người trưởng thành (88% dân số trưởng thành) nghe trên 1 tỷ giờ phát thanh mỗi tuần. Nhưng phân tích kỹ ra thì radio Anh đang lâm nguy, không khác gì radio Mỹ, Pháp, Đức…

Ảnh: chuttersnap-unsplash

Theo Enders Analysis, vào năm 2010 có 840,000 thính giả lứa tuổi 15-24 đã chuyển hẳn sang nghe phát thanh digital, bỏ radio truyền thống; trong số khoảng 6.5 triệu thính giả còn nghe radio thì thời lượng đã giảm 29% trong khoảng thời gian 2010-2018.  Riêng thính giả BBC, thời lượng nghe radio nơi giới trẻ 15-24 tuổi đã giảm trên 40%! Chính BBC phải công nhận họ “mất khách” vì đã có những Spotify, Apple Music, Amazon Music, YouTube… Pop, rock, R&B, jazz hay classic…, Spotify có đủ hết, với hàng triệu ca khúc. Trung bình mỗi tháng phục vụ nhu cầu nghe nhạc của khoảng 300 triệu thính giả. Một kết quả đáng kinh ngạc khi nhớ rằng Spotify mới bắt đầu streaming từ năm 2008! Tại Mỹ, năm 2007 mới có 20% dân số nghe nhạc qua “radio online”; năm 2008 khi có thêm Spotify, tăng lên 21% nhưng đến năm 2019 thì đã vọt đến 67%.

Ngày xưa, tôi háo hức chờ đến những ngày cuối năm để nghe các đài phát thanh tổng kết những ca khúc được phát nhiều nhất trong năm, những đĩa bán chạy nhất; ngày nay con cháu tôi cũng thích thú làm như vậy nhưng là theo danh sách của Spotify. Ngày xưa tôi thích nghe những Madonna, Cindy Lauper, Barbra Streisand, The Eagles, Bee Gees… phát ra từ đĩa vinyl rồi CD; ngày nay con cháu tôi thích nghe Arina Grande, Beyonce, Dua Lipa, Olivia Rodrigo… qua Spotify, YouTube.

Năm 1980, không bao lâu trước ngày tan rã, trong bài ca vang vọng mọi mùa Giáng sinh và năm mới Happy New Year, ABBA hát gì thật buồn, khắc khoải nhỉ: “It’s the end of a decade in another ten years time, who can say what we’ll find, what lies waiting down the line in the end of eighty nine…”. Vâng, chuyện gì sẽ xảy ra trong 10 năm nữa, khi ấy chúng ta giải trí nghe nhạc xem phim thế nào cho đời đáng sống đây?

Kỹ thuật streaming đang tạo ra cuộc cách mạng dữ dội lột xác gần như hoàn toàn cách con người kỷ nguyên số sống và hưởng thụ (Omid Armin/Unsplash)

Tháng Chín 2021, bộ tứ ABBA Agnetha Fältskog, Björn Ulvaeus, Benny Andersson và Anni-Frid Lyngstad đã trở lại đầy đủ. Họ loan tin phát hành album mới Voyage vào ngày 5 Tháng Mười Một 2021. Phát hành ở dạng đĩa đơn như xưa? Không, các fan cũng download từ YouTube và các bệ phóng xã hội khác. Mùa Xuân 2022, ABBA sẽ có một show nhạc thuộc loại “cách mạng” tại London (dự kiến vào Tháng Năm 2022). Khán giả vẫn thấy thần tượng mình nhưng đó không phải là Agnetha, Benny, Björn và Anni-Frid bằng xương thịt già khụ xấu xí mà là những avatar sống động như thật – kỳ công của những phù thủy digital ở công ty Industrial Light Magic, nơi từng là cục cưng của đạo diễn tài danh George Lucas.

Rõ ràng ABBA đã tự trả lời cho thắc mắc cuối năm 1979 trong bài Happy New Year và đó cũng là một sự đổi mới trong cách nghe nhạc, xem phim của chúng ta sau này. Hồi năm 2013, ông John La Grou, CEO sáng lập viên công ty Millennia Music & Media Systems, từng dự báo: “Sự giao thoa giữa việc kiểm soát cử động và những cỗ máy đóng vai não bộ ở cấp độ cực kỳ tối tân sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách thức chúng ta ghi âm và nghe nhạc. Âm nhạc vào năm 2050 sẽ gần như hoàn toàn ảo và điện tử!”.

Tiếc là khi ấy tôi sẽ không còn sống để thưởng thức cái gọi là “virtual and mostly electronic” như John La Grou nói. Thôi thì giờ cứ ngâm nga “La musica c’est le vent et c’est l’orage en été, c’est aussi le soleil d’un nouveau jour” (Âm nhạc là gió, là cơn bão mùa hè, là nắng của một ngày mới) mà danh ca Thụy Sĩ Patrick Juvet từng rót vào tai hồi năm 1972, cách đây đúng nửa thế kỷ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: