Ngon như là trái táo chín

Share:

Ở Việt Nam ngày trước, một trong những bản tango được ưa chuộng bậc nhất đến từ nước Pháp. Đó là ca khúc “L’amour C’est Pour Rien” của Enrico Macias. Sự hấp dẫn của “L’amour C’est Pour Rien” có lẽ nằm ở sự giao hòa hoàn hảo bởi giai điệu nóng bỏng của Nam Mỹ, ca từ lãng mạn của Pháp và nền tảng nhạc lý cổ điển điêu luyện của một tác giả gốc Do Thái…

________________

Minh họa: dorien-monnens-unsplash

________________

Bản tango sầu mộng

Enrico Macias tên thật là Gaston Ghrenassia, sinh năm 1938 trong một gia đình Do Thái ở Constantine, Algeria – thời điểm mà nước này còn là thuộc địa của Pháp. Sylvain Ghrenassia, cha của ông, là nghệ sĩ vĩ cầm chơi nhạc malouf (loại nhạc của các dân tộc Bắc Phi như Algeria, Tunisia, Morocco…). Âm điệu độc đáo của loại nhạc này đã xuất hiện trong nhiều sáng tác của chính Gaston Ghrenassia sau này, khi cậu bắt đầu chơi cho dàn nhạc Cheikh Raymond Leyris từ năm 15 tuổi.

Yêu thích guitar và chơi nhiều năm trong dàn nhạc nhưng Gaston Ghrenassia có lúc lại theo đuổi sự nghiệp làm giáo viên. Năm 1961, cuộc chiến giành độc lập của Algeria lên cao trào, ảnh hưởng tới việc Gaston Ghrenassia phải rời Algeria và sống lưu vong tại Pháp cho tới bây giờ, với hơn nửa thế kỷ trôi qua, ông vẫn không được phép trở về cố hương.

Tới nước Pháp, Gaston Ghrenassia từ vùng ngoại ô Argenteuil đến Paris để theo đuổi sự nghiệp âm nhạc với việc trình diễn những ca khúc Ả rập/Bắc Phi (Arab-Andalusian) và Do Thái/Ả rập (Judeo-Arab) được dịch lời sang tiếng Pháp, rồi sau đó sáng tạo một thể loại ca khúc Pháp mới, dịch các bản malouf mình biết sang tiếng Pháp, biểu diễn tại các phòng trà và tiệm rượu. Người nghệ sĩ này được xem là cầu nối giữa âm nhạc Ả Rập – Andalusia, các ca khúc Do Thái – Ả Rập với nước Pháp, ở thời điểm đó.

Năm 1962, Gaston Ghrenassia được giới thiệu với ông Raymond Bernard, giám đốc hãng đĩa Pathé. Kết quả là đĩa single (45 vòng) đầu tay của chàng ca sĩ ra đời: Bản “Adieu Mon Pays” (tạm dịch “Vĩnh biệt quê hương”), sáng tác năm 1961 trên chuyến tàu biệt xứ như một sự tưởng nhớ tới Algeria thân yêu. Ông xuất hiện trên truyền hình Pháp và trở thành ngôi sao sau một đêm ở tuổi 24. Điều này dẫn tới chuyến lưu diễn đầu tiên vào năm 1963. Cùng với đĩa nhạc này, Gaston Ghrenassia chính thức sử dụng nghệ danh Enrico Macias.

Enrico Macias, thập niên 1960 (ảnh: Jean MAINBOURG/Gamma-Rapho via Getty Images)

Enrico Macias nổi tiếng trên khắp thế giới kể từ đầu thập niên 1960, và đã đi lưu diễn khắp các châu lục trong hơn 50 năm sự nghiệp. Mùa xuân năm 1964, ông thực hiện chuyến lưu diễn thành công rực rỡ tại Trung Đông, Israel, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ – nơi nhiều bài hát của ông đã được các nghệ sĩ Thổ Nhĩ Kỳ chuyển ngữ.

Chính trong giai đoạn đầu thăng hoa của sự nghiệp – sẽ phát triển rất rộng về nhiều mặt sau này – ông đã sáng tác “L’amour C’est Pour Rien”, một ca khúc mang âm hưởng tango, vốn không phải sở trường của ông. Năm 1966, ông trình diễn trước 120,000 khán giả tại Dinamo Stadium ở Moscow và hơn 40 thành phố của nước Nga. Ông còn có một tour diễn ở Nhật Bản và ghi âm một số các bài hát bằng tiếng Tây Ban Nha và Ý rất nổi tiếng ở hai quốc gia này.

Tại Hoa Kỳ, buổi ra mắt lần đầu của ông ở Carnegie Hall ngày 17 Tháng Hai 1968 ngay lập tức bán hết vé. Ông lưu diễn khắp các thành phố lớn như Chicago, Dallas, Los Angeles… Tại Quebec (Canada), ông được đón nhận nồng nhiệt với tư cách một nghệ sĩ hát tiếng Pháp. Với một tài năng thiên phú đặc biệt, ông hát được nhiều ngôn ngữ khác nhau: Ý, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Anh, Armenia, Arabic…

Nét độc đáo đã làm cho Enrico Macias nổi tiếng là chất giọng đặc trưng của miền Địa Trung Hải. Trên sân khấu, dù có thể hình to lớn như một vận động viên thể thao, nhưng mái tóc xù lãng tử, đôi mày rậm và cặp mắt sâu đặc trưng của những chàng trai gốc Bắc Phi, ông luôn hút hồn người xem, ngay từ khi chỉ mới bước ra sân khấu và chưa hát câu nào!

Năm 1971, ông trở về trình diễn tại Paris Olympia, sau đó đến Royal Albert Hall ở London, rồi trở lại Nhật Bản, Canada, Ý và Tây Ban Nha. Năm 1974, ông trình diễn 10 show ở Uris Theater trên sân khấu Broadway. Ông cũng trình diễn một tour ở Pháp và hai tour ở Israel năm 1976 và năm 1978.

Enrico Macias trong một buổi diễn tại Paris năm 1976 (ảnh: Laurent MAOUS/Gamma-Rapho via Getty Images)

Năm nay tuy đã 85 tuổi, với nụ cười hiền lành và mái tóc bạc phơ, nam danh ca Enrico Macias dường như vẫn chưa tính đến chuyện xa rời sàn diễn. Sau đợt trình diễn hồi đầu Tháng Tư 2022 tại nhà hát Olympia ở Paris, ông tham gia các liên hoan ca nhạc (vào Tháng Năm năm đó) ở miền Nam nước Pháp, và biểu diễn tại khu nghỉ mát ven biển La Grande Motte cũng như tại thành phố Marseille. Năm 2022 cũng đánh dấu đúng 60 năm sự nghiệp ca hát lừng danh khó ai có được của Enrico Macias!

Sự nghiệp sáng tác và trình diễn của Enrico trải dài trên sáu thập niên với “gia tài” gần 500 ca khúc, 35 album và hơn 60 triệu đĩa nhạc được bán ra trên toàn thế giới. Có thể nói Enrico Macias – ngoài tài soạn giai điệu, ông còn học thêm cách phối hợp nhạc khí để tạo thêm trong âm sắc bài ca, nét ấm áp đậm đà, chất mượt mà thiết tha. Điều còn làm ông luyến tiếc nhất có lẽ là cho tới nay ông vẫn chưa thực hiện được ước mơ ấp ủ trong nhiều năm, đó là trở lại biểu diễn ở nguyên quán Constantine trước khi từ giã cõi đời.

Phút ngẫu hứng của ca khúc vượt thời gian

Xin được nói thêm một chút về tango, vốn là một điệu nhảy đôi được sinh ra giữa khu vực cảng nghèo khó, nơi là đất sống của con cháu người châu Phi, có từ năm 1880 tại Rio de la Plata, biên giới giữa Argentina và Uruguay. Đầu thế kỷ 20, các vũ công và dàn nhạc ở thủ đô Buenos Aires của Argentina đã làm nên cơn sốt tango ở Paris, London, Berlin và nhiều nơi khác trên thế giới.

Nó là sự kết hợp của nhiều nền văn hóa – châu Phi, Mỹ bản địa, châu Âu – tạo nên sự mới mẻ và khác thường và giúp ra đời phong trào sáng tác nhạc khiêu vũ. Nhiều ca khúc tiếng Ý, tiếng Pháp hay Tây Ban Nha trở nên ăn khách qua điệu tango. Trường hợp của hai bài “Chitarra Romana” (tạm dịch “Khúc Đàn Buồn”) và “L’amour C’est Pour Rien” là một minh chứng.

Nhạc phẩm “Chitarra Romana” (tựa tiếng Anh là “Roman Guitar”) của tác giả Eldo di Lazzaro (1902-1968) ra đời vào năm 1934. Ba thập niên sau, một bài tango nổi tiếng khác, được viết bằng tiếng Pháp, xuất hiện năm 1964. Đó là nhạc phẩm “L’amour C’est Pour Rien”, rất quen thuộc với người Việt sau khi được nhạc sĩ Phạm Duy chuyển ngữ thành “Tình Cho Không” mà nhiều người có khi gọi là “Tình Cho Không Biếu Không”.

Bài tango này do Enrico Macias soạn nhạc và được Pascal René Blanc đặt lời, chứ không phải Jacques Demarny như theo một số nguồn ghi chú, cho dù Jacques Demarny đã viết lời cho gần 150 ca khúc của Enrico Macias. Những ai theo dõi hoạt động nghệ thuật từ những ngày đầu của Enrico Macias đều thường thắc mắc rằng điều gì đã thúc đẩy Enrico Macias viết một bản tango trong khi thể điệu này không phải là sở trường của ông, vốn đã có các bản bolero nức tiếng như “Beyrouth”, “Le Voyage”, “La Nuit Mexicaine” hay “Solenzara” (có tựa tiếng Việt là “Nắng Xuân”)…

Khi sáng tác “L’amour C’est Pour Rien”, Enrico Macias ngẫu hứng ôm đàn soạn ra giai điệu trong vòng chưa đầy một tiếng đồng hồ. Phần nhạc đã hay nhưng cũng phải nói rằng, Pascal René Blanc đã góp phần không nhỏ cho thành công của “L’amour C’est Pour Rien” với ca từ tràn trề tình yêu và triết lý đúng chất Pháp với những câu: “Tình yêu là để cho không/ Em không thể đem bán/ Em không thể tìm mua/ Nhưng em có thể cho đi”.

Enrico Macias trong một buổi diễn tại Paris năm 2019 (ảnh: Bertrand Rindoff Petroff/Getty Images)

Tình Cho Không Biếu Không

“L’amour C’est Pour Rien” tuy không nằm trong số ca khúc đình đám nhất của Enrico Macias nhưng rất nổi tiếng ở Việt Nam qua bản lời Việt “Tình Cho Không” của nhạc sĩ Phạm Duy, được đặt lời vào đầu thập niên 1970 và từng làm rung động nhiều trái tim yêu nhạc ở “hòn ngọc Viễn Đông” thời đó. Rất nhiều ca sĩ Việt Nam đã thể hiện bản lời Việt này, theo nhiều phong cách khác nhau, như Thanh Lan và đặc biệt Elvis Phương…

Khác với nhiều ca khúc dịch trung thành với bản nước ngoài, “Tình Cho Không” của Phạm Duy được chuyển ngữ bay bổng, ca từ giàu hình ảnh liên tưởng, giàu tính thơ và rất gần gũi với người Việt như: “Tình là bãi khô cần mưa/ Diều chờ gió cong ngoài trời/ Đêm khuya mong sáng yên vui”.

Có một chi tiết đáng lưu ý: Bản tiếng Anh dịch từ nguyên gốc tiếng Pháp xem ra có vẻ đơn giản hơn những gì ta biết rất nhiều, và bản lời Việt thì nghe “thơ mộng” hơn bản tiếng Anh. Điều ấy có thể thấy được ngay từ câu “like a salamander”, thay vì sát nghĩa là “trơn như là con kỳ nhông”, thì nhạc sĩ Phạm Duy đã nhẹ nhàng thơ mộng hóa bằng “ngon như là trái táo chín”. Thật là thần kỳ! Hai câu xuất sắc nữa là “khi em mơ niềm yêu dấu, em run như làn tơ liễu”.

Những năm 1973-1974 khi phong trào nhạc Mỹ, Pháp với lời Việt thịnh hành, những ca sĩ từng theo học trường Pháp như Evis Phương, Paolo… đã hát rất thành công loại nhạc này. Ðó là loại nhạc pop dễ hát, dễ hiểu, được phổ biến nhiều trong giới học sinh, sinh viên, là loại tình ca có hơi hướng ướt át, nghe một lần có thể thuộc.

“L’amour C’est Pour Rien” đã ra đời được hơn nửa thế kỷ. Dù nhiều dòng nhạc mới nổi lên và bản thân tango cũng có nhiều biến chuyển khác với thuở sơ khai, thế nhưng “L’amour C’est Pour Rien” vẫn vượt qua bao thử thách của thời gian để đâu đó người ta vẫn còn nghe, với tâm trạng dạt dào ký ức…

Minh họa: pexels-markus-spiske

________________

Tình Cho Không”

–Lời Việt: Phạm Duy–

Ngon như là trái táo chín
Thơm như vườn hoa kín
Mong manh như dây tơ chìm
Nhẹ êm như là mây tím.
Tình là rất cao mù khơi
Tình là thấp như biển vơi
Tình tỏa khắp, khắp cuộc đời
Đi bao la khắp nơi nơi

Tình cho không, biếu không
Ân tình ai cũng cho được nhiều.
Tình cho không, biếu không
Chớ nên mua bán tình yêu

Khi em mơ niềm yêu dấu
Em run như là tơ liễu
Khi con tim em xoay động
Và tình yêu vừa lên tiếng
Tình cần có hai lời ca
Tình là bãi khô cần mưa
Diều chờ gió dong ngoài trời
Đêm khuya mong sáng yên vui

Ta yêu nhau là mong nhớ
Không băn khoăn hoặc suy nghĩ
Như say mê như hi vọng
Tình yêu như là may mắn.
Tình là mắt ta vừa che
Tình là biết yêu người xa
Người tình vẫn nhớ mong dù
Ta không quen biết bao giờ

Tình cho không, biếu không
Ân tình ai cũng cho được nhiều.
Tình cho không, biếu không
Chớ nên mua bán tình yêu.
Tình cho không không thiếu
Không bán mua tình yêu!

_______________________

“Tình cho không” qua giọng ca Elvis Phương

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: